Khi người nông dân ứng dụng công nghệ cao

19/10/2019 06:14

Đam mê nông nghiệp và khoa học, nhiều hộ gia đình ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) tự bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các cơ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao này cho ra đời nhiều sản phẩm có giá trị, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Bước vào khu nhà kính sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Văn Tú tại thôn Kon Mơ Nây Sơ Lam 1 (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum), tôi thật sự bất ngờ trước quả cà chua thon dài bằng khoảng 2/3 ngón tay cái người lớn, vỏ màu vàng, bóng láng treo lủng lẳng khắp cành. Nếu không nhìn cây, tôi không nghĩ đây là cà chua, bởi quả cà chua lâu nay thường có hình tròn, khi chín màu đỏ, nhưng đây lại là quả thon dài, màu vàng.

Cây cà chua cao khoảng hơn 2m; thân cây và cành được cột vào các dây giằng. Thấy quả cà chua đẹp, lạ, tôi xin chị Ngô Thị Hồng An (vợ anh Tú) hái vài quả định bụng rửa sạch rồi nếm thử. Chị An mỉm cười: Nhà báo cứ an tâm đi, cà chua sản xuất trong nhà kính không có bụi bặm, sâu bệnh, không phun thuốc trừ sâu và tưới bằng hệ thống nước sạch nhỏ giọt theo công nghệ Israel nên bảo đảm sạch, an toàn.

Như để khuyến khích tôi dùng, chị An hái quả và đưa lên miệng ăn ngon lành. Thấy vậy, tôi liền nếm thử… Cà chua có hương vị chua chua, ngọt ngọt; ngọt thanh và không có mùi hăng hắc như cà chua ta. Ăn vào rất dễ bị ghiền. 

Loại cà chua màu vàng đặc biệt tại vườn của anh Tú. Ảnh: VN   

 

“Đây là giống cà chua Hàn Quốc. Quả dùng để ăn tươi, bồi bổ thêm vi chất cho cơ thể. Cà chua này không dùng để làm thực phẩm, kho nấu như cà chua ta. Cà chua có hình thù lạ, ngon và sạch nên em thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó” - chị An chia sẻ.

Cách thức bán hàng của gia đình anh Tú, chị An cũng có nét riêng. Không đem cà chua ra chợ hay nhập cho các siêu thị, gia đình bán cà chua qua facebook. Chị An chụp ảnh cà chua qua điện thoại và đưa lên facebook. Thông qua người quen dùng facebook và truyền nhau, khách tự đặt mua và đến tận nhà lấy cà chua. Chất lượng cà chua không chê vào đâu được, khi ăn hết rồi, ai cũng muốn đặt mua thêm nữa, và vì vậy, cà chua sản xuất ra không đủ cung cấp cho người dùng.

“Chỉ với 200 cây cà chua Hàn Quốc, qua 3 tháng trồng, gia đình thu quả bán được 20 triệu đồng. Trồng cà chua Hàn Quốc hiệu quả kinh tế cao” - anh Tú thật lòng.

Trong khu nhà kính sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, anh Tú còn đang trồng khảo nghiệm dâu tây giống Đà Lạt, giống Mỹ và cải xoăn. Cây cải đang chuẩn bị thu hoạch, còn dâu tây dự kiến thu quả trong dịp Tết Nguyên đán này. Các loại cây trồng này cũng đang sinh trưởng trong môi trường nhà kính.

Ngoài các loại cây trồng đang sinh trưởng tốt, anh Tú còn đang trồng khảo nghiệm dưa lưới. Tuy nhiên, cây dưa lưới mới xuống giống nên hiệu quả kinh tế cần phải có thời gian mới có thể đánh giá.

Cây cải tại khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của anh Tú. Ảnh: VN   

 

Khi hỏi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong khu nhà kính các cây trồng có bị sâu bệnh không, anh Tú bộc bạch: Trồng trong nhà kính vẫn có sâu bệnh, nhưng ít hơn vì bướm và các loại côn trùng không vào được, riêng cà chua nhà tôi trồng chưa phát hiện sâu bệnh gây hại. Nếu nói cây trồng trong nhà kính hoàn toàn không có sâu bệnh là chưa thật lòng. Nguyên nhân là sâu bệnh có sẵn trong đất. Nếu trong quá trình xử lý đất, phân hữu cơ vào giá thể không tốt, sâu từ trong đất sẽ gây hại cho cây trồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ sâu gây hại ở trong nhà kính so với ở môi trường tự nhiên thường không đáng kể. Nếu phát hiện, người trồng có thể kịp thời bắt sâu bệnh bằng tay (vì sâu bệnh ít) hoặc xử lý bằng thuốc sinh học, không để sâu bệnh phát sinh mạnh. Nếu trong khâu xử lý đất, phân hữu cơ vào giá thể tốt, người sản xuất có thể triệt để ngăn chặn sâu bệnh gây hại.

