Để đập Mùa Xuân mãi “xuân”

18/07/2018 07:06

Chúng tôi về với xã Đăk Ui anh hùng vào một ngày nắng đẹp. Từ trên đập Mùa Xuân (còn gọi là đập Đăk Uy) nhìn ra xa tôi cảm nhận đồi núi điệp trùng của huyện Đăk Hà như trải rộng hơn; đâu đâu cũng trùng điệp màu cà phê, cao su xanh biếc. Giữa cái ngút ngàn xanh ấy, tôi như nghe âm vọng từ quá khứ và tương lai hội tụ…

Tri ân người dân

Nói đến xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) dường như ai cũng biết đây là vùng căn cứ cách mạng - một vùng đất anh hùng, kiên trung, người dân nơi đây đã chịu nhiều mất mát, hy sinh trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để góp phần giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Để tri ân người dân xã Đăk Ui nói riêng và huyện Đăk Hà nói chung, tháng 12/1975, Thượng tướng Chu Huy Mân - Bí thư Khu ủy, Tư lệnh Quân khu 5 điều các đoàn quân xây dựng đập Đăk Uy, khai phá rừng núi dưới chân đập thành các đồng ruộng, đồi mì, trại chăn nuôi, các nông trường cà phê…

Nhớ lại những ngày tháng sôi động và khí thế hào hùng của lớp người từng đi mở đất, ông Hoàng Trung Quý - nguyên trợ lý Ban Chính trị Trung đoàn 734 (Đoàn 331), Giám đốc Công ty Cà phê Đăk Uy, nay đã nghỉ hưu kể: Có thời cao điểm, đập Đăk Uy huy động đến vài vạn bộ đội cùng với trung đoàn cơ giới với 10 máy cạp Mỹ (máy có gàu xúc 13m3 ‑ PV), 8 máy cạp Nhật, nhiều loại máy ủi, máy tự đầm, xe trộn bê tông tự hành, xe tải… là chiến lợi phẩm trong chiến tranh được đưa vào thi công. Đập Đăk Uy là công trình trọng điểm của bộ đội Quân khu 5 sau giải phóng. Tham gia tại hiện trường, còn có những đại đội nữ tân binh quê tỉnh Hà Tây, Thái Bình… vào khuân vác, đội đất đá cùng với bộ đội nam tham gia đắp đập.

Đập Mùa Xuân. Ảnh: V.N

 

Trên công trường, đèn điện (chạy bằng máy nổ) sáng suốt đêm. Đoàn 331 phối hợp với các Đoàn 332, 352 làm việc rất hăng say. Bộ đội các đơn vị thay phiên nhau làm theo ca không ngừng nghỉ.

“Bộ đội ăn trưa xong để cả ủng, giày vắt chân lên sạp nằm nghỉ, khi nghe tiếng kẻng báo hiệu, bỏ chân xuống đất là đứng dậy đi làm. Làm việc nhiều, nhưng tinh thần ai nấy cũng phơi phới, hào hứng” - ông Hoàng Trung Quý kể.

Ông Quý cũng cho biết, ngày ấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Đỗ Mười… đã vào thăm đập Đăk Uy.

Năm 1976, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm bộ đội thi công đập Đăk Uy. Khi nghe Thiếu tướng Đoàn Y Thanh - nguyên Đoàn trưởng Đoàn 331 báo cáo tình hình, Đại tướng vui mừng khen: Mới giải phóng không bao lâu mà các cậu đã làm quá giỏi. Còn có cả một trung đoàn cơ giới hùng hậu và hiện đại đến vậy. Các cậu phải nhớ sau khi làm xong phải sử dụng lực lượng cơ giới này làm cho cả Tây Nguyên...

Bằng ý chí và nghị lực của bộ đội Cụ Hồ, ngày 19/5/1977 - đúng sinh nhật Bác Hồ, công trình thủy lợi Đăk Uy hoàn thành. Công trình có dung tích hồ chứa 26,2 triệu m3 nước, diện tích mặt hồ ứng với mực nước dâng bình thường là 247ha và có sức tưới cho khoảng 2.500ha cây trồng.  

Sau khi hoàn thành đập Đăk Uy, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Quân khu 5 và làm theo lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đoàn 331 tiếp tục đẩy mạnh khai hoang làm ruộng nước, trồng mì, cà phê, nuôi cá… mở ra một vùng đất trù phú như ngày nay. Các đoàn quân khác của Quân khu 5 tiếp tục khai hoang đất đai màu mỡ, xây dựng các vùng trọng điểm phát triển kinh tế ở các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk.

Khi đến thăm công trình đập Đăk Ui và vùng đất trù phú mở ra dưới chân đập Đăk Uy, nhìn thấy sức sống mới đang trỗi dậy của đoàn quân và người dân nơi đây, Thượng tướng Chu Huy Mân đặt tên đập Đăk Uy là đập Mùa Xuân. Đập Đăk Uy có thêm tên gọi mới là đập Mùa Xuân từ dạo ấy.

Âm vọng hội về

Ông A Bok - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và là người con của Đăk Ui khẳng định: Không có các đoàn quân Quân khu 5, người dân xã Đăk Ui và huyện Đăk Hà khó có được những thành quả như ngày nay.

Ông A Bok kể: Trước giải phóng, người dân xã Đăk Ui phải vào sâu trong khu căn cứ (khu vực giáp với xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy - PV) để sinh sống và chiến đấu. Toàn xã chỉ có 7 thôn (khoảng 420 người), bình quân mỗi thôn chỉ có hơn chục nóc nhà ở rải rác dưới tán rừng. Bà con lúc đó không biết làm ruộng nước, chỉ làm một mùa rẫy, nhưng phải làm lén lút, vì sợ máy bay địch ném bom. Cuộc sống người dân cực kỳ khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, người dân thủy chung với cách mạng, một lòng theo Đảng, Bác Hồ và cùng với bộ đội kiên cường chống giặc, lập nên nhiều chiến công hiển hách.

“Sau ngày giải phóng, bộ đội xây dựng đập Đăk Uy, giúp dân khai hoang ruộng nước và thâm canh lúa nước. Người dân học hỏi kỹ thuật trồng cà phê, cao su… Vượt qua tập quán canh tác cũ, giờ đây người dân xã Đăk Ui ai cũng biết thâm canh lúa nước; nhiều hộ trồng cà phê, cao su, bời lời… có thu nhập khá cao. Không có bộ đội, không có Bác Hồ, không có Đảng, người dân xã Đăk Ui không có cuộc sống  như ngày nay” - ông A Bok bộc bạch.

Ông Ngô Hồng Hưng - Chủ tịch UBND xã Đăk Ui ví von: Đập Mùa Xuân như trái tim của huyện Đăk Hà. Từ ngày có đập Mùa Xuân, người dân ở xã Đăk Ui và các xã hạ lưu đập ngày càng phát triển. Không có đập Đăk Ui, người dân huyện Đăk Hà không có những cánh đồng lúa, những dãy đồi cà phê bạc ngàn như ngày nay.

Khẳng định thêm vai trò của đập Mùa Xuân, ông Hoàng Nghĩa Trí - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho rằng, nguồn nước đập Mùa Xuân dẫn đi các nơi như mạch máu của huyện. Phần lớn diện tích lúa, cà phê… ở huyện nằm dưới khu tưới tiêu của đập Mùa Xuân. Người dân có “của ăn của để” và sự vươn lên phát triển về kinh tế - xã hội của huyện Đăk Hà, mà cụ thể là nền sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển một phần cũng chính nhờ nguồn nước của đập Mùa Xuân phục vụ đắc lực cho công tác tưới tiêu trên địa bàn.   

Lặng lẽ góp phần làm nên “mùa xuân” của huyện Đăk Hà còn có công của người lao động Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Tứ - Giám đốc Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Từ đòi hỏi thực tiễn của quá trình quản lý và khai thác thủy lợi, Ban lập các dự án nâng cấp đập Mùa Xuân. Từ công suất thiết kế ban đầu, qua 2 lần đầu tư nâng cấp, đến nay, Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh nâng dung tích hồ chứa toàn bộ đập Mùa Xuân lên 29,66 triệu m3, diện tích mặt hồ ứng với mực nước dâng bình thường là 268ha và diện tích tưới thực tế hiện nay cho gần 3.500ha cây trồng các loại, kể cả ao cá. Đập Mùa Xuân ngày nay còn tiếp nước cho hồ Cà Sâm, C3, C1, Đăk Căm, Kon Trang Kon Kla và cấp nước sinh hoạt cho người dân các xã Đăk Ngọk, Hà Mòn, Đăk Mar và thị trấn Đăk Hà.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tứ cũng lo lắng, vì thực tế hiện nay rừng đầu nguồn của Đăk Ui bị thu hẹp ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho đập Mùa Xuân. Trước yêu cầu đặt ra và dưới góc độ quản lý nhà nước, Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh đề nghị các chủ rừng, các cấp chính quyền quan tâm đầu tư trồng, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo đảm nguồn sinh thủy ổn định và chống bồi lắng lòng hồ để đập Mùa Xuân mãi “xuân”. 

Văn Nhiên

Chuyên mục khác