Chuyện làng Mới

12/07/2021 13:07

Hơn 1 năm, tôi mới trở lại thăm cuộc sống của các hộ dân điểm Nông trường 1, thôn 3, xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai) - người dân gọi nơi đây là làng Mới, bởi làng thành lập vào năm 2019 và ngày trước gặp nhiều khó khăn. Chuyến đi này, tôi được chứng kiến sự khởi sắc nơi vùng biên ngập tràn nắng gió này.

Cuộc sống mới ở làng Mới

Chúng tôi vượt hơn 100 km để đến làng Mới. Muốn vào đến nơi, ngoài Quốc lộ 14C còn ra hình dáng con đường, còn lại đều là đường rừng ngoằn ngoèo, khó đi. Nhất là khi qua cây cầu làm tạm “nghiêng” về một phía, tôi cảm thấy hoang mang khi nhìn thấy chiếc xe tải nằm ở suối Cát - trước khi đến làng Mới.

Đến nơi gần 11 giờ trưa, đúng lúc bà con vừa đi làm về. Như đã hẹn trước, Bí thư Đoàn xã Hoàng Văn Đạt dẫn chúng tôi đến thăm gia đình anh Trương Văn Hòa, 1 trong 44 hộ ở điểm Nông trường 1.

Ái ngại vì mùi mủ cao su, anh Hòa ra điểm cấp nước đặt trước nhà tắm vội và bảo: Bữa nay nước chảy về tận nhà, tiện lợi lắm. Đôi lúc đường ống dẫn nước về vẫn bị sự cố, nhưng được sự quan tâm của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển (CPĐT&PT) Duy Tân, chính quyền địa phương kịp thời xử lý, không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt lâu.

Tôi còn nhớ như in chuyến đi năm trước để viết bài tình hình thiếu nước sinh hoạt của người dân, đến nơi lúc tầm trưa và nghỉ ngơi trong ngôi nhà vách ván nóng như đổ lửa, không quạt, không nhạc, không tivi bởi làng Mới ngày đó chưa có điện. Nhưng giờ thì khác rồi!

Chẳng còn gì tuyệt vời hơn khi trong căn nhà vách ván ấy không còn cảnh nóng oi bức, không còn khó khăn như trước, ai cũng mua được quạt điện. Và rồi, chủ nhà Trương Văn Hòa từ tốn kể lại câu chuyện “khát” điện những năm trước.

Điểm cấp nước được đưa về gần các hộ dân. Ảnh: VT


Tháng 6/2019, gia đình anh Hòa cùng nhiều hộ khác rời Đăk Lăk đến Kon Tum theo diện công nhân khai thác mủ cao su cho Công ty CPĐT&PT Duy Tân. Anh Hòa kể, ngày đấy, vào đây làm, mỗi gia đình chỉ có căn nhà ván rộng hơn 50m2, điện đóm không có. Ngoài giấy tờ tùy thân thì tài sản quý giá nhất của mỗi gia đình là chiếc xe máy và điện thoại di động. Nhiều nhà vào đây, nghĩ rằng sẽ có điện nên mang cả tủ lạnh và tivi, nhưng rồi phải cất vào góc nhà.

Những ngày trưa nóng, cả xóm mang võng ra vườn cao su ngủ dưới tán cây để tránh nóng. Tối đến, chiếc bình ắc quy thắp lên ánh điện le lói cho con nhỏ học bài; và cũng là vật dụng duy nhất để sạc điện thoại liên lạc với người thân.

“Ở đây, vào thời điểm đó, may mắn là có quán tạp hóa dùng pin năng lượng mặt trời nên chúng tôi còn biết đến tivi, tủ lạnh. Những ngày nắng nóng, đi làm về mệt đâu muốn ăn, chỉ thèm nước đá. Nhiều hôm tiền mua nước đá còn nhiều hơn tiền thức ăn trong ngày, nhưng phải chấp nhận thôi” - anh Hòa tâm sự.

Ngày qua tháng lại, thoắt đã 2 năm, ước mơ có hệ thống điện được hòa vào lưới Quốc gia của bà con đã thành hiện thực. 178 nhân khẩu của điểm Nông trường 1 nhớ mãi ngày 10/6/2021, công trình đưa điện về làng hoàn thành và đưa vào hoạt động. Bà con cùng nhau ăn mừng ánh sáng điện. Làng Mới rộn ràng hơn, những chiếc tivi, tủ lạnh được hoạt động trở lại, nhiều gia đình đầu tư hẳn cái mới.

Chị Bàn Thị Hoa (vợ anh Hòa) khoe: Vào đây làm ăn phát triển hơn ở quê, công việc ổn định, có đồng vào đồng ra, mỗi tháng trừ chi tiêu, vợ chồng tôi vẫn dư được chút đỉnh làm của ăn của để. Khi nhà có điện, tôi mua một cái tủ lạnh, nồi cơm điện và quạt điện. Có điện, cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn nhiều. Đi làm về, tôi không còn phải loay hoay nhóm bếp lửa nấu cơm, không còn thường xuyên đến tạp hóa mua nước đá, không còn mắc võng ở vườn cao su để có giấc ngủ ngon... 

Cũng như gia đình anh Hòa, có điện, nhiều hộ dân ở đây sắm sửa thêm nhiều đồ dùng công nghệ mới, nắm bắt thông tin thông qua tivi, các trang mạng internet, học hỏi thêm nhiều kiến thức làm ăn, cuộc sống khởi sắc hơn.

Niềm vui riêng và những mơ ước

Lúc mới vào làm kinh tế, những đứa con phải chịu cảnh xa bố mẹ vì nơi đây chưa có trường học, nhiều phụ huynh chỉ biết trông cậy vào ông bà ở quê và chỉ nghe tiếng con gọi ba mẹ rè rè qua làn sóng điện thoại chập chờn. Các bậc phụ huynh ai nấy đều mong muốn có một điểm trường gần nhà để đưa con mình lên học cho thuận tiện.

Nhiều em nhỏ theo gia đình đến nơi đầy khắc nghiệt, rồi phải ngồi lên những con “ngựa sắt”, ôm chặt lấy ba mẹ vượt qua các đoạn đường đá gập ghềnh vào mùa khô, nhão nhoẹt vào mùa mưa để đi tìm con chữ. Điểm trường các cháu mầm non, tiểu học theo học nằm ở Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Mô Rai (xã Ia Dom) cách làng Mới hơn 6km. Sáng nào các cháu cũng mang phần cơm gia đình chuẩn bị để ở lại bán trú, chiều tối mới gặp lại bố mẹ. Còn các cháu cấp 2, cấp 3 thì ra tận ngoài xã, huyện học nội trú, cuối tuần mới về nhà một lần.

Anh Nguyễn Châu Phi, một trong những gia đình có con nhỏ ở làng Mới cho biết: Vợ chồng tôi chuyển lên đây, thấy nơi đây còn nhiều khó khăn, trường học xa nhà, vì thương con nên cho cháu ở với ông bà dưới quê, nhớ con lắm nhưng đành chịu. Năm 2020, nhà nước đầu tư xây dựng điểm trường mầm non và tiểu học cách nhà mấy bước chân, tôi đã đưa cháu ở quê lên và xin làm thủ tục nhập học. Bà con trong xóm ai cũng phấn khởi vì con em được đi học gần, riêng tôi được đoàn tụ với con là hạnh phúc lắm rồi.

Điểm trường mà anh Phi nói đến là điểm trường thôn 3 của Trường TH-THCS Nguyễn Du, hiện tại có 15 cháu mầm non và 18 cháu tiểu học ở làng Mới theo học. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các điểm trường được đầu tư khang trang, với trang thiết bị cơ bản đáp ứng đủ cho việc học tập của các em.

Điện có, trường có, nhưng điều người dân mong muốn được cải thiện trong thời gian đến đó chính là con đường. Để vào làng Mới, có hai con đường, một đường dài hơn 40km, nếu ngày thường đi mất gần 2 tiếng, đường còn lại là con đường qua cây cầu tạm mà tôi đi lúc sáng, dài gần 10km.

Bí thư Đoàn xã Hoàng Văn Đạt kể, những ngày bão năm ngoái, mưa, lũ kéo dài khiến mực nước dâng cao khỏi mặt cầu, không thể qua lại, chính quyền muốn tiếp tế lương thực cũng rất khó. Hiện tại, Công ty CPĐT&PT Duy Tân đang đầu tư xây cầu đi qua suối Cát, rút ngắn khoảng cách đi lại, mọi người ốm đau đến trạm y tế xã sẽ gần hơn, các xe ô tô vận chuyển nông sản cũng đi lại dễ dàng.

Khi đời sống người dân nơi đây dần thay đổi, câu chuyện làm sao để thoát nghèo không còn quanh quẩn trong đầu mà thay vào đó là những dự định về tương lai của con cái, sửa sang nhà cửa để gắn bó lâu dài với Ia Dom.

Tôi được nghe vợ chồng anh Hòa, anh Phi bày tỏ khát khao về một ngôi nhà “3 cứng”, không phải căng áo mưa trên nóc màn lúc trời đổ mưa giữa đêm, không phải “đứng” ăn cơm để tránh nước tràn qua các khe ván khi trời mưa lớn và hơn hết là có công trình nhà vệ sinh đúng nghĩa.

Người dân Nông trường 1 khao khát có con đường mới và ngôi nhà 3 cứng. Ảnh: V.T

 

Anh Hòa thổ lộ: Tôi cũng như nhiều gia đình ở đây, chỉ có nhà vệ sinh tạm. Xác định gắn bó lâu dài, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành các thủ tục làm sổ hộ khẩu để có điều kiện vay vốn đầu tư nhà vệ sinh và sửa sang lại nhà cửa. Ngoài công việc chính là khai thác mủ cao su, tôi cùng nhiều hộ dân ở đây trồng thêm một số cây công nghiệp ngắn ngày như cây điều để có thêm thu nhập; nuôi thêm con gà, trồng thêm luống rau để cải thiện bữa ăn.

Anh Nguyễn Tuấn Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom cho biết: Để giúp đỡ bà con ở làng Mới vượt qua khó khăn, Đảng ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện bà con tiếp cận vay vốn khi chính thức nhập khẩu tại xã để sửa chữa nhà cửa, xây dựng công trình vệ sinh đạt chuẩn nông thôn mới; bố trí các nguồn lực hỗ trợ cây trồng, vật nuôi từ Chương trình mục tiêu Quốc gia và mô hình hỗ trợ sinh kế. Bên cạnh đó, xã sẽ phối hợp các công ty đứng chân trên địa bàn cho người dân tạm ứng 30 triệu để sửa chữa, xây dựng nhà ở hoặc hỗ trợ nhà đối với các hộ khó khăn thông qua kênh “Nhà đại đoàn kết” do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia H’Drai kêu gọi.

Dù vẫn còn những khó khăn, nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, trợ lực từ Công ty CPĐT&PT Duy Tân, cùng với sự tự tin và khát vọng vươn lên của người dân, làng Mới sẽ ngày càng tươi sáng.

Văn Tùng

Chuyên mục khác