Công ty TNHHTrường Nhật khai thác cát sỏi: Băm nát ruộng dân?

23/04/2018 13:00

Phóng viên Báo Kon Tum nhận được thông tin phản ánh của nhiều hộ dân làng Chốt, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) về việc nhiều diện tích đất nông nghiệp tại khu vực dọc suối Ia Ai mà người dân canh tác hàng chục năm qua đã bị Công ty TNHH Trường Nhật (có trụ sở tại thành phố Kon Tum) đến khai thác cát sỏi, khiến ruộng đất người dân bị cày xới, ảnh hưởng sản xuất. Đến nay, chính quyền địa phương và doanh nghiệp chưa họp bàn, thỏa thuận với dân để có phương án đền bù, hỗ trợ, gây bức xúc cho người dân ...

Nhận được thông tin phản ánh của nhiều người dân làng Chốt, nhóm phóng viên Báo Kon Tum có mặt tại hiện trường và ghi nhận khu vực dưới lòng suối và hai bên bờ suối Ia Ai đá sỏi nằm ngổn ngang, khắp nơi nham nhở. Máy múc đào bới để lấy cát tạo ra nhiều hầm hố sâu hoắm. Tình trạng này bắt đầu từ khoảng tháng 10/2017 đến nay.

Hiện tại khu vực suối Ia Ai vẫn có nhiều máy móc, xe máy đào, máng xối đang hoạt động đào xới, khai thác cát, sỏi phía bên trên khu vực bờ tràn đoạn giáp ranh giữa làng Chốt của thị trấn Sa Thầy với làng Lung của xã Ya Xiêr.

Dân nói có thiệt hại sản xuất

Một người dân ở làng Chốt đang lùa bò từ rẫy về cho chúng tôi biết, phía bên này suối Ia Ai là thuộc về đất của người dân làng Chốt, còn phía bên kia là của người dân làng Lung. Trước kia, phía bên này là khu vực nhiều hộ dân sinh sống ở làng Chốt canh tác lúa, mì, mía... Khu vực này là đất của người dân làng Chốt canh tác ổn định nhiều năm nay, chỗ đất trũng thì người dân trồng lúa, trồng bắp, chỗ cao hơn phía bên trên thì người dân trồng mía, trồng mì. Nhờ tận dụng phần đất dọc bờ suối Ia Ai để tăng gia sản xuất nên đời sống của một số hộ dân làng Chốt đỡ vất vả hơn. Giờ đất sản xuất đã bị đào bới tan hoang, không thể gieo trồng được nên chắc chắn đời sống của một số hộ dân nơi đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn...

Ông A Nĩu - người dân làng Chốt có đất sản xuất bị thiệt hại phàn nàn: Trước đây gia đình tôi có 2 sào đất sát mép bờ suối quanh năm trồng lúa nước. Nhưng khoảng nửa năm nay, kể từ khi Công ty TNHH Trường Nhật đưa máy móc vào khai thác cát ngoạm sâu vào cả hai bên bờ suối, phá nát toàn bộ diện tích ruộng vườn canh tác lâu dài của gia đình tôi, nhiều hộ gia đình khác trong làng khác có đất nơi đây giờ cũng không thể canh tác được.

“Thời gian tới đây, gia đình tôi chẳng biết làm gì để đảm bảo cuộc sống. Gia đình tôi đông con, là hộ nghèo của địa phương, ở làng Chốt này ai cũng biết gia đình tôi rất khó khăn. Nhiều lần tôi xuống ngăn cản không cho công ty khai thác cát phá nát ruộng của gia đình tôi, nhưng họ vẫn không chịu nghe. Năm ngoái, tôi viết đơn gửi cơ quan chức năng của huyện Sa Thầy và chính quyền địa phương để nhờ can thiệp giải quyết. Chờ mãi, đến nay vẫn chưa thấy ai trả lời và giải quyết những bức xúc của dân nơi đây; mọi người rất lo lắng, vì tình trạng này gây ảnh hưởng lâu dài đến đời sống nhân dân địa phương” - ông A Nĩu rất bức xúc khi phản ánh với chúng tôi.

Cùng chung cảnh ngộ với gia đình A Nĩu, gia đình ông A Dul cũng có 3 sào đất dọc bờ suối Ia Ai nhưng cũng bị băm nát do khai thác cát.

Diện tích đất trồng lúa ông A Nĩu giờ toàn sỏi đá. Ảnh: Đ.V

 

Ông A Dul cho biết: Thấy công ty đã khai thác vào đất của một số hộ dân, gia đình tôi đã làm cọc cắm nhằm đánh dấu để cho công ty biết phân biệt diện tích đất trồng lúa của nhà mình. Thế nhưng, thấy không có mình ở ngoài ruộng, người của công ty cứ lén nhổ cọc vứt đi và ngang nhiên đưa máy đào vào móc ruộng nhà mình tan tành lên để khai thác cát. Nhiều lần gia đình tôi ra ngăn chặn nhưng những người lái xe đào chỉ trả lời là người làm thuê cho công ty nên không biết gì, chỉ khai thác theo lệnh của lãnh đạo công ty. Họ còn nói đất này công ty đã mua và trả tiền cho nhà nước rồi nên cứ khai thác.

