21/03/2019 06:36
Theo chân đoàn công tác liên ngành của huyện Sa Thầy, chúng tôi có dịp khám phá Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Một chuyến trải nghiệm đầy quyết tâm và thử thách, nhưng ấn tượng thì sâu đậm khó quên trong cuộc đời. Thật đúng như lời một cán bộ trong đoàn, bất chợt bộc bạch bên bếp lửa giữa đêm trên đỉnh Chư Mom Ray huyền thoại: Ở đất Sa Thầy mà chưa lên đến đây, có lẽ cuộc sống chưa trọn vẹn.
Xuất phát từ Trạm Sấu khi tiếng gà rừng còn gáy râm ran gọi đàn, chúng tôi men theo lối mòn hướng lên thác Yaray.
Con đường nhỏ ngoằn nghèo, uốn quanh các gốc đại thụ ngàn năm, thân khoảng 7-8 người ôm. Không gian trong lành, tĩnh lặng tạo cảm giác nhẹ thênh, thư thái. Ai đó trong đoàn còn cất tiếng hát véo von “Rừng ơi! Ta đã về đây” làm mọi người vang lên những tiếng cười đầy háo hức.
Ngước nhìn tàn cây trên cao đến mỏi cổ, le lói chút ánh nắng ban mai đậu trên tán lá bằng lăng, đinh hương... Thỉnh thoảng vọng xuống tiếng chim hồng hoàng thảng thốt, tiếng lào xào của những chú sóc chuyền cành. Những tảng đá nguyên sơ đồ sộ và quyến rũ hai bên lối đi, làm mềm lòng những du khách chưa đủ quyết tâm chinh phục.
Thác Yaray còn có tên gọi khác là thác Khỉ, nằm ở độ cao khoảng 700m. Đây là tên do người dân địa phương đặt, bởi khu vực này có những loại cây như chôm chôm rừng, xoài rừng, mận rừng… và rất nhiều các tảng đá quanh thác nước. Mỗi khi vắng người là đàn khỉ lại kéo đến hái trái cây và nô đùa, có khi lên đến hàng trăm con. Vì vậy nhiều người thường ví nơi đây như “Hoa quả sơn” trong “Tây du ký”.
Sau đoạn đường vượt dốc, ngả lưng tựa vào những tảng đá, thả đôi chân mệt mỏi cho dòng nước mơn man, ngắm nhìn không gian kỳ vĩ, ta lại thấy sinh lực dồi dào. Đây cũng là điểm dừng chân cuối cùng trước khi xuyên rừng, chinh phục đỉnh Chư Mom Ray.
|
Tranh thủ nghỉ ngơi, anh Đào Xuân Thủy - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray nhắc các thành viên kiểm tra lại ba lô hành lý cá nhân, thực phẩm mang theo và đặc biệt là nước uống. Bởi từ đây trở lên sẽ không còn nguồn nước, đồng thời hướng dẫn một số kỹ năng đi rừng và yêu cầu mỗi người chuẩn bị một cây gậy ngắn.
Chuyến leo núi chính thức bắt đầu. Không còn lối mòn, nhóm dẫn đường là những cán bộ trẻ của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật sử dụng máy đo tọa độ băng cắt hướng đỉnh Chư Mom Ray.
Dốc đứng áp sát mặt người, mỗi bước đi phải sử dụng một tay nắm chắc thân hoặc rễ cây phía trên, tay còn lại dùng gậy đẩy phụ trợ. Người đi trước phải tuyệt đối lưu ý, không đạp vào những viên đá chênh vênh, nếu không sẽ trượt hoặc làm đá rơi hết sức nguy hiểm cho người sau. Ở độ cao này, rừng hỗn giao nhiều tầng cây, chủ yếu là bằng lăng, sao, đinh hương…
Tiếng trò chuyện thưa dần, thay vào đó là những hơi thở hổn hển, mồ hôi đẫm áo. Tốc độ di chuyển không còn duy trì như ban đầu nữa, hình thành sự tách tốp trong đoàn. Muốn nghỉ ngơi lấy sức phải quan sát, tìm thế đạp chân vào gốc cây phía dưới, trụ giữ thân người không bị trượt xuống. Không thấy ánh nắng, không nghe tiếng gió, chỉ có tiếng bộ đàm giữ liên lạc giữa các tốp, vọng trong không gian tĩnh lặng của rừng già âm u.
