04/09/2022 06:10
Khám phá những “miệt vườn”
Với diện tích đất nông nghiệp lớn, bằng phẳng, Ia Chim có tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp. Để đất “chuyển mình”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Ia Chim tích cực nghiên cứu, tìm hiểu, khuyến khích, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá thế độc canh một số cây trồng truyền thống, mở rộng diện tích cây ăn trái. Hướng dẫn người dân liên kết, xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã hình thành “cánh đồng lớn”, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao thu nhập.
Toàn xã Ia Chim hiện có 4 hợp tác xã trồng cây ăn trái theo hướng an toàn, hữu cơ với gần 80 thành viên. Tổng diện tích cây ăn trái của xã hiện có 300ha với nhiều “miệt vườn” trồng các loại cây có giá trị cao như sầu riêng, bơ, mít...
|
Nằm sát con đường trục chính của xã, vườn cây ăn trái xen canh cà phê của chị Lương Thị Lệ (thôn Plei Lay) thu hút sự chú ý của nhiều người. Trên diện tích hơn 8ha đất canh tác, chị Lệ trồng 8.000 cây cà phê cùng với gần 1.400 cây sầu riêng Thái, hơn 300 gốc bơ và mít, cùng vài chục cây mãng cầu na để làm hàng rào.
Chị Lệ chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi trồng cao su, nhưng từ năm 2016, khi vườn cây hết chu kỳ khai thác, tôi quyết định chuyển đổi cây trồng. Tôi thấy đất đai màu mỡ, thuận tiện đường sá mà trồng cao su thì tiếc quá nên đã tìm tòi, tham khảo nhiều mô hình sản xuất rồi quyết định chọn giải pháp trồng cà phê xen canh cây ăn trái để đa dạng hóa cây trồng, khai thác hiệu quả quỹ đất và giảm rủi ro trong sản xuất. Mùa nào thức nấy, các loại cây trồng đều cho rất nhiều quả và được thương lái thu mua toàn bộ. Tuy nhiên, để có vườn cây xanh tốt quy mô như hôm nay, chúng tôi cũng phải vừa làm vừa học, đầu tư từng bước, lấy ngắn nuôi dài và dần dần lấp đầy diện tích.
Theo tính toán của chị Lệ, với khoảng 5.000 cây cà phê đã cho thu hoạch và 700 cây sầu riêng đang cho quả cùng với các loại cây ăn quả khác, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị có thể thu về trên 700 triệu đồng/năm. Từ năm sau trở đi, khi toàn bộ vườn cây cho thu hoạch thì nguồn thu sẽ lớn hơn.
Cách nhà chị Lệ không xa là khu vườn rộng hơn 3ha, vừa trồng sầu riêng theo hình thức tập trung vừa trồng bơ xen canh của anh Lê Hào Hùng.
|
Vừa dẫn chúng tôi thăm quan khu vườn, anh Hùng vừa kể: Trước đây, cũng như các gia đình trong xã, tôi chỉ biết trồng cao su, nhưng sau này, thấy làm cao su khá vất vả, nhất là công cạo mủ. Thế là tôi chặt bỏ cao su và chuyển sang trồng cây ăn trái và cà phê. Hiện tại, trong khu vườn của tôi có 2.000 gốc cà phê, 100 cây sầu riêng hạt lép, 200 cây bơ boot. Tôi nhận thấy, trồng cây ăn trái vừa nhàn, vừa dễ tiêu thụ mà lợi nhuận lại cao hơn so với các loại cây trồng khác 3 – 4 lần.
Vườn cây nhà anh Hùng được trồng theo hướng hữu cơ, tưới nước tự động, không dùng hóa chất nên sản phẩm làm ra đến đâu được thương lái đến tận nơi thu mua đến đó với giá cả cao, ổn định.
Mở hướng phát triển du lịch
Nằm cách trung tâm thành phố không xa, chỉ chừng vài chục phút chạy xe, giao thông thuận tiện với khí hậu mát mẻ, những vườn cây ăn trái trĩu quả nên Ia Chim có sức hấp dẫn với nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là lợi thế để địa phương, người dân khai thác du lịch sinh thái, miệt vườn và phát triển kinh tế nông nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hưng- Chủ tịch UBND xã Ia Chim cho biết: Việc tham quan những cơ sở nông nghiệp và trực tiếp tham gia vào các công đoạn sản xuất, thu hoạch hay sơ chế sản phẩm, thưởng thức những trái cây ngay tại vườn giúp du khách được trải nghiệm, cảm nhận những nét đẹp trong lao động, sản xuất khiến cho du lịch trải nghiệm, sinh thái hấp dẫn nhiều người. Mặt khác, phát triển du lịch miệt vườn còn là hình thức để quảng bá mặt hàng nông sản của địa phương, thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm, gia tăng thu nhập cho nông dân. Xác định rõ khả năng và lợi thế, chính quyền xã đã định hướng, từng bước tuyên truyền, vận động người dân mở rộng quy mô sản xuất, đưa các loại cây ăn trái chất lượng cao vào trồng theo hướng hữu cơ, an toàn, song song với đó là đa dạng các dịch vụ để khai thác du lịch.
Trồng cây ăn trái, mở cửa đón khách là mục tiêu của xã và cũng là mong muốn của bà con nông dân. Vì thế, thời gian qua, nhiều gia đình ở Ia Chim đã và đang thử sức với lối đi này.
Chẳng hạn như ở Hợp tác xã Thần Nông, sau khi thành công xây dựng vùng trồng thanh long ruột đỏ, sầu riêng Thái, một số gia đình thành viên của hợp tác xã đã mở cửa vườn cây cho khách tham quan, học hỏi, trải nghiệm và thưởng thức những sản phẩm trái cây an toàn ngay tại vườn.
Chị Lương Thị Lệ cho rằng: Đây là cách làm hay giúp người dân tận dụng lợi thế sẵn có để gia tăng thu nhập; đồng thời là cơ hội để vừa quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm mình làm ra. Hiện nay, gia đình tôi đang tìm hiểu, học hỏi cách làm của các hộ dân trong vùng và ở các nơi khác với mong muốn sẽ thực hiện thành công mô hình này trong thời gian tới.
Không chỉ có những “miệt vườn”, Ia Chim còn hấp dẫn du khách với diện tích lòng hồ thủy điện Ia Ly rộng lớn, cảnh quan thiên nhiên đẹp, sông nước, núi non hữu tình, một bến đò ngày ngày đưa khách dạo chơi. Bên cạnh đó, nhiều nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Gia Rai như lễ hội mừng lúa mới, nhà rông mới, cồng chiêng, múa xoang, nhà sàn truyền thống được đồng bào nơi đây gìn giữ, bảo tồn cũng tạo cho Ia Chim một sức hút đặc biệt để khai thác du lịch cộng đồng.
Sự đa dạng và hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi là cơ hội để Ia Chim khai thác loại hình “kinh tế xanh” này, đưa địa phương bứt tốc trong tương lai không xa.
Đi trên những con đường bê tông phẳng lì, ngắm những vườn cây xanh tốt, những ngôi nhà khang trang, lắng nghe và cảm nhận, tôi thấy đất Ia Chim đang “chuyển mình” mạnh mẽ. Một bức tranh nông nghiệp, nông thôn Ia Chim với những gam màu tươi mới của no ấm đang hiện hữu.
Thiên Hương