16/04/2018 13:04
Học công nghệ về trồng cây
Nước da rám nắng cộng thêm những sợi tóc bạc lấm tấm khiến Nguyễn Xuân Trường ở làng Kênh, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy già dặn hơn so với tuổi 28. Không già hơn sao được khi hàng ngày, Trường phải tất bật với kế hoạch cải tạo, xây dựng vườn cây ăn trái sạch hơn chục héc ta.
Hẹn mãi, Trường mới tranh thủ dành vài chục phút để gặp, trò chuyện. Ly cà phê phút chốc bị xoay quanh bởi những tính toán, suy nghĩ: Mình không sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh cho vườn cây ăn trái. Hiện mình đang đi tìm nguồn cá tạp về ủ làm phân bón, hướng tới tự làm phân vi sinh để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
|
Năm 2013, khi chưa tốt nghiệp ngành Khoa học và Công nghệ Nano, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đã được các công ty nước ngoài nhận vào làm với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đầu năm 2015, chàng trai 9x quyết tâm rẽ hướng, về quê trồng cây.
“Hồi đó, ba mẹ ngăn cản lắm, vì từ nhỏ, mình chưa làm nông, chưa chịu khổ bao giờ và ngành mình học không liên quan nhiều đến nông nghiệp. Mình phải phân tích, kiến thức đại học giúp mình rất nhiều trong quá trình sử dụng các loại máy móc, thiết bị, áp dụng vào việc trồng cây. Để ba mẹ yên tâm và hơn nữa để tỉ lệ rủi ro khi thực hiện nằm ở tiệm cận, mình tự nghiên cứu, học thêm kiến thức ở trên mạng, sách báo, tìm hiểu kỹ về các loại cây trồng… Mãi đến mấy tháng sau, khi chứng minh có thể làm được, ba mẹ mới đồng ý” – Trường kể.
Tìm hiểu kỹ, cậu bạn đặt niềm tin vào cây có múi, bởi theo cậu, loại cây này sinh trưởng lâu nhưng thời gian thu hoạch dài hơn, giống cây lại bền. Sau khi cải tạo 5ha đất, được bố mẹ vay vốn hộ, một mình Trường vào tận Bến Tre nhập hơn 4.000 cây giống: cam, quýt, bưởi, mít, ổi không hạt, sầu riêng, chôm chôm, nhãn… (khoảng 200 triệu) về trồng.
“Thời điểm xuống giống, trúng ngay đợt hạn hán nặng. Khi đó dù đã múc 3 ao nhưng hệ thống tưới chưa hoàn thiện nên mình cũng điêu đứng. Vài chục cây giống chết héo khiến mình hoang mang. Bình tĩnh, mình tập trung kéo điện 3 pha ra tưới mới cứu sống được vườn cây” – Trường kể.
Kinh nghiệm hạn chế, bước đầu, Trường chưa xử lý kịp các loại dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến cây trồng. Thời gian đó, bị khủng hoảng, mất ngủ hàng đêm vì lo, vì suy nghĩ, Trường muốn bỏ tất cả. Nhưng rồi suy nghĩ, nhớ lại lý do bắt đầu, cậu bạn càng thêm quyết tâm.
“Để cứu cây giống, 1 năm đầu mình phải dùng thuốc hóa học bảo vệ thực vật. Sau này, kinh nghiệm được tích lũy dần và 2 năm trở lại đây, mình không dùng thêm giọt thuốc hóa học nào”- Trường chia sẻ.
Được chăm sóc kỹ càng, năm nay, vườn cây bắt đầu cho trái bói. Vừa qua, thu ổi không hạt, với giá bán 35 ngàn đồng/kg, chàng trai trẻ thu về 30 triệu đồng. Trường cho biết, hiện rất nhiều người hỏi mua nhưng chưa có trái cây bán. Sang năm, khi cây cho quả ổn định, chất lượng, sẽ làm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, khẳng định thương hiệu và cố định thị trường lẻ.
Không dừng lại ở diện tích 5ha, vừa rồi, khi thấy đủ kinh nghiệm, đủ kiên trì, đủ sức gắn bó với nghề nông, Trường đã mua thêm 10ha đất để mở rộng. 2 tháng nữa, Trường sẽ trồng sầu riêng Musang king; chôm chôm Thái, nhãn, bưởi… Và cũng trong thời gian đến, cậu bạn dự định sẽ làm vườn ươm lâm nghiệp, liên kết với các hộ dân trồng rừng sản xuất.
