12/12/2016 14:01
Vườn quốc gia Chư Mom Ray có diện tích trên 56.000ha, nơi đây có nhiều loại lâm sản quý hiếm. Từ lâu nay, nguồn tài nguyên quý hiếm này luôn ở trong tình trạng bị xâm hại bất cứ lúc nào, mặc dù chính quyền và ngành chức năng luôn tăng cường công tác quản lý, kiểm soát. Cứ thế, "cuộc chiến giữ rừng" chưa bao giờ yên tĩnh.
Theo thông tin mà phóng viên Báo Kon Tum nắm được, trong những tháng gần đây, người dân ở các xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy), Đăk Kan, Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) đã nườm nượp vào vùng lõi để khai thác lồ ô một cách rầm rộ... Và điều đó được chứng minh qua chuyến đi thực tế tại địa bàn.
Lần theo lối mòn nhỏ ven rừng, con đường độc đạo vào sâu trong vùng lõi chúng tôi mới thấy hết sự tàn phá khốc liệt của con người đối với rừng lồ ô nơi đây.
Một người đàn ông ở xã Rờ Kơi đi khai thác lồ ô nói "tỉnh queo" với tôi rằng, vào thời điểm này đang là lúc cây lồ ô đến tuổi khai thác, bởi vậy bà con trong xã đổ xô vào rừng để chặt. Ở đây, cây lồ ô mọc khắp nơi, nhưng do người dân khai thác nhiều quá nên cũng khan hiếm dần, giờ phải đi xa mới mong có được nhiều chứ không như thời điểm đầu mùa. Nhiều người dân trong xã đã coi đây là “nghề” lâu năm, là việc làm hàng ngày gắn với miếng cơm manh áo của họ…
Một người đàn ông đi cùng ở thôn Đăk Đe (xã Rờ Kơi) cho biết thêm: Tại xã Rờ Kơi có rất nhiều người chuyên đi khai thác lồ ô. Do đi lâu năm, có nhiều kinh nghiệm nên có ngày mỗi người chúng tôi có thể khai thác được cả trăm cây lồ ô. Từ trước đến nay các thương lái đều mua lồ ô tính theo kilôgam chứ không tính theo cây. Tất cả số lồ ô chúng tôi khai thác được đều được các thương lái thu mua hết. Nhưng nếu chúng tôi vận chuyển ra bìa rừng hoặc chở đến tận nhà các thương lái ở Ngọc Hồi thì bán có giá cao hơn từ 200 đến 400 đồng/kg so với bán tại chỗ.
|
“Tuy nhiên, không phải mọi việc lúc nào cũng luôn suôn sẻ, có khi gặp kiểm lâm chặn lại coi như chúng tôi mất toi mấy ngày công. Vừa rồi, nhóm chúng tôi vào rừng chặt liên tục được 5 ngày và tập kết tại một điểm để chờ xe vào chở, thế nhưng đã bị kiểm lâm truy quét, phát hiện và đốt toàn bộ số lồ ô mà anh em tôi đã vất vả khai thác trong nhiều ngày” - người đàn ông ở thôn Đăk Đe kể.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua tình trạng khai thác lồ ô trên địa bàn gia tăng. Trong đó, chỉ có một số ít người khai thác ở vùng rừng ngoài đã được giao cho hộ gia đình quản lý, còn phần lớn họ vẫn tìm đến những khu rừng già, tìm chặt những cây lồ ô to, cao và bán được giá hơn so với lồ ô ở rừng non.
Dọc tuyến đường đi Tỉnh lộ 675 và Quốc lộ 14C thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Chư Mom Ray (đoạn do xã Rờ Kơi quản lý) chúng tôi dễ dàng bắt gặp những cây lồ ô bị đốn hạ, bất kể là cây lớn hay nhỏ đều bị triệt hạ không thương tiếc bởi bàn tay con người; cây lớn bị chặt đã đành, những thân cây nhỏ cũng bị chặt ngã để lấy lối vận chuyển, rồi bỏ lại nằm vương vãi khắp bìa rừng.
Trên đường, từng nhóm người nối đuôi kéo nhau vào rừng khai thác. Gặp những đoàn người kéo nhau tiến về Quốc lộ 14C hướng về xã Mô Rai, khi được hỏi, ai nấy đều hồn nhiên trả lời “vào rừng thai thác lồ ô bán kiếm tiền”.
Có thể nói, việc khai thác lồ ô do đem lại lợi nhuận tương đối cao so với ngày công lao động của người dân nghèo nơi đây và lại không phải bỏ vốn đầu tư, nên người dân đổ xô đi chặt.
Với giá bán từ 1.900 đồng đến 2.200 đồng như hiện nay thì trung bình mỗi ngày xuyên rừng khai thác lồ ô, mỗi người bình quân thu nhập cũng khoảng từ 150.000 - 200.000 đồng. Vì vậy, người dân sẵn sàng bỏ cả mùa màng, rủ nhau vào rừng khai thác lồ ô.
“Cơn sốt” kéo nhau vào rừng khai thác lồ ô không chỉ diễn ra đối với người lớn mà còn “lan” đến các em học sinh. Em A Thảo - học sinh lớp 7 Trường THCS Rờ Kơi cho biết: Những tháng gần đây do thấy nhiều người dân ở làng Kram kéo nhau vào rừng để khai thác cây lồ ô bán kiếm tiền nên em cùng với mấy bạn trong làng cũng đi theo. Tuy nhiên, do buổi sáng bận đi học, trưa về tranh thủ ăn cơm xong rồi chúng em mới đi vào rừng kiếm lồ ô được nên mỗi buổi đi chặt lồ ô như thế chúng em chỉ kiếm được tầm khoảng 20 - 30 ngàn đồng…
|
Việc khai thác lồ ô trong rừng đã bị cấm từ lâu, nhưng vì đời sống còn khó khăn nên nhiều người dân sinh sống ở các xã bìa rừng vẫn làm. Nhiều người còn cho rằng nguồn lồ ô chính là “lộc của rừng” nên hàng năm bà con vẫn vào rừng khai thác mang về bán.
Một cán bộ của Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết, ở khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Chư Mom Ray có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mà chủ yếu là hộ nghèo và họ sống dựa vào rừng. Cũng vì lẽ đó, cứ đến mùa họ thường kéo nhau rừng hái ươi, khai thác lồ ô để đem bán kiếm tiền cải thiện đời sống. Tuy nhiên, khai thác lồ ô bừa bãi là tàn phá rừng và có nguy cơ dẫn đến cháy rừng. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động và cấm bà con, nhưng do vườn giáp ranh với rất nhiều xã, nên người dân lén lút vào rừng khai thác lồ ô nhỏ lẻ, trong khi rừng rộng, lực lượng quản lý mỏng nên công tác quản lý và xử phạt gặp không ít khó khăn…
Bảo Châu