Đổi thay Ya Ly

17/10/2021 06:03

Đã lâu tôi mới có dịp trở lại mảnh đất Ya Ly. Trở lại nơi đây, tôi thực sự ngỡ ngàng trước những đổi thay của vùng bán ngập này. Ya Ly đang khoác lên mình “chiếc áo mới”. Một Ya Ly đầy tiềm năng, triển vọng và trù phú trong tương lai không xa.

Triển vọng du lịch lòng hồ

Một ngày cuối tuần, khi vẫn còn lơ mơ trong giấc ngủ, chiếc điện thoại tôi chợt reo vang. Vội nhấc máy, đầu bên kia, người bạn tôi ở thị trấn Sa Thầy liền nói: Dậy chưa anh. Hôm nay cuối tuần, em mời cả nhà lên Sa Thầy một chuyến. Lên đây, em tổ chức đi thăm làng Chờ, đi du thuyền ngắm cảnh trên lòng hồ thủy điện Ya Ly rất đẹp. Xong rồi, mình về đi thăm trang trại trái cây sạch tại xã Ya Ly. Nghe bùi tai, tôi quyết định cùng cả nhà đi du ngoạn cuối tuần để thay đổi không khí.

Xuất phát từ thành phố Kon Tum, sau hơn 40 phút chạy xe, chúng tôi đến thị trấn Sa Thầy. Đón tôi ngay đầu thị trấn, người bạn dẫn chúng tôi đi thẳng đến làng Chờ. Con đường đất đá lởm chởm trước đây đã được đổ bê tông nhựa phẳng lì. Từ thị trấn Sa Thầy, theo tuyến đường nhựa liên xã hơn 10 km, chúng tôi về một làng quê thanh bình, với những mái nhà sàn của đồng bào Gia Rai nằm ẩn nấp dưới  bạt ngàn cây xanh của các cánh rừng cao su, trái cây, bời lời. Từ thị trấn Sa Thầy sau gần 30 phút chạy xe, chúng tôi đã đến được làng Chờ ven bờ hồ thủy điện Ya Ly.

Nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Ya Ly. Ảnh: P.N

 

Người dân làng Chờ di dời về nơi ở mới tại vùng đất này từ năm 1995 khi thủy điện Ya Ly được xây dựng. Thấm thoát mới đó mà đã 26 năm người dân đến với mảnh đất ven lòng hồ này, đến nay, đời sống người dân có nhiều đổi thay. Những ngôi nhà san sát mọc lên được bao phủ xung quanh bởi màu xanh ngát của các loại cây trồng bời lời, cao su, cây ăn quả... Đáng mừng, dù đời sống đổi thay nhưng những nét riêng của đồng bào người Gia Rai nơi đây vẫn được gìn giữ. Họ vẫn giữ được bản chất thuần phác, chân tình, mộc mạc và mến khách. 

Đường giao thông đến làng Chờ thuận lợi được trải nhựa phẳng lì xuyên qua làng tới bến thuyền sát lòng hồ. Bến thuyền nằm ngay đầu làng Chờ luôn vẫn duy trì được độ sâu từ 4-5 mét nước, kể cả mùa khô. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trên lòng thủy điện Ya Ly. Ngay gần bến thuyền, hàng chục hộ dân tận dụng lòng hồ để đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản ven lòng hồ. Khu vực bến làng Chờ được người dân nơi đây coi là một vựa cá hào phóng mà thiên nhiên ban tặng. Vào mùa nước dâng, rất nhiều loài cá như chép, rô phi, thát lát, cá chim trắng…về đây sinh sôi nảy nở. Điều đó giúp cho người dân quanh vùng mưu sinh bằng nghề chài, lưới.

Lòng hồ rộng hàng trăm héc ta được kết nối liên thông đường thủy đến thành phố Kon Tum, huyện Ia H’Drai và huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai). Tuyến đường thủy này uốn lượn dưới chân các dãy đồi được phủ xanh bởi bạt ngàn cao su, cà phê ngút ngát. Để phục vụ du khách, có hộ dân đã mua thuyền máy để thỉnh thoảng phục vụ du khách có nhu cầu đi ngắm cảnh trên lòng hồ. 

Đến đây, du khách có thể đi thuyền ngắm nhìn cảnh vật tận hưởng không khí trong lành. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức đặc sản mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này. Điều ấn tượng khi đi thuyền trên lòng hồ chúng ta được ngắm nhìn những vách núi cao, mây bay lững lờ trên nền trời xanh ngát in bóng lung linh xuống mặt hồ đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Được ngao du trên mặt nước lòng hồ, hít thở không khí trong lành và ngắm nhìn phong cảnh sơn thủy hữu tình; đặc biệt là trải nghiệm dưới những mái nhà sàn, thăm rẫy sản xuất, thưởng ngoạn những trang trại trái cây trĩu quả hoặc lênh đênh trên những chiếc thuyền đánh cá đêm, thưởng thức những món ăn dân dã…thật thú vị. Với tiềm năng hiện có, làng Chờ hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn đầy triển vọng trong tương lai.

“Đất lành chim đậu”

Mảnh đất Ya Ly là vùng bán ngập, đất đai màu mỡ có nhiều tiềm năng phát triển cho đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và phát triển các loại cây ăn quả. Hiện nay, nơi đây đang được người dân phát triển trở thành vựa cá và cây ăn quả. Giờ đây, “tiếng lành đồn xa”, mỗi khi nói về vùng đất Ya Ly, mọi người đều nói đến trái cây và cá. 

Đất lành chim đậu - đó là lời của nhiều người khi nói về vùng đất Ya Ly. Nhiều người dân ở khắp mọi miền đất nước cũng tìm về mảnh đất này để “an cư lập nghiệp”. Họ đến đây để hành nghề đánh bắt thủy sản, lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đơn cử như gia đình chị Thanh, anh Sơn, quê ở Đồng Tháp. Hơn 10 năm về trước anh chị đến mảnh đất làng Chờ, xã Ya Ly với mục đích để hành nghề đánh bắt cá trên lòng hồ Ya Ly một thời gian và sau này sẽ trở về quê. Thế nhưng ý định trở lại quê giờ đây đã không còn trong suy nghĩ của anh chị. Bởi theo chị Thanh, hiện nay ở vùng đất này vừa thuận lợi trong làm ăn, bà con sống tình cảm, đoàn kết.

Đi thuyền thưởng ngoạn ngắm cảnh trên lòng hồ Ya Ly. Ảnh: P.N

 

Với gia đình chị Thanh, anh Sơn, thời gian đầu đến đây chủ yếu làm nghề đánh bắt cá trên lòng hồ nhưng hiện nay ngoài đánh bắt cá tự nhiên, anh chị đã tiến hành nuôi cá lồng ngay trên lòng hồ Ya Ly. Cũng nhờ nguồn lợi thủy sản từ đánh bắt và nuôi cá lồng với sản lượng vài tấn cá mỗi năm nên gia đình chị Thanh đã sản xuất chế biến sản vật cá lóc trở thành thương hiệu cho gia đình và của xã Ya Ly. Sản phẩm “Khô cá lóc Thanh Sơn” của gia đình chị đã được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

Chị Thanh tâm sự: Mới đầu vợ chồng tôi cũng chỉ dự tính tới đây làm ăn vài năm lấy ít vốn liếng rồi trở về quê. Thế nhưng sau một thời gian, vợ chồng tôi nhận thấy mảnh đất này có nguồn lợi thủy sản khá dồi dào, việc làm ăn cũng vô cùng thuận lợi. Chính quyền địa phương thì tạo điều kiện thuận lợi, có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển kinh tế. Đồng bào dân tộc ở đây sống chân thành, chất phác và gần gũi. Vì thế, vợ chồng tôi đã xác định gắn bó với nơi này lâu dài.

Tương tự cũng giống vợ chồng chị Thanh, gia đình ông Bùi Văn Quyển quê ở ngoài tỉnh Hà Tây (cũ) nay là Thủ đô Hà Nội vào mảnh đất Kon Tum từ đầu những năm 80 và đã chọn mảnh đất Ya Ly (Sa Thầy) làm nơi định cư và làm ăn lâu dài. Giờ đây ông Quyển được người dân trong vùng biết đến là một trong những hộ gia đình có trang trại trái cây quy mô, hoành tráng nhất mảnh đất Ya Ly nói riêng và Sa Thầy nói chung. Trang trại trái cây của gia đình ông Quyển có diện tích lên đến hơn 20 ha được trồng bài bản, quy mô và khoa học, có đủ loại gồm cam quýt, ổi, bơ xoài, mãng cầu…nhưng nhiều nhất và chủ lực vẫn là sầu riêng và mít thái. Các loại cây được trồng ngay hàng thẳng lối, được phân thành các khu riêng biệt cho từng loại để vừa tiện chăm sóc. 

Ông Quyển cho hay, trang trại của ông lựa chọn sản xuất  theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng hóa chất và ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt Israel cho toàn bộ diện tích cây ăn quả. Phân bón cho vườn cây ăn quả được gia đình dùng phân chuồng trộn với vỏ cà phê và chế phẩm sinh học ủ cho phân hoai mục…hướng tới mục đích xuất khẩu ra nước ngoài.

Trở lại Ya Ly, tôi vui mừng trước những đổi thay nơi đây. Tin rằng, với tiềm năng, lợi thế, Ya Ly sẽ phát triển nhanh, trở thành mảnh đất trù phú trong thời gian tới.

Làng Chờ đã được huyện Sa Thầy xác định trong Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS, gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn đến năm 2025” trở thành một điểm đến du lịch của huyện.   

PHÚC NGUYÊN

Chuyên mục khác