Từ độ cao 1.200m đến 1.400m, rừng ít dốc đứng hơn. Có những quãng ngắn tương đối bằng phẳng, đoàn chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi, ăn tạm bữa trưa bằng những chiếc bánh mỳ và thịt hộp mang theo.
Nằm trên thảm thực vật hanh khô, ngắm nhìn những ngọn thông tre, thích đơn, xoan đào chen nhau cao vút, thân thẳng tắp như những cây gậy chọc trời. Trên đó có đàn chim khiếu ồn ã, những chú chim gõ kiến vội vã, và đã thấy le lói ánh nắng trưa xuyên qua kẽ lá. Đặc biệt, ở độ cao này xuất hiện loài hoa đỗ quyên trắng, mùi hương dìu dịu...
Với kinh nghiệm của người đi rừng nhiều, anh Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đề nghị đoàn không nên nghỉ quá lâu, dễ hình thành tâm lý mệt mỏi. Đồng thời nhắc các thành viên thu gom thức ăn thừa, vỏ đồ hộp, giấy ni lon… tránh gây tác động ô nhiễm môi trường rừng.
Quá trưa, đoàn tiếp tục cuộc hành trình chinh phục đại ngàn. Rừng nguyên sinh như từ thời hồng hoang, những thân cây già cỗi đứng lặng thinh, trầm mặc, rêu bám đầy quanh gốc. Ở độ cao từ 1.600 đến 1.700m, chúng tôi như bước đi trên nệm dày, nhún nhảy, bởi thân cây và lá mục bồi đắp theo thời gian.
Càng lên gần đỉnh núi, dốc càng đứng và gặp ngay thử thách mạo hiểm nhất. Trong khoảng chừng 30m, một vách dốc đứng, cheo leo, bên phải là vực sâu thăm thẳm, không có lối vòng tránh.
Anh cán bộ trẻ của Trung tâm vượt lên trước, buộc sợi dây dù dài thả xuống. Theo đó từng người nắm lấy, kết hợp “tứ chi” bám, kéo mà leo lên. Nếu ai đó ưa thích du lịch mạo hiểm, đây có lẽ là nơi phù hợp nhất.
Khoảng 15h chiều, tốp đầu tiên cán đích. Giọng ai đó hô vang đầy kiêu hãnh giữa đại ngàn: “Ta đã chinh phục đỉnh núi Chư Mom Ray rồi”.
Quả thực phải trải qua chặng đường đầy khó khăn, vất vả và cả sự nguy hiểm nữa, mới cảm thấm hết ý nghĩa từ câu nói ấy.
Đỉnh núi rộng chừng vài héc ta, khá bằng phẳng, còn tàn tích của 5 chòi canh, được làm bằng bao cát và gỗ thông hấp dầu của Mỹ. Máy đo độ cao chỉ 1.773m.
Cây ở khu vực này chỉ có đường kính tầm một người ôm. Đa số là xoay, cẩm lai, huỳnh... bám rêu thứ sinh quanh gốc do độ ẩm cao. Chúng tôi quẳng ba lô, gieo mình trên lá khô êm ái như chưa bao giờ được thoải mái đến thế.
Đêm trên đỉnh Chư Mom Ray đến sớm, sau khi chuẩn bị xong tăng võng cá nhân, chúng tôi quây quần bên đống lửa bập bùng. Nhâm nhi vài ly rượu với thịt gà nướng hong lửa than hồng, rồi tham gia các bài hát tập thể. Hòa cùng nhau niềm vô tư, sảng khoái như chưa từng vướng bận những lo toan, vất vả trong cuộc đời. Cứ thế, thời gian trôi đi thật nhanh, quá nửa đêm chúng tôi tạm dừng cuộc vui để giữ sức cho ngày mai “xuống núi”.
Càng về khuya, nhiệt độ nơi đây càng xuống thấp, tiếng sương rơi lộp độp trên các tấm tăng che võng. Thi thoảng vọng tiếng con mang tác từ khe núi gần, tan vào màn đêm hoang vu. Cảm giác hòa quyện với thiên nhiên như đưa chúng ta đi vào giấc ngủ thật nhẹ nhàng, êm ái.
Đàn khướu lao xao gọi mọi người bừng tỉnh, bình minh trên đỉnh núi tinh khôi, khi màn sương sớm vẫn còn la cà bên cánh võng. Những mệt nhọc của ngày hôm trước đã tiêu tan kỳ diệu, chúng tôi lại sẵn sàng cho chuyến hạ sơn.
TRẦN VĂN TIÊN