Kon Plông mở lối phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Kỳ III - Tháo gỡ khó khăn để phát triển

07/10/2018 07:05

Cũng như bất kì sự khởi đầu nào, đi cùng những lợi thế, tiềm năng, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại huyện Kon Plông còn gặp không ít những khó khăn, thách thức. Để quãng đường từ chủ trương đúng đắn đến hành động thiết thực và hiệu quả trong thực tiễn trở nên ngắn lại, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị tư duy và hành động.

Nhiều khó khăn

Nghị quyết dẫn đường đã có, Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng đã đưa ra mục tiêu, định hướng và hàng loạt các chính sách ưu đãi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh (trong đó có huyện Kon Plông) cộng với những lợi thế riêng có đã trở thành những điều kiện cần để đặt nền móng cho việc xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao của huyện Kon Plông.

Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan, dù được đánh giá là địa phương tiên phong mở lối, nhưng sự thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ, nguồn vốn, tiêu thụ sản phẩm, diện tích đất… nên quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Kon Plông vẫn còn gập ghềnh những gian khó.

Các doanh nghiệp, hộ cá nhân gặp khó khăn về nguồn vốn trong quá trình đầu tư, phát triển bền vững. Ảnh: H.T

 

Theo ông Phạm Thanh – Phó trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ở Kon Plông thường gặp ba khó khăn. Thứ nhất là khó về nguồn vốn, vì phát triển nông nghiệp công nghệ cao yêu cầu nguồn vốn rất lớn. Thứ hai là nguồn nhân lực, công nhân, nhà quản lý phải đổi mới suy nghĩ cũng như cách làm việc, việc vận hành máy móc, các trang thiết bị, cũng như hiểu biết về sinh lý cây trồng trong việc ứng dụng nông nghiệp thông minh. Thứ ba là về mặt tiêu thụ sản phẩm cũng như liên kết các doanh nghiệp, các đầu mối tiêu thụ sản phẩm phải có sự liên kết thì nông nghiệp công nghệ cao  mới phát triển được.

Nói về nguồn vốn, thực tế Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng các doanh nghiệp lại khó tiếp cận (vì vướng các tiêu chí mà các ngân hàng đưa ra). Đại diện một doanh nghiệp (xin được giấu tên) thẳng thắn: Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn quy định rõ và chi tiết về mức hỗ trợ, như “hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu tạo ra công nghệ mới do doanh nghiệp chủ trì thực hiện” nhưng khi làm việc với các ngân hàng thì hàng loạt các điều kiện đi kèm nên rất khó vay. Chúng tôi vẫn nói vui với nhau là các doanh nghiệp như những chú gà đi quanh số thóc (vốn) nằm trong chai thủy tinh… để ngắm mà thôi. 

  Cùng với nguồn vốn thì mặc dù thời gian qua, Kon Plông đã thu hút được nguồn nhân lực có trình độ nhưng trên thực tế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì còn chưa đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng. Điều này khiến những doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp ở Kon Plông băn khoăn.

Như Hợp tác xã Rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen, sau 6 năm bám thị trường, hiện tại có nhu cầu phát triển diện tích trồng rau an toàn. Các trang thiết bị đã được đầu tư đồng bộ, tuy nhiên về đội ngũ vận hành, bảo quản những thiết bị này còn là điều khiến đơn vị băn khoăn.

Ông Nguyễn Văn Ban – Chủ nhiệm Hợp tác xã Rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen cho rằng, số công nhân hiểu và nắm bắt công nghệ còn ít. Chẳng hạn như những sản phẩm tưới nhỏ giọt, sau thời gian sẽ có những hỏng hóc cần sửa chữa nhưng công nhân lại thiếu giám sát, không hiểu để khắc phục kịp thời. Hơn nữa, công nhân, đặc biệt công nhân dân tộc thiểu số tính kỷ luật trong công việc chưa cao nên khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ thiếu đi sự đồng bộ.

Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp, đặc biệt những người mới bắt tay vào khởi nghiệp, có nhu cầu về quỹ đất rất cao. Anh Ngọc – Giám đốc Công ty TNHH Moai Măng Đen chuyên sản xuất về rau rừng cho rằng, công ty anh hiện tại đang canh tác trên 6 sào đất. Thị trường ở các tỉnh về rau rừng rất lớn, anh muốn mở rộng diện tích nhưng rất khó tìm nguồn đất.

Xây dựng thương hiệu

Những khó khăn trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện đã nhận thấy và đang từng bước tháo gỡ - ông Lê Đức Tín – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết.

