03/10/2016 17:59
Cả làng đi tìm gỗ trắc
8h30 sáng, vào làng Hnor thuộc xã Đoàn Kết, chúng tôi gặp một nhóm 5 người đang chuẩn bị dụng cụ, cơm nước để đi tìm gỗ trắc.
Dù rất vội song khi nghe chúng tôi đang tìm mua gỗ trắc, cả nhóm liền nán chân lại trò chuyện. “Lúc nãy mấy nhóm đi tìm trắc hết rồi, giờ bọn tôi đi nữa, không có ai ở nhà đâu. Tầm 3-4h chiều quay lại, khi đó chúng tôi về mới may có trắc” – một người trong nhóm nói.
Theo lời người dân nơi đây, sau “cơn sốt trắc” (những năm 2005 -2006), 3 năm trở lại đây, cứ đến những tháng mùa mưa, khi chưa vào vụ mùa thu hoạch, người dân trong làng lại đổ xô đi lùng, đi tìm gỗ trắc để bán lấy tiền.
“Chỉ có chị em phụ nữ không đi nổi mới ở nhà thôi chứ đàn ông hầu như ai cũng đi” – ông A Nguội, một người chuyên săn trắc trong làng kể.
Mỗi buổi sáng, ven đường ngay cạnh nhà rông của làng rất nhộn nhịp. Từng tốp người chuẩn bị cơm nước, dụng cụ đầy đủ rồi tụ tập tại đây, đợi nhau cùng đi. Họ thường đi theo nhóm, có nhóm 3 người, nhóm thì 5 người và cũng có nhóm đông hơn là 10, 20 người.
Lên đến nơi mỗi nhóm chia ra một chỗ để lùng, tìm. “Phải đi theo nhóm để hỗ trợ nhau chứ 1-2 người không đào nổi đâu” – ông A Nguội cho hay.
|
Không tìm khu vực trong làng, trong xã, những người đi lùng trắc thường tìm vào các lô cao su, dọc bờ sông trong xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) để tìm. Họ bảo rằng, trước đây nhiều người tìm thấy những gốc trắc to trên địa bàn xã Ia Chim, vậy nên bây giờ họ cũng tìm vào khu vực ấy với mong muốn sẽ tìm được những gốc đặc, có giá trị.
Không riêng làng Hnor, khoảng 3 tuần trở lại đây, sau khi đi cạo mủ trở về, nhiều người ở xã Ia Chim cũng rủ nhau đi tìm trắc. Không chỉ có thanh niên, người trung niên, người lớn tuổi tóc trắng nhiều hơn tóc đen, lưng đã còng, da đã xuất hiện những vết đồi mồi vẫn cặm cụi theo nhóm đi tìm. Như ông A Phên, dù năm nay đã 65 tuổi nhưng vẫn đi tìm. Ông bảo rằng, ông chỉ tìm thôi, còn việc đào mất nhiều sức, để những thanh niên trai trẻ làm.
Dựa vào vận may
Chúng tôi theo chân một nhóm 10 người ở làng Plei Bur, Plei Weh (xã Ia Chim) vào lô cao su thuộc thôn Tân An để tìm gỗ trắc.
Ngoài cuốc, rựa, một vật dụng không thể thiếu của những người tìm trắc chính là “cây xăm”. “Cây xăm” dài khoảng 1m, phía trên có tay cầm, phía dưới được làm như một mũi khoan.
“Khi đâm xuống nếu trúng gỗ, mình sẽ lấy lên xem. Lớp gỗ sẽ dính ở đầu mũi, nếu là trắc thì mình đào còn không phải thì thôi” – ông A Phưih ở làng Plei Bur cho biết.
Dụng cụ sẵn sàng, họ chia nhau thành từng tốp để tìm. Họ dùng hai tay cầm vào đầu cán rồi dùng sức xoáy sâu xuống lòng đất. Vì trời mới mưa nên đất khá mềm, việc đâm những thanh sắt xuống phía dưới đất cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vì phải lò dò, vừa đi vừa cúi lại dùng sức nên rất nhanh đau lưng và hoa cả mắt.
Tiết trời khá mát nhưng áo của những người đi tìm trắc rất nhanh ướt sũng mồ hôi. Muỗi bay vo vo, chích vào tay, vào má, thế nhưng họ vẫn mải miết tìm.
Đang hì hục kiếm bỗng cả nhóm liền di chuyển đến một chỗ được một thành viên báo hiệu là có trắc. Để tránh tình trạng đào trúng gốc trắc gây sứt, mẻ, cả nhóm liền dùng “cây xăm” đâm xuống khoanh vùng cho chắc. Khi xác định chắc chắn vị trí cây, mọi người thay phiên nhau đào.
Đào được một lúc rồi mà gốc trắc vẫn cứ “trốn tìm”. Mồ hôi mồ kê chảy tong tong nhưng không ai nản. Đào sâu đến khoảng 1m, thanh trắc nhỏ hiện lên, niềm vui như thể hiện rõ trên từng gương mặt. Nhưng đào sâu xuống một tí, một số người tỏ vẻ thất vọng bởi gốc trắc bị bọng chứ không đặc như họ mong đợi.
Vừa ngồi thở dốc xua tan cơn mệt sau một hồi hì hục đào, ông Phưih vừa nói: Đào mệt bở hơi tai mà chỉ được có từng này. Nhưng có cái mang về cũng may rồi, mấy hôm trước đi về không ấy.
