Khám phá tiềm năng du lịch Chư Mom Ray

01/10/2018 06:59

​Không chỉ giàu tính đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray còn có nhiều thắng cảnh đẹp như thác nước 7 tầng, thác Khỉ, các hang động, rừng cây lùn trên ngọn “chủ sơn” cao 1.773m quanh năm mây mù giăng mắc... hút hồn du khách khi đặt chân đến nơi này. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch Chư Mom Ray hiện vẫn chưa được “đánh thức”...

Tiên cảnh thác 7 tầng

Tôi từng nghe kể, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có nhiều thắng cảnh đẹp kỳ diệu, nhất là vào mùa mưa, trong khung cảnh núi rừng trầm tịch ta nghe tiếng những thác nước tuôn trào ào ạt tạo nên một khoảng không trắng xóa như hút hồn người đến vãn cảnh. Chính vì thế, tôi đã không bỏ lỡ dịp khi được biết đoàn cán bộ nhân viên của Vườn thực hiện chuyến khảo sát thực tế thác nước 7 tầng và một số địa điểm khác. Đúng hẹn, chúng tôi cùng khăn gói lên đường.

Đoàn khảo sát không đi theo tuyến Tỉnh lộ 674  vì đợt mưa lũ vừa qua sạt lở chèn đất đá, đường chưa thông, mà chọn một hành trình khác cũng đầy thú vị đối với riêng tôi - lần đầu tiên được khám phá nơi này…

Anh Đào Xuân Thủy- Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đưa chúng tôi đi theo tuyến Tỉnh lộ 675 về hướng xã Rờ Kơi vòng vào Vườn Quốc gia Chư Mom Ray để đến Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ya Tri (nằm bên Tỉnh lộ 674). Đi theo hướng này, cung đường đến Trạm dài khoảng 70km, mặc dù xa hơn hướng Tỉnh lộ 674 trên 40km, nhưng bù lại chúng tôi có dịp đi ngang qua đồng cỏ Ya Book, nơi có nhiều loài thú móng guốc.  

Đến Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ya Tri, chúng được cán bộ, nhân viên nơi đây chiêu đãi bữa cơm với các món ăn khá độc đáo như: cá lóc đá nấu canh chua, gà tre (gà nhà lai gà rừng), rau dớn rừng xào tỏi, bí đỏ nướng lửa than...

Món cá lóc đá (món ăn mà theo lời giới thiệu của các  “thổ địa” thì chỉ có ở một số con suối xã Mô Rai) nấu canh chua và món bí đỏ Mô Rai nướng lửa than rừng chấm muối vừng - là những món lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức - phải nói là những món lạ, ngon và hợp khẩu vị của tôi. Canh cá lóc đá vừa ngọt, vừa thơm. Bí đỏ Mô Rai nướng lửa than rừng vừa bùi, vừa dẻo. Món ăn đơn giản vậy, mà ai nấy cũng trầm trồ khen ngon chứ không riêng gì tôi.

“Cá lóc đá sinh sống tự nhiên dưới các khe đá, hang đá ở một số đoạn suối, con to nhất chỉ bằng ngón chân cái - chúng em câu, còn bí đỏ thì chúng em trồng. Nói chung là của nhà làm được cả!” – anh Võ Văn Đức hóm hỉnh khoe với khách.

“Nếu có thêm “rượu Giàng” - rượu đoác nữa thì tuyệt hảo” - tôi chen vào.

“Cây đoác trong rừng có sẵn, anh hãy đợi khi tiềm năng nơi đây được đánh thức”- chủ nhà “mau mắn” trả lời.

Nghe vậy, mọi người cùng cười vang.

Không nói ra nhưng riêng tôi thầm mong những dự định của các anh sớm trở thành hiện thực để tôi được có dịp trở lại ngắm cảnh đẹp, thưởng thức những món ăn ngon dân dã và được gặp lại những con người chân chất, mến khách ở nơi đây. 

Cơm trưa xong, nghỉ ngơi giây lát, đoàn đi bộ vào rừng. Mùa mưa, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đẫm hơi sương, hơi nước. Trên các dãy núi cao, khói núi lãng đãng, mây mù giăng giăng. Dưới tán rừng, con suối “no nước” cuồn cuộn chảy, khi ào ào, lúc réo rắt ra thoát ra những âm thanh như những tiếng nhạc du dương.  

