25/09/2021 06:25
Hồi sinh một vùng đất
Theo giới thiệu của Huyện ủy Sa Thầy, từ lâu, tôi biết A Súc là một nông dân học tập và làm theo Bác ở ý chí vươn lên, không ngại khó, ngại khổ, trở thành một tấm gương sáng trong cuộc chiến giảm nghèo và trở thành một nông dân sản xuất giỏi ở địa phương.
Sâu sát cơ sở và gắn bó với nông dân, khi trao đổi với tôi, anh Trần Lệnh Tuyến - Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi khẳng định: A Súc giỏi lắm! Không chỉ ở thôn Kram mà ở xã Rờ Kơi nhiều người biết đến A Súc. Để rõ người, rõ việc, anh Trần Lệnh Tuyến khuyên tôi nên đến thôn Kram để gặp gỡ A Súc và cảm nhận thêm về những thay đổi ở nông thôn.
Không bỏ lỡ cơ hội, từ sự giới thiệu của cán bộ xã, tôi hẹn ngày gặp A Súc. Vốn chân tình, không để khách phải đợi, A Súc có mặt trước khi tôi đến xã. Trong thâm tâm trước khi gặp, tôi mường tượng A Súc phải là một tay nông dân to khỏe, giọng nói oang oang... Nhưng không, anh lại là người tầm thước, giọng ôn tồn và nhỏ nhẹ.
Sau câu chào hỏi và cái bắt tay chân tình, tôi cùng A Súc từ UBND xã Rờ Kơi theo Tỉnh lộ 675 xuôi về hướng xã Mô Rai khoảng hơn 5 km, rồi rẽ phải vào trang trại dưới chân đồi Sạc Ly. Từng đi qua đây, tôi biết khu vực này nhiều năm về trước là nơi “ngự trị” của cỏ tranh, rừng le, nay là những triền đồi cao su, cà phê... xanh ngút tầm mắt.
|
Rảo bước dưới vườn cao su căng tràn nhựa sống, A Súc chia sẻ: Ơn Đảng, Nhà nước. Nhờ thực hiện chủ trương cũng như được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc phát triển cây cao su tiểu điền, gia đình tôi mới có điều kiện phát triển 4ha cao su, trong đó có 3ha cao su đi vào khai thác.
“Bình quân mỗi hécta cao su cho 700 - 800 nghìn đồng/lần cạo. Với 3ha cao su đi vào khai thác, chia ra làm 2 lô, cạo theo chế độ D2 (ngày cạo/ngày nghỉ) thì bình quân mỗi ngày gia đình thu từ 1,05-1,2 triệu đồng. Từ ngày có cây cao su đi vào khai thác, gia đình tôi không còn khó khăn vất vả nữa. Cây cao su đã giúp gia đình nâng cao đời sống”- A Súc bày tỏ.
Trong trang trại, dưới các vườn cao su, gần các khe giữa các đồi, A Súc trồng cà phê. Để có phân bón cho cà phê và ruộng nước, có thời điểm A Súc nuôi chục con bò (nay còn 6 con). Đồng thời từ nguồn thu từ cây cao su, A Súc lấy tiền đầu tư mua máy bơm nước tưới cây, mua phân bón NPK và lấy phân bò ủ hoai mục bón cho cà phê theo yêu cầu kỹ thuật mà anh học được ở các lớp khuyến nông do xã mở. Chính vì vậy, 2 ha cà phê của gia đình A Súc xanh tốt, trong đó có 1 ha cà phê đi vào kinh doanh và đang phát huy hiệu quả kinh tế.
Không chỉ có vậy, A Súc còn là người giỏi chuyên canh mì. Không như ông bà ở thôn Kram ngày xưa trồng mì được chăng hay chớ mà không có sự đầu tư, chăm sóc nhiều, A Súc trồng mì cao sản bón phân, làm cỏ nên vườn mì lúc nào cũng xanh tốt và cho nhiều củ. Hàng năm, từ 1 ha mì đem về cho gia đình A Súc một nguồn thu không nhỏ.
Khi hỏi tổng thu nhập của gia đình, A Súc nhẩm tính và ước nhanh như máy: Bình quân hàng năm, gia đình thu nhập từ sản xuất nông nghiệp khoảng gần 400 triệu đồng.
“Học Bác Hồ ở ý chí vượt khó và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, gia đình tôi mới có đời sống thay đổi như ngày nay”- A Súc thật lòng.
Từ một vùng “đất chết” với bom đạn và chất độc hóa học Mỹ đổ xuống tàn phá xơ xác ngày nào, học tập và làm theo Bác Hồ và dưới ánh sáng Nghị quyết của Đảng bộ huyện, xã, anh nông dân A Súc biến nơi đây thành vùng đất trù phú, cây cối xanh tươi.
Lan tỏa việc tốt
Rời trang trại dưới chân đồi Sạc Ly, tôi vào thôn Kram thăm nhà A Súc theo lời mời. Nhà A Súc nằm giữa làng. Căn nhà khá khang trang. Trong nhà, vợ chồng A Súc trang bị các phương tiện sinh hoạt, không thiếu thứ gì, giống như nhiều ngôi nhà khá giả ở phố thị.
Ngồi uống trà, A Súc cùng tôi tỉ tê trò chuyện. Theo lời A Súc, anh từng có tuổi thơ không may mắn. Cha A Súc mất sớm. Gánh nặng lên vai gầy người mẹ hay đau ốm, nuôi 3 con nhỏ khiến cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Có thời điểm, anh em A Súc phải đi mót từng củ khoai và ngày chỉ ăn một bữa. Cuộc sống khốn khó, A Súc không có điều kiện đi học nhiều như chúng bạn vì phải ở nhà phụ việc với mẹ.
Bù lại, A Súc là người ham học hỏi trong sản xuất. Tuổi thơ cơ hàn đã rèn luyện A Súc tính chịu đựng, ham làm và ý chí vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Với sự nỗ lực của bản thân, khi đến tuổi trưởng thành và lập gia đình, A Súc dần dần có cuộc sống ổn định.
|
“Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”, A Súc làm không biết mệt. Ngày nào anh cũng ở trên rẫy, hết trồng, chăm sóc, khai thác cao su, cà phê, đến mì, lúa... Công việc nhà nông cứ cuốn hút anh hết việc này đến việc khác.
Là người ham học hỏi và có ý chí vươn lên, A Súc không tự ti, mặc cảm. Trong sản xuất và đời sống, cái gì không biết thì A Súc học. Học ở người biết, ở người có kinh nghiệm hơn mình. Học ở các lớp tập huấn, khuyến nông do xã mở; học ở chương trình khuyến nông trên truyền hình...
Vợ A Súc là Y Tơm cũng là người chịu khó học hỏi và là đảng viên. Chính vì vậy, nhiều công việc trong thôn, vợ chồng A Súc đi đầu để dân làng làm theo.
Vươn lên từ khốn khó và biết cảm thông, chia sẻ, không khó hiểu khi người dân nơi đây dành những lời tốt đẹp ngợi khen vợ chồng A Súc. “Khi mình làm nhà thiếu tiền, A Súc cho mình mượn 15 triệu đồng không tính lãi. Vợ chồng A Súc sống có nghĩa, có tình”- A Toàn bộc bạch. “Khi trồng cà phê, gia đình tôi thiếu tiền đầu tư cây giống. Nhờ A Súc cho mượn tiền, chia sẻ kinh nghiệm trồng cà phê, gia đình mới có vườn cà phê như hiện nay”- A Đoàn chân tình kể về sự tương trợ của vợ chồng A Súc.
Cũng như nhiều người dân trong thôn, A Việt - Trưởng thôn Kram khi nói về A Súc có lời khen: A Súc là con người tốt, là nông dân sản xuất giỏi ở địa phương. Tấm gương A Súc vươn lên trong sản xuất được nhiều người dân trong thôn học tập và làm theo. Phát triển cây công nghiệp, ứng dụng khoa học vào sản xuất, người Hà Lăng thôn Kram không còn khó khăn như xưa.
Trao đổi về A Súc, A Đinh - Bí thư Đảng ủy xã tự hào: A Súc là người học và làm theo lời Bác Hồ ở tinh thần vượt khó và trở thành nông dân sản xuất giỏi ở địa phương. Chính vì vậy, A Súc từng được UBND tỉnh tuyên dương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chia tay A Súc, bỗng dưng tôi lại nhớ đến câu nói của Bác Hồ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” năm nào vẫn còn nóng hổi.
Văn Nhiên