Đặc biệt, để phát huy hết hiệu quả các loại quả đem lại, cậu bạn còn mày mò, tự tạo hình trên quả bưởi, đu đủ. Trong Tết Nguyên đán năm 2018, Trường tung ra thị trường quả đu đủ có tạo hình chữ, hình ông phật… “Không ai đánh thuế cho sự sáng tạo, mình cứ làm, cứ thử nghiệm, được thì thành công, không thì cũng có thêm bài học kinh nghiệm” - Trường bày tỏ.
“Ở ẩn” làm trang trại
Nhiều người ở xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà vẫn trêu chọc chàng trai Nguyễn Hữu Anh, thôn Bình Minh là người ở ẩn. Bởi, Hữu Anh từ bỏ một công việc ổn định tại Viện Sinh học nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh về vô rẫy, ở một mình làm trang trại.
Căn nhà tạm bợ giữa rẫy cách trung tâm xã tầm 3km là nơi ở của Hữu Anh. Hằng ngày, cậu bạn 29 tuổi ở đây, chăm cây, lên ý tưởng xây dựng mô hình vườn – ao – chuồng. “Có người nói mình là gàn dở nhưng mình không quan tâm. Mình đam mê, mình ở đây, tận tình chăm cây, canh giữ thì mới thực hiện được ý tưởng” – Hữu Anh cười giòn.
Từ nhỏ, Hữu Anh đã đam mê trồng trọt. Tốt nghiệp 12, cậu bạn đăng ký và thi đậu vào ngành Kỹ sư nông học, Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Sau 4 năm trau dồi kiến thức trên giảng đường, Hữu Anh ra trường, đi làm, tích lũy kinh nghiệm, đến năm 2017, về nhà làm trang trại.
|
Từ diện tích hơn 9ha của ba mẹ đã được trồng cà phê, cao su, Hữu Anh cải tạo, tái canh, chăm sóc lại vườn cà phê. Năm 2017, cậu dùng vốn tích lũy, làm chuồng nuôi 100 con heo nái và nuôi thử nghiệm khoảng vài trăm con gà, vịt.
Năm đó, vì giá heo xuống thấp đỉnh điểm, sau quá trình chăn nuôi, chưa tính công, tiền bán heo chỉ đủ vốn bỏ ra. “Thời gian đầu làm thử nghiệm, tham khảo thị trường, tìm hiểu tình hình bệnh tật, thu được như vậy là thành công rồi. Năm nay, khi có nguồn cung, thị trường ổn định, mình sẽ làm thêm 1 chuồng nữa và nuôi khoảng 100 con heo thịt; quây vườn, thả khoảng 500 con gà đồi”- Hữu Anh chia sẻ.
Vừa chuẩn bị xây chuồng, vừa chăm cà phê, cao su, Hữu Anh còn đi mua giống cây ăn quả: sầu riêng, bơ, mít thái… trồng xen vào đám cà phê đang tái canh. Đồng thời, cậu bạn còn cải tạo lại ao, thả cá để lấy ngắn nuôi dài.
Chia sẻ với chúng tôi, Hữu Anh nói rằng, hiện tại, trong đầu của cậu đã vạch ra nhiều kế hoạch, ý tưởng. Tuy nhiên, cậu thực hiện mọi việc một cách từ từ, chậm mà chắc. “Làm đến đâu phải hiệu quả đến đó. Hơn nữa, mọi việc làm còn phụ thuộc vào nguồn vốn. Mình phải trồng cây, nuôi con ngắn ngày để có vốn nuôi những cây, con dài ngày. Làm việc gì cũng khó khăn, vất vả, nhưng phải cố gắng mới thành” – Hữu Anh chia sẻ.
Trưa nắng, Nguyễn Hữu Anh vẫn lọ mọ, chăm cây trong vườn. Trên khuôn mặt rám nắng, ánh mắt Hữu Anh ngời lên vẻ rạng rỡ khi nói về công việc của mình: Mình không hối tiếc khi bỏ việc về làm nông. Mình đam mê, dám đặt ra kế hoạch, thực hiện ý tưởng yêu thích, tự tạo công việc cho bản thân. Với mình, vậy là thành công rồi.
Bình An