Chuyện người giữ nghề đan lát ở Đăk Si

05/04/2023 06:17

Thời buổi hiện đại, nhiều người không còn mấy mặn mà với nghề đan lát, nhưng với ông A Lếu (67 tuổi, ở thôn Đăk Si, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) thì lại khác. Bao năm qua, ông A Lếu vẫn vẹn nguyên tình yêu với nghề đan lát, bởi ông xem các sản phẩm được làm từ mây, tre như “đứa con” tinh thần trong gia đình mình.

Trời ngả về chiều. Bà con thôn Đăk Si rời ruộng, rẫy về nhà sau một ngày lao động vất vả. Cất chiếc gùi mây cũ kỹ vào góc nhà, ông A Lếu rửa mặt mũi, tay chân rồi tiếp tục hoàn thành chiếc gùi đan dở.

Ông A Lếu không thể nhớ đây là chiếc gùi thứ mấy mà ông đan, bởi từ khi còn bé ông đã biết tự tay đan cho mình những chiếc gùi yêu thích.

Ông A Lếu kể: Ngày xưa, đàn ông Giẻ Triêng phải biết đan lát. Không biết đan lát khó lấy vợ lắm. Cái nghề này dễ học, chỉ cần chăm chú xem ba tôi đan, rồi siêng năng ngồi chẻ tre, chẻ mây, vót thành những sợi nan mỏng rồi tự tay đan. Đan lâu năm rồi quen tay, thành thạo.

Bao năm qua, ông A Lếu vẫn luôn yêu và duy trì nghề đan lát. Ảnh: V.T

 

Ông A Lếu nhớ lại: Ngày trước, đang còn tuổi đi học tôi đã mê đan lát. Cứ nhìn cha với ông nội đan, tôi lại thấy ngứa tay, muốn đến ngồi đan ngay. Nhưng vì còn nhỏ, mọi người sợ tôi bị đứt tay, hơn nữa, đôi tay cũng chưa đủ khéo léo để có thể đan được.

Thuở thơ ấu, ngoài những đứa nhỏ trong làng, thì chiếc rựa như người bạn thân của ông A Lếu. Trừ lúc đến trường, còn ở nhà hay lên rẫy, A Lếu đều gắn bó với con rựa nhỏ mà ba ông mài dũa sắc lẹm rồi bàn giao cho ông. Với đàn ông Giẻ Triêng, chiếc gùi sau lưng cùng con dao, chiếc rựa là vật bất ly thân mỗi khi lên rẫy, vào rừng. Riêng với trẻ nhỏ, thường mang chiếc bao, chưa có chiếc gùi riêng cho bản thân mình.

Chính sự khao khát có một chiếc gùi “chính chủ” đã thôi thúc ông tự tay đan gùi khi còn trẻ, có kích thước phù hợp với vóc dáng nhỏ bé của mình. Để có gùi, sau giờ tan trường, cậu bé A Lếu trở về nhà, từ chối lời mời gọi của đám bạn trong làng, ngồi dưới bóng cây sau nhà và dùng con rựa cẩn thận chẻ từng thẻ tre, tỉ mỉ vót mỏng thành từng sợi nan. Sau nhiều ngày, A Lếu cảm thấy đã đủ mành tre, ông bắt đầu tiến tới công đoạn đan lát.

Đôi tay nhỏ bé, non nớt của A Lếu khi ấy chưa đủ khéo léo để có thể đan thành hình theo trí tưởng tượng của bản thân. Trong suy nghĩ của ông ngày ấy, chiếc gùi nhỏ sẽ dễ làm hơn gùi lớn và nhanh hoàn thiện hơn. Nhưng đến khi bắt tay vào làm mới thấy khó vô cùng. Ông đã nhiều lần lân la đến chiếc gùi của cha mình, xem tường tận từng bộ phận chi tiết để học theo. Và sau nhiều ngày miệt mài, chiếc gùi nhỏ nhắn do tay ông làm cuối cùng cũng hoàn thiện.

Ông A Lếu phơi các sản phẩm đan lát từ tre, mây trên giàn khói bếp để tăng độ bền. Ảnh: V.T

 

Lần đầu tiên đan  chưa có kỹ năng, nên chiếc gùi ông A Lếu tự làm nhìn còn thô cứng, không mềm mại, chuyên nghiệp như các sản phẩm của cha, của ông làm. Những sợi nan chưa vót được mỏng đều, khoảng cách giữa các ô trên thân gùi chưa được đều, đế gùi vẫn còn sơ sài, chưa có tính thẩm mỹ cao.

Lần đan chiếc gùi đầu tiên, tuy gùi không đẹp, nhưng A Lếu rất quý trọng nó. Bởi đó là công sức, là thành quả giúp ông từng bước nối tiếp nghề đan lát của cha ông mình. Và chiếc gùi đó theo ông lên rẫy với bên trong là gói cơm đùm, cùng len lỏi vào rừng để ông hái rau, bẻ măng. Tuy nhiên, chỉ qua một mùa mưa, những mối nối của chiếc gùi đó đã bung ra, những sợi nan nổi mốc và mục dần.

A Lếu có chút chạnh lòng vì phải sớm tạm biệt chiếc gùi đầu tay. Tuy nhiên, A Lếu liền đan cho mình chiếc gùi mới. Rút kinh nghiệm từ chiếc gùi đầu tiên và được gia đình động viên, A Lếu phấn chấn học hỏi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng từ cha ông để có thể tạo ra một chiếc gùi mới đẹp, có tuổi thọ cao, bền bỉ, phơi mình giữa nắng mưa.

Cha ông A Lếu dạy rằng, đan lát phải lựa những cây tre, mây già với vẻ bề ngoài sần sùi, bạc màu, nằm sâu trong bụi. Còn những cây tre, cây mây với màu vỏ xanh mơn mởn, dáng thân thẳng đuột, vươn cao, nằm ở rìa bụi, dễ chặt thì đa số là cây non. Những cây này dễ uốn, màu sắc tươi tắn nhưng nhanh khô, dễ mục, không phù hợp để đan lát vật dụng.

Một trong những bí quyết của cha ông A Lếu chỉ dạy cách để các sản phẩm tre dẻo dai, bền bỉ, là sau khi làm xong hãy cho chúng treo mình lơ lửng trên giàn khói bếp một thời gian. Làm như thế, những sợi nan như được trang bị thêm một lớp “áo giáp”, đối đầu với lũ mối mojt và sự khắc nghiệt của thời tiết.

Sau khi nắm chắc các kiến thức, A Lếu tự tin đang cho mình chiếc gùi thứ 2, thứ 3, rồi cùng nhiều dụng cụ khác cho gia đình như thúng, nia, rổ, rá, đơm cá. Chính từ lòng đam mê mà tay nghề đan lát của A Lếu ngày càng điệu nghệ, tiếng tăm và được nhiều chị em trong làng để ý đến. Bởi thế, cô vợ mà ông A Lếu “bắt” được và gắn bó cả đời cũng là người phụ nữ thùy mị, nết na, rất giỏi nghề dệt.

Ngoài đan gùi, ông A Lếu còn đan những vật dụng trong gia đình. Ảnh: V.T

 

Lấy vợ, lập gia đình, ngoài việc lo cơm, áo, gạo, tiền, ông A Lếu vẫn dành thời gian với nghề đan lát. Đôi tay ông vẫn cần mẫn chuốt nan, khéo léo đan thành những chiếc gùi, chiếc túi để các thành viên trong gia đình đi rẫy, đi rừng hay những vật dụng phục vụ cho việc sinh hoạt gia đình như mâm ăn cơm, rổ, rá. Không chỉ để sử dụng hằng ngày, ông A Lếu còn đan những chiếc gùi đẹp để làm quà cưới cho con trai.

Ông A Lếu kể, với người Giẻ Triêng, mỗi khi con cái lấy vợ, cưới chồng, dù ít hay nhiều đều phải có quà cưới. Ngoài đất đai, nhà cửa, tiền vàng thì người Giẻ Triêng còn cho con gái lấy chồng những tấm thổ cẩm do chính tay người mẹ ngày đêm cần mẫn dệt, cho con trai những chiếc gùi do đôi tay chai sạn của cha khéo léo đan nên. Và khi những người con trai tách hộ ở riêng, họ mang theo những chiếc gùi của cha mình, tiếp nối nghề đan lát mà cha ông truyền lại.

Ông Bloong Hâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục cho biết: Ông A Lếu là người thường xuyên giữ nghề đan lát (gùi và các vật dụng trong gia đình), đồng thời truyền dạy lại kỹ năng đan lát cho thế hệ mai sau để nghề đan lát tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Trong thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các gia đình, nghệ nhân trong xã vận động thế hệ trẻ tham gia học các lớp truyền dạy làm nhạc cụ, nghề truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng để tiếp tục được duy trì và phát huy các giá trị văn hóa.

Văn Tùng

Chuyên mục khác