05/10/2018 13:30
Con số: Hơn 50.600m2 nhà lồng, nhà kính… ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất; có 2 cơ sở sản xuất giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô, mỗi năm xuất bán hàng trăm nghìn cây giống các loại; hơn 60 dự án đầu tư vào nông nghiệp; nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu sang nước ngoài, đưa vào hệ thống siêu thị… đã cho thấy Kon Plông có những bước đi ấn tượng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ứng dụng nuôi cấy mô
Chúng tôi theo chân ông Phạm Thanh - Phó trưởng Ban Quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao vào phòng thí nghiệm nuôi cấy mô. Những cây giống trong từng bì ni lông, từng chai thủy tinh trong suốt được đặt ngay ngắn trên các kệ.
Các loại cây mà đơn vị nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô như lan kim tuyến, đương quy, ba kích… đều thuộc diện quý hiếm, giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ trên thị trường và phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.
“Những cây nhân giống bằng con đường tự nhiên (hữu tính) hạn chế thì chúng tôi mới nhân rộng bằng nuôi cấy mô. Ưu điểm của nuôi cấy mô rất hiệu quả với hệ số nhân giống cao, cây giống tạo ra hoàn toàn sạch bệnh, tỷ lệ sống cao. Đặc biệt, độ đồng đều cao, ổn định về tính di truyền và có thể sản xuất ở quy mô lớn” – ông Thanh nói.
Với những ưu điểm vượt trội nên dù mức giá cao hơn so với các giống thông thường cùng loại nhưng các giống cây mà đơn vị sản xuất ra đến đâu được các doanh nghiệp, cá nhân mua ngay đến đó.
“Như năm nay, Trung tâm nhân giống 130 nghìn cây sâm đương quy thì nay đã xuất bán hơn 100 nghìn cây với giá 100 nghìn đồng/cây. Rồi, lan kim tuyến, năm nào cũng nhân giống. Hay như giống chuối, Trung tâm cũng nhân giống nhiều loại như chuối Thái, chuối đỏ, chuối laba… với giá bán 10-15 nghìn đồng/cây và đã có doanh nghiệp mua nhiều, gần 100 nghìn cây về trồng” – ông Thanh nói.
Không chỉ Trung tâm Nghiên cứu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ở Kon Plông còn có Công ty TNHH Nông nghiệp và Dược liệu Đức Long sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Chị Đoàn Thị Ánh Tuyết - nhân viên Công ty cho biết, mỗi năm, từ phòng thí nghiệm nuôi cấy mô rộng khoảng 100m2 này, Công ty đã xuất ra thị trường hơn 100 nghìn cây giống các loại. Các loại cây mà Công ty nuôi cấy chủ yếu là: lan kim tuyến, hà thủ ô đỏ, dâu tây, ba kích và một số loài lan…
“Cây giống làm ra bao nhiêu, Công ty xuất bán bấy nhiêu. Ngoài bán cho các công ty, cá nhân trên địa bàn huyện, Công ty còn xuất bán về Tây Giang (Quảng Nam)” – chị Tuyết nói.
|
Nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp bắt đầu từ việc sản xuất những cây giống chất lượng, huyện Kon Plông đã chú trọng vào việc ứng dụng nuôi cấy mô, xem đây là chìa khóa xây dựng nền nông nghiệp thông minh.
Và thực tế, từ những cây giống được sản xuất bằng phương pháp này, huyện không chỉ bảo tồn được nguồn gen các loại cây quý hiếm mà còn nâng cao được năng suất, chất lượng cây trồng ngay từ bước khởi đầu, giúp người dân tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, đa dạng hóa cây trồng.
Giảm nhân công, tăng năng suất
Bước vào khu nhà màng trồng các loại rau xà lách, cải… chẳng riêng chúng tôi, các anh, chị trong đoàn công tác của HĐND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đến thăm, ai nấy đều trầm trồ. Trên từng khay đặt ngay ngắn, bao phủ nhà màng là một màu xanh dịu mát, mơn mởn của các loại rau.