Bàn về công nghệ cao, anh Tú cho biết, trên thị trường hiện có nhiều công nghệ của nhiều nước như Israel, Trung Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên, anh Tú lựa chọn công nghệ Israel vì chất lượng và giá cả phù hợp với túi tiền. Công nghệ được anh lựa chọn để sản xuất ở đây gồm máy với hệ thống tưới nước và chăm phân nhỏ giọt. Máy có hệ thống làm mát bằng cảm ứng nhiệt. Nếu nhiệt độ cao trên 320C thì máy tự động tưới.

“Thực ra, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không khó, nếu người dân quan tâm, có một số kiến thức cơ bản và vốn đầu tư đều có thể sản xuất được. Lâu nay, chúng ta nghe nói nhiều về các doanh nghiệp và các trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chứ ít khi nghe nói người nông dân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điều đó đúng. Nguyên nhân là do việc đầu tư khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tốn nhiều chi phí nên người nông dân không mạnh dạn đầu tư sản xuất” - anh Tú tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, anh Tú cho rằng, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là cơ sở để tạo sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo đảm yêu cầu người tiêu dùng, đòi hỏi người sản xuất phải hướng đến trong thời đại khoa học - công nghệ đang phát triển mạnh như hiện nay, nhất là đang bước vào cuộc cách mạng 4.0. Nếu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà sản phẩm làm ra không sạch, không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng thì nhà sản xuất, cơ sở sản xuất sẽ thất bại... trong đầu ra sản phẩm. Do vậy, sản phẩm tại các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải sạch.

 Nhờ anh Trịnh Văn Hà - Văn phòng UBND phường Trường Chinh liên hệ, tôi vào thăm một cơ sở sản xuất công nghệ cao của gia đình anh Lê Văn Thanh cũng ở phường Trường Chinh. Anh Thanh không có mặt ở cơ sở, chỉ có vợ chồng người giúp việc đang lụi cụi chăm cây là anh A Sờ và chị Y Brunh – dân gốc thôn Kon Mơ Nây Sơ Lam 2 (phường Trường Chinh). Tại cơ sở này, tôi thấy có nhiều cây trồng như bí đỏ, dưa leo gai, cà chua bi, khổ qua, su hào, cải thìa... xanh tốt.

Bí đỏ tại cơ sở sản xuất của anh Thanh. Ảnh: VN   

 

“Hàng ngày anh Thanh đi làm, giao việc cho hai vợ chồng tôi trông coi và sản xuất. Qua hướng dẫn của anh Thanh, hai vợ chồng tôi trồng và chăm cây. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không khó, vợ chồng tôi quen với công việc ở đây rồi. Công việc nhẹ nhàng, anh Thanh trả 380 nghìn đồng/ngày công cho hai vợ chồng. Sản phẩm nông nghiệp ở đây sạch, an toàn. Sản phẩm sản xuất ra đến đâu, bán đến đó, không bao giờ ế” - chị Y Brunh thật lòng.

Nghe nói anh Thanh hiện đang công tác trong ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh. Việc anh tự bỏ vốn đầu tư cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là để có sự trải nghiệm, bổ sung thêm những luận cứ cho công tác nghiên cứu khoa học và xây dựng một số thương hiệu sản phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Tiến Dũng - Chủ tịch UBND phường Trường Chinh cho rằng, sản phẩm của các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở địa phương đang tạo được uy tín trên thị trường và bảo đảm sạch, an toàn.

“Nếu các cơ sở này liên kết với người dân thành lập hợp tác xã sẽ góp phần thực hiện chủ trương đột phá “Phát triển mỗi xã một sản phẩm”, giúp dân làm giàu và nâng cao đời sống” - ông Dũng mong muốn.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác