Đăk Tờ Lung vẫn còn “lời ru buồn”

18/11/2019 13:02

Ở xã Đăk Tờ Lung (huyện Kon Rẫy) có những trường hợp các cô gái vừa tròn 14, 15 tuổi và các chàng trai cũng chỉ 17, 18 tuổi đã vội vã lập gia đình. Các cặp vợ chồng ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” sớm trở thành bố mẹ, gánh nặng gia đình khiến cuộc sống của họ luẩn quẩn trong nghèo túng và hôn nhân luôn mấp mé trên bờ vực đổ vỡ...

Lời ru buồn nơi góc núi

Sau nhiều lần “khất đi, khất lại” vì không gặp được các gia đình có trường hợp tảo hôn, đến cuối tuần vừa rồi, Phó Chủ tịch UBND xã - Đỗ Xuân Linh mới nhận lời dẫn chúng tôi đến thăm mấy gia đình “vợ chồng trẻ con”. Ấy thế mà vừa gặp anh Linh đã “rào trước, đón sau”: “Mình nhờ cán bộ thôn dặn họ (tức những cặp vợ chồng tảo hôn - PV) ở nhà từ hôm trước rồi, sáng nay cán bộ xã cũng xuống sớm để nhắc lại họ; thế nhưng, không biết họ có hợp tác không. Chẳng phải họ bận bịu đi làm hay có công việc gì khác đâu mà đơn giản là họ ngại, họ né tránh, không chịu gặp chúng ta, nhất là sợ cán bộ biết sẽ nhắc nhở và phạt, vì lấy nhau sớm, không được đăng ký kết hôn”.

Sau vài lần hỏi thăm, chúng tôi mới tìm thấy nhà Y Bề - căn nhà tạm nằm trên đỉnh con dốc ở cuối làng Kon Long. Ngôi nhà thưng vách gỗ xiêu vẹo, nhiều chỗ đã mục, thủng lỗ chỗ, trong nhà trống huơ trống hoắc, không có vật dụng gì đáng giá.

Thấy có khách lạ, đứa con nhỏ hơn 1 tuổi ngơ ngác nhìn, đứa bé nhỏ thó rúc vào lòng mẹ. Bà mẹ trẻ ngại ngùng trải chiếc chiếu cũ xuống nền nhà mời khách ngồi, bẽn lẽn thanh minh: “Thằng bé ốm suốt, hôm nay lại đang sốt nên hơi quấy”.

Vợ chồng Y Bề cùng đứa con hơn 1 tuổi. Ảnh: TH

 

Chồng Y Bề là A Lộc tiếp lời: Do mẹ nó không đủ sữa cho bú mà chúng cháu lại không có tiền mua sữa ngoài, hằng ngày chỉ có cháo trắng, thỉnh thoảng mới có thêm thịt, cá nên thằng bé cứ còi cọc, ốm đau, quấy khóc suốt.

Năm 2017, khi đó Y Bề mới 15 tuổi thì quen A Lộc, lúc này A Lộc cũng mới 17 tuổi. Yêu nhau được một thời gian ngắn thì 2 người xin bố mẹ Y Bề cho về ở với nhau. Thế là, đợi Y Bề học xong lớp 9, hai nhà làm ghè rượu, thịt con gà tổ chức lễ đeo vòng tay công nhận Y Bề và A Lộc là vợ chồng.

“Lấy nhau xong, 2 vợ chồng cháu ở chung với bố mẹ. Nhà chật chội quá nên anh trai cháu mới cho vợ chồng cháu mượn cái nhà cũ để ra ở riêng. Từ hồi lấy nhau đến giờ, cháu có bầu rồi sinh con, ở nhà nuôi con chẳng làm được gì cả. Bố mẹ vẫn phải cho gạo ăn, thỉnh thoảng chồng cháu có ai kêu thì đi nhổ mì, kiếm mỗi ngày 100.000 đồng để mua mắm, muối, mua thêm thức ăn và thuốc cho con” - Y Bề bộc bạch.

Sau một hồi chuyện trò, Y Bề mới mở lòng: “Từ hồi lấy chồng, nhất là từ khi có con nhỏ, không bao giờ cháu được ngủ một đêm đủ giấc, cuộc sống “3 không” - không nhà cửa, không nghề nghiệp, không vốn liếng, cháu mới thấm thía nỗi cơ cực của việc lấy chồng sớm. Hồi đó, bọn cháu vừa lớn lên, thấy thích nhau là nằng nặc đòi về ở chung một nhà thôi, chứ chúng cháu đâu hiểu rằng, khi lập gia đình, rồi sinh con ra có biết bao nhiêu thứ phải lo”.

Chúng tôi hỏi thêm: Thế trong làng có nhiều bạn lấy chồng sớm như cháu không? Thoáng chút ngượng ngùng, Y Bề đáp: Cũng có một số bạn như Y Khuyên, Y Dăng... Do bọn cháu không đi học nữa, ở nhà có người ưng là lấy nhau, chứ có nghĩ suy gì đâu.

Ví như trường hợp của Y Khuyên ở cách nhà Y Bề không xa. Y Khuyên bằng tuổi của Y Bề cũng “theo chồng bỏ cuộc chơi” từ năm 15 tuổi. Năm 2017, Y khuyên và A Nhá (năm đó mới 17 tuổi) rủ nhau “góp gạo thổi cơm chung”. Nhưng cuộc sống hạnh phúc của đôi trẻ  “ngắn chưa tày gang” đã sớm đường ai nấy đi.

Dù cán bộ thôn hẹn trước, nhưng hôm chúng tôi đến nhà, Y Khuyên vẫn “trốn” đi làm vì ngại gặp người lạ. Trong nhà chỉ có mẹ của Y Khuyên, bà đang bệnh nặng nên chẳng thể tiếp chuyện.

Thôn trưởng A Thơ hiểu rất rõ hoàn cảnh của Y Khuyên, anh chia sẻ: Hai đứa nó lấy nhau được mấy tháng, từ khi Y khuyên mang bầu, chồng nó đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ rồi. Y Khuyên bỏ học từ khi mới hết tiểu học, bố mất sớm, mẹ thì đau ốm suốt nên khi gặp A Nhá, nó liền gật đầu đưa về sống cùng với mong muốn có thêm người chia sẻ, gánh vác công việc trong nhà. Thế nhưng, A Nhá vẫn còn ham chơi, mà cuộc sống gia đình với nỗi lo “cơm áo, gạo tiền” luôn trĩu nặng, trong khi hai đứa đều còn quá nhỏ để có thể lo chuyện đại sự. Vì vậy, cứ dăm bữa, nửa tháng lại thấy chúng cãi nhau, giận nhau rồi sau đó thì thằng A Nhá bỏ đi và không quay về nữa. Giờ một mình Y Khuyên vừa phải lo cho mẹ, vừa chăm lo đứa con nhỏ, cuộc sống vất vả lắm.

Theo anh Đỗ Xuân Linh, các em lấy nhau sớm, tuổi đời còn quá nhỏ, đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nên hầu như các cặp vợ chồng trẻ vẫn phải dựa dẫm vào gia đình. Chưa nói, nhiều em khi về ở chung trong một gia đình, do tính khí còn trẻ con nên nảy sinh nhiều mâu thuẫn rồi “tan đàn xẻ nghé”.

Nỗ lực tìm lời giải cho bài toán tảo hôn

Xã Đăk Tờ Lung (huyện Kon Rẫy) giờ không còn quá xa xôi, cách trở,  đường sá đi lại thuận tiện và cuộc sống của đồng bào DTTS nơi đây có nhiều thay đổi tích cực, do người dân biết trồng cà phê, cao su, bời lời... Kinh tế-xã hội phát triển nên nhận thức của người dân được nâng lên. Nhờ vậy, tình trạng tảo hôn ở địa phương trong thời gian gần đây có cải thiện, song vẫn còn nhiều nan giải và chưa thực sự bền vững.

Số liệu thống kê của UBND xã Đăk Tờ Lung, tính đến đầu năm 2019, toàn xã còn 8 trường hợp tảo hôn. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số thống kê được, còn thực tế có những trường hợp tảo hôn người dân không báo nên các cấp, các ngành không thể nắm bắt được.

