Chuyện của người giáo viên vùng khó

20/11/2023 15:13

Không chỉ tận tụy vì con chữ, đội ngũ giáo viên ở Tu Mơ Rông đã và đang tận tâm quan tâm, chăm lo đến từng bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh, vun đắp cho những ước mơ trở thành những người có ích cho xã hội. Sự tiến bộ của học trò là bó hoa tươi thắm giúp những người giáo viên ở vùng khó nơi đây mừng vui và tiếp tục tận hiến cho sự nghiệp trồng người.

Nấu cơm giữ chân học trò

Tu Mơ Rông là huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, đời sống người dân nơi còn nhiều khó khăn nên bà con chưa quan tâm nhiều đến việc học tập của con cái. Do đó, tỷ lệ học sinh chuyên cần là nỗi lo của những người thầy, người cô nơi đây. Vì vậy, thầy cô phải tìm mọi cách kéo học trò ra lớp; từ tuyên truyền vận động đến tặng áo mưa, bánh kẹo hay kêu gọi quyên góp ủng hộ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và thậm chí, giáo viên nơi đây còn tự nguyện góp tiền, nấu cơm để giữ chân học trò.

Câu chuyện giáo viên tự nấu cơm giữ chân học trò đã được thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) triển khai từ mấy năm nay. Trường  có 713 học sinh, đa số các em là người Xơ Đăng, nhưng trong đó, chỉ có hơn 400 em có chế độ bán trú.

Hơn 20 năm trong nghề, cô Hồ Thị Thùy Vân- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk Hà đã giảng dạy ở nhiều địa phương trong huyện. Trở về ngôi trường ở xã Đăk Hà- một xã được coi là thuận lợi nhưng vẫn có 3 điểm trường cách xa trung tâm; trong đó, có điểm trường thôn Ty Tu. Điểm trường này cách trung tâm xã khoảng 3km và có 73 học sinh lớp 1-2 không có chế độ bán trú nên sáng đi học đến trưa các em lại về nhà. Nhà cách trường mấy quả đồi, chẳng ai nấu ăn và nhắc nhở nên đa số chiều các em không đến lớp. Vì vậy, tỷ lệ chuyên cần giảm, đồng nghĩa với chất lượng giáo dục thấp. Thực tế này khiến cô Vân và các thầy cô lo lắng, trăn trở.

Trẻ em điểm trường Ty Tu được thầy cô chăm lo nấu cơm ăn trưa ngay tại điểm trường. Ảnh: P.N

 

Không muốn tương lai các em dừng lại ở cánh rừng, cô Vân và giáo viên bàn nhau đóng góp tiền nấu cơm nuôi học trò. Thế là từ năm 2021, thầy, cô trích tiền túi nấu cơm trưa để các em ăn rồi nghỉ lại trường. Ít lâu sau, phụ huynh cũng chung tay đóng góp củi và rau củ…nhưng kinh phí vẫn còn hạn hẹp nên bữa ăn cũng chẳng đủ đầy.

Thời gian sau, “tiếng lành đồn xa”, biết được việc làm ý nghĩa của thầy cô nhiều nhà hảo tâm từ khắp nơi tìm đến. Người thì hỗ trợ tiền, người hỗ trợ nhu yếu phẩm…, bữa ăn của các em đảm bảo dinh dưỡng hơn.

“Nếu không duy trì bữa ăn bán trú có lẽ các em chẳng chịu ra lớp. Bởi học sinh ở điểm trường Ty Tu sinh sống tại 3 làng Kon Ling, Đăk Pơ Trang và Ty Tu xa trường khoảng 3km. Con đường đến trường phải qua mấy quả đồi với những con dốc dài. Vì thế, để các em đi học buổi sáng, trưa về nhà rồi chiều lên lại trường dường như không thể. Từ ngày bữa ăn được tổ chức, học sinh đến lớp đều đặn và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên”- cô Vân tâm sự.

Cứ thế, 3 năm nay, đều đặn mỗi ngày, ngoài hơn 400 suất ăn thuộc chế độ bán trú, giáo viên tranh thủ nấu thêm hàng chục phần cơm cho học sinh điểm trường thôn Ty Tu. Khi cơm chín, thức ăn tươm tất, 2 giáo viên nhận nhiệm vụ chở cơm, canh… vào điểm trường chia cho trò.

Vì là điểm trường nên không có nhà ăn, 3 lớp học được trưng dụng làm chỗ ăn “dã chiến”. Giáo viên chia cơm và thức ăn đều cho 73 học trò. Những đứa trẻ Xơ Đăng với đôi mắt tròn xoe ngồi khoanh chân ăn uống ngon lành trên chiếc chiếu sờn cũ. Lâu lâu, vang tiếng học trò “Thưa cô, con hết cơm. Cô cho con xin thêm ạ”. Cũng từ đây, ở điểm trường này tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn được duy trì, chất lượng học tập của học sinh cũng được nâng lên rõ rệt.