Những người đi tìm trắc nói rằng, nay trắc càng ngày càng hiếm nên việc tìm kiếm giống như mò kim đáy biển, chủ yếu dựa vào vận may. Hôm nào “trúng mánh”, đào trúng gốc trắc đặc, dài, có nhóm kiếm được 7-8 triệu đồng. Nhưng cũng có tuần, đi liên tục mà phải về tay không. “Tuần vừa rồi mình đi tìm hoa mắt, mỏi tay mà có được cái gì đâu. Không may thì chịu thôi chứ biết sao được” – ông A Nguội rầu rĩ.
Có riêng gì ông A Nguội, bà Mưn ở làng Hnor than thở, ngày nào chồng bà – ông A Đét cũng đi tìm trắc nhưng thỉnh thoảng mới “trúng ít ít” bán được vài ba trăm ngàn còn lại hầu như về tay không. “Không trúng, không đủ cơm đủ gạo ăn, nhọc công mà mất sức nữa” – bà Mưn nói.
Nổi tiếng là người “có duyên” với trắc nên ông A Mứt, A Đương ở làng Hnor rất hay đào trúng những gốc trắc lớn, đặc, có giá trị. Mới đây, một mình ông Mứt đi đào được một gốc đặc, bán được hơn 3 triệu.
Dù có duyên nhưng cũng có tháng ông Mứt chỉ kiếm được vài ba trăm ngàn, hoặc cả tuần bỏ công đi mà không được một gốc trắc mục đem về. “Hên xui thôi chứ cái này có cần gì kinh nghiệm đâu” – ông Mứt chia sẻ.
Thu mua tận nơi
Những người đi lùng trắc bảo rằng, chẳng cần phải chở về nhà, cứ đến chiều tầm 3-4h, những người đi mua gỗ trắc đã có mặt tại các lô cao su, đứng đón để thu mua. Không chỉ đi mua, họ còn để lại số điện thoại cho những người đi tìm trắc, chỉ cần alo là một lúc sau họ có mặt ngay.
|
Chúng tôi gặp ông H – một người chuyên mua trắc ở xã Ia Chim, ông bảo rằng, ngày nào cũng vậy, sau khi đi cạo mủ cao su trở về, ông liền tranh thủ vào các làng để tìm mua trắc. Thậm chí, chỉ cần nghe thông tin có người đang đào được trắc, ông liền gác công việc vào tận nơi để tìm mua. “Người mua trắc nhiều nên họ bán nhanh lắm! Mình phải nhanh chân chứ không thì mất mối” – ông H nói.
Ông H cho biết, ông mua tất cả các loại trắc và mỗi loại giá tiền lại khác nhau. Với những loại trắc bọng, nhỏ, ông thường mua độ nhưng với những loại trắc đặc, dài, to, ông thường mua theo ký.
“Tôi hay mua với giá từ 45-80 ngàn đồng/kg tùy loại. Tôi mua về rồi để lại cho mối. Hiện tại tôi đang có gốc 1 tạ, đường kính 10cm, nếu thích mua, “độ giá” rồi tôi bán lại cho” – ông H rành mạch.
Thông thường người mua trắc hay mua theo ký nhưng khi đến thu mua tận nơi, họ thường mua “độ”. Tức là, khi nhìn gốc trắc họ sẽ tự nói giá, nếu người mua đồng ý thì sẽ bán còn nếu không thì họ kì kèo bớt 1 thêm 2 rồi mua. Những người bán trắc thích bán tận nơi bởi đỡ phải mang vác, chở về cồng kềnh.
“Nhưng khi vào đây mua họ ép giá lắm. Hôm trước có gốc cây giá trị phải 8-9 triệu đồng mà họ mua tại nơi có 7 triệu đồng thôi. Tiếc lắm!” – ông Mứt bảo.
Có những người mua chuyên nghiệp, họ mua tất tần tật các loại từ trắc đặc cho đến những khúc bị bọng, mảnh nhưng cũng có những người “kén”, họ chỉ lựa những gốc thật đặc, thật đẹp mới mua. Nhưng đa số những người tìm trắc thường bán đại trà bởi vừa nhanh, vừa tiện mà không bị chê bai.
“Đi đào trắc như thế này có sợ bị ai bắt không?” – chúng tôi hỏi. Những người đi đào trắc liền cười ngặt nghẽo: Mình chỉ đào dưới đất thôi, đào xong rồi mình lấp lại chứ có ảnh hưởng gì đến ai đâu mà bắt. Nếu có bắt chỉ sợ bác sĩ bắt thôi!
“Vì sao bác sĩ bắt?” - Chúng tôi ngạc nhiên. Họ lại cười rồi bảo: Bác sĩ bắt đi nằm viện đấy!
Họ nói rằng, đi tìm trắc nhìn đơn giản nhưng rất vất vả, mệt hơn nhiều so với làm đồng áng. Nhiều người đi tìm về mệt bở hơi tai. Dẫu vậy nhưng ai cũng cố gắng đi đào để kiếm thêm ít tiền trang trải cho gia đình.
Ông A Nguội nói: Nếu mình không lấy thì qua thời gian gốc quý sẽ hư mục dần rồi chôn vùi, biến mất thôi. Mình chỉ đi trong lúc nông nhàn để kiếm thêm tiền thôi...
Mưa, môi miệng lạnh tím tái nhưng nhiều người vẫn tiếp tục dầm trong vũng nước để tìm kiếm với hi vọng đào được những gốc trắc to, có thêm tiền cho con ăn học…
B.A