28/02/2024 06:07
Trong những ngày gần cuối năm Quý Mão, tôi trở lại thăm nhà rông làng Kon Jơ Dri giữa lúc gặp dân làng đang tập trung sửa chữa lại nhà rông. Dưới tán me cổ thụ, anh A Chrang (37 tuổi) - Trưởng thôn Kon Jơ Dri cho biết: “Làng hiện có 196 hộ, 950 nhân khẩu, hầu hết là người Ba Na. Do nhà rông được xây dựng từ lâu nên xuống cấp, dân làng tập trung sửa chữa lại để kịp đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Nhận thấy sự tò mò của tôi, anh A Chrang giải thích: Cuối tháng 11/2023, khi mùa mưa kết thúc, những dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng của nhà rông xuất hiện rõ ràng. Xác định đây là thời điểm thích hợp để sửa chữa, già làng bàn bạc cùng ban công tác thôn họp dân làng huy động nguồn lực để làm lại nhà rông kịp đón Tết Nguyên đán và phục vụ lễ hội truyền thống, tiếp đón du khách đến thăm.
|
Không làm mất nhiều thời gian của trưởng thôn, tôi lân la trò chuyện với một số cụ cao tuổi và được biết nhà rông của làng được xây dựng từ năm 2003 và từng trải qua nhiều đợt sửa chữa. Nhà rông của làng là một công trình kiến trúc độc đáo, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi diễn ra các lễ hội truyền thống, giao lưu văn hóa, văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng và hội họp của người dân. Dân làng xem nhà rông là biểu tượng linh thiêng, cao quý, là niềm tự hào dân tộc, là sản phẩm văn hóa vô giá và là “linh hồn” của làng.
Đồng quan điểm với các cụ cao tuổi về quan niệm truyền thống khi nói về nhà rông, già làng A Ngứi (54 tuổi) chia sẻ về phương án làm nhà rông: Phần khung nhà còn tốt, dân làng giữ lại hoàn toàn, chỉ thay thế những phần làm từ tre nứa, lồ ô như rui mè, đan lại vách và lợp lại mái tranh. Tuy nhiên, quá trình tìm vật liệu làm nhà rông có phần khó khăn do những vật liệu như mây, lồ ô ở gần làng không còn nhiều, người dân phải đi tìm từ những cánh rừng ở xa mới lấy được.
Với sự đồng lòng và quyết tâm cao, sau hơn 1 tháng triển khai, vượt qua những khó khăn, thách thức, vật liệu làm nhà được dân làng chuẩn bị đầy đủ, dân làng tiến hành tháo dỡ và thay thế những phần hư hỏng. Theo phương án, mỗi gia đình đóng góp 13 nẹp tranh, 10 cây lồ ô và 30m dây mây. Tuy nhiên, nhà nào có nhiều người lớn thì có thể đóng góp nhiều hơn theo tinh thần tự nguyện. Phần kinh phí phục vụ ăn uống và mua các phụ liệu được dùng từ nguồn quỹ của làng.
|
Có thể nhận thấy tính cộng đồng của làng rất cao được thể hiện thông qua việc tất cả các gia đình đều đóng góp nhân lực, vật lực và tiền bạc để đảm bảo sự công bằng trong quá trình xây dựng nhà rông. Được biết, trong quá trình sửa chữa nhà rông, thấu hiểu đời sống người dân trong làng còn nhiều khó khăn, nên già làng bàn bạc và thống nhất cùng nhau dành 2 ngày/tuần để tập trung sửa chữa nhà rông, những ngày khác dân làng có thể làm kinh tế gia đình, đảm bảo cuộc sống người dân không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Nhìn tổng thể, nhà rông Kon Jơ Dri được thiết kế độc đáo, phần mái nhà mang hình dáng của chiếc rìu với kích thước lớn, được làm từ thân cây tre, lồ ô được gắn kết bằng dây mây rất chắc chắn, mái lợp bằng tranh. Đỉnh mái được trang trí thành hình hoa văn, thể hiện đặc điểm văn hóa đặc trưng của dân tộc. Nhà rông có chiều dài 12m, chiều rộng 6m và chiều cao 16m. Ngoài ra, nhà rông còn có 1 sàn có diện tích 16m2 ở mặt trước và 2 sàn khoảng 4m2 ở hai mặt bên. Mỗi mặt sàn có cửa ra vào, mặt trước nhà rông là mặt chính, có 2 cầu thang lên xuống dành riêng cho nam giới và nữ giới.
Quá trình xây dựng nhà rông là một công việc đòi hỏi sự tận tâm và tinh thần đoàn kết cao. Già làng A Ngứi là người phụ trách chính, chỉ huy thực hiện công việc. Người trẻ thường đảm nhận những công việc trên cao, trong khi người già có kinh nghiệm tham gia vào các công việc nhẹ nhàng hơn và thường ở dưới. Phụ nữ đóng góp vào các công đoạn phù hợp với khả năng của mình. Điều đặc biệt là tất cả quá trình sửa chữa đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công truyền thống, không dùng thước hay thiết bị hiện đại nào nhưng tất cả mọi người đều phối hợp nhịp nhàng và chính xác.
Và vào những ngày đầu xuân này, nhà rông làng Kon Jơ Dri đã hoàn thành. Qua trao đổi, già làng A Ngứi thổ lộ: Việc toàn dân đoàn kết, đồng lòng sửa chữa nhà rông theo phong cách truyền thống là việc làm đáng mừng trong nỗ lực bảo tồn văn hóa ở địa phương. Chúng tôi luôn mong muốn qua những dịp như thế này, có thể giáo dục giới trẻ nhìn nhận lại và thấy tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nhất là khi Kon Jơ Dri đã được công nhận là làng du lịch cộng đồng, mọi người cần cùng nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, gia tăng thu nhập tại địa phương.
|
“Biết là việc gìn giữ nhà rông truyền thống nguyên bản của dân tộc rất khó khi kinh phí eo hẹp, nguyên vật liệu để làm ngày càng khan hiếm, nhưng chúng tôi vẫn phải làm, vì giá trị trường tồn, ý nghĩa to lớn của nhà rông với cộng đồng làng. Giờ nhà rông hoàn thành, tôi mừng nhưng cũng lo. Mừng vì những khó khăn trong quá trình sửa chữa đã qua đi, nhưng lo vì trong thời gian tới cũng phải huy động, tìm kiếm nguồn vốn để tổ chức lễ về nhà rông mới cho người dân và bảo trì nhà rông thường xuyên. Người dân đã quá khó khăn, chúng tôi chưa thể kêu gọi đóng góp tiếp được” - già làng A Ngứi trải lòng.
Chứng kiến quá trình làm việc cật lực, hăng say của dân làng, tôi thầm thán phục tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng cao và trên hết là sự chung sức, đồng lòng để gìn giữ nét truyền thống nguyên bản ngôi nhà chung của làng. Tôi mong muốn được quay lại và chung vui cùng người dân khi làng đủ kinh phí tổ chức lễ về nhà rông mới, một lễ hội truyền thống độc đáo của người Ba Na ở đây.
Nguyễn Ban