“Chúng tôi nhiều lần đề nghị được gặp lãnh đạo Công ty TNHH Trường Nhật để đối thoại, nhưng đến nay chúng tôi vẫn không gặp được. Đến giờ cả 3 sào đất của gia đình tôi đã bị băm nát hoàn toàn. Gần đây, công ty có cử người vào làng đặt vấn đề mua đất khai thác cát ở gần khu vực nhà mồ nhưng dân làng Chốt không bán, chỉ có phía dân bên làng Lung lấy đất nông nghiệp bán cho công ty khai thác cát. Trước đây, mỗi mùa gia đình tôi cũng thu được khoảng 20 bao lúa nhờ diện tích đất này. Giờ coi như bị mất trắng. Gia đình tôi và nhiều gia đình mất đất khác của làng Chốt đã viết đơn gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy để nhờ can thiệp giải quyết nhưng gần nửa năm nay vẫn không thấy ai vào cuộc bảo vệ cho dân...” - ông A Dul nhìn mảnh đất của mình bị cày xới và thở than với chúng tôi trong vẻ chán chường, bất lực.      

Dẫn chúng tôi ra thăm khu vực trồng mía của gia đình ông A Dĩ trước đây. Đập vào mắt tôi là mảnh đất bị cày xới tan hoang, sỏi đá nằm ngổn ngang, nham nhở những hố nước sâu hoắm. Cạnh đó, nhiều thửa ruộng khác trước đây của nhiều hộ dân đều lâm vào cảnh tương tự.

Bà Y Tuh (vợ ông A Dĩ) cùng nhiều mà con mất đất trong làng Chốt đã nêu ra những thắc mắc là, vì sao chỉ cách nhau một con sông, bên kia là đất của bà con làng Lung nhưng lại được công ty hỗ trợ tiền thỏa đáng cho dân rồi mới khai thác, còn phía bên này sông thì bà con làng Chốt không được hỗ trợ, đền bù thiệt hại? Và, từ khi Công ty TNHH Trường Nhật tiến hành khai thác cát ở đây đã hơn 6 tháng, người dân bức xúc, nhiều lần gửi đơn thư tới cơ quan chức năng của huyện Sa Thầy nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết?

Cơ quan chức năng nói không

Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Hà Tiên - Chủ tịch UBND thị trấn Sa Thầy khẳng định: Vấn đề người dân làng Chốt phản ánh và có đơn gửi các cơ quan chức năng của huyện trong năm 2017, UBND thị trấn đã nắm bắt được. Công ty TNHH Trường Nhật được tỉnh cấp phép cho khai thác cát ở khu vực này. Khi người dân gửi đơn lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra vào xác minh phản ánh của người dân. Sau khi huyện vào kiểm tra, xác minh, đến nay, UBND thị trấn Sa Thầy cũng chưa nhận được phản ánh nào thêm của người dân về sự việc này...

Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy - Nguyễn Văn Lâm cho biết: Công ty TNHH Trường Nhật được tỉnh cấp giấy phép khai thác cát, sỏi từ tháng 9/2017, thời hạn khai thác là 5 năm, diện tích được phép khai thác rộng 2ha. Khoảng tháng 7/2017, UBND huyện Sa Thầy có nhận 3 đơn phản ánh, kiến nghị của người dân và giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chủ trì giải quyết. Chúng tôi đã cử cán bộ vào kiểm tra nội dung phản ánh của người dân. Qua kiểm tra thực tế diện tích khu vực đất tại dọc bờ suối Ia Ai vào những tháng mùa khô người dân tận dụng khu vực này chủ yếu trồng mì, trồng rau và trồng cỏ nuôi bò. Vào mùa mưa thì khu vực này bị ngập nước trắng xóa. Đối với diện tích đất của ông A Dĩ là nằm ngoài khu vực của công ty khai thác nên chưa bị ảnh hưởng gì. Đối với diện tích đất của gia đình A Hek, công ty cũng đã san lấp lại và đắp bờ cao để chống sạt lở khi mùa mưa đến... Kể từ khi Công TNHH Trường Nhật được cấp phép khai thác, chúng tôi chưa nhận được đơn thư phản ảnh của các hộ dân. Tuy nhiên, tới đây tôi tiếp tục cử cán bộ vào xác minh lại thông tin và nắm tình hình cụ thể từ phía người dân để tham mưu UBND huyện có cách giải quyết kịp thời...              

Lòng sông Ia Ai đã biến dạng hoàn toàn

 

Vậy là câu hỏi: “Công ty TNHH Trường Nhật khai thác cát có làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân hay không?” cho đến nay vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. Người dân thì tỏ ra bức xúc cho rằng, việc khai thác cát đã băm nát ruộng của gia đình mình, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống, còn ngành chức năng bảo rằng không ảnh hưởng.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần kịp thời tiến hành kiểm tra thực tế một cách kỹ lưỡng, tránh làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân. Đồng thời, chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chức năng và Công ty TNHH Trường Nhật tổ chức gặp gỡ, giải thích mọi thắc mắc và giải quyết vụ việc một cách thấu tình đạt lý nhằm bảo đảm quyền lợi người dân, tránh để kẻ xấu lợi dụng kích động người dân làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh - chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Đắc Vinh

Chuyên mục khác