23/01/2019 13:02
Leo suối lên thác, gặp “cổng trời”
Nghe nói nhiều về vẻ đẹp của thác Nàng Tiên ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, tôi luôn ước ao được khám phá. Để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi “rèn” đôi chân bằng những buổi chiều đi bộ, khi xác định thể lực tạm ổn, tôi quyết định thử thách: leo núi thăm Nàng Tiên.
Không hẹn trước, nhưng lời đề nghị khám phá thác Nàng Tiên của tôi được Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tạo điều kiện thuận lợi. Sau cuộc trao đổi qua điện thoại với Lê Văn Lộc - Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sa Nhơn, anh Đào Xuân Thuỷ - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray niềm nở gật đầu.
“Mời anh! Lâu lắm rồi, chúng tôi cũng chưa có dịp quay lại thác. Anh đến, chúng ta cùng leo núi!”- Đào Xuân Thuỷ nhiệt tình trao đổi, đầy phấn khích trước sự gợi ý của tôi.
Chúng tôi đến thôn Nhơn Bình, xã Sa Nhơn (Sa Thầy) vào buổi sáng khi sương mù chưa tan. Đợi cho nắng ấm, 9h sáng từ làng Plei Kbầy (thôn Nhơn Bình) chúng tôi vào rừng. Không đi giày được vì lội suối Rơ Lâng ngược thác, chúng tôi được Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sa Nhơn trang bị mỗi người một đôi dép rọ.
Đường vào rừng qua khu vực vùng đệm cỏ tranh cao ngang ngực, luồn người đi theo một lối mòn nhỏ rừng tre nứa và cây hỗn giao, chúng tôi lội ngược con suối nước trong veo, chảy róc rách. Bám đá dọc lòng suối, chúng tôi tiến sâu trong rừng.
Dọc theo suối có những vách đá dựng đứng. Dưới lòng suối có những đoạn đá như có bàn tay người lát bằng theo độ nghiêng của suối đi lại khá thuận tiện, thắng cảnh ở đây rất đẹp và thanh bình.
|
Có lẽ không riêng gì tôi, mọi người khi đến nơi này, ngồi nghỉ trên những phiến đá, lắng nghe tiếng nước chảy, tiếng chim hót, nhìn trời nhìn nước thì sẽ thấy lòng thanh thản, mọi mệt nhọc thường ngày dường như tan biến.
Trên đường đi có nhiều đoạn suối vòng vèo, đá chênh vênh trắc trở, chúng tôi phải cắt rừng đi tắt để đến đầu bên kia của suối và tiếp tục lội ngược suối.
Ở những đoạn cắt rừng men theo suối, tôi gặp một số thân cây gỗ khô mục. Trên thân cây có những nấm linh chi to bằng bàn tay người như là món quà thiên nhiên ban tặng cho con người nơi đây. Hái nấm linh chi rừng, chúng tôi thầm cảm tạ trời đất đã tặng cho con người sản vật rừng quý hiếm.
Cũng như ở thác 7 tầng khu vực xã Mô Rai mà tôi từng giới thiệu, dọc theo triền suối Rơ Lâng để đến thác Nàng Tiên, tôi gặp khá nhiều cây đoát (loài cây họ dừa). Loài cây này có nhiều trong rừng tự nhiên ở xã Đăk Rơ Nga (Đăk Tô), mùa khô người Xơ Đăng thường khai thác nước từ việc cắt cuống hoa và dùng một vài lá, cây rừng để lên men biến nước thành rượu. Rượu cây đoát ngon, bổ và quý. Vào mùa khô khi cây đoát ra hoa, người Xơ Đăng thường lấy rượu đoát uống và đãi khách quý.
Hết cắt rừng, chúng tôi lại lội ngược suối. Càng lên cao, đá núi càng lớn. Có đoạn đá núi chất chồng và tạo thành hình mái vòm như đường lên “cổng trời”. Ở những đoạn này, chúng tôi không ai bảo ai đều tranh thủ chụp hình làm kỷ niệm.
Sau chuyến đi, lục lại những bức ảnh đã chụp để xem, tôi không khỏi trầm trồ về cảnh đẹp nơi đây - không uổng hành trình ngược suối lên thác để gặp “cổng trời’ của chúng tôi. Tôi dám đảm bảo cảnh vật ở nơi đây sẽ mê hoặc bất cứ du khách nào đam mê với những tour du lịch khám phá.
“Nơi ngự trị của Yàng”
Và rồi, giữa lúc chồn chân mỏi gối, trước mắt tôi hiện ra một không gian thoáng đãng. Thác Nàng Tiên nằm giữa một khối đá lớn như làm móng kiềng cho ngọn chủ sơn Chư Mom Ray khỏi bị sụt lún trước những tác động của thiên nhiên.
Từ dưới ngước mắt nhìn lên đỉnh thác, tôi thấy nước như một làn tóc trắng từ mây trời buông thẳng xuống. Có người ví von đó là “tóc tiên”. Khung cảnh ở đây vừa hùng vĩ, vừa lãng mạn, nên thơ.
|
Dọc theo khối đá dựng đứng gần thác là những cây rừng mọc cheo leo, thân lá trước gió hanh hao ngả màu xám bạc. Nắng chiều vàng vọt, tô vẽ cho cảnh sắc nơi đây đẹp như một bức tranh thuỷ mặc.
Không gian yên tĩnh, làm cho núi rừng càng thêm kỳ bí.
Có lẽ vì vậy, người Gia Rai ở làng Plei Kbầy nói ở khu vực thác suối Rơ Nâng là nơi ngự trị của Yàng. Họ ít khi đến thác, thường chỉ khi nào muốn cầu xin một việc gì đó mới đến thác.
Mải mê ngắm cảnh, chúng tôi rời thác lúc mặt trời ngả bóng. Không về theo lòng suối, chúng tôi lội ngược sườn núi để đến một lối mòn tuần tra.
Hướng mắt lên theo lối mòn dốc đứng, anh Đào Xuân Thuỷ nói qua hơi thở: Đi thẳng miết lên sẽ gặp đỉnh Chư Mom Ray cao gần 1.800m. Càng lên cao, hết đường tuần tra sẽ không còn lối mòn nữa. Lúc này, người đi rừng thường dùng la bàn hoặc máy định vị để lên đỉnh.
Theo anh Thủy, ở trên núi cao, rừng cây không cao to như ở dưới mà là hệ sinh thái rừng lùn. Trên cao lạnh, gió nhiều, cây bám đầy rong rêu. Dưới mặt đất là lớp lá cây rừng rụng lâu năm dày 0,3-0,5m. Đi trên lớp lá cây mục nghe lạo xạo. Trên đỉnh Chư Mom Ray có rất nhiều cây đỗ quyên. Sau Tết, hoa đỗ quyên khoe sắc trắng tinh khiết khắp rừng, một màu trắng tỏa ra hút mắt người đi rừng.
“Đỉnh núi Chư Mom Ray bằng, có công sự, có sân bay Mỹ-nguỵ lát ri cho trực thăng lên xuống thời chiến tranh. Trước đây, trên đỉnh còn có cả xác một chiếc trực thăng rơi. Nhưng cách đây khoảng hơn chục năm, người dân tháo rời thân máy bay cõng về bán sắt vụn hết rồi. Đứng trên đỉnh núi, ta có thể rõ mồn một thành phố Kon Tum về đêm”- anh Thuỷ - người từng ngủ lại đêm trên núi kể lại.
Đường về chúng tôi đi qua “rừng lá rộng thường xanh nửa rụng lá”. Núi dốc đứng, chúng tôi vừa bám theo các cành cây vừa tuột dốc. Nói dại, nếu lỡ tay tuột cành cây không biết sẽ lăn bao nhiêu vòng. Rất may, không ai bị lăn xuống núi.
Đi hết rừng lá rộng thường xanh là rừng hỗn giao tre nứa-gỗ. Ở hệ sinh thái rừng hỗn giao tre nứa-gỗ, núi tuy ít dốc hơn, nhưng nhiều đoạn, người đi phải cúi gập người qua các khóm tre mới ra khỏi rừng.
Chiều muộn, chúng tôi vào làng Plei Kbầy gặp già làng A Dơn và dân làng. Tuy nhiên, A Dơn và dân làng ở đây không ai biết thác có tên là thác Nàng Tiên tự bao giờ. Bà con chỉ biết cái thác cao của suối Rơ Nâng này là nơi ngự trị của Yàng. Ở đoạn giữa vách đá khu vực thác có cây thuốc quý của Yàng.
“Ngày xưa, ở thác có cây thuốc mê hay còn gọi là thuốc bùa. Người nào cúng trâu, dê cho Yàng xin cây thuốc mê đó quệt lên trai thì trai theo, quệt lên gái thì gái theo về làm vợ chồng. Yàng cho vợ chồng ăn ở với nhau đến đầu bạc răng long” - già làng A Dơn kể cho chúng tôi nghe.
Chuyện cây thuốc mê, thuốc bùa dĩ nhiên chỉ là truyền thuyết, tuy nhiên, ở một góc độ nào đó thể hiện khát vọng mong mỏi được chinh phục người mình yêu thương, được thành vợ thành chồng hạnh phúc trăm năm và chính điều này càng thêm hấp dẫn du khách trên hành trình khám phá nét đẹp của thác Nàng Tiên.
Văn Nhiên