Ghi ở “ngã ba biên giới”

12/03/2019 06:27

Huyện biên giới Ngọc Hồi đang đổi thay tích cực mọi mặt, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Sự phát triển ấy đã và đang làm nên nhiều nét đổi thay vùng “ngã ba biên giới”- một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh…

Đổi thay cơ sở hạ tầng

Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp rong ruổi trên các xã, thị trấn huyện Ngọc Hồi - vùng đất có Cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, mà chúng ta thường gọi là “Ngã ba Đông Dương” (hay “Ngã ba biên giới”), nơi “một tiếng gà gáy cả ba nước cùng nghe”.

Trên chiếc xe máy, vượt gần 70km từ thành phố Kon Tum lên vùng đất “Ngã ba biên giới”, tôi lang thang về khắp các địa phương của huyện Ngọc Hồi. Sau gần một ngày ngược phía bắc, xuôi phía nam và ra phía tây của Ngọc Hồi, tôi đi xuyên suốt 8 xã, thị trấn của huyện. Đến đâu tôi cũng cảm nhận được sự thay đổi tích cực ở huyện vùng biên giới này.

Trong sự thay đổi ấy, ấn tượng nhất với tôi là những đổi thay của hệ thống cơ sở hạ tầng từ trung tâm thị trấn, các xã đến các thôn làng xa xôi. Đặc biệt, mạng lưới giao thông được đầu tư khá đồng bộ, với các tuyến Quốc lộ 14, 14C, 40, các tuyến đường đô thị được xây dựng khang trang, hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hoá.

Đến vùng đất “Ngã ba Đông Dương”, ấn tượng đầu tiên là sự thay đổi vượt bậc của thị trấn Plei Kần. Nhiều con đường mới được mở, bê tông nhựa phẳng lì; những ngôi nhà cao tầng nhà hàng, khách sạn mọc lên san sát. Chính sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt là cơ sở để thị trấn Plei Kần được công nhận đạt chuẩn đô thị loại 4.

Đổi thay làng quê vùng biên Đăk Kan

 

Từ thị trấn Plei Kần, dọc theo đường Hồ Chí Minh qua các xã Đăk Nông, Đăk Dục, Đăk Ang, những ngôi nhà kiên cố nằm sát dọc theo con đường, xen lẫn là những ngôi nhà dài, nhà sàn, nhà rông mang đậm nét truyền thống của người Giẻ -Triêng nơi đây. Hệ thống lưới điện được kéo đến từng nhà.

Các con đường làng nối với đường Hồ Chí Minh đều được thảm bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng; đường làng, ngõ xóm cũng được bê tông hóa, vệ sinh sạch sẽ; cổng vào các làng được xây dựng kiên cố tạo cảm giác bình yên. Đơn cử như ở làng Đăk Ba, làng Đăk Răng (xã Đăk Dục); làng Đăk Mế (xã Bờ Y) hay làng Giang Lố (xã Sa Loong)…

Hình ảnh những đứa trẻ tung tăng trên con đường bê tông phẳng lì; những chiếc xe chở hàng hóa nông sản ra vào tấp nập cho thấy sự phát triển mạnh mẽ đang mang đến sức bật mới ở các ngôi làng ngã ba biên giới này.

Tiếp tục hành trình, tôi lại rong ruổi dọc Quốc lộ 40 đi qua Đăk Xú, Bờ Y đến Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y. Con đường đất đỏ trước đây đã được bê tông nhựa phẳng lì, xe bon bon chừng 30 phút là đến Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y…

Nhiều nhà hàng, cửa hàng kinh doanh buôn bán mọc lên san sát. Nhiều ngôi nhà mới, với nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, đủ sắc màu mọc lên khá nhiều ở trung tâm các xã Đăk Xú, Bờ Y cho thấy sự phát triển khá nhanh ở những xã vùng biên của huyện Ngọc Hồi.

Tương tự, đến xã Sa Loong, Đăk Kan ở phía nam của huyện, tôi nhận được sự thay đổi mạnh mẽ cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường trạm và nhà ở dân cư được xây dựng kiên cố, khang trang…

Đó là ấn tượng chung với tôi khi trở lại vùng “Ngã ba biên giới” đầu xuân 2019.

Sức bật vùng kinh tế động lực biên giới        

Nhớ lại cách đây 20 năm, ở vùng “Ngã ba biên giới” này vẫn còn muôn trùng gian khó.

Những ai từng đặt chân đến Ngọc Hồi những năm đầu thành lập, chắc hẳn nay vẫn còn nhớ những khó khăn, gian khổ vô vàn ở vùng đất đầy nắng và gió này. Hồi ấy, phần lớn về các xã đều đi trên những đường đất bazan "nắng bụi mưa lầy". Kinh tế lạc hậu, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp mà người dân lại hầu như chỉ độc canh cây lúa rẫy mỗi năm một vụ; đời sống nhân dân nghèo nàn, khó khăn, có đến hơn 70% số hộ thuộc diện đói nghèo…

Để tạo ra một huyện biên giới sầm uất như bây giờ, Đảng bộ, chính quyền và người dân vùng đất này đã từng bước khắc phục trở ngại, khó khăn, từng bước nỗ lực vươn lên, với những bước đi cụ thể, bài bản và khoa học; nhất là việc xây nền móng hạ tầng bền vững, tạo cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội vững chắc.

Nông dân xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi) sản xuất rau an toàn

 

Nhờ vậy, từ một nền nông nghiệp tự cung tự cấp, bây giờ đã tạo ra hướng sản xuất hàng hóa với diện tích cây công nghiệp ngày càng tăng mạnh trên đất này. Hàng loạt trang trại được hình thành mở ra với hướng sản xuất hiện đại, đáp ứng nhu cầu địa phương và thị trường.

Thương mại, dịch vụ cũng phát triển nhanh. Nếu như năm 2000, huyện chỉ có 160 cơ sở kinh doanh, đến nay tăng lên khoảng 2.000 cơ sở kinh doanh đa dạng sản phẩm dịch vụ thương mại. Tốc độ phát triển kinh tế của huyện Ngọc Hồi những năm sau luôn cao hơn những năm trước. Đi đôi với phát triển kinh tế, đời sống người dân cũng cải thiện không ngừng, năm 2001 thu nhập bình quân đạt 2,65 triệu đồng/người/năm thì đến nay đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,6% năm 2000 xuống chỉ còn hơn 6% năm 2018.

Sự đổi thay ấy phải nói đến thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp. Người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa các loại cây trồng, lấy những loại cây trồng thế mạnh để phát triển như cà phê, cao su, bời lời, hồ tiêu… sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, dần hình thành giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

Ông Trần Sỹ Hải - Chủ tịch UBND xã Sa Loong tự tin “khoe” với chúng tôi, người dân tích cực chuyển đổi cây trồng, chú trọng đầu tư phát triển cây lâu năm. Nhờ vậy, đến nay toàn xã đã có gần 2.000ha cây công nghiệp với diện tích chủ yếu là cao su, cà phê góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện còn gần 10%.

Dẫn chúng tôi tham quan các mô hình sản xuất, dọc Quốc lộ 40, rất nhiều những khu cà phê xanh mướt dọc bên đường, vừa đi anh Nguyễn Cường - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hồi vừa giới thiệu, hiện nay người dân Ngọc Hồi đã ý thức được việc đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập nên hiệu quả sản xuất đạt cao hơn. Chỉ vào vườn cà phê, anh cho biết đó là vườn cà phê trồng cách đây gần 20 năm- vườn cà phê của ông Bùi Công Duyệt, là một trong những người đầu tiên đưa cây cà phê về trồng tại Đăk Xú.

Với sản lượng luôn đạt trên 6 tấn nhân/ha, vườn cà phê chính là niềm tự hào của Bùi Công Duyệt. Dù đất đai cằn cỗi, nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và nỗ lực chăm sóc nên sản lượng cà phê thu hoạch của gia đình ông luôn cao hơn từ 20 đến 30% so với các hộ trồng cà phê trong vùng.

Theo UBND huyện Ngọc Hồi, sự chủ động trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chính người dân địa phương là chủ thể tạo nên những khởi sắc của nông nghiệp Ngọc Hồi hiện nay.

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hiện nay khá phát triển, bên cạnh sự đầu tư cho các loại cây trồng hàng năm, người dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước làm giàu. Theo số liệu thống kê, diện tích gieo trồng cây hàng năm hiện đạt gần 7.000ha, diện tích cây lâu năm toàn huyện đạt hơn 11.300ha.

Nhờ quan tâm đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng cao. Bên cạnh năng suất được nâng lên, giá trị của các sản phẩm nông nghiệp cũng tăng đáng kể nhờ hoạt động sơ chế, chế biến bắt đầu hình thành và phát triển. Giá trị sản phẩm được nâng cao, hiệu quả sản xuất có ý nghĩa thúc đẩy nền nông nghiệp huyện Ngọc Hồi phát triển bền vững và làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn...

Trong tương lai không xa, với địa thế là trung tâm tam giác phát triển 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia, có Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y với hoạt động buôn bán quá cảnh nhộn nhịp, kinh tế huyện biên giới này còn bước tiến khả quan hơn. Đặc biệt, trên địa bàn có hạ tầng hoàn thiện, giao nhau với đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 40 và Quốc lộ 14C cũng là điều kiện mở thuận lợi cho nền kinh tế phát triển vượt bậc, tạo sức bật mạnh mẽ, trở thành vùng kinh tế động lực mạnh của tỉnh. 

Bài và ảnh: PHÚC NGUYÊN

Chuyên mục khác