Chuyện của Đạt

26/08/2022 13:04

Không đi theo định hướng của bố mẹ, 22 tuổi, Trương Tất Đạt rời Hà Nội phồn hoa đến huyện Đăk Glei khởi nghiệp với điều kiện khắc nghiệt. Như ngọn xà nu bùng cháy trong đêm, với ý chí và quyết tâm, Đạt chớp cơ hội, biến khó khăn thành lợi thế, lấy những sản phẩm làm ra để kể những câu chuyện về nông sản, thảo dược và thiên nhiên.
Những sản phẩm với hương vị tự nhiên. Ảnh: HT

 

Tôi và chị bạn tình cờ bắt gặp Đạt qua một câu chuyện trong một nhóm Tony buổi sáng. Ở đó, Đạt là nhân vật chính trong câu chuyện về một chàng trai trẻ bản lĩnh rời Hà Nội, gắn bó với Kon Tum để sống, khởi nghiệp từ gian khó, làm nên đa dạng các sản phẩm từ sâm dây. Từ câu chuyện đầy tính thuyết phục, tôi quyết tâm tìm các thông tin về Đạt cũng như cách liên lạc để gặp gỡ. Trên vườn nguyên liệu sâm dây, khi nghe chính Đạt kể về hành trình khởi nghiệp của mình, khi thấy cách Đạt làm mới hiểu được phần nào bản lĩnh, sự kiên trì của một chàng trai trẻ.

Khó khăn rèn bản lĩnh

Đạt lịch thiệp với giọng Hà Nội ấm áp khiến cuộc trò chuyện thêm lôi cuốn. Đạt không muốn nói quá nhiều về mình. Và tôi, khẳng định rằng, đây không phải bài viết với mục đích quảng cáo. Tôi chỉ kể một câu chuyện thật và mong muốn rằng, hành trình của Đạt là động lực cho những bạn trẻ quyết tâm khởi nghiệp.

Đến bây giờ, Đạt vẫn nói rằng, con đường mình đang đi đầy chông gai và thử thách. Nhưng, Đạt thích. Bởi, vốn dĩ, ngay từ đầu, Đạt đã đi ngược với định hướng của ba mẹ để chọn cho mình con đường không êm đềm.

Nhớ lại hơn 10 năm trước, khi 22 tuổi, tốt nghiệp Cao đẳng Xây dựng, Đạt không theo sự sắp xếp của bố mẹ: Ổn định với một công việc trong cơ quan nhà nước, để... kinh doanh.

Trước ý nghĩ táo bạo và sự kiên định của con trai út, là một quân nhân, bố Đạt chiều theo ý con nhưng với điều kiện: Đạt phải tự sinh tồn trong rừng để thử chí chịu đựng. Những tưởng bao nhiêu gian khó được vạch ra trước mắt sẽ khiến Đạt chùn bước. Nhưng không, chàng trai quyết tâm chấp thuận thử thách: Vào Kon Tum lập nghiệp, sinh sống một mình trên một quả đồi, không tivi, dùng nước suối, nấu bếp củi, làm chân nhang.

Dắt lưng nghề làm chân nhang học được từ anh họ, cuối năm 2012, Đạt mang theo hành trang, với vài bộ quần áo và... sách, vào Kon Tum. “Khó để tả lại cảm giác ngày đặt chân lên lán. Giữa một quả đồi, hiu quạnh, không có một bóng người, nhà dân cũng cách xa. “Có thể được, có thể không nhưng không bỏ cuộc”, lúc đấy mình không nản, chỉ có sự quyết tâm” – Đạt cười.

Ở lán, có sẵn 3 chiếc máy làm chân nhang. Đạt lủi thủi một mình, mày mò làm chân nhang. Máy hư, tự sửa, tự đấu nối. Đạt cứ cặm cụi làm rồi đọc sách, khi nào mưa to, nước đục ngầu, Đạt mới xuống nhà dân, xin nước uống. Thấy Đạt thật thà, hiền lành, bà con ở làng cũng thương.

Sau vài tháng vượt khó, thấy việc tạm ổn, Đạt bắt đầu tuyển công nhân. Và khi xưởng hoạt động trơn tru hơn, Đạt cùng với “sư phụ” của mình – một người làm kinh doanh trên địa bàn huyện Đăk Glei mở một xưởng nguyên liệu làm nhang.