Thác 7 tầng có độ cao từ tầng 1 đến tầng thứ 7 khoảng 120m. Ảnh: V.N

 

Đi dưới tán cây rừng vào thác 7 tầng, chúng tôi gặp nhiều cây đoác đúng như khi ăn cơm các anh em kể - loại cây này có nhiều ở xã Ngọc Tụ, Đăk Rơ Nga (Đăk Tô) thường được người Xơ Đăng khai thác từ cuống hoa quả để lấy “rượu Giàng”. Đường vào thác còn nguyên sơ, nhiều đoạn chúng tôi phải bám vào dây rừng để vượt qua các ghềnh đá.

Ở xung quanh khu vực thác có nhiều tảng đá nhô cao, rêu phong bám đầy. Trên những tảng đá này, có một loài cây thân mềm cao khoảng 10-15cm, có hoa nở tím khá đẹp, làm nao lòng người.

Độ cao của thác từ tầng 1 đến tầng thứ 7 khoảng 120m. Trên nhiều tầng, ghềnh đá có đoạn phẳng, du khách có thể đi lại “giỡn nước” thoả thích hoặc ngồi ngắm cảnh thì thật là lý thú.

Ở tầng thứ 3, thứ 4 nhìn lên hút tầm mắt, nước tung bọt trắng xoá cả một vùng không gian rộng lớn. Trên đầu, thỉnh thoảng những đám mây trắng vờn qua, vờn lại như “tiên cảnh” mà ta thường thấy trong các bộ phim. Không gian cô tịch, tiếng nước róc rách như gọi như mời con người đến với thiên nhiên để quên đi những bận rộn, lo toan trong cuộc sống thường ngày.  

Ngồi trên các mỏm đá ngắm thác, hoà mình vào với thiên nhiên, bao mệt mỏi trong ta như tan biến. Từ trạm vào tầng thác đầu tiên chỉ khoảng 500m, không quá xa để du khách phải tốn nhiều sức lực và đủ để độ dài để trải nghiệm khi đi dưới tán rừng.   

“Cách không xa Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ya Tri và thác 7 tầng còn có  “giếng đá thần”. Giếng tròn, miệng giếng bằng khoảng cái mâm. Tuy giếng đá cao hơn mặt nước, nhưng lúc nào cũng có nước. Cứ múc cạn, nước từ đâu lại đầy ra như ban đầu”- chị Đặng Thu Hà, nhân viên Vườn Quốc gia Chư Mom Ray kể cho tôi nghe.

Chỉ tiếc là trong chuyến đi này tôi chưa đến được với “giếng đá thần”.

“Tròn mắt” tại thác Khỉ và Trung tâm Cứu hộ

Gần một ngày khám phá thác 7 tầng, ngày thứ hai chúng tôi tham quan thác Khỉ và Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Chư Mom Ray ở khu vực địa bàn xã Sa Sơn.  

Trước khi tham quan thác Khỉ, chúng tôi được Ban Giám đốc Trung tâm đưa đi tham quan khu bảo tồn các loại lan, khu cứu hộ các loài động vật, vườn cây sa nhân tím người dân trồng dưới tán rừng, thăm các tiêu bản một số loài động thực vật...

Anh Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật cho biết, khu bảo tồn các loài lan có trên 1.500 giá thể lan với khoảng 150 loài lan. Ở đây, có các loài lan quý hiếm như: giả hạt, trúc Phật bà, hài vân, hoàng long, thanh đạm, mỹ dung, dạ hương...

Tuy không phải mùa lan nở rộ, nhưng vẫn có nhiều loài lan nở hoa rất đẹp. Xem và nghe anh kể, tôi cứ “mắt tròn mắt dẹt”.

Khu bảo tồn các loài lan. Ảnh: V.N

 

Ở khu cứu hộ, khỉ, voọc... được các nhân viên Trung tâm chăm sóc kỹ lưỡng và thường tiếp xúc, vuốt ve chúng nên chúng khá thân thiện với người.

“Nhiều con qua thời gian chăm sóc, Trung tâm thả chúng trở lại môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, do quen với thức ăn và từng được chăm sóc đặc biệt, chúng lại về Trung tâm” - anh Tuấn cho biết.

Tại Trung tâm, gây ấn tượng mạnh với du khách là tiêu bản con bò tót. Mới nhìn vào tiêu bản này, tôi và nhiều người cứ tưởng là con trâu rừng. Bởi bò tót cũng có lông màu đen, sừng cong và to như trâu. Khác chăng, bò tót có lông dày, bốn chân có đốm lông trắng, còn trâu thì lông đen tuyền.   

“Tiêu bản bò tót này là cá thể bò lạc bầy va vào xe tải làm tuyến đường Tỉnh lộ 674 chết đầu năm 2017. Vườn Quốc gia Chư Mom Ray thu nhận và được UBND tỉnh cho làm tiêu bản phục vụ nghiên cứu khoa học. Đây là tiêu bản bò tót thứ hai trong nước, sau tiêu bản bò tót tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam” - anh Đào Xuân Thuỷ khẳng định với chúng tôi.

Sau khi tham quan các khu tại Trung tâm, chúng tôi đến thăm thác Khỉ. Thác Khỉ cách văn phòng Trung tâm khoảng 2,7km. Theo nhiều cán bộ trong Trung tâm cho biết, trước đây, khu vực thác này có rất nhiều khỉ, vì vậy về sau, Trung tâm lấy tên là thác Khỉ.

Để đến thác Khỉ, 2km đầu chúng tôi đi bằng xe máy, 0,7km còn lại đi bộ để ngắm khu rừng nguyên sinh. Ở đoạn đường đi bộ, nhiều đoạn được Vườn Quốc gia Chư Mom Ray lát đá chèn bê tông xi măng và xây nhà nghỉ cho du khách tạm nghỉ chân.

Trên đường đi, tôi gặp nhiều cây dâu đất, chôm chôm rừng và nhiều thân cây cổ thụ.

Chị Đặng Thu Hà vừa đi vừa kể: Vào ngày mùa, nhiều cây dâu đất ra những quả đỏ vây quanh thân cây. Tuy là dâu đất rừng, nhưng dâu ở đây ăn vẫn ngọt như dâu đất trồng. Chôm chôm rừng quả nhỏ, ruột vàng, ngọt và thơm. Khéo khen lũ khỉ khôn lanh, trước đây chúng tụ tập quanh khu vực này nhiều vì ở đây có nhiều loại quả rừng để ăn, có thác nước cao đẹp để chúng vui đùa và uống nước.

Không như thác 7 tầng có độ nghiêng, thác Khỉ chỉ cao 20m, nhưng  thẳng đứng từ trên xuống dưới. Nước đổ xuống mạnh, tung bọt trắng xoá cả khu vực xung quanh. Dù lúc đến thác gặp thời điểm nắng ráo, nhưng tôi có cảm giác như trời đang mưa do nước tung trắng xoá, thấm đẫm ướt cả áo quần.

Kể cũng lạ, leo núi thăm thác Khỉ, mồ hôi và bọt nước từ thác thấm đẫm áo quần, nhưng các thành viên không hề thấy mệt, tinh thần lại được sảng khoái, mọi người trong đoàn như được “tiếp thêm năng lượng từ đất trời nơi đây”- tôi nghĩ vậy.

Ở Chư Mom Ray còn nhiều cảnh quan đẹp như các hang động, thác nước cao 120m ở gần ngọn chủ Chư Mom Ray cao 1.773m (gần xã Sa Nhơn), nơi có nhiều cây lùn, rong rêu quanh năm mây mù giăng mắc... mà tôi chưa có dịp trải nghiệm.

Còn gì thú bằng, sau khi thăm thú các thắng cảnh ở Chư Mom Ray, du khách sẽ được sưởi ấm bên ánh lửa hồng, “uống rượu Giàng” cùng các chàng trai, cô gái Gia Rai giữa tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, nghe già làng người Gia Rai làng Ba Rgook (xã Sa Sơn), người Rơ Măm (xã Mô Rai)... kể chuyện người rừng và bao truyền thuyết kỳ bí về Chư Mom Ray.

Tất nhiên, đó là điều tôi nghĩ về hành trình tham quan của du khách một khi tuyến du lịch Chư Mom Ray được khai mở trong tương lai!

Văn Nhiên

Chuyên mục khác