06/04/2019 06:18
Chị Y Vang - Bí thư Chi bộ thôn 5 (tên gọi hành chính của làng Kon BRăp Ju) đưa tôi đi qua cây cầu treo dài 130m bắc qua sông Đăk Pne, dẫn tới làng Kon BRăp Ju.
Thấy tôi có vẻ lo lắng, chị Y Vang bảo: Nhà báo cứ đi qua đi, không sao đâu, cứ chạy thẳng đừng chòng chành tay lái. Nói xong, chị rồ xe chạy trước, tôi cũng từ từ chạy theo sau. Quả thật, chỉ hơi chòng chành tí thôi, chứ đi xe máy trên cầu treo cũng có cảm giác thật thú vị…
Con đường bê tông dẫn vào làng phẳng lì, sạch sẽ. Đầu làng, ngôi nhà rông của người Ba Na cao vút, sừng sững giữa nền trời xanh, càng tôn thêm vẻ đẹp của ngôi làng.
Thấy con gái Y Vang dẫn khách đến thăm nhà, già làng A JRing Đeng vui lắm. Già tiếp tôi trong ngôi nhà sàn của mình. Phải công nhận, căn nhà sàn của già A JRing Đeng thật đẹp và mát mẻ. Mọi vật dụng sinh hoạt trong gia đình đều được lau chùi sạch sẽ, bày biện ngăn nắp…
|
Già làng A JRing Đeng chia sẻ: Ở làng này khí hậu mát mẻ lắm, bởi phía sau làng còn cả khu rừng nguyên sinh, hầu như còn nguyên vẹn chưa bị tàn phá. Dân làng rất ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh nên từ đầu đến cuối làng rất sạch sẽ, ít bị dịch bệnh xảy ra.
Qua câu chuyện với già A JRing Đeng, tôi mới hiểu được tại sao nơi đây lại trở thành điểm đến của không ít du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Làng Kon BRăp Ju có 186 hộ với 748 nhân khẩu là người Ba Na (Ba Na-Jơ Lơng). Bà con đồng bào Ba Na nơi đây còn gìn giữ rất nhiều lễ hội truyền thống như vào tháng 2 có lễ tết cổ truyền khi dân làng vừa phát rẫy xong (gọi là Pơ lêh), tháng 4 có lễ xuống giống đầu năm (gọi là Et môt), vào tháng 6 có lễ chuẩn bị làm cỏ đợt 2 mang giống lúa tỉa thừa đem về nhà (gọi là Et Tawh), tháng 10 lễ con dúi (gọi là Et đông), tháng 11 lễ mừng lúa mới vào nhà (gọi là Et ba koong)…
Ngoài những lễ hội ở góc độ cộng đồng, còn có những nghi lễ theo nông lịch sản xuất trong năm và việc riêng của từng gia đình như: lễ chọn đất, lễ dọn rẫy, lễ đặt tên, lễ trưởng thành, mừng sức khỏe, mừng nhà mới, cưới xin…
Điều đặc biệt là trong tất cả các lễ hội, dù được tổ chức quy mô lớn hay nhỏ đều không thiếu vắng tiếng cồng, chiêng và điệu múa xoang của thiếu nữ Ba Na.
Du khách đến với làng Kon BRăp Ju còn bị cuốn hút bởi được khám phá, trải nghiệm nếp sinh hoạt thường ngày của bà con nơi đây, đặc biệt là khám phá các chòi rẫy (giống nhà sàn nhưng có diện tích chừng 30-40m2) của bà con. Tại đây, du khách vừa tận hưởng bầu không khí trong lành của thiên nhiên, vừa được thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào Ba Na như cơm ống, thịt chuột, cá sông nấu măng đắng do bà con tự chế biến.
Già A JRing Đeng chia sẻ: Dân làng rất mến khách. Thời gian qua có rất nhiều đoàn khách nước ngoài đến đây du lịch. Trong năm 2015, có đến 40 đoàn gồm 90 khách đi tham quan du lịch. Nhưng lượng khách từ đó đến nay ngày càng ít đi, bởi không có nơi ngủ nghỉ lại…
Đem những trăn trở của bà con làng Kon BRăp Ju trao đổi với Chủ tịch UBND xã Tân Lập - Đặng Tuấn Tịnh, chúng tôi được anh chia sẻ: Vào năm 2016, xã cũng đã xây dựng tiểu đề án về khu du lịch cộng đồng làng Kon BRăp Ju trình UBND huyện. Thế nhưng, đến nay, tiểu đề án này vẫn chưa được phê duyệt.
Cũng theo anh Đặng Tuấn Tịnh, nếu được đầu tư với kinh phí khoảng 500 triệu đồng để xây dựng các nhà ngủ, nghỉ cho khách du lịch… thì sẽ thu hút lượng khách du lịch hàng năm rất lớn. Một khi lượng khách du lịch đã đến thường xuyên, thì các dịch vụ khác cũng sẽ phát triển theo, tạo việc làm cho người dân.
|
Ví dụ như người phụ nữ ở làng Kon BRăp Ju rất khéo tay trong dệt thổ cẩm, đan lát… Và nếu có lượng khách du lịch đến nhiều, thì người dân có thể sản xuất các mặt hàng lưu niệm như túi xách, khăn choàng từ thổ cẩm và các vật dụng sinh hoạt từ sản phẩm đan lát… để vừa giới thiệu bản sắc văn hóa của địa phương đến du khách, vừa tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập thông tin thêm: Để giúp người dân phát triển du lịch cộng đồng, vào năm 2017, Phòng Văn hóa -Thông tin huyện cũng cử giáo viên dạy ngoại ngữ đến dạy tiếng Anh cơ bản cho dân làng để có thể giao tiếp với du khách nước ngoài. Thế nhưng, vì người dân không có điều kiện giao tiếp thường xuyên với du khách nên vốn ngoại ngữ dần dà cũng quên mất…
Phát triển du lịch cộng đồng tại làng Kon BRăp Ju không chỉ khai thác các lợi thế của địa phương, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân cũng như ngân sách của địa phương mà còn góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc.
Chia tay với bà con làng Kon BRăp Ju, qua chiếc cầu treo chòng chành, trong tôi lại dấy lên bao cung bậc cảm xúc về cảnh vật nơi đây sơn thủy hữu tình, về con người hồn hậu mến khách và cả về việc cần sớm phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng ở địa phương này…
Bài và ảnh: DƯƠNG ĐỨC NHUẬN