Cũng theo ông Tín, điều đáng mừng là sau nhiều nỗ lực, mới đây Cục Sở hữu trí tuệ đã thẩm định, ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ của 22 sản phẩm nông nghiệp của huyện Kon Plông và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

Làm nông nghiệp công nghệ cao yêu cầu nguồn nhân lực nhanh nhạy, có trí thức. Ảnh: H.T

 

Các sản phẩm đã được đăng ký gồm: rượu cần Măng Đen, Măng nứa Kon Plông, Mật ong rừng Măng Bút, Sơn tra Măng Bút, Gạo lứt Măng Bút, Cốt toái bổ Măng Đen, Cà phê xứ lạnh Măng Đen, Chè dây Măng Đen, Sâm dây Măng Đen, Quả chuối rừng Măng Đen, Sâm đương quy Măng Đen, Heo làng Măng Đen, Giun quế Măng Đen, Gà làng Măng Đen, Củ xứ lạnh Măng Đen, Quả xứ lạnh Măng Đen, Cá tầm Măng Đen, Rượu gạo đỏ Măng Đen, Nấm xứ lạnh Măng Đen, Tiêu rừng Măng Đen, Trái cây xứ lạnh Măng Đen và Rau xứ lạnh Măng Đen.

“Việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản sẽ là cơ sở để sản phẩm được pháp luật bảo hộ. Hơn nữa qua việc đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm được quảng bá, giới thiệu,  tạo điều kiện cho nông sản dễ dàng mở rộng thị trường, đồng thời tạo ra mối liên kết trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, nhất là các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm an toàn. Huyện đang tiếp tục chuẩn bị hồ sơ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ: tờ khai, mẫu nhãn hiệu, danh mục cho một số sản phẩm nông sản khác nữa, nếu được công nhận, dự kiến sản phẩm được Cục sở hữu trí tuệ chấp nhận lên 53 sản phẩm…” – ông Tín cho biết.

Bên cạnh đó, huyện còn thiết kế logo chung cho các sản phẩm “Rau hoa xứ lạnh Măng Đen” như một dấu hiệu nhận biết tất cả các sản phẩm của huyện.

Cùng với việc xây dựng thương hiệu, huyện Kon Plông cũng chú trọng gỡ khó về nguồn vốn. Qua các cuộc họp do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại địa phương cũng như các cuộc họp do huyện tổ chức, vấn đề tháo gỡ đã được địa phương đặt ra. Đồng thời, với những doanh nghiệp, hợp tác xã vướng thủ tục hồ sơ pháp lý cho vay (hồ sơ quy hoạch, thuyết minh dự án…), đều có hướng dẫn cụ thể. Huyện cũng tiến hành rà soát các danh mục dự án ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp đưa vào danh mục đầu tư trung hạn và đăng ký vốn với UBND tỉnh để có cơ sở thực hiện. Hàng năm, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư, hỗ trợ như: Nguồn vốn sự nghiệp kinh tế; sự nghiệp khoa học và công nghệ; nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển; nguồn hợp tác quốc tế, vốn từ nguồn đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân…

Cùng với nguồn vốn, về đất đai, Chính phủ đã có quy định không được khai thác rừng trồng sản xuất nên việc mở rộng quỹ đất để thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn lên 3.000ha gặp khó khăn. Để giải quyết cho các doanh nghiệp có nhu cầu, huyện rà soát lại toàn bộ diện tích đất đã quy hoạch phát triển nông nghiệp và dự kiến các vùng có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2016-2020). Cùng với việc rà soát, kiên quyết thu hồi diện tích đất đã giới thiệu nhưng nhà đầu tư không triển khai thực hiện, huyện rà soát diện tích đất để phát triển cánh đồng lớn, tiến tới dồn đổi, tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đối với khó khăn về nguồn nhân lực, huyện khuyến khích các doanh nghiệp kêu gọi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ cao về lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu về nông, lâm nghiệp và thủy sản. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm phát triển, nhân ra diện rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả bền vững.

Cùng với hàng loạt khó khăn như đã nêu, lại đặt trong tương quan với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, đặc biệt như ở tỉnh Lâm Đồng (mà nhiều người vẫn hay ví von Kon Plông là Đà Lạt thứ hai vì có những nét tương đồng) thì nông nghiệp công nghệ cao của Kon Plông chúng ta vẫn là “sinh sau đẻ muộn”.

Vẫn biết còn những khó khăn, thách thức, nhưng, với những gì đang hiện diện, những gì mà Kon Plông đang nỗ lực, những doanh nghiệp, cá nhân, những người dân Kon Plông có cơ sở để nuôi lớn niềm tin về một ngày mai tươi sáng.

Liễu Hạnh – Hoài Tiến

Chuyên mục khác