09/09/2019 06:03
Khó khăn về kinh tế và nhận thức còn hạn chế chính là rào cản làm cho nhiều người dân ở vùng sâu Tu Mơ Rông chưa chú trọng đúng mức đến việc học tập của con em mình. Chính vì vậy, việc “gieo chữ trên vùng đất khó” này, nhất là việc đảm bảo duy trì sĩ số học sinh đến lớp luôn là “bài toán” khó của ngành Giáo dục - Đào tạo Tu Mơ Rông.
Để đảm bảo sĩ số, những thầy cô giáo vùng sâu Tu Mơ Rông không quản ngại khó khăn, gian khổ đến “gõ cửa từng nhà”, thậm chí cuốc bộ lên tận khu rẫy để vận động học sinh ra lớp. Nếu không có tình yêu trẻ, yêu nghề và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục thì khó có thầy cô giáo nào đủ kiên trì làm công việc huy động học sinh ra lớp như những “giáo viên cắm bản” nơi đây.
Chúng tôi về xã Ngọc Yêu - xã khó khăn nhất của huyện Tu Mơ Rông để tìm hiểu về nỗi vất vả, nhọc nhằn gieo chữ của các thầy cô giáo nơi đây.
Để làm được chuyến trải nghiệm này, tờ mờ sáng chúng tôi xuất phát từ thành phố Kon Tum nhưng phải đến gần trưa mới đến được Ngọc Yêu.
|
Vượt đỉnh Măng Rơi trong làn mây mù giăng phủ kín đỉnh núi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được huyện Tu Mơ Rông. Từ trung tâm huyện phải vượt thêm 30km nữa mới đến được Trường PTDTBT THCS Ngọc Yêu. Đây là ngôi trường nằm ở vùng sâu của huyện Tu Mơ Rông nhưng lại có tỉ lệ học sinh đến lớp cao nhất huyện (đạt 100% sĩ số). Để có được kết quả đó, các thầy cô ở ngôi trường này đã phải nỗ lực thật nhiều trong công tác vận động học sinh ra lớp.
Đường vào xã Ngọc Yêu nhấp nhô sỏi đá. Sau hơn 1 giờ vật lộn với đường ngoằn ngoèo xuyên qua các cánh rừng, cuối cùng Trường PTDTBT THCS Ngọc Yêu cũng hiện ra.
Chúng tôi đến xã Ngọc Yêu đúng vào lúc trời mưa tầm tã. Chào đón khách, thầy Hoàng Văn Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường có 15 thầy cô giáo. Toàn bộ số giáo viên này đều ở các huyện xa về nơi này “gieo chữ”. Có người ở tận huyện Đăk Glei, cũng có người ở dưới thành phố Kon Tum.
Theo thầy Hoàng Văn Hải, năm học này nhà trường có 100 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, trong đó 100% là học sinh người đồng bào DTTS. Số học sinh này ở 8 thôn làng của xã Ngọc Yêu; thôn xa nhất cách trường đến gần 10km. Nghỉ hè các em học sinh thường lên nương rẫy phụ giúp cha mẹ, vậy nên, đến ngày đi học các em cũng “quên đến lớp”. Để huy động học sinh đến lớp, 15 giáo viên của trường hàng ngày phải tỏa ra khắp các thôn làng vận động các em trở lại lớp học mỗi khi đến mùa khai trường.
“Thời gian thầy cô đi vận động đúng vào mùa mưa, đường đất thì trơn như đổ mỡ, các thầy cô bị ngã xe là chuyện như cơm bữa. Thế nhưng, không thầy cô nào nản chí. Để động viên chính mình, có thầy cô đùa “xe ngã thì đã sao”, cứ vậy các thầy cô dựng xe dậy rồi lại tiếp tục đi vận động học sinh ra lớp. Những hôm mưa xối xả, tối mặt tối mũi nhưng để các em không bỏ học, các thầy cô vẫn đến với các em. Cũng có hôm mưa lớn quá, các thầy cô ngủ luôn tại nhà học trò cùng ăn, cùng uống với họ”- Thầy Hoàng Văn Hải chia sẻ với chúng tôi câu chuyện đầy xúc động về nỗi khổ của thầy cô giáo nơi đây.
|
Chúng tôi theo chân cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga tìm đến nhà của A Khuyến (học sinh lớp 7) ở làng Ba Tu 1, cách trường hơn 7km. Nhà cô Nga ở dưới thành phố Kon Tum, nhưng vì chồng cô cũng rất bận rộn nên đến mùa đi học cô Nga đưa con lên trường để tiện chăm sóc.
Vì là giáo viên chủ nhiệm nên cô Nga rất tường tận gia cảnh của A Khuyến. Hoàn cảnh nhà A Khuyến nghèo khó lắm. Cha mất hơn 3 năm nay, một mình mẹ chăm sóc 2 con và mẹ già. Cũng có những hôm Khuyến theo mẹ lên rẫy, quên cả đếp lớp. Biết được hoàn cảnh của Khuyến, cô Nga tìm cách tiếp cận, động viên để Khuyến quên chuyện buồn mà cố gắng học tập.
Cứ thế, những thầy cô ở Trường PTDTBT THCS Ngọc Yêu đến từng thôn làng, gõ cửa từng nóc nhà. Rồi họ lấy hết những lời ruột gan để khuyên nhủ, động viên con em ra lớp. Cũng nhờ các thầy cô không quản ngại khó khăn vất vả, kiên trì vận động mà trường có tỉ lệ học sinh đến lớp cao nhất huyện.
Tương tự, ở xã Tu Mơ Rông có 8 thôn hầu hết là khó đi. Thôn xa nhất là thôn Đăk Neng, cách trường gần 10km. Các thôn khác như Đăk Chum II, Đăk Ka cũng từ 6 đến 7 km. Đường sá đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa chỉ có thể đi bộ. Ấy vậy mà gần 20 thầy cô giáo của Trường PTDTBT tiểu học Tu Mơ Rông hàng ngày vẫn lặn lội đến từng thôn, vào từng nhà đi vận động học sinh ra lớp.
Cô giáo Hồ Thị Thùy Vân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học xã Tu Mơ Rông cho biết: Toàn trường có 162 học sinh, trong đó học sinh được hưởng chế độ bán trú chỉ có 122 em, số còn lại không được hưởng. Trong khi đó, nhà học sinh cách trường từ 7-10km nên công tác vận động học sinh ra lớp của giáo viên rất vất vả.
“Do đặc thù bà con đi làm rẫy chiều tối mới về nên cứ đến cuối giờ chiều, các thầy cô giáo mới tỏa về các thôn làng vận động học sinh. Nhiều hôm trời mưa, các thầy cô phải đội mưa, cầm đèn pin đến từng nhà có học sinh để động viên gia đình đưa con đến trường học tập. Không ít lần như vậy, do trời tối, đường xa, trời lại mưa nên các thầy cô phải ngủ lại nhà dân. Vất vả là vậy, nhưng khi các em đến lớp chuyên cần là chúng em mừng rồi…” - cô Vân tâm sự.
Rời xã Tu Mơ Rông, chúng tôi tiếp tục hành trình về với xã Đăk Hà - địa phương nằm ở trung tâm huyện lỵ Tu Mơ Rông. Những tưởng nằm ngay trung tâm huyện thì học sinh sẽ đến lớp chuyên cần hơn, nhưng qua tìm hiểu, việc duy trì sĩ số là cả một sự gian nan, kiên trì của những thầy cô giáo nơi đây.
Thầy Nguyễn Văn Hoàng - Hiệu trưởng Trường THCS Đăk Hà cho biết, năm học vừa qua tỷ lệ duy trì sĩ số của trường chỉ đạt gần 90%. Việc duy trì sĩ số học sinh đến lớp gặp khó khăn nhất là vào thời gian sau tết, đầu năm học mới và mùa thu hoạch. Để bảo đảm sĩ số học sinh đến lớp, hơn 26 cán bộ, giáo viên (kể cả ban giám hiệu) cùng tỏa về các thôn làng, bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm đều phải lặn lội đến từng nhà, thậm chí lên tận khu sản xuất để tuyên truyền, vận động.
|
Một buổi chiều đầu năm học mới, chúng tôi theo chân các thầy cô giáo Trường THCS Đăk Hà về làng Kon Pia - ngôi làng cách xa trường hơn 7km và đây cũng là nơi có học sinh đông nhất. Thầy Nguyễn Văn Hoàng (Hiệu trưởng nhà trường) cùng cô giáo Đinh Thị Viên (giáo viên) phải vất vả lắm mới chạy được xe qua con dốc trơn trượt, rồi tiếp tục vượt qua cây cầu tạm chênh vênh bắt qua con suối nhỏ để đến nhà ông A Điều đang có 2 con học tại trường (A Điệu - lớp 6 và A Văn Tuấn - lớp 9).
Thấy cửa đóng then cài, thầy Hoàng và cô giáo Viên nói với chúng tôi: “Có lẽ các em đã theo bố mẹ đi rẫy rồi”. Thế là mọi người lại lặn lội vượt suối, leo đồi hàng giờ mới đến tận khu rẫy của gia đình ông A Điều. Ngay tại khu rẫy, thầy Hoàng động viên, sẻ chia những khó khăn cùng gia đình, đồng thời phân tích lợi ích của việc học tập để ông A Điều cho 2 đứa con đi học. Sau hồi phân tích, ông A Điệu hiểu ra và hứa sẽ không bắt con đi làm nữa mà sẽ tạo điều kiện để các con đến trường đầy đủ để học con chữ.
Trao đổi với chúng tôi, ông An Văn Sáu - Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tu Mơ Rông cho biết: Năm học nào cũng vậy, các thầy cô giáo công tác ở huyện Tu Mơ Rông đều tích cực vận động học sinh ra lớp tìm con chữ. Năm nay, Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện chỉ đạo các trường tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương và các hội đoàn thể xã tuyên truyền, vận động học sinh đến trường, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học…
Khó có thể nói hết được những khó khăn, vất vả, sự tận tụy của thầy cô giáo vùng khó ở Tu Mơ Rông. Nhưng với họ, vì tình yêu nghề, vì sự nghiệp giáo dục và vì thế hệ tương lai của đất nước, họ sẵn sàng hy sinh niềm riêng cho sự nghiệp chung.
Văn Phương