14/11/2022 13:14
Bắt đất cằn “nở hoa”
Ngày mát trời, Trưởng thôn Lê Văn Bình rủ tôi cùng chị Phó Chủ tịch UBND xã Ia Đal Nguyễn Thị Thuận đến thăm mô hình vườn cây ăn trái của chính anh. Chị Thuận ghé tai tôi nói nhỏ: “Đây là mô hình cây ăn trái đầu tiên và quy mô nhất trên địa bàn xã đấy”.
Vườn cây ăn trái của anh Bình rộng hơn 2ha, gồm nhiều loại cây như bưởi, cam, quýt, ổi, mãng cầu, mít, sinh trưởng rất tốt. Đằng sau thành quả ấy là hành trình dài đầy nỗ lực của anh và gia đình.
Năm 2017, sau một lần tham quan vườn cây ăn quả của những người bạn ở tỉnh Gia Lai, “gã khùng” Lê Văn Bình “nổi máu” nhà nông, bàn bạc với vợ trồng cây ăn quả trên diện tích đất bờ lô hợp thủy ven vườn cao su. Ngoài vợ anh thì chẳng ai ủng hộ ý tưởng trồng cây ăn quả trên mảnh đất như “sa mạc” vào mùa nắng, nước còn không đủ cho con người sinh hoạt. Ấy vậy mà, anh Bình làm được!
Mùa mưa năm ấy, sau khi làm xong khâu đào hố, xử lý đất, anh Bình tiến hành chọn lựa nhiều loại cây giống khác nhau cùng trồng trên một diện tích để xem cây nào thực sự hợp với nơi này và một phần đỡ lo lắng cho đầu ra sau khi cây trồng đi vào kinh doanh.
|
“Nếu trồng cùng một lúc cùng một loại cây, sau này thu hoạch tôi sợ sẽ không bán được hết vì dân số nơi đây tương đối ít nên quyết định trồng nhiều loại cây trên cùng một diện tích, để mỗi mùa thu hoạch mỗi loại khác nhau, phục vụ người dân tại địa phương” – anh Bình tâm sự.
Những năm đầu, vườn cây đòi hỏi công chăm sóc nhiều, ban ngày anh Bình bận rộn với việc chung, tối đến mới tranh thủ thời gian rảnh rỗi ra vườn chăm sóc, tưới tiêu. Để có nguồn nước tưới cho cây trồng, anh Bình tốn một khoản tiền không nhỏ đầu tư hàng trăm mét ống tưới cùng máy nổ mới giúp cây trồng bén rễ và vươn mầm.
Thời gian đầu, vợ chồng anh Bình khá sốc vì cây trồng bị chết nhiều. Tuy nhiên, điều đó không làm anh Bình chùn bước mà vẫn tiếp tục con đường mình đã chọn, cây chết ở đâu trồng dặm lại ở đấy. Anh luôn đặt các yếu tố “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” lên hàng đầu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để chăm sóc vườn cây.
Và cứ thế, vườn cây dặt dẹo năm nào giờ đây đã phủ xanh diện tích đất hoang hóa, khô cằn. Vườn cây là niềm tự hào, là minh chứng được anh Bình nhắc đến trong các cuộc vận động người dân làm kinh tế. Từ vườn cây này, trừ mọi chi phí, mỗi năm, gia đình anh Bình thu lãi ròng hơn 100 triệu đồng.
Khởi sắc từ những mô hình “lạ”
Vườn cây đem lại hiệu quả kinh tế cao là minh chứng mỗi khi anh Bình vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, là nơi để bà con tham quan, học hỏi kinh nghiệm và “gieo” thêm niềm tin trong mắt bà con. Chính vì vậy, khi anh vận động bà con chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được bà con nhiệt tình hưởng ứng.
Trong việc phát triển cây ăn quả ở thôn 7, các hộ cùng bàn bạc với nhau, mỗi hộ trồng một loại cây để sau này đầu ra dễ tiêu thụ. Theo đó, người chọn trồng sầu riêng, người chọn trồng mít, bơ, có người lại chọn trồng nhiều loại khác nhau trên cùng diện tích. Đến nay, thôn 7 đã có 5 hộ tham gia trồng cây ăn trái, với tổng diện tích gần 20ha.