Niềm vui bình dị ngày 20/11

Không ồn ào, náo nhiệt, không có hoa tươi như các giáo viên vùng thuận lợi, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đến với các thầy cô giáo vùng sâu, khó khăn của huyện Tu Mơ Rông bình dị hơn với hương sắc của núi rừng nhưng vẫn chứa chan tình cảm thầy trò và tình yêu nghề, yêu trẻ.

Nếu như trước đây, ngày 20/11 dường như là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ đối với người dân vùng sâu, vùng xa của huyện Tu Mơ Rông thì ngày nay đã được bà con, học sinh đón nhận như  một ngày lễ mang ý nghĩa nhân văn cao cả.

Cô Sâm đến tận nhà vận động học sinh ra lớp. Ảnh: P.N

 

Không có những bông hoa hồng tươi, học sinh vùng khó Tu Mơ Rông có cách riêng để bày tỏ tấm lòng tri ân với thầy cô. Các em lặn lội đi ngắt từng bông cúc quỳ, hoa dại và những nhánh lan rừng rồi tự tay kết thành bó hoa tặng thầy cô nhân ngày 20/11. “Những món quà giản đơn, mộc mạc ấy do chính tay các em tự làm đã làm chúng tôi ấm lòng và hạnh phúc. Chính từ đây, chúng tôi càng thấy trách nhiệm của mình để giúp các em vùng khó có con chữ, sự hiểu biết để lập thân, lập nghiệp trở thành người có ích cho xã hội”- cô giáo Nguyễn Thị Hoài Sâm, giáo viên Trường TH-THCS Đăk Sao tâm sự.

So với vùng thuận lợi, giáo viên vùng khó Tu Mơ Rông thiệt thòi hơn nhiều.  Hàng ngày, họ thầm lặng hy sinh cả về vật chất và tinh thần, bám trụ, tận tụy với nghề. Bằng tất cả lòng yêu nghề, trách nhiệm nghề nghiệp, hàng ngày họ vẫn bám trụ nơi vùng rừng núi heo hút, xa xôi để “gieo chữ”.  Các thầy cô vùng sâu, vùng xa ở vùng khó Tu Mơ Rông không chỉ tập trung dạy học, giúp các cháu hiểu và nắm vững kiến thức cơ bản, nhận thức việc giữ gìn sức khỏe cho bản thân ở trên lớp, mà còn băng qua hàng chục cây số, vượt qua bao con sông, dãy núi đến từng nhà vận động các em đến lớp, để duy trì sĩ số, tỷ lệ chuyên cần và nâng cao chất lượng.

Thầy A Dung- giáo viên Trường Tiểu học Đăk Hà là một ví dụ cho sự tận tâm, tận tình ấy. Với gần 50 tuổi đời, 24 năm tuổi nghề, dù giảng dạy ở bất cứ địa phương nào thầy Dung cũng luôn nhiệt tình, cống hiến. Hơn 20 năm trong nghề, giảng dạy ở nhiều trường trong địa bàn huyện Tu Mơ Rông thầy Dung có vô vàn những kỷ niệm khó quên ở mảnh đất Tu Mơ Rông. Nhưng thầy Dung vẫn nhớ mãi ngày đầu gian khó đến với nghề dạy học ở vùng đất khó này. Giao thông cách trở, vật chất, trường lớp  khó thầy khắc phục được, khổ nhất là đến lớp lại không có học trò. Vậy là thầy lại lặn lội đến từng nhà dân để vận động phụ huynh, vận động học sinh... Và đến nay, đã 24 năm trong nghề, thầy Dung đã đi mòn trên những con đường ở khắp các thôn làng, địa phương mà thầy giảng dạy. Bà con nơi đây cũng đã quen thuộc với hình ảnh người thầy giản dị, tận tâm vì học sinh, coi thầy như người thân trong gia đình.

Thầy Dung vận động học sinh đến lớp. Ảnh: P.N

 

Thầy Dung tâm sự: “Với chúng tôi, những người giáo viên vùng sâu ở huyện Tu Mơ Rông thì bó hoa tươi thắm nhất chính là sự chịu khó, tích cực học tập của các em học sinh và sự quan tâm của cha mẹ trong việc học tập... Nhìn ánh mắt thơ ngây của các em, tình cảm chân chất của các em dành cho mình đã thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết, yêu nghề, yêu trẻ trong tôi”.

Với đội ngũ giáo viên vùng sâu, vùng xa, điều đáng quý nhất là dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thiếu thốn nhưng họ vẫn tận tụy, cố gắng thực hiện tốt công việc được giao. Nhiều thầy cô giáo cắm làng vẫn chăm lo trau dồi chuyên môn, luôn ý thức việc nâng cao chất lượng dạy và học. Nhờ sự nỗ lực, kiên trì của nhiều giáo viên vùng khó đã thuyết phục được các bậc cha mẹ vốn coi việc ruộng rẫy quan trọng hơn việc học đã thay đổi nhận thức, động viên con em trở lại trường sau những lần bỏ học.            

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác