30/04/2017 08:08
Không khó lắm khi tìm đến với chị Y Buông, bởi nhà chị nằm đối diện với khu di tích lịch sử tượng đài chiến thắng lịch sử Đăk Tô- Tân Cảnh. Biết chị đã lâu, gặp chị nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp làm việc với chị với tư cách là một nhà báo.
Bao nhiêu năm rồi gặp lại, dường như tôi vẫn thấy chị như ngày nào. Vẫn phong cách chân chất, cởi mở, vẫn nụ cười đôn hậu dễ gần. Có điều khác trước là bây giờ sức khỏe yếu, không còn đi lại được bằng chân gỗ, chị phải ngồi xe lăn.
Nghe các cô hàng xóm và chính chị kể, mấy năm trở lại đây, chị phải chiến đấu chống lại bệnh viêm phổi bằng cây thuốc nam. Tôi hỏi sao không uống thuốc tây? Chị bảo: Thảo (con gái) đưa đi Đà Nẵng chữa bệnh và uống thuốc tây nhiều nhưng không khỏi nên chuyển sang uống thuốc nam.
Thấy chị nước da không tốt, tôi hỏi mỗi bữa chị ăn được mấy chén cơm? “Ăn được mỗi bữa hơn chén cơm”- chị cười thật lòng. Ngày trẻ, lăn lộn tuổi xuân ở chiến trường, nhiều lần bị thương tích và chịu bao hy sinh gian khổ, giờ đây (trên 70 tuổi) phải chiến đấu chống lại bệnh tật, nhưng chị vẫn luôn lạc quan yêu đời. Từ bao năm nay, chị ở với vợ chồng Y Thảo và nuôi thêm một đứa cháu của người bà con ở xã Đăk Na.
|
Chị kể, quê chị ở xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, trước đây thuộc huyện Đăk Tô). Trong những năm chiến tranh thống nhất đất nước, người Xê Đăng ở xã Đăk Na cũng như nhiều nơi khác ở vùng núi Ngọc Linh được giác ngộ và đến với cách mạng như một lẽ tự nhiên. Chị cũng vậy. Vào đầu năm 1960, khi mới bước vào tuổi trăng tròn, trước yêu cầu và khí thế của cách mạng, chị cũng như nhiều thanh thiếu niên ở xã Đăk Na háo hức tham gia du kích, bộ đội địa phương.
Là gia đình cơ sở cách mạng nên khi nghe cán bộ huyện về đặt vấn đề đi phục vụ bộ đội, phục vụ chiến trường, chị vui như mở cờ trong bụng và hăng hái lên đường. Khi đến căn cứ, tổ chức phân công chị nuôi heo, gà… Không quản ngại khó khăn, chị chăm chỉ làm công việc chăm sóc đàn heo, gà lớn nhanh, đẻ nhiều để cung cấp thịt cho bộ đội. Tuy nhiên, trong tâm chị lúc nào cũng mơ ước được phục vụ bộ đội chiến đấu ở tuyến trước.
Thế rồi mong ước của chị cũng được toại nguyện. Năm 1962, Đại đội 130 của Tỉnh đội thiếu cấp dưỡng, chị xin về và được cấp trên đồng ý. Làm cấp dưỡng ở Đại đội 130 được 3 năm rồi chị được điều qua làm cấp dưỡng ở Đại đội 1 (Tiểu đoàn 304, Tỉnh đội).
Không thể kể hết nỗi truân chuyên của người cấp dưỡng thời chiến, nay chiến đấu chỗ này, mai chỗ khác, nhưng trong lòng chị lúc nào cũng vui như con chim chơ rao, hết lòng phục vụ các chiến sĩ. Một mình lo cơm nước cho Đại đội gần 80 chiến sĩ, nhưng chị không một lời kêu ca. Để nấu nướng an toàn, chị phải chẻ củi ra thành từng miếng nhỏ để không có khói bay vì sợ máy bay địch phát hiện dội bom đạn.
Thực phẩm của các chiến sĩ thời chiến là cá khô mặn, rau rừng, canh rừng do chị hái nấu cho các chiến sĩ. Ở những địa điểm và địa hình thuận lợi, để các chiến sĩ có sức khỏe đánh giặc, chị thường xuyên tranh thủ mọi lúc mò cua, bắt cá, ốc… nấu cho các chiến sĩ.
Chị chăm sóc cho các chiến sĩ như người chị, người mẹ chăm sóc cho đàn em. Khi nào chị cũng lo cho các chiến sĩ ăn trước, còn khẩu phần của mình là phần cơm thừa cạo dưới đáy nồi. Những khi các chiến sĩ chiến đấu giành giật với địch trên chốt, chị vắt cho mỗi chiến sĩ mỗi người một vắt cơm với một can canh, can nước… gùi lên cho các anh.
Thời chiến, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng Mỹ-ngụy. Chị cũng như rất nhiều người không ai nghĩ về mình. Có thời điểm chị được đơn vị cho về thăm nhà, cha mẹ thương chị muốn chị ở nhà lấy chồng, sinh con. “Thằng Mỹ-ngụy ác giết hại bà con, bộ đội mình. Bao giờ bộ đội giết hết giặc, thống nhất đất nước con mới về lấy chồng” - chị tâm sự với cha mẹ như thế. Thương con, nhưng ba mẹ không ép và để chị tiếp tục lên đường phục vụ các chiến sĩ.
Tâm sự với tôi, ký ức về thời chiến lại ùa về. Chị kể, có lần hành quân khi băng qua đường 14 bị địch phát hiện và ném bom. Chị bị đất đá vùi lấp, các chiến sĩ lôi lên thì xoong nồi, bát đĩa chị cõng sau lưng bị thủng bể. Nhìn thấy nồi bị hư, chị khóc rưng rức. Bởi lo lắng đối với chị không phải cho mình mà lo không có nồi nấu cho bộ đội ăn. Anh Đậu Văn Yển - chính trị viên của Đại đội 1 khuyên bảo sẽ tìm cách mua cái khác, chị mới yên lòng. Tình cảm của chị với các anh trong Đại đội rất chân thành. Các anh cũng coi chị như người em ruột thịt của mình.
Lần khác khi Tiểu đoàn hành quân, đến trạm nghỉ chân để nấu cơm ăn, bị địch bắn pháo đến, chị lấy thân mình che nồi cơm để các chiến sĩ có cơm ăn và nồi không bị thủng. Khi tan pháo, nghe chị kể thật lòng, ai cũng thương chị và khuyên chị lần sau đừng làm như thế.
Có những thời điểm địch khủng bố, càn quét, gạo tiếp tế không đến kịp, chị phải đi mót mì, đào củ mài và hái rau rừng cho các chiến sĩ ăn. Thương các chiến sĩ phải chiến đấu nhưng đói xanh xao, nhiều đêm chị không cầm được nước mắt. Các anh cũng rất thương chị về tình cảm chị dành cho các anh.
Chị chăm lo, phục vụ các anh hết mình hơn chục năm như vậy mà không một yêu cầu, không một đòi hỏi. Ghi nhận công lao, từ năm 1966-1971, chị liên tục được đơn vị bầu là chiến sĩ thi đua. Và năm 1972 chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Năm 1975 khi thống nhất đất nước, chị được về Trường Quân sự tỉnh Gia Lai - Kon Tum công tác. Một vinh dự nữa là vào năm 1976, chị được bầu vào Quốc hội khóa VI. Cũng trong năm 1976, chị Y Buông lập gia đình với anh A Giấy công tác ở Huyện đội Đăk Tô. Sống với anh A Giấy, chị có 3 ba mặt con, nhưng 2 người mất từ nhỏ, nay chỉ còn cô Thảo. Năm 1977, trong lúc vào rừng bẻ măng phục vụ các học viên tại Trường Quân sự tỉnh, chị giẫm phải mìn còn sót lại trong chiến tranh nên bị mất một chân.
Trong quãng thời gian cống hiến sức lực của mình cho cách mạng, ngoài danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, chị còn được tặng nhiều huân chương, huy chương các loại.
Trở về cuộc sống đời thường bao nhiêu năm nay, chị luôn là công dân tốt, là tấm gương mẫu mực để con cháu và bà con ở khu dân cư noi theo. Hỏi chị có mong ước gì không, chị chỉ cười hiền, bảo: Còn mong gì nữa đâu. Nếu có mong thì chỉ mong Thảo sắm được chiếc xe máy đi làm và chở chị đi khám bệnh khi cần thiết.
Chia tay, tôi cũng mong cho ước nguyện nhỏ này của chị và con gái (hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện) sẽ sớm thành hiện thực.
Đào Nguyên