Khúc chợ… nhà

26/12/2016 09:02

Không cân, không túi đựng, không chào hàng cũng chẳng mời mọc nhưng các “sạp chợ nhà” ở dọc Quốc lộ 24 đoạn qua xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) rất đông người ghé đến mua. Bởi ở đây, các sản phẩm rất tươi, ngon, an toàn mà giá lại rẻ gấp nhiều lần so với ở các khu chợ.

An toàn, ngon, rẻ

“Anh nhớ mua bí đỏ, bí xanh về nhé” – chị Minh Hà ở phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum vọng ra nhắc chồng. Như thành thường lệ, cả năm nay, cứ mỗi lần chồng đi công tác ở các huyện Kon Plông, Kon Rẫy, chị đều dặn mua ít rau, ít bí bán dọc đoạn đường qua xã Đăk Tờ Re mang về để dành ăn.

“Rau, bí ở đấy người dân tự trồng, tự bán, không phun thuốc nên ăn rất an toàn. Những lần trước đi công tác, tôi hay mua về ăn rồi “nghiện” khi nào không hay” – chị Hà nói.

Theo lời chị Hà giới thiệu, trong chuyến công tác gần đây, chúng tôi cũng muốn ghé đến để mua một ít rau, củ về ăn thử. Và khi đến, từ sáng sớm, chúng tôi đã ấn tượng với “khúc chợ nhà” nơi đây.

Các “sạp hàng” ven đường thu hút người mua. Ảnh: H.T

 

Người dân không tụ họp buôn bán đông đúc mà dọc hai bên đường, phía trước ngõ, chúng tôi thấy từng giỏ bí, gùi rau được kê đơn giản trên chiếc ghế nhựa hoặc được đặt trên tấm bạt để dưới dất. Nhiều chỗ bán số lượng nhiều thì được “đầu tư” một cái bàn gỗ ọp ẹp để kê.

Tạt vào một “sạp hàng”, phải bóp còi hồi lâu, trong nhà mới có người chạy ra. Chẳng nhanh nhẹn như những người buôn bán ở chợ, cũng chẳng “mồm mép tép nhảy” để chào hàng, thấy chúng tôi, chị Y Lis – chủ của rổ bí đỏ láng coong chỉ nhỏ nhẹ nói: Mua đi! Bí này mới hái ở rẫy về, ngon lắm!

Và sau đó, chị Lis khẳng định: Bí này nhà mình tự trồng, không bón phân và hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu đâu. Nhà mình cũng ăn bí này mà, cô yên tâm!.

Người dân ở đây không có thói quen dùng cân để bán. Bởi vậy, cứ nhìn quả bí nào lớn thì bán với giá 15 ngàn đồng và quả nhỏ hơn bán với giá 10 ngàn đồng. Chúng tôi chọn lên 1 quả bí to, tầm 4kg nhưng chị Lis cũng chỉ bán với giá 10 ngàn đồng.

Chúng tôi muốn mua nhiều hơn nhưng vì “chủ sạp hàng” không có túi để đựng nên đành… ngậm ngùi. “Ở đây ai cũng bán “độ” vậy chứ không biết cân đâu. Mình bán ở nhà nên mua nhiều thì mình… cũng chịu thôi chứ không có đồ đựng” – chị Lis thật thà. 

Chúng tôi tiếp tục ghé đến rổ hàng của chị Y Hoa, cách ngõ nhà chị Lis khoảng 100m. Nhà chị Hoa bày bán vài quả dưa gang, 1 bó đậu đũa, vài cái bắp chuối.

Chị Y Hoa cho biết, bắp chuối vừa mới hái từ trên cây xuống nên đang còn dính nhựa; một nắm đậu mới được hái từ trên rẫy về vẫn đang óng xanh và vài quả dưa gang cuống vẫn đang còn mới. “Cái này chỉ cần rửa nước sạch rồi ăn thôi, không có thuốc đâu nên yên tâm đi” – chị Hoa bảo.

Và cũng như chỗ chị Lis, “gian hàng” này cũng hoàn toàn không có cân hay túi ni lông để bán. 1 bó đậu chỉ có giá 5.000 đồng, 1 quả bắp chuối cũng đồng giá 5.000 đồng và 1 quả dưa gang to cũng 5.000 đồng. Chúng tôi đã ngỡ ngàng với mức giá đưa ra, bởi so với giá dưới chợ, ở đây rẻ đến 3-4 lần.

Cũng bởi ngon, rẻ lại an toàn nên không chỉ có chị Hà mà còn rất nhiều người là “tín đồ” của các sản phẩm nông sản nơi đây. Như anh Hoàng Anh ở phường Quang Trung hay chị Thơm ở phường Duy Tân, lần nào lên đây công tác cũng “thủ” theo vài túi ni lông to để mua bí, mua rau về… dự trữ.

