Chuyện kể của những “chiến binh áo trắng” trở về từ tâm dịch

22/11/2021 13:02

Đối với những cán bộ, nhân viên y tế vừa hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh Bình Dương chống dịch Covid-19 trở về, những ngày trong tâm dịch thực sự là quãng thời gian đáng nhớ. Họ đã trở về trong tâm thế của người chiến thắng và tiếp tục “sứ mệnh” chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh.

Ngày 6/9, được sự điều động của ngành Y tế và hơn hết là xuất phát từ “mệnh lệnh của trái tim”, 30 “chiến binh áo trắng” của tỉnh ta đã lên đường vào tâm dịch Bình Dương hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại địa phương này. Họ là các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có năng lực chuyên môn, có tinh thần xung kích, tình nguyện, không ngại gian khổ, sẵn sàng lăn xả vào những nơi nguy hiểm nhất để góp sức bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân trước dịch bệnh.

Nhận nhiệm vụ trong thời điểm dịch bệnh tại Bình Dương đang diễn ra rất khốc liệt với số bệnh nhân nhập viện liên tục tăng, nhưng trên từng ánh mắt, trong từng lời nói tại buổi xuất quân, tất cả các thành viên của Đoàn công tác đều thể hiện rõ ý chí quyết tâm, niềm tin chiến thắng. Họ xác định rõ, chuyến đi đó có thể kéo dài và đây chắc chắn là một cuộc chiến cam go, khốc liệt, nhưng cũng đầy vinh dự, tự hào.

Mang theo nhiệt huyết ấy, ngay khi vào đến nơi, 30 y, bác sĩ, nhân viên y tế của tỉnh ta đã bắt tay ngay vào công việc.

Tỉnh Bình Dương gặp mặt chia tay Đoàn cán bộ, nhân viên y tế của tỉnh. Ảnh: T.H

 

Người “anh cả” của Đoàn công tác, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thành Thảo- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: 30 anh em,  được chia thành 10 nhóm, mỗi nhóm gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng đưa đến 10 khu cách ly điều trị trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một. Mỗi khu điều trị có 200 -  800 bệnh nhân F0, nhưng chỉ có 3 bác sĩ, 15 điều dưỡng và tình nguyện viên đảm nhận công việc chăm sóc, điều trị. Trước khi vào Bình Dương, dù anh em đều đã nắm vững kiến thức, kỹ năng và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, nhưng vì chưa ai trải qua thực tế nên khi đối diện với tình huống có rất nhiều F0, môi trường làm việc khác lạ, thú thật ban đầu chúng tôi không khỏi bất ngờ và lo lắng. Nhưng rồi, với tinh thần tất cả vì sức khỏe, tính mạng và sự an toàn người bệnh, cùng với các anh em đồng nghiệp của các tỉnh, thành khác, chúng tôi động viên, hỗ trợ nhau trong công việc nên mọi thứ nhanh chóng đi vào nề nếp.

Bác sĩ A Lâm- Trung tâm Y tế huyện Đăk Glei trải lòng: Tôi được giao nhiệm vụ tham gia hỗ trợ điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 5, thành phố Thủ Dầu Một. Với riêng tôi, một tháng “chiến đấu” ở nơi này thực sự là quãng thời gian đáng nhớ. Công việc hằng ngày là thăm khám ít nhất hai lần sáng- chiều để nắm được tình trạng, diễn biến sức khỏe của từng bệnh nhân, phát hiện những bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng để có phác đồ, kê đơn điều trị phù hợp…Ban đêm, anh em lại tiếp tục chia ca trực cấp cứu cho các bệnh nhân nặng phải nhập viện gấp hoặc hỗ trợ, can thiệp kịp thời cho những người bệnh đang điều trị. Áp lực công việc lớn, giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn, ăn ngủ đều phải tranh thủ, khẩn trương.

 “Vất vả, mệt mỏi, thậm chí có lúc cảm thấy kiệt sức, nhưng tuyệt đối không có sự lơ là hay nản lòng đâu nhé; bởi chúng tôi hiểu rằng, ở đây người thầy thuốc không chỉ có nhiệm vụ chữa bệnh cứu người mà mình còn là chỗ dựa tinh thần cho bệnh nhân nên mọi người luôn lạc quan, vững chí. Chúng tôi chỉ lo mình không đủ sức để chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân, rồi lo mình nhiễm bệnh thì công việc lại dồn lên các đồng nghiệp khác, thế thôi!”- bác sĩ A Lâm tâm sự “những điều gan ruột”.

Thời tiết nắng nóng nhưng luôn phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín bưng, số lượng bệnh nhân đông, thời gian làm việc không ngưng nghỉ; các y, bác sĩ luôn phải chạy đua với thời gian để giành lại sự sống cho từng người bệnh. Hơn nữa, bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ không có người thân chăm sóc, thời gian nằm viện dài nên thường lo lắng, buồn chán; nên những thầy thuốc bên cạnh nhiệm vụ điều trị bệnh còn phải an ủi, động viên, trấn an tâm lý, tạo niềm tin, nghị lực cho các bệnh nhân trên hành trình “chiến đấu” với Covid-19.

Các y, bác sĩ Kon Tum tham gia tổ chức Tết Trung thu cho các bệnh nhân nhí tại khu điều trị. Ảnh: T.H

 

Một tháng nơi tâm dịch là quãng thời gian “trải nghiệm” khó quên trong cuộc đời của điều dưỡng Hà Thanh Hải (Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô).

Hà Thanh Hải bộc bạch với chúng tôi rằng, khi đặt chân vào điểm nóng của dịch bệnh, em mới thực sự hiểu thế nào là “chiến trường”, bởi lằn ranh giữa sự sống và cái chết của người bệnh trở nên rất mong manh và những người thầy thuốc phải dốc hết sức để giành lại sự sống cho người bệnh. Bệnh nhân thì mỗi người một hoàn cảnh, một suy nghĩ, nhiều người rất nghị lực, kiên cường; nhưng cũng có không ít người lo lắng đến mức sợ hãi, hoảng loạn, bi quan. Là những người chăm sóc họ, em cũng như các đồng nghiệp luôn lắng nghe, chia sẻ và động viên họ vượt qua thời điểm khó khăn. Niềm hạnh phúc lớn nhất với em là nhìn thấy bệnh nhân của mình qua cơn nguy kịch, khỏe mạnh lên từng ngày rồi được ra viện, trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Đầu tháng 10, tình hình dịch tại Bình Dương dần ổn định. Ngày 7/10, Đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành Y tế giao phó, trở về Kon Tum vào ngày 8/10, sau đó tiếp tục thực hiện cách ly để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Đáng tiếc là vì điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, áp lực công việc cao nên trong thời gian làm nhiệm vụ có 5 cán bộ y tế của Đoàn công tác bị mắc Covid-19 gồm 2 bác sĩ, 1 kỹ thuật viên và 2 điều dưỡng. Điều đó cho thấy tính chất khốc liệt của “cuộc chiến” chống Covid-19 và sự hy sinh cao cả của những người thầy thuốc của tỉnh ta, khi mà vi rút SARS-CoV- 2 không chừa một ai, không có ai ngoại lệ.

Giám đốc Sở Y tế Võ Văn Thanh khẳng định: Việc tham gia hỗ trợ phòng chống dịch không chỉ là nghĩa vụ với nghề, mà còn là trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần, là nghĩa đồng bào, tình đồng chí cao cả của những người thầy thuốc. Trong điều kiện làm việc khó khăn, vất vả, thiếu thốn, khả năng phơi nhiễm rất cao, nhưng Đoàn cán bộ, nhân viên Y tế tỉnh Kon Tum đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thực hiện tốt “sứ mệnh” của người thầy thuốc nơi tuyến đầu.

Một tháng- quãng thời gian không dài, nhưng những gì các y, bác sĩ, điều dưỡng của tỉnh ta đã trải qua với một nhiệm vụ đặc biệt thì chắc chắn đây là một chuyến đi đầy ý nghĩa và sẽ mãi là một kỷ niệm trong cuộc đời làm nghề của mỗi người. Những kết quả đạt được, những kinh nghiệm quý báu gặt hái được trong thời gian tham gia chống dịch tại tỉnh Bình Dương sẽ là “vốn liếng” quan trọng để họ tiếp tục đóng góp trí tuệ, nhiệt huyết cho “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

THÙY HƯƠNG

Chuyên mục khác