Anh Đỗ Xuân Linh chia sẻ: Nhiều em vừa học hết cấp II, có em đang đi học lớp 10, nhưng gặp được anh chàng nào “ưng cái bụng” là nghĩ ngay đến chuyện bỏ học về lấy chồng. Chúng tôi nhiều lần đến từng nhà tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, vận động các gia đình khuyên bảo con em không tảo hôn. Khi chúng tôi nói chuyện, họ thừa nhận chúng tôi nói đúng, cho con tảo hôn là vi phạm pháp luật, song sau đó đâu lại vào đấy, nạn tảo hôn vẫn tiếp diễn trên địa bàn”.

Hầu hết các cặp vợ chồng trẻ đều gặp khó khăn về kinh tế nên phải phụ thuộc vào gia đình. Ảnh: TH

 

Những trường hợp như thế, chính quyền xã rất khó để xử lý. Có một thực trạng là nhiều cặp vợ chồng trẻ ở Đăk Tờ Lung đã “ăn cùng mâm, ngủ cùng giường” đến vài năm, sinh con cái đuề huề rồi mới bồng bế, dắt díu nhau đến UBND xã để đăng ký kết hôn, khiến cán bộ xã cũng vất vả chạy theo làm các thủ tục giấy tờ liên quan cho họ.

Nguyên nhân tình trạng tảo hôn thì nhiều, nhưng chủ yếu là do đời sống của người dân còn khó khăn, nhiều nhà muốn con em kết hôn sớm để có thêm người làm lụng. Mặt khác, do trẻ em trong xã thường nghỉ học sớm, ở nhà đi chơi gặp gỡ các thanh niên trong làng, ngoài xã, phát sinh tình cảm rồi nhiều trường hợp “xảy ra những việc đã rồi” buộc các gia đình phải đồng ý - anh Linh lý giải.

Nói về câu chuyện “việc đã rồi”, cán bộ tư pháp xã Đăk Tờ Lung liền lật sổ cho chúng tôi xem về 5 trường hợp mẹ đơn thân là những cô thôn nữ mới 16, 17 tuổi. Các em yêu đương sớm rồi lỡ “ăn cơm trước kẻng”, nhưng sau đó những chàng trai này tìm cách “quất ngựa truy phong” để lại cho các cô gái sự bẽ bàng và gánh nặng nuôi con một mình. Đó cũng là lý do mà nhiều gia đình khi thấy con gái có bạn trai là liền giục lấy chồng. Điều này cũng khiến cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền của xã Đăk Tờ Lung nhiều phen lúng túng.

Thực tế cho thấy, tảo hôn khiến đời sống kinh tế của các gia đình mãi quanh quẩn trong khó khăn, nghèo đói, điều đặc biệt là sinh con mà bố mẹ ở tuổi chưa trưởng thành đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến thể chất của thế hệ tương lai, suy kiệt giống nòi. Việc kết hôn sớm còn dẫn đến những hệ luỵ về sức khoẻ, tâm lý của các ông bố, bà mẹ ở độ tuổi vị thành niên vì các em chưa phát triển đầy đủ về thể chất, trí tuệ.

Để hỗ trợ xã Đăk Tờ Lung trong việc giải bài toán tảo hôn và nâng cao nhận thức cho người dân về quy định kết hôn, Ban Dân tộc tỉnh đang triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã Đăk Tờ Lung”. Tuy nhiên, để tạo ra chuyển biến rõ nét có lẽ Đăk Tờ Lung vẫn cần thêm một thời gian nữa.

Sau một ngày mệt nhoài từ làng này qua làng khác, gõ cửa nhiều gia đình, nhưng hầu hết họ đều lánh mặt; chúng tôi đành tạm biệt Đăk Tờ Lung về phố khi mặt trời đã khuất sau dãy núi, màn sương bao phủ khiến cái lạnh ngày chớm đông thêm tê tái. Thế nhưng, lòng tôi còn tê tái hơn khi nhớ lại hình ảnh của cô bé Y Bề vừa nấu ăn vừa ầu ơ hát ru con và cả câu nói đùa đầy chua xót của thôn trưởng thôn Kon Long - A Thơ: “bằng tuổi nhà báo (35 tuổi - PV) ở trên này nhiều người đã lên chức bà nội, bà ngoại rồi đấy”.

Thùy Hương

Chuyên mục khác