Để chăm sóc gần 3.000m2 rau các loại trong nhà màng, hôm ấy, ngoài anh Cường, chỉ có thêm một nhân viên đang đặt các cây giống vào khay. Chị Trần Thị Phương Dâng nói, công việc của chị chủ yếu khi gieo hạt, đưa cây vào các khay. Sau công đoạn này, trong thời gian cây phát triển, chủ yếu nhặt lá, theo dõi quá trình sinh trưởng và chờ đến ngày thu hoạch.
“Tất cả là nhờ 4.0 cả chị à” - anh Lê Cường - Phụ trách nuôi trồng trang trại của công ty TNHH Việt Sáng- ViFarm cho biết.
Theo anh Cường, tất cả các công đoạn đều được tự động. Hệ thống cảm biến (AUT) kết nối với máy tính, điện thoại thông minh sẽ đo được nồng độ dinh dưỡng trong đất, ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ… trong nhà màng. Tùy từng loại cây, tùy vào từng giai đoạn sinh trưởng của cây mà công nhân điều khiển qua thiết bị. Ví dụ nếu thiết bị đo độ ẩm cao, sẽ điều chỉnh hạ màn cửa sổ xuống; nếu ánh sáng nhiều, sẽ khởi động hệ thống cắt nắng…
Công nghệ hỗ trợ nên các loài cây luôn ở trong điều kiện lý tưởng, sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh, giá trị dinh dưỡng của rau khi thu hoạch đạt ở mức cao nhất.
“Nên, dù mức giá khá cao, có những loại như xà lách với giá 80 nghìn đồng/kg… nhưng cũng không có đủ bán. Và hiện tại, có công ty ở Nhật Bản đang đặt hàng xà lách xoong với khối lượng lớn, chúng em đang tập trung sản xuất để đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu” – anh Cường nói.
Không chỉ vậy, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn tiết kiệm được nhân công. Anh Cường cho hay: Với diện tích 3.000m2 như nhà màng của chúng em, chỉ cần 2-3 nhân công làm các công đoạn gieo hạt, thu hoạch, dọn cây…, giảm tới 2/3 số lao động so với cùng trên một đơn vị diện tích nếu không ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, Hợp tác xã Rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen đã đón đầu, áp dụng việc trồng hoa trong nhà lồng và sử dụng phương pháp tưới phun sương thay cho phương pháp tưới thông thường.
Qua 6 năm, gian khó xen lẫn ngọt bùi, Hợp tác xã khẳng định ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng đắn và mang tính chiến lược, không chỉ tiết kiệm được chi phí thuê nhân công chăm sóc 10.000m2 hoa, cây cảnh mà còn nâng cao năng suất cây trồng.
“Đất Kon Plông tốt lắm, trồng cây gì cũng dễ phát triển, đặc biệt là các loại rau hoa xứ lạnh. Đã thế, chúng tôi còn chú trọng áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nên năng suất, chất lượng cao hơn hẳn. Chẳng hạn như, về đất, áp dụng các chế phẩm sinh học, các dạng sinh học hữu cơ thì đất sẽ chuẩn hơn, năng suất cây, sức kháng bệnh tốt hơn. Còn nếu như tưới thông thường thời gian sẽ nhiều hơn, tưới nhỏ giọt sẽ đỡ tốn thời gian hơn và hạn chế sự lây lan của sâu bệnh, giữ độ ẩm của đất để cây phát triển tốt hơn, năng suất chất lượng của rau hoa tốt hơn. Cũng nhờ đó mà thương hiệu rau hoa Măng Đen dần khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh" - ông Nguyễn Văn Ban - Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết.
|
Không riêng Hợp tác xã Rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen, Công ty TNHH Nông nghiệp và Dược liệu Đức Long, Công ty TNHH Việt Sáng- Vifarm, mà còn nhiều, rất nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình khác đã, đang tiên phong và có những bước đi táo bạo trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Và, chính nhờ sự tiên phong ấy của các doanh nghiệp, cá nhân đã mở lối, khẳng định sự đúng đắn và dần xây dựng nên thương hiệu nông nghiệp công nghệ cao của vùng đất Kon Plông.
Liễu Hạnh – Hoài Tiến