Mùa nào thức nấy

Đã không có cân, không túi đựng, các “sạp hàng” này cũng “đóng – mở” thất thường. “Hôm nào rảnh rỗi, không phải đi làm đồng, mình mới đem nông sản ra bán còn bận thì mình nghỉ. Ở đây ai cũng vậy vì đây chỉ là nguồn thu nhập phụ thôi” – chị Hoa cho hay.

Dù thất thường vậy nhưng hôm nào các sạp hàng này mở đều rất đông khách. Chị Lis cho biết, nhiều người đi ô tô hay ghé lại mua, mà lần nào họ cũng mua rất nhiều, phải mười mấy quả bí đỏ, bí xanh rồi cả chục mớ rau, bó đậu… về vừa ăn, vừa để làm quà.

Có người “đi chợ” ở đây thành quen nên mỗi lần đến đều đem theo túi ni lông hoặc bao tải để mua đem về. Không chỉ bán cho khách từ xa đến, nhiều người dân nơi đây cũng lấy bó rau qua đổi quả bí hoặc ngược lại. “Bình quân mỗi ngày bán cũng được mười mấy quả bí, cũng có thêm tiền mua đồng mắm, đồng muối” – chị Y Lis kể.

Vì là của nhà làm được nên mùa nào thức nấy, hễ có gì, người dân lại đem bán. Chị Y Lis cho biết, nhà chị trồng xen 6 sào bí đỏ trong đám lúa rẫy. Sau khi trồng, chị sẽ có bí đỏ bán trong khoảng 3-4 tháng. Hết mùa bí, đến mùa dưa chị lại hái dưa ra bán; khi có măng le, chị lại đi hái hay thời điểm rau dớn mọc tốt, chị cũng tranh thủ đi hái rồi bán kiếm tiền.

Ngoài các thức theo mùa thì trong nhà cứ có bắp chuối hay buồng chuối chín, người dân cũng bày ra trước nhà; có ít trứng gà, con gà, ăn không hết, họ lại bán; bắt được ít ốc bươu, người dân cũng cột thành từng bì, ai thích thì ghé mua. Cũng chính vì mùa nào thức nấy nên các mặt hàng trên đây cũng đa dạng và thay đổi từng ngày. Nhờ thế, mỗi lần đến, người mua cũng thích thú chọn lựa.  

Không chỉ thích thú vì các sản phẩm ngon, bổ, rẻ, khi đến đây, chúng tôi còn rất ấn tượng khi cảm nhận được sự sẻ chia, thân thiết, giúp đỡ của những người bán với nhau.

Chị Y Hoa cho biết, khi nào có nhiều rau, nhiều củ thì chị bày ra bán nhưng hôm nào ít quá, việc lại bận thì chị gởi nhờ ở “sạp” của chị hàng xóm. “Ở đây chẳng bao giờ xảy ra việc tranh giành, mời khách như ở chợ đâu. Chị em nào nhà ở trong hẻm, không bán được, chúng tôi cũng bán giúp. Ai có thêm thu nhập cũng tốt cả mà” – chị Hoa kể.

Và thái độ bán hàng ở đây cũng thật sự khác biệt. Khi đến, chúng tôi được chọn lựa thoải mái. Nếu không thích, chúng tôi đi, người bán cũng vui vẻ, mỉm cười mà không hề cau có. Nhiều lúc mua 2 quả, người bán còn biếu thêm 1 quả lấy làm quà. Ai đã mua đồ ở đây thường bị “nghiền” là do vậy.

Nhìn các sạp hàng đơn giản vậy nhưng đã được người dân tự bày bán cũng ngót nghét 5-6 năm nay. “Khúc đường này cũng đông đúc xe cộ qua lại, bán ở đây nguy hiểm lắm! Sao mình không ra chợ bán?” – chúng tôi hỏi. Nhiều người chỉ cười rồi trả lời: “Ở đây không có chợ, hơn nữa chúng mình cũng không rành buôn bán nên không bán ở chợ được đâu. Đồ mình để nép trong lề đường nên không ảnh hưởng đến ai. Bởi vậy, ở đây chưa bao giờ xảy ra tai nạn vì tông phải đồ bán bao giờ”.

Vậy đấy, đa dạng, dân giã, nhẹ nhàng, “khúc chợ quê” ở xã Đăk Tờ Re đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng khó quên. Và chắc chắn, lần sau khi đến đây, chúng tôi sẽ mang theo giỏ xách, mua thật nhiều rau, củ, quả tươi về để ăn và để biếu cho người thân.

Nguyên Phúc – Bình An 

Chuyên mục khác