03/11/2021 13:03
“Thiên thời” cho cây mắc ca
Đến thăm vườn mắc ca của anh Nguyễn Văn Quyết, thôn 3, xã Kon Đào, tôi “mắt tròn mắt dẹt” nhìn không biết chán. Thấy vậy, anh Quyết mỉm cười đôn hậu: “Nhà báo cứ xem thỏa thích từng khu vườn mắc ca để có cơ sở phản ánh cho chân thật”.
Được anh gợi ý, lòng tôi như “mở cờ”. Từng thăm nhiều vườn mắc ca ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhưng đến vườn mắc ca của anh Nguyễn Văn Quyết, tôi mới thật sự tin “cây triệu đô” này phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương.
Vườn cây mắc ca của gia đình anh Quyết rộng, phân theo từng khu tùy theo thế đất và năm trồng. Ở khu nào, vườn cây mắc ca cũng xanh tốt, tán che mát rượi. Mặc dù mới thu hoạch quả, nhưng trong vườn vẫn còn sót lại một số cây mắc ca có những chùm quả muộn, treo lủng lẳng.
Trao đổi về quá trình gắn bó với cây mắc ca, anh Quyết chân tình cho biết, bản thân vốn là người làm trong ngành thủy điện. Các công trình thủy điện lớn của quốc gia như Sông Đà, Sơn La, Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Ya Ly… từng in dấu chân anh. Trước khi phát triển cây mắc ca ở Kon Đào, anh tham vấn bạn bè, người thân là những chuyên gia làm trong ngành nông nghiệp về điều kiện sinh trưởng của cây mắc ca ở Kon Tum.
|
Nắm vững điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng ở Kon Tum, sau khi nghỉ hưu, năm 2015 anh Quyết đầu tư phát triển 3,5ha cây mắc ca ở xã Kon Đào để “vui thú điền viên”. Cây mắc ca phát triển tốt, đến năm thứ ba một số cây cho quả bói. Vui mừng trước thành quả ban đầu, năm 2018, anh trồng 9ha mắc ca. Trong năm này, 3,5ha mắc ca trồng năm 2015 cho anh 5,5 tấn quả tươi. Giá bán quả tươi ngay tại vườn 90 nghìn đồng/kg, gia đình anh thu gần 500 triệu đồng từ mắc ca.
Cũng theo lời anh Quyết, mắc ca là cây trồng lâu năm, có tuổi thọ cao, càng ngày cây càng phát tán rộng, lượng quả những năm sau sẽ nhiều hơn những năm trước. Tuy mới đi vào thu hoạch chính, nhưng lợi nhuận từ mắc ca của gia đình anh vẫn cao hơn so với trồng cà phê, cao su trên cùng đơn vị diện tích.
Tiếng lành đồn xa, vườn mắc ca của Quyết được người dân ở các địa phương, lãnh đạo huyện, tỉnh đến tham quan và tìm hiểu. Xem vườn mắc ca, ai cũng trầm trồ và nhận thấy được tiềm năng của việc phát triển cây mắc ca ở địa phương.
Nhiều người dân ở thôn 3 cũng như các thôn khác ở xã Kon Đào đến tìm hiểu được anh Quyết mở lòng chia sẻ kinh nghiệm trồng, cho ăn thử hạt mắc ca và tặng cây mắc ca giống về trồng thử nghiệm. Đến nay, gần như nhà nào ở thôn 3, xã Kon Đào cũng trồng mắc ca.
Anh Nguyễn Quang Vinh, công chức phụ trách nông nghiệp xã Kon Đào còn cho hay: Trong vụ trồng mới mắc ca năm nay, UBND xã Kon Đào mời ông Nguyễn Văn Quyết hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng mắc ca, đồng thời, thông qua mô hình từ trang trại mắc ca của ông Quyết, xã giới thiệu cho người dân học tập. Nắm bắt yêu cầu kỹ thuật, người dân trồng cây mắc ca trên địa bàn xã đều sinh trưởng tốt.
Để kiểm chứng thêm, tôi đến thăm vườn mắc ca của ông A Đuyên, thôn Kon Đào. Ông A Đuyên khoe: Sau khi được tập huấn kỹ thuật trồng mắc ca và huyện hỗ trợ cây giống (huyện hỗ trợ 40 nghìn đồng/cây giống, gia đình đối ứng thêm 20 nghìn đồng/cây giống), gia đình trồng 260 cây mắc ca xen canh trong 2,5ha cà phê. Tỷ lệ cây mắc ca sống đạt 100%. Hạt mắc ca có giá trị kinh tế cao, gia đình hy vọng việc phát triển cây mắc ca sẽ góp phần nâng cao đời sống.
Ông Tưởng Văn Khanh – Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện khẳng định, cây mắc ca phù hợp với khí hậu và đang được người dân ở các xã, thị trấn phát triển mạnh.
Xây dựng thương hiệu
Là người có tầm nhìn và sống có trách nhiệm cộng đồng, anh Quyết phát triển cây mắc ca trong vườn theo hướng hữu cơ VietGAP, GlobalGAP. Dưới tán mắc ca, anh không cuốc dọn cỏ mà để cỏ sinh trưởng bình thường. Cỏ tốt thì anh thuê người cắt và lại lấy cỏ làm phân bón cho mắc ca. Việc để cỏ, làm cho đất dưới tán mắc ca ẩm, có nhiều vi sinh vật hoạt động, đất tơi xốp có lợi cho cây mắc ca phát triển bền vững.
Phân bón được anh Quyết lựa chọn chăm sóc mắc ca là phân NPK của Nga, chế phẩm EM được dùng chế biến phân hữu cơ từ vỏ mắc ca, cà phê, cây cỏ… Ngay cả thuốc bảo vệ thực vật cũng được anh dùng chế phẩm EM sản xuất ra dung dịch EM để phun phòng ngừa sâu – bệnh, tăng cường khả năng đề kháng, chống chịu và kích thích tăng trưởng của cây mắc ca… Việc sản xuất theo hướng này bảo đảm cho cây mắc ca phát triển bền vững, sản phẩm mắc ca chất lượng và an toàn cho người sử dụng.
|
Để tạo niềm tin với người dân và hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, anh Quyết cùng với nhiều người dân trong thôn 3 thành lập Hợp tác xã Mắc ca Nhân Hòa do anh làm Giám đốc. Hợp tác xã Mắc ca Nhân Hòa đã phát triển 40 ha mắc ca.
Ngay trong vụ thu hoạch hạt mắc ca trong năm 2021, anh Quyết cho chế biến hạt mắc ca khô nẻ. Việc chế biến hạt mắc ca khô nẻ thành công, nhưng đường dây tải điện vào thôn 3 không đủ tải, không ổn định nên anh chỉ dừng lại ở việc thử nghiệm. “Nếu năm 2022, huyện đầu tư đường dây tải điện vào khu sản xuất, Hợp tác xã Mắc ca Nhân Hòa sẽ đẩy mạnh việc chế biến sản phẩm hạt mắc ca khô nẻ. Hợp tác xã đã đăng ký ý tưởng sản phẩm OCOP từ hạt mắc ca”- anh Quyết bộc bạch.
Thấy được tiềm năng phát triển cây mắc ca, Công ty Cổ phần Dương Gia Kon Tum (Hiệp hội Mắc ca Việt Nam) chuyên kinh doanh cây mắc ca đặt vườn ươm cây giống tại thị trấn Đăk Tô. Ông Dương Văn Ngọc – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dương Gia Kon Tum và là Giám đốc Công ty TNHH Mắc ca HD cho biết, Công ty đang gieo ươm 28 giống mắc ca chuẩn. Các giống mắc ca của Công ty Cổ phần Dương Gia Kon Tum được người dân mua trồng nhiều là QN1, A 38, 816, 842, 829, 246… Công suất vườn ươm của Công ty là 500 nghìn cây mắc giống/năm (tương ứng với việc bảo đảm trồng 2.000 ha mắc ca/năm).
Ngoài việc cung cấp cây giống trên địa bàn tỉnh, Công ty Cổ phần Dương Gia Kon Tum còn cung cấp cây giống mắc ca cho các tỉnh lân cận và các doanh nghiệp trồng mắc ca ở Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. “Người dân mua cây giống của Công ty được ký hợp đồng, có các điều khoản như cam kết 5 năm trồng nếu không ra quả thì Công ty sẽ đền bù giống 12 lần giá trị cây giống mua ban đầu”- ông Dương Văn Ngọc nhấn mạnh.
Qua thực tiễn sản xuất và thấy được giá trị kinh tế của cây mắc ca, ông Tưởng Văn Khanh – Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện chia sẻ, huyện Đăk Tô đang phát triển cây mắc ca tập trung theo vùng trồng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, trong giai đoạn 2021-2025, huyện Đăk Tô phấn đấu trồng 500ha mắc ca. Tính đến thời điểm này, huyện phát triển được trên 240ha mắc ca.
“Trong chiến lược trồng mắc ca, huyện gắn với mô hình liên chuỗi sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm mắc ca của Công ty TNHH Mắc ca HD ở huyện Đăk Tô đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao” – ông Khanh cho hay.
Nếm sản phẩm hạt mắc ca khô nẻ “3 sao” ở huyện, tôi nhận thấy mùi thơm nhẹ và bùi ngậy, ngon không thua kém các thương hiệu mắc ca nổi tiếng khác có trên thị trường. Chợt nhớ lại câu nói không ngoa của một cán bộ ở huyện Đăk Tô: huyện Đăk Hà có thương hiệu và vùng chuyên canh cà phê, huyện Tu Mơ Rông có “Quốc bảo Ngọc Linh”, Kon Plông có rau hoa xứ lạnh, huyện Đăk Tô sẽ là mắc ca. Có lẽ đúng vậy!
Văn Nhiên