09/02/2015 08:35
Có mặt trên công trường Quốc lộ 14C ở Nam Mô Rai (huyện Sa Thầy) ngày giáp Tết, chúng tôi cảm nhận rõ sự khẩn trương, hăng say lao động của những công nhân xây dựng tuyến đường này…
Công trường ngày giáp Tết
Khi nhiều người đang tất bật lo cho ngày Tết bên gia đình, thì trên công trường xây dựng công trình giao thông Quốc lộ 14C không khí lao động vẫn đang rộn ràng, tất bật. Vì tiến độ công trình, hàng chục công nhân phải gác lại nỗi niềm riêng, gắng sức làm những phần việc để con đường sớm hoàn thành theo kế hoạch. Những công nhân điều khiển xe chở đất, xe chở đá, người lái máy lu, máy ban, máy múc… đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện nền đường, chuẩn bị ra móng, đổ nhựa, láng nền. Họ tranh thủ thời gian, chỉ ăn vội bát cơm trưa ngay tại công trường để chạy đua với tiến độ.
|
Mặc dù bận việc chỉ đạo tại công trường, nhưng anh Đào Hoàng Trình- kỹ thuật công trình vẫn tranh thủ cho biết: Hiện tại, chúng tôi đang huy động khoảng 30 máy móc các loại và hàng chục công nhân thay nhau làm 3 ca, nhiều tốp thi công khác nhau, tốp thì vận chuyển đá, tốp thì đào đắp nền đường; tốp thì san ủi, lu lèn… để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Mỗi người một việc, động viên nhau thi đua lao động. Thời gian công trình phải hoàn thành không còn nhiều nên dù vất vả, khó khăn chúng tôi vẫn tranh thủ từng ngày, từng giờ để thúc tiến độ. Ngày Tết, ai cũng nhớ gia đình, nhưng vì trách nhiệm, vì tiến độ, vì con đường hoàn thành sẽ giúp thuận lợi trong đi lại và góp phần to lớn đối với sự phát triển của vùng biên cương này, nên chúng tôi động viên nhau cùng gắng sức.
Anh Vũ Văn Cường - chỉ huy công trường khẳng định: Cả công trường đang chạy đua với thời gian. Chúng tôi đang tranh thủ thời tiết nắng, chia thành 3 ca, tập trung thi công để sớm hoàn thành tiến độ. Cho đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thiện phần nền đường và đã láng nhựa được khoảng 7km trên tổng số gần 26km. Phần việc lâu nhất là làm nền đường, khi có nền đường thì việc ra cấp phối và láng nhựa khá nhanh. Chúng tôi đang tranh thủ cả ngày lẫn đêm, phấn đấu đến tháng 2 sẽ cơ bản hoàn thành và sẽ hoàn thiện nốt các phần việc còn lại, đảm bảo đúng tiến độ vào cuối tháng 3/2015...
Những người ở lại...
Chỉ huy công trường Vũ Văn Cường (quê Nam Định) đã có thâm niên hơn 20 năm trong ngành. Anh tâm sự: Đã nhiều năm tôi ăn Tết xa nhà, tuy buồn phải xa vợ con, gia đình, nhưng bù lại cũng có niềm vui riêng. Anh em ở lại trực Tết, lãnh đạo công ty luôn quan tâm, động viên, thăm hỏi và mặc dù ở công trường nhưng chúng tôi cũng không thiếu hương vị Tết. Ngày Tết, chúng tôi thường gọi điện thoại động viên gia đình, nhắc người thân hãy tự hào vì chúng tôi đã và đang góp phần nhỏ bé của mình cho sự phát triển chung của đất nước.
Anh Nguyễn Như Phúc (quê ở Hải Dương) - công nhân máy đào trên công trường Quốc lộ 14C cho biết: Năm nay là năm thứ 2 tôi đón Tết tại công trường. Ở lại ăn Tết trên công trường, anh em cũng tổ chức đón giao thừa, cùng khui sâm - banh, chúc tụng, động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không khí thật ấm áp...
Anh Đào Hoàng Trình (quê ở Nghệ An) - công nhân đang thi công công trường QL14C tâm sự: Nhìn thấy xe khách lên đón công nhân về xuôi ăn Tết, tôi lại thấy nhớ nhà. Tuy có hơi buồn nhưng sẽ cố gắng vì nhiệm vụ, vì công việc và vì tuyến đường cho bà con đi lại trong dịp Tết. Điều khiến chúng tôi rất vui khi đón Tết tại công trường, đó là được các đơn vị và bà con trên địa bàn đến chúc Tết, động viên, thăm hỏi và cùng vui Tết với anh em. Điều đó, làm chúng tôi thấy ấm lòng và tâm niệm mình càng phải cố gắng hơn.
Ông Vũ Công Hoạt - Cán bộ điều hành Công ty TNHH Tuấn Dũng cho biết: Những công nhân của đơn vị ở lại trực Tết trên công trường, chúng tôi thường xuyên động viên, thăm hỏi, tạo những điều kiện tốt nhất về vật chất để anh em tổ chức đón Tết vui vẻ. Ngoài ra, Công ty cũng tăng gấp đôi tiền lương, tiền thưởng Tết đối với những người ở lại để động viên họ.
Tết trên công trường, những người ở lại dù không có được niềm vui trọn vẹn, nhưng họ vẫn rất vui, vui vì việc làm của họ đang âm thầm dệt nên những con đường mùa xuân, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa vùng đô thị với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới xa xôi và thúc đẩy KT-XH địa phương nơi có con đường đi qua phát triển...
Văn Phương
|