Chuyện ghi ở Chư Mom Ray - Kì 1: Bí ẩn rừng thẳm

24/06/2017 06:02

​Giữa đại ngàn Chư Mom Ray hùng vĩ, họ không quản ngại khó khăn, cần mẫn ngày đêm bảo vệ từng con thú, từng cây rừng, từng thảm thực vật, gìn giữ nguồn gien... để các loài động vật, thực vật được sống và phát triển tự nhiên. Họ là những cán bộ ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray…

Cho đến nay, con số loài động vật, thực vật tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray được công bố cũng mới chỉ là con số đã điều tra, kiểm đếm được, chưa phải là số thực. Vì vậy, khu vườn này vẫn còn nhiều bí ẩn…

Phát hiện nhiều loài mới

Hơn 20 năm công tác tại đây, từ anh nhân viên “quèn” đến nay đã làm quản lý và cũng thuộc diện "lão làng" ở Vườn, nhưng anh Đào Xuân Thủy - Phó giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray vẫn chưa đi hết được rừng Chư Mom Ray. "Nó còn nhiều bí ẩn lắm, chưa được khám phá ra"- anh Thủy nói.

Những loài thú sau ukhi được chăm sóc chữa trị vết thương được thả về rừng. Ảnh: V.P

 

Để minh chứng cho điều mình nói, anh Thủy dẫn chứng: Năm 2004 khi Vườn quốc gia Chư Mom Ray được công nhận là di sản Đông Nam Á, thì công bố nơi này có trên 56.000ha, 1.534 loài thực vật và 718 loài động vật, trong đó có 115 loài động vật có vú, 275 loài chim, 41 loài bò sát, lư­ỡng cư­, 108 loài cá nư­ớc ngọt, 179 loài côn trùng… Thế nhưng càng về sau thì các nhà khoa học chứng minh có nhiều loài khác nữa, thuộc dòng quí hiếm ở khu vườn Chư Mom Ray này. Chẳng hạn như loài khỉ vượn có 6 loài quí hiếm có trong sách đỏ, nhưng đến năm 2010, ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray lại phát hiện thêm 1 loài động vật mới ghi tên thêm vào sách các loài động vật trên thế giới là loài vượn đen má hung (tên khoa học Nomacus Anamensis). Loài này do nhà khoa học người Đức lấy mẫu của ông Đỗ Tước (Viện điều tra quy hoạch rừng Việt Nam nghiên cứu tại Vườn) đưa về Đức xét nghiệm ADN, giọng hót và công bố đây là loài vượn mới, có tiếng hót hoàn toàn khác với các loài vượn của Việt Nam và thế giới biết đến trước đó. Nó có đám lông màu vàng che gần hết hai bên má, khác hoàn toàn với loài vượn má vàng bình thường đã được biết có đám lông vàng nằm gọn như trái xoài ở bên má.

Ngoài ra, trong năm 2010, các nhà khoa học còn công bố 3 loài động vật mới tìm thấy ở rừng Chư Mom Ray. Đó là loài thằn lằn giả 4 vạch mới (Cyrtodactylus pseudoquadrivirgatus), rắn sài mép trắng (Amphiesma leucomystax) và loài rắn trán cúc (Opisthotropis cucae).

Anh Thủy tin rằng, nếu các nhà khoa học có thời gian tìm hiểu rừng này, chắc chắn sẽ tìm ra nhiều bí ẩn mới và rất có thể sẽ tìm được loài mới ở khu vườn này.

Vào rừng nghe vượn hót

Hai năm qua, những cán bộ ở đây đã theo dấu hàng chục đàn vượn quí hiếm đang sống trong rừng sâu Chư Mom Ray ít dấu chân người qua lại. Anh Đào Xuân Thủy bảo, mấy anh em trẻ ở Phòng khoa học và hợp tác quốc tế của đơn vị dần dần cũng thành nhà "vượn học", đếm được cả tiếng vượn kêu trong rừng.

Những loài thú bị thương được cán bộ của vườn mang về chăm sóc. Ảnh: V.P

 

Hôm chúng tôi đến, nhóm anh Phạm Hồng Thái, Võ Hồng Tín và chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, tuổi đời từ 26 đến trên 30 đang chuẩn bị cho chuyến đi rừng cả tuần trong tháng 5, tháng 6 này. Khi được hỏi làm sao đếm được tiếng vượn, mấy anh cán bộ trẻ bảo chỉ cần yêu loài này dần rồi sẽ biết.

"Ban đầu tụi em nghe qua băng ghi âm về tiếng kêu của loài khỉ, linh trưởng, vượn. Sau thì đi thực địa trong rừng cùng các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm, được các nhà khoa học hướng dẫn tìm đến tận nơi vượn ở, tập nghe dần rồi phân biệt giọng của từng con"- Tín giải thích.

Nói thì nghe đơn giản, nhưng để tìm được nơi vượn ở, phải mất bao nhiêu mồ hôi và công sức băng rừng lội suối. Trước tiên là khảo sát tiếng nghe, điểm nghe vượn hót. Sau tổ chức nhóm 4-5 người mang vật dụng cá nhân và lương thực vào ăn, ngủ trong rừng để tìm vượn.

Theo anh Thái, anh Tín kể, những nơi nào ẩm ướt, khe suối ít hơi người là nơi vượn ở. Mỗi sáng mùa hè, cứ 5h là vượn, khỉ hót lên, tiếng hót dài như lời ru xào xạc của tán lá rừng. Sau tiếng hót đầu tiên của con đầu đàn là hàng loạt tiếng hót khác kéo dài theo giữa mênh mông rừng thẳm. Khi đến mùa mưa, chúng dậy muộn nên cũng hót muộn hơn mùa hè...

"Khoảng cách nghe tiếng vượn hót xa nhất là 1,5km, còn nghe rõ nhất là 400-500m. Có điều giữa rừng bao la, không bao giờ biết chúng ở góc nào, nên phải dùng định vị, dùng GPS để xác định phương vị, khoảng cách. Nhóm bọn em sau đó chia nhau ra 2 tổ cách nhau chừng 1km để nghe"- Thái nói.

Để xác định được đàn có bao nhiêu con vượn, phải nghe chúng hót đơn, hót đôi và lấy tiếng hót ban đầu cất lên cho đến khi tiếng hót kết thúc. Thông thường con đực đầu đàn hót cảnh giới trước giọng trầm vang vọng. Tiếp theo, con cái hót giọng rít lên có vẻ đanh đá rất… khó tính, cuối cùng mới đến lượt vượn trưởng thành (3-4 năm tuổi) hót. Cứ thế, Tín, Thái đếm từng tiếng hót của vượn để phân loại đàn vượn có mấy con, con nào là đầu đàn, con cái.

"Gần 2 năm khảo sát rừng Chư Mom Ray, tụi em ước có 20-30 đàn vượn quí hiếm. Nhưng số lượng chưa cụ thể, vì chưa khảo sát hết được các điểm nghe của vương quốc khỉ vượn này"- Tín nói.

Văn Phương

Kì 2: Nơi cứu hộ những loài động, thực vật

Chuyên mục khác