Chuyện kể ở Hơ Moong

18/02/2020 06:11

Sau một ngày lang thang trên đất Hơ Moong giữa sắc biếc của mùa xuân và ngào ngạt hương thơm hoa cà phê, tôi cảm nhận rất rõ mạch sống đang cuộn chảy, đang mạnh mẽ vươn lên nơi đây. Và tôi muốn kể lại những gì được nghe, được chứng kiến về sự đổi thay kỳ diệu ấy.

Không để mình chịu tiếng thất hứa với một người bạn nguyên là lãnh đạo xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy), tôi có chuyến đi thú vị đến nhiều thôn, làng ở xã Hơ Moong giữa sắc biếc của mùa xuân về và hoa cà phê ngào ngạt hương thơm.

Thăm lại các thôn làng, tôi cảm nhận rất rõ mạch sống đang cuộn chảy, đang mạnh mẽ vươn lên nơi đây. Còn nhớ khi mới thành lập xã và hình thành các thôn làng tái định cư, nhiều hộ có tư tưởng quay về làng cũ, vốn nằm ven lòng hồ Plei Krông phía huyện Đăk Hà, khiến cấp ủy, chính quyền phải tốn nhiều công sức tuyên truyền, thuyết phục, vận động người dân ổn định ở làng mới.

Làng tôi đến đầu tiên là Đăk Wơk Yôp. Vừa đến đầu làng, tôi gặp xe ô tô tải của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Đăk Wơk Yôp thu mua cá buổi sáng do dân đánh bắt từ lòng hồ thủy điện Plei Krông. Mượn cớ mua cá, tôi hỏi chuyện và được anh tài xế cho xem những thùng cá thát lát, diếc, chép, tôm... còn tươi roi rói.

“Toàn bộ cá, tôm trong xe có người ở thành phố Kon Tum đặt mua hết rồi. Cá do người dân làng Đăk Wơk Yôp giăng lưới bắt đấy! Hợp tác xã đầu tư lưới cho dân đánh bắt và thu mua cá theo giá thị trường” - anh tài xế tươi cười cho biết.

Tôi đi trên con đường làng đã được trải bê tông phẳng phiu để đến nhà A Núih - già làng Đăk Wơk Yôp. Cũng như bao ngôi nhà khác trong làng, nhà của già A Núih nằm gần đường, ngay đầu vườn cà phê. Tuy mới gặp nhau lần đầu, nhưng già làng A Núih đón tôi thân tình như anh em lâu ngày gặp lại. 

Già làng A Núih dong thuyền ra lòng hồ. Ảnh: VN

 

Sau cái bắt tay thật chặt, A Núih trải chiếu giữa nhà và pha trà mời khách. Nhấp ly trà, câu đầu tiên ông nói: Đời sống của dân làng khá lên nhiều rồi, không còn khổ như trước. Người dân trong làng vừa trồng trọt (cà phê, cao su...) vừa đánh bắt cá, nên gần như nhà nào cũng có thuyền, có nhà 2-3 cái. Cứ chiều chiều, dân làng dong thuyền ra lòng hồ thả lưới, sáng đi gỡ lưới. Cá bắt được (thường là diếc, thát lát, chép, rô, lóc...), bà con bán cho Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Đăk Wơk Yôp.

“Tùy theo từng loài cá, Hợp tác xã thu mua với giá khác nhau, như thát lát 60 nghìn đồng/kg; chép 40 nghìn đồng/kg; diếc, rô phi 20 nghìn đồng/kg..., bình quân mỗi ngày, 1 hộ thu được khoảng 150 - 200 nghìn đồng từ bán cá. Mùa nước lên, thả lưới sát bờ, mùa nước xuống, thả lưới xa bờ, lòng hồ rộng, mỗi hộ chọn cho mình điểm thả cá, không ai lấy của ai. Hiện đang vào mùa cá thát lát, với 5kg cá, bà con sẽ thu được 300 nghìn đồng” - già A Núih bộc bạch.

Già A Núih bảo, tên Đăk Wơk Yôp là để phân biệt với làng Đăk Wơk. Chữ Wơk có nghĩa hồ, Yôp là dưới, làng Đăk Wơk Yôp có nghĩa là làng hồ dưới để phân biệt với làng hồ cũ. Còn từ Hơ Moong, về mặt ngữ âm nghe gần giống với từ hơ mon (sử thi, cổ tích) nhưng lại hoàn toàn khác. Hơ Moong - theo tên của xã Hơ Moong - là con suối.

Ngẫm lại bao chuyện đã qua, già làng A Núih khẳng định, dân làng có cuộc sống như ngày nay là nhờ Đảng, Nhà nước soi đường. Sang làng mới, dân làng được Nhà nước cấp nhà, được hỗ trợ đất làm vườn, hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê. Đời sống văn hóa tinh thần cũng được quan tâm, trong làng đã có nơi bà con đi lễ, có giáo họ.

Ông Đỗ Anh Tuấn - Bí thư Chi bộ thôn Đăk Wơk Yôp là người gắn bó với dân làng từ nhiều năm nay cho biết, bình quân mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 0,5 - 0,7ha đất vườn trồng cà phê, nhiều vườn đã được thu hoạch năm thứ hai, đem lại nguồn thu nhập ổn định giúp người dân giảm nghèo.

Người dân còn được hỗ trợ ngư cụ đánh bắt cá lòng hồ thủy điện. Trước đây, khi Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Đăk Wơk Yôp chưa được thành lập, đầu ra còn bấp bênh, nhưng nay thì tốt rồi, cá đánh bắt về đã được hợp tác xã thu mua với giá cả ổn định. 

Hợp tác xã thu mua cá của dân làng Đăk Wơk Yôp. Ảnh: VN

 

Từ nghề khai thác thủy sản, một số hộ trong làng phát triển thêm nghề đóng thuyền. Ông A Miuh - thợ đóng thuyền có tiếng làng Đăk Wơk Yôp cho biết, từ kinh nghiệm đi thuyền độc mộc, bà con tự đóng thuyền dài để thay thế cho số thuyền được hỗ trợ, có thể chịu được gió to và sóng lớn.

“Ban đầu trong làng không ai biết đóng thuyền máy, tôi tự mua tôn về, mày mò đóng thử, thành công rồi mới đóng cho bà con, ai có nhu cầu thì tự mua tôn, tôi chỉ tính công đóng, khoảng 3-4 triệu đồng/thuyền lớn và 1 triệu đồng/thuyền nhỏ. Bình quân mỗi năm, tôi đóng khoảng 10 thuyền nhỏ (khoảng 2-3 ngày công), 3-4 thuyền lớn (khoảng 1 tuần công). Hiện nay trong làng, ngoài tôi ra đã có 4 người biết đóng thuyền” - A Miuh bộc bạch. 

Tôi được mời lên thuyền do A Miuh đóng để đi dạo lòng hồ. Tiếng máy nổ âm vang, thuyền đè sóng lướt phăng phăng trên mặt hồ một cách vững vàng. Xem ra, không phải vô cớ mà người dân trong làng khen A Miuh đóng thuyền giỏi nhất làng - tôi thật lòng khen. A Miuh cười hiền. 

Già làng A Núih nhẩm tính, trong làng Đăk Wơk Yôp có khoảng 80 cái thuyền, chủ yếu dùng để đánh cá, có khi dùng để đi lại và chuyên chở nông sản.

Ông A Gúp (ở làng Đăk Wơk Yôp) khẳng định, hiện nghề đánh bắt cá đang phát triển, đem lại nguồn thu ổn định cho dân làng. “Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, nghề đánh bắt thủy sản trên lòng hồ giúp dân làng nâng cao chất lượng cuộc sống- A Gúp vui vẻ nói.

Rời làng Đăk Wơk Yôp, tôi thăm làng Đăk Wơk, K’Bay, Kơ Tu, Tân Sang... Ở đâu tôi cũng cảm nhận rất rõ mạch sống đang cuộn chảy, đang  mạnh mẽ vươn lên, với đường bê tông phẳng phiu, điện lưới giăng giăng; vườn tược (cà phê, cao su...)... xanh tốt. 

Ở thôn Tân Sang, nhiều hộ gia đình xây dựng được mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công cao. Vườn cây của các hộ Trần Hải Đăng, Ngô Đức Huỳnh trồng xen canh giữa tiêu với sầu riêng, bơ, đinh lăng, mít, bưởi da xanh... và tưới theo hệ thống nước nhỏ giọt. Cây trồng được đầu tư chăm sóc theo hướng hữu cơ, bảo đảm sản phẩm an toàn cho người sử dụng. 

Ông Mai Nhữ Nam - Chủ tịch UBND xã Hơ Moong tự hào: Tính đến nay, toàn xã phát triển 1.142,7 ha cà phê, 581 ha cao su, 40 ha tiêu, 174 ha cây ăn quả, 30 ha dược liệu, 55 ha lúa nước; đàn bò 810 con, đàn dê 220 con, gia cầm trên 6.500 con... Số hộ làm kinh tế giỏi có thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở lên nhiều “không đếm xuể”, như A Bron, A Hir, A Khéo (thôn Đăk Do), A Thút, A Chung, A Byun (thôn Đăk Wơk), Trần Văn Thuân, Nguyễn Công Thụy, Nguyễn Công Sáng, Nguyễn Văn Minh (thôn Tân Sang)… 

Rời Hơ Moong khi chiều muộn. Tôi băng qua con đường trải nhựa chạy men theo lòng hồ giữa sắc biếc của mùa xuân, giữa ngào ngạt hương thơm hoa cà phê và tiếng sóng lòng hồ Plei Krông vỗ bờ rì rầm như đang kể câu chuyện về sự đổi thay kỳ diệu ở Hơ Moong.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác