Heo sọc dưa sạch xã Đăk Pxi

22/02/2021 13:03

“Gần 30 hộ nuôi heo sọc dưa sạch, có nhiều hộ nuôi hàng đàn heo, nhưng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, con heo sọc dưa vẫn không đáp ứng nhu cầu thị trường. Và con heo sọc dưa sạch đang góp phần giúp người dân nâng cao đời sống và tạo được dấu ấn ở địa phương” – ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi chia sẻ.

Trong một lần về xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà công tác, nghe lãnh đạo xã trao đổi thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xã tập trung chỉ đạo các thôn, làng vận động nhân dân nuôi heo sọc dưa sạch theo hình thức bán hoang dã để cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng và có giá trị trong vùng khiến tôi cứ “mắt tròn mắt dẹt”.

Chưa hết, tôi còn được mời đi tham quan mô hình, nghe giảng viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tuyên truyền nghề nuôi heo sọc dưa trước sự say mê của người dân tại nhà sinh hoạt cộng đồng của xã. Kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, thầy Trần Đình Lưu – giảng viên Trung tâm đang đào tạo nghề khơi dậy tinh thần ham học hỏi, ý thức nuôi heo sọc dưa, tạo ra sản phẩm thịt heo sạch, có chất lượng ở địa phương.

Kể từ dạo đó, tôi thường dõi theo việc nuôi heo của người dân xã Đăk Pxi. Và mới đây khi bàn về xây dựng thương hiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà – Hà Tiến cũng đánh giá cao mô hình nuôi heo sọc dưa sạch ở xã Đăk Pxi và khuyên tôi trở lại xã Đăk Pxi một chuyến.

Về lại xã Đăk Pxi lần này, tôi đến nhà chị Y Veng, thôn Kon Pao Kơla đang nuôi heo sọc dưa. Đang nằm chơi với con trên võng, thấy tôi đến nhà, chồng chị Y Veng liền mau miệng: Nhà báo hả? Mình nhớ gặp nhà báo rồi! Mô hình nuôi heo sọc dưa của gia đình thành công rồi!

Ông Nam đang theo dõi đàn heo. Ảnh: V.N

 

Nghe chồng vồn vã, chị Y Veng mỉm cười và đon đả dẫn chúng tôi ra sau nhà xem heo. Ở khu vực nuôi heo sọc dưa sau vườn, gia đình chị Y Veng  khoanh lại bằng lưới B40. Chuồng heo được xây dựng bằng gạch, mái lợp tôn để bảo đảm cho heo có chỗ trú mưa, trú nắng và vào ăn uống. Nhìn vào chuồng, tôi không thấy con heo nào. Tinh ý, chị Y Veng liền lấy tay gõ vào xô thức ăn vài tiếng, đàn heo từ vườn tranh nhau chạy về thọc mõm vào máng ăn. Đàn heo con nào con nấy thân hình rắn chắc. Vừa ăn, heo vừa liếc mắt lườm người lạ là tôi. Ăn xong, chúng lại kéo nhau ra vườn.

“Phải có một khoảnh đất cho heo sọc dưa đi dạo, tự tìm thêm thức ăn ngoài tự nhiên. Heo có hoạt động, thịt heo mới rắn chắc, thơm ngon như thịt heo rừng ngoài tự nhiên. Heo nhà mình nuôi đẻ được mấy lứa rồi và bán được 4 cặp heo con. Bình quân mỗi cặp heo (khoảng 10 kg/con), mình bán được 3 triệu đồng. Còn lại mấy cặp, mình cho người thân mượn nuôi, không lấy tiền. Khi nào heo đẻ, người thân trả lại heo. Nuôi heo sọc dưa sạch lợi lắm, mình rất thích!” – Y Veng bộc bạch.

Vốn cởi mở, chị Y Veng không giấu kỹ thuật nuôi heo. Theo chị, thức ăn cho heo là sản phẩm phụ trong nông nghiệp như bột cám, thân bắp, cùi bắp sau thu hoạch, cây rau, cây cỏ trên rẫy; thân chuối bằm trộn với bột cám, bột bắp... Vì vậy, thịt heo sạch, không có dư lượng chất tăng trưởng trong chăn nuôi. Giá heo sọc dưa cao gấp đôi so với giá thịt heo thường. Chị dự định sẽ tiếp tục mở rộng nuôi heo sọc dưa.

Chia tay gia đình chị Y Veng, tôi vào cơ sở nuôi heo sọc dưa của anh Nguyễn Công Đoàn (thôn Kon Teo) ở một góc vườn cao su. Cũng giống như chị Y Veng, anh Nguyễn Công Đoàn xây chuồng kiên cố cho heo. Chuồng heo có lối thông với vườn cao su được rào lưới B40 cẩn thận. Trong chuồng có 15 con heo, trong đó có 6 con heo nái, còn lại heo đực giống và heo con. Đàn heo ăn no, chúng ủn ỉn quanh khu vực chuồng trông rất đáng yêu. 

“Chuồng chỉ là nơi heo vào ăn, tránh nắng mưa. Theo tập quán, heo sọc dưa chủ yếu sống ở ngoài vườn, kể cả sinh đẻ. Khi nào cần tách heo mẹ, em bắt heo con vào chuồng nuôi riêng. Hiện, 5 con heo đang có chửa. Giá heo hơi sọc dưa sạch nuôi theo hình thức bán hoang dã 120 – 150 nghìn đồng/kg,  cao gấp đôi so với giá heo hơi thông thường trên thị trường nhưng không có heo để bán. Gia đình nuôi heo từ tháng 4/2020, đến nay, lãi hơn 30 triệu đồng. Đó là chưa tính đàn heo còn lại đang nuôi trong chuồng. Nuôi heo sọc dưa lời và nhàn nhã” – Nguyễn Công Đoàn thật lòng.

Hỏi heo sọc dưa có làm hại cao su hay không, Nguyễn Công Đoàn khẳng định, heo không làm hại cây cao su. Vườn cao su vẫn phát triển và cho mủ bình thường. Từ hiệu quả của quá trình nuôi, anh dự định trong thời gian đến sẽ tiếp tục tăng đàn heo sọc dưa.

Rời cơ sở nuôi heo Nguyễn Công Đoàn, tôi đến cơ sở nuôi heo sọc dưa của ông Lưu Hồng Nam (thôn Đăk Rơ Wang) có tiếng ở xã. Không nuôi heo sau nhà sợ ảnh hưởng đến môi trường, ông Nam giăng lưới B40 lại nuôi heo sọc dưa tại một góc rẫy cà phê già cỗi cách xa khu dân cư. Lúc chúng tôi đến, ông Nam không có mặt ở trại nuôi. Nhìn quanh rẫy cà phê, tôi thấy đàn heo đang hì hục kiếm ăn. Thế nhưng khi nghe tiếng ông Nam đến, đàn heo lũ lượt kéo nhau về chuồng đòi ăn.

Ông Nam cho hay, thực hiện chủ trương của xã, ông nuôi heo sọc dưa đầu năm 2020. Ban đầu nuôi 2 con heo sọc dưa nái và 1 con đực giống. Thức ăn cho heo của ông là bã rượu, bột cám, thân chuối băm nhỏ, cỏ voi... Nắm vững kỹ thuật nuôi, heo của ông sinh trưởng và phát triển nhanh. Lúc cao điểm, đàn heo trong chuồng lên 45 con. Tại thời điểm tôi đến, ông xuất bán nhiều lứa, trong chuồng còn lại 33 con heo, trong đó có 11 con heo đang chửa, gần ngày đẻ.

Nuôi heo sọc dưa nhiều, giá heo sọc dưa lại cao gấp đôi so với giá heo nhà trên thị trường, nhưng ông Nam bảo không đủ heo cung ứng nhu cầu thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Từ khi nuôi heo đến nay, gia đình ông lãi hơn 40 triệu đồng (không tính số heo giống đang gầy dựng và heo con nuôi trong chuồng). Heo nái của ông giống tốt, sinh sản nhiều. Bình quân một nái đẻ 10 con/lứa; có nái đẻ 14 con/lứa.

Tuy nhiên, ông Nam trăn trở là trong những thời điểm không phải là dịp lễ, tết, việc xuất bán đàn heo với số lượng lớn chậm vì trong những thời điểm đó, sức tiêu thụ thịt heo sọc dưa trên thị trường có hạn; phải bán lai rai.

Điều này cũng đúng, bởi thương hiệu heo sọc dưa sạch ở xã Đăk Pxi cần phải tiếp tục xây dựng và quảng bá mở rộng thêm thị trường tiêu thụ.

Chia sẻ với người chăn nuôi và với tầm nhìn dài hạn, ông Nguyễn Phúc Đoan cho rằng, để xuất heo ra thị trường với số lượng lớn, người chăn nuôi cần phải canh thời điểm heo xuất chuồng trên thị trường tiêu thụ mạnh như thời điểm dịp lễ, Tết Nguyên đán; đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm thịt heo.

Mặc dù có gặp một số trắc trở, nhưng theo ông Đoan là có thể “hóa giải” được. Thành công bước đầu trong việc nuôi heo sọc dưa sạch là nhờ xã có kế hoạch đào tạo nghề bài bản, tạo điều kiện cho người dân vay vốn từ quỹ sinh kế cộng đồng để mua heo giống, hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại và tổ chức cho người dân đi tham quan học tập nuôi heo sọc dưa sạch theo hình thức bán hoang dã ở nhiều nơi.

Bàn về định hướng phát triển, ông Đoan tự tin cho biết, xã giúp người dân thành lập Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao. Các thành viên trong Tổ hợp tác này tập trung vào nuôi heo sọc dưa sạch, dê và cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, UBND xã kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư liên kết với các thành viên trong Tổ hợp tác đầu tư nuôi heo sọc dưa, dê sạch và đi sâu vào khâu chế biến nhằm đa dạng sản phẩm như thịt heo sọc dưa hộp, thịt heo xông khói... và đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền quáng bá, tiêu thụ sản phẩm. 

Có kế hoạch, tầm nhìn dài hạn và chính sách phù hợp, tôi tin heo sọc dưa sạch và các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao ở xã Đăk Pxi sẽ còn đi xa hơn nữa.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác