10/07/2017 19:21
Nguyễn Trọng Vĩnh là một tù “chính trị phạm”, nói như nhà báo Đoàn Bá Từ (cũng là một tù chính trị cùng thời) là “nhân vật Đăk Glei và Đăk Tô” tại Đăk Glei và Đăk Tô từ 1940 đến 1945. Ông là người Lê Văn Hiến nhiều lần nhắc đến trong hồi ký “Trở lại Kon Tum”: “Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống vật chất (trong tù – NV)… Một đội “Lao động xung phong” được thành lập… gồm: Lê Nhu (thường gọi “thợ cả”), Chu Huy Mân, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Trọng Vĩnh…”; hoặc: “Trong trại chúng tôi ra hai tờ báo… Tòa soạn gồm có: Hà Thế Hạnh, Lê Nhu, Thái Văn Tam, Đoàn Bá Từ, Nguyễn Trọng Vĩnh…”.
Mang niềm tôn kính (cộng chút yếu tố tò mò) đối với những nhân vật đã từng đặt dấu chân lưu đày trên đất Kon Tum ấy, mãi đến gần đây tôi mới có dịp cùng một tiến sĩ sử học trẻ (cũng là người Kon Tum, đang giảng dạy Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) tìm thăm thiếu tướng - đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh - người tù Đăk Glei cuối cùng còn sống đến nay, tại nhà riêng của ông ở Hà Nội.
Mặc dù đã 102 tuổi, nhưng ông Vĩnh hãy còn dáng dấp quắc thước, minh mẫn. Ông tiếp chuyện thân thiện, cởi mở, pha chút hài hước, dí dỏm của người thông minh, lão thực.
Nghe chúng tôi “khen” rằng một năm nữa thôi ông sẽ… “bằng” bác Giáp, ông sôi nổi nói ngay: Tôi không dám tranh hơn với bác Giáp bất cứ điều gì, nhưng cái này thì tôi “hơn” bác ấy! Bởi bác Giáp mất năm 103 tuổi, trong đó có 3 năm nằm viện; còn tôi 102 tuổi nhưng còn “nằm nhà”, chưa nằm viện!
Chúng tôi cùng cười vui vẻ, và thế là không khí cuộc gặp gỡ một ông già, lại là một ông tướng, một ông đại sứ, không còn khoảng cách nữa.
|
Nguyễn Trọng Vĩnh sinh năm 1914 tại làng Thổ Phụ, tổng Cao Mật, nay là xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, bên cửa Tây thành Nhà Hồ. Nhà nghèo, cha phải bán ông cho một gia đình Hà Nội. Sau đó ông làm thợ sắp chữ nhà in, rồi tham gia biểu tình ở Hà Nội, bị bắt, bị trục xuất về quê nhà.
Tết Đoan Ngọ năm 1940, ông bị bắt, bị đưa vào an trí ở Đăk Glei - Kon Tum. Tháng 3/1945 được thả về, ông tham gia Cách mạng Tháng Tám cướp chính quyền tại quê nhà. Từ đó trải qua các chức vụ: Bí thư tỉnh Phúc Yên, Bí thư tỉnh Thái Bình, Chính ủy Khu I, Cục trưởng Cục tổ chức Quân ủy Trung ương, Chính ủy Khu IV, được phong hàm Thiếu tướng năm 1959, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa III, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh Thanh Hóa, Trưởng đoàn chuyên gia giúp nước bạn Lào, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Trung quốc 13 năm (1974-1987); hưu trí năm 1990.
Khi hỏi những kỷ niệm “thời Đăk Glei”, dù không còn nhớ được nhiều, nhưng như được khơi gợi lại vùng ký ức khó quên, ông chậm rãi kể chuyện mà như đang tâm sự.
Ngoài những hoạt động như Lê Văn Hiến viết, ông còn nhiều kỷ niệm khác. Ông có vẻ tâm đắc với chuyện đã được ông viết lại trong hồi ký “Kể lại cuộc đời”: “Một lần… chúng tôi bố trí cho mấy anh Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Hà Thế Hạnh, Huỳnh Ngọc Huệ trốn trại… Khi họ ra khỏi trại, tôi bố trí một số hình nộm người để trên giường đắp chăn trùm đầu giả sốt rét. Lính vào kiểm tra thấy đủ “đầu người” rồi là thôi. Chừng mấy hôm sau, ước là anh em đã đi được xa rồi, anh Lê Văn Hiến mới “phát giác” việc tù trốn và đi báo cáo với quan đồn…”.
Cao hứng theo mạch “ký ức Đăk Glei”, ông đọc cho nghe bài thơ “Nỗi lòng khuê phụ” mà ông đã ngẫu hứng viết tại Đăk Glei năm 1941. Bài thơ thác lời người phụ nữ đợi chờ chồng để nhắn gửi mọi người lòng trung trinh ái quốc của kẻ trong tù: “Chúa xuân năm ngoái đã về/ Mà người năm ngoái đã đi, đi hoài/ Nỗi lòng thổn thức hôm, mai/ Biết nhờ ai gửi cho người phương xa/ Nhắn trăng – trăng bạc hững hờ/ Gửi theo chiều gió – gió đưa vô tình/ Mơ màng gửi cánh chim xanh/ Chim bay xa tít đầu ghềnh chân mây/ Nỗi lòng ai biết chăng ai…”.
Sau này ông còn làm nhiều thơ, trong một bài, ông cho thời gian tù đày ấy là một trường học quý giá cho đời mình sau đó: “Vừa về, nó lại bắt/ Đày lên tận Đăk Tô/ Nơi rừng thiêng nước độc/ Sốt rét lách sưng to/ Năm năm “trường tù” học/ Biết bao thứ ở đời/ Để giàu thêm kiến thức/ Chuẩn bị cho ngày mai…”.
Ông vui vẻ ký tặng chúng tôi cuốn hồi ký “Kể lại cuộc đời”. Tập sách kể lại những mốc chính trong đời: thời hoạt động cách mạng và tù đày, thời trong quân ngũ, thời chuyển sang công tác dân chính, thời làm trưởng đoàn cố vấn giúp nước bạn Lào, đặc biệt là thời làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Trung Quốc, đúng thời điểm quan hệ giữa hai nước căng thẳng nhất. Ở đề mục này, đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh đã cho người đọc thấy rõ những dã tâm của anh bạn láng giềng “to người hẹp bụng” với nhiều chi tiết rất lí thú mà một “sứ thần” phải đối mặt.
Như đã nói, Nguyễn Trọng Vĩnh luôn thể hiện sự hài hước, dí dỏm vốn dĩ là tố chất của người thông minh, tự tại. Do vậy người đọc rất thích thú những câu thơ mang nội hàm tự trào (tự cười mình) của ông với những ý tưởng và ngôn từ thú vị, thể hiện một “tài thơ”: “Tưởng văn dốt vũ dát/ Ngờ đâu cũng nên trò/ Trải Bí thư ba tỉnh/ Chính ủy hai quân khu/ Rồi cố vấn cố vác/ Lại đại sứ đại sành/ Cũng thành tướng thành tá…/ Được thế cũng là vinh/ Chức không cao không thấp/ Không giàu cũng chả nghèo/ Biết đủ thì thường đủ…/ Nào quản mọi chông gai/ Địa vị không cầu lụy/ Quyền lợi chẳng van nài…/ Nhắm mắt, lòng thanh thản…”.
Tính cách lạc quan, tự tại ấy bị bất ngờ “chùng xuống” chốc lát khi nghe chúng tôi thông báo lớp tù Đăk Glei ngày ấy tính đến 2014 còn được 2 người, nhưng cuối năm ấy nhà báo Đoàn Bá Từ ở Đà Nẵng đã quy tiên ở tuổi 95, nay thì chỉ còn duy nhất một. Ông Vĩnh trầm hẳn giọng: “Thế à? Anh Từ lúc ấy là “chuyên viên” làm báo tường, báo giấy trong tù ấy!... Hình như mới đây thôi…”.
Lớp tù đày ở Đăk Glei – Đăk Tô từ 1940 đến 1945 có đến trên dưới trăm rưỡi người, nay đã ra người thiên cổ cả, chỉ duy nhất còn một Nguyễn Trọng Vĩnh. Chúng tôi may mắn được diện kiến một nhân chứng lịch sử sống như vậy, rất cụ thể và rất sinh động, trước khi sẽ ngậm ngùi ngâm câu “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ!” (thơ Vũ Đình Liên)…
Tạ Văn Sỹ