Chúng tôi đến thăm mô hình cây ăn trái của anh Mai Văn Thu (thôn 7, xã Ia Đal), là người trẻ và cũng có “máu” làm giàu từ cây ăn quả. Sau khi nghe Trưởng thôn Lê Văn Bình vận động, được tận mắt tham quan mô hình, anh Thu mạnh dạn đầu tư trồng cây vú sữa hoàng kim, mít Thái, sapoche, mắc ca trên 3ha đất. Sau gần 2 năm chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cây ăn quả của gia đình anh Thu đã cao gần ngang đầu người, xanh mướt trong niềm hy vọng làm giàu đang hiện hữu.
|
Anh Thu tâm sự : Trong sản xuất nông nghiệp “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, anh Bình dặn như thế, chỉ cần đảm bảo được 4 yếu tố này, thì đất có cằn cỗi mấy cây trồng vẫn sinh trưởng xanh tốt. Anh Bình còn vận động chúng tôi trồng thêm bí đỏ để lấy ngắn nuôi dài, tăng thu nhập.
Tiếp lời anh Thu, anh Bình chia sẻ: Mô hình trồng bí đỏ được tôi triển khai vào năm trước, hiện bà con đang thu hoạch, không ngại trời nắng thì đi cùng tôi xem mùa màng năm nay thế nào.
Trời trưa biên giới nắng chang chang. Thôn phó thôn 7, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Vi Văn Đề nhễ nhại mồ hôi phơi mình ngoài trời nhưng khuôn mặt hiện rõ sự phấn khởi bên vựa bí đỏ vừa thu hoạch được. Anh Đề vui mừng khoe: Nghe lời Trưởng thôn Lê Văn Bình mà 2 năm nay, tôi cùng nhiều hộ dân có thêm thu nhập từ việc trồng bí đỏ.
Năm ngoái, gia đình anh Đề mạnh dạn trồng 5ha bí đỏ bánh xe, sau hơn 4 tháng dày công chăm sóc, vườn bí đỏ của anh Đề đã cho thu hoạch 43 tấn quả, thật sự là ngoài mong đợi. Lúc đó, giá bí đỏ không cao, khoảng 2.800 đồng/kg, anh Đề thu về hơn 120 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, còn lãi ròng hơn 70 triệu đồng.
Năm nay, gia đình anh Đề trồng 2 loại bí đỏ (bí đỏ bánh xe và bí đỏ da cóc) trên diện tích gần 8ha. Tuy năm nay thời tiết mưa nắng thất thường, bí đỏ không đạt năng suất như năm ngoái, nhưng bù lại giá thu mua lại cao gấp đôi.
Anh Đề thật thà kể: Năm nay tôi thuê thêm 3ha đất trồng bí đỏ. Mùa bí đỏ năm nay, gia đình thu được khoảng 50 tấn quả bí bánh xe với giá hiện tại là 5.500 đồng/kg; còn bí da cóc trồng ít hơn, thu được hơn 7 tấn, với giá bán ra khoảng 8.500 đồng/kg. Tổng thu nhập 2 loại bí hơn 330 triệu đồng, trừ mọi chi phí đầu tư, gia đình tôi thu khoảng 220 triệu đồng.
Nghe anh Đề tâm sự, Trưởng thôn Lê Văn Bình cười: Năm 2021 là năm đầu tiên tôi vận động bà con vay vốn trồng bí đỏ trên đất bờ lô hợp thuỷ, với 35 hộ tham gia trồng được 100ha. Năm trước, mưa thuận gió hòa, các hộ thu tổng được 400 tấn/2 vụ, bán hơn 1,2 tỷ đồng, ai nấy đều phấn khởi. Năm nay, bà con trồng khoảng 120ha bí đỏ các loại. Với giá trên thị trường như hiện tại, dù không được mùa như năm ngoái, bà con trong thôn vẫn có thể thu về hơn 1,5 tỷ đồng.
Nghe hai anh trò chuyện, tôi thấy vùng biên như rộn rã âm thanh nhịp sống mới. Những cách làm hay, những mô hình kinh tế hiệu quả từ tinh thần trách nhiệm của người trưởng thôn mang quân hàm đang giúp đời sống bà con miền biên viễn ngày càng tốt đẹp.
Văn Tùng