09/04/2018 07:02
Chúng tôi đến thăm Măng Ri vào những ngày tháng 3 trong cơn gió ù ù của mùa khô Tây Nguyên. Đèo Măng Rơi dù đã quen nhưng với con dốc đứng gió càng mạnh, khiến việc đi lại cũng không hề dễ dàng. Chiếc xe máy ì ạch mãi mới vượt được con dốc, gặp những khúc cua tay áo, không còn cách nào khác xe phải về số 1 mới qua được đèo. Sau đèo Măng Rơi, chúng tôi lại tiếp tục vượt qua hàng chục cây số đường đèo quanh co, hiểm trở mới đến được Măng Ri.
|
Có đi mới thấy sự vất vả của người thầy cô giáo ở Măng Ri luôn bám làng gieo chữ. Ấy vậy mà hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng họ vẫn vượt qua con dốc này để mang ánh sáng cho buôn làng.
Đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Măng Ri, chúng tôi tìm gặp một số thầy cô giáo, những người đã đánh đổi tuổi thanh xuân để “gieo chữ” cho học sinh nghèo nơi này. Những người thầy mới ngày nào chỉ là anh sinh viên chân ướt chân ráo leo qua đèo Măng Rơi, giờ tóc đã điểm bạc. “Đến đây mệt quá không muốn về nữa mà ở lại bám bản dạy học trò thôi…”- thầy Lê Anh Sơn- Hiệu trưởng nhà trường tếu táo. Sau nhiều năm, số lượng giáo viên của trường ngày càng đông. Họ yêu nhau rồi lập nên những gia đình nhỏ và động viên nhau cùng bám làng vì tương lai trẻ em nơi vùng sâu hẻo lánh ở dưới chân núi Ngọc Linh này.
Là một trong những người đầu tiên vượt đèo Măng Rơi bám bản, rồi bén duyên với nơi đây, thầy Nguyễn Xuân Hạnh - Phó hiệu trưởng nhà trường nhớ lại: Cách đây hơn 10 năm, khi mới ra trường tôi được phân công về dạy ở Măng Ri. Thời ấy vất vả lắm, con đường từ trung tâm huyện lên Măng Ri chỉ là con đường đất trơn tuột. Leo được vào đến đây tôi bị sốt mấy hôm sau mới đi dạy được. Lúc bấy giờ đường xá khó khăn, thực phẩm tươi sống như thịt, cá luôn là những thứ xa xỉ phẩm. Có thời gian tôi cùng nhiều giáo viên khác phải ăn cá khô ròng rã cả tháng trời. Khổ là vậy mà các thầy cô vẫn cố gắng vượt qua để tiếp tục gieo chữ.
“Thời gian đầu đi dạy, gặp nhiều em học sinh cứng đầu, gọi mãi không đi học. Vậy là mình nghĩ ra cách một buổi dạy học còn một buổi theo các em ấy đi bắn cá suối. Ban đầu chưa biết bắn các em dạy bắn được một vài con. Sau ít ngày mình bắn được cả dây cá. Từ đó mấy em cứng đầu mới nể phục, xem mình như thủ lĩnh, nói đến em nào là em đó nghe lời và không lơ là chuyện học hành nữa”- thầy Hạnh tâm sự.
Cũng là một giáo viên có hơn 8 năm gắn bó với Măng Ri, cô Phạm Thị Trà My (28 tuổi) cũng đã nếm đủ những khó khăn vất vả, những vắt rừng, bọ chét đất, muỗi rừng bủa vây. Những ngày mưa gió, leo lên xe máy đi vận động học sinh đến trường, cô My cùng chiếc xe trôi tuột xuống con dốc trơn trượt. Đến khi dựng được xe lên, khắp chân tay chỗ nào cũng thâm tím. Những ngày nắng ráo thì cũng chẳng đỡ hơn là mấy bởi khắp nơi chỗ nào cũng có sâu róm, chỉ vô tình chạm vào cũng đủ khiến người ta ngứa ran mình.
Vất vả là vậy thì điều gì khiến cô My và các thầy cô giáo duy trì cắm bản sau ngần ấy năm ở đây, tôi hỏi. Cô My cho biết: Càng sống lâu ở đây, mình càng thấu hiểu học sinh cũng như bà con nơi này, họ sống chân thành, tình cảm. Đặc biệt, học sinh ở đây rất ham học nhưng do gia đình nghèo buộc phải nghỉ ngang để lên rẫy phụ giúp cha mẹ. Hiểu được điều đó, chúng em phải đến nhà trò chuyện, vận động phụ huynh cho con em đến trường. Kiên trì, mưa dầm thấm lâu, dần dà bà con hiều và từ đó tỷ lệ chuyên cần của học sinh tăng lên.
“Chính vì sự ham học và tình cảm của bà con đối với chúng em khiến em càng phải quyết tâm và cố gắng mang con chữ cho con em đồng bào mình…”- Cô My tâm sự.
Chia sẻ về cuộc sống gia đình, cô My kể: Em quê ở Đăk Lăk, chồng ở Quảng Nam. Chúng em đã cưới nhau được 3 năm và có con lên 2 tuổi. Vì cuộc sống mưu sinh nên vợ chồng em phải gửi con cho nhà ngoại ở Đăk Lăk trông coi.
|
Cũng tương tự, kể về chuyện của gia đình mình, thầy Hạnh nhớ lại, trong một lần đi công tác ở Quảng Nam, thầy Hạnh đã tình cờ gặp cô sinh viên ngành sư phạm Trần Thị Huyền Diệu. Nhìn thấy cô sinh viên sư phạm Huyền Diệu từ lần đầu thầy Hạnh đã đem lòng yêu trộm, nhớ thầm. Những tưởng mối tình thầm kín đó sẽ khó thành thì may sao thời gian sau cô sinh viên Huyền Diệu ra trường lại được điều về dạy tại trường ở Măng Ri nơi thầy Hạnh đang công tác. Thời gian thấm thoát thoi đưa, hai con tim đã hòa cùng nhịp đập và một mái ấm nho nhỏ hình thành ngay dưới chân núi Ngọc Linh này.
“Lễ cưới được tổ chức ấm cúng giữa sân trường, dưới sự chứng kiến của gia đình, bạn bè, học sinh và bà con dân làng ngay dưới ngọn núi Ngọc Linh này. Đó là một ngày trọng đại thật đầm ấm không thể nào quên…”- thầy Hạnh tâm sự.
Giờ đây đã hơn 5 năm, vợ chồng thầy Hạnh, cô Diệu đã có với nhau 2 người con kháu khỉnh, ngoan ngoãn, được gửi về quê nội ở Quảng Trị chăm sóc, nuôi nấng, dù nhớ con nhưng vì điều kiện, vợ chồng thầy Hạnh gác lại niềm riêng tận tụy bám làng, gieo chữ.
Câu chuyện mà chúng tôi kể về cô My, vợ chồng thầy Hạnh, cô Diệu chỉ là một trong hàng trăm giáo viên ở Măng Ri nói riêng và ở Tu Mơ Rông nói chung hàng ngày vẫn vượt khó khăn, hy sinh niềm riêng cho sự nghiệp trồng người dưới chân núi Ngọc Linh này. Sự hy sinh của những thầy cô giáo nơi đây thật cao quý và đáng trân trọng biết bao.
Thầy Lê Anh Sơn- Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Măng Ri chia sẻ: “Chúng tôi xem nhau như anh em ruột thịt, người này chung thứ này thì người khác giúp thứ khác, đùm bọc nhau mà sống. Dù cuộc sống có khó khăn, thiếu thốn nhưng các thầy cô vẫn động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình…”.
Phần lớn các thầy, cô trong Trường PTDTBT Tiểu học Măng Ri đều có tuổi đời còn rất trẻ, nhưng vì tình yêu nghề, vì sự nghiệp giáo dục, vì thế hệ tương lai của đất nước họ tình nguyện sống xa gia đình, chấp nhận gian khổ để bám làng gieo chữ mang tương lai tươi sáng hơn đến vùng đất dưới chân núi Ngọc Linh kỳ vĩ này…
Bài và ảnh: Phúc Nguyên