Không bó hẹp trong một sản phẩm, Đạt tiếp tục hợp tác khai thác nhựa thông bên Lào. “Ở Lào là những chuỗi ngày khổ đến ám ảnh. Cũng khoảng thời gian ở đó, mình mang vào người căn bệnh đau lưng tưởng chừng như phải nằm liệt” – Đạt nhớ lại.

Kinh doanh, công việc xán lạn đó rồi lại thất bại đó. Việc làm ăn ở Lào thất bại, cùng lúc đó, giá bột bời lời cũng đi xuống, 27 tuổi, Đạt “ẵm” vào mình số nợ vài tỷ đồng.

Mọi thứ dồn dập như rèn sức chịu đựng. Những lúc như gục ngã, những lời động viên từ “sư phụ”, từ người thân, cộng thêm những bài học từ thực tiễn và từ sách, Đạt hiểu rằng, làm kinh doanh là phải chấp nhận khó khăn, thử thách và đôi khi phải mạo hiểm.

Và ngày mới lại bắt đầu.

Kể chuyện dược liệu

Chính thời gian sinh sống ở Đăk Glei đã giúp Đạt biết và tiếp xúc nhiều với sâm dây. Trằn trọc, Đạt nghĩ, mình phải làm gì đó.

Đạt vùi đầu nghiên cứu về sâm.  Khi thấy có những kiến thức cơ bản, Đạt bắt đầu sử dụng các dụng cụ có sẵn để chế biến. “Đợt thử nghiệm, chưa dám mua máy móc, mình mua dao về cắt để ngâm mật ong. Đợt đó, mình cắt từ 7h sáng đến 21h không ngơi nghỉ. Khi cắt xong, lưng mình đau, phải nằm mất 5 ngày. Đó là hệ quả của quá trình làm bên Lào, của cái lạnh và của việc làm một tư thế kéo dài” – Đạt kể lại.

Các sản phẩm ban đầu, Đạt cho gia đình dùng thử, thấy hiệu quả. Đạt dừng sản xuất bột bời lời, gác lại việc kinh doanh bên Lào, tập trung vào sản xuất tăm tre để nuôi ý tưởng phát triển các sản phẩm từ sâm.

Chỉ vào chiếc máy sấy lạnh, cối đá granit không gia nhiệt để nghiền bột sâm siêu mịn và các loại máy móc khác nhau, Đạt cho biết, phải nghiên cứu rất kỹ mới quyết định “rót” vốn từ xưởng tăm tre để đầu tư. “Ngày đưa kết quả đi xét nghiệm, mình đứng ngồi không yên, trong đầu nghĩ, nếu đẳng sâm mà không có saponin coi như phải từ bỏ. Mình vỡ òa trong hạnh phúc khi trong hai sản phẩm bột sâm, hồng đẳng sâm ngâm mật ong đều có saponin và hợp chất đường chuyên biệt (đường đa) Polysaccharide”– Đạt kể lại.

Với những bài học từ kinh doanh trong thực tế, Đạt dặn lòng, làm việc gì cũng phải kĩ càng ngay từ đầu. Do đó, khi có kết quả, Đạt liền đăng ký bảo hộ thương hiệu và đưa sản phẩm ra thị trường. Đạt trở thành Giám đốc Công ty TNHH Vinnate với nhiều sản phẩm: Bột hồng đẳng sâm Vinnate, trà hồng đẳng sâm Vinnate, hồng đẳng sâm mật ong Vinnate... cùng tâm niệm đưa thiên nhiên về về với mọi nhà.

Nói đến đây, Đạt lại kể về câu chuyện từ quả táo Fuji của ông Kimura. Từ câu chuyện trên và nhiều những liên hệ khác để Đạt nhận thấy rằng, việc canh tác phải đảm bảo mối quan hệ giữa đất, thiên nhiên, côn trùng, động vật sống xung quanh và nguồn nước. Bởi thế, công ty TNHH Vinnate với mục tiêu hàng đầu: Làm thực, có lợi nhuận và chia sẻ với cộng đồng.

Ngay từ đầu, Đạt đã xác định, các sản phẩm làm ra hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng bất kỳ chất tạo ngọt hay hương liệu. Do đó, Đạt rất khắt khe trong việc chọn nguồn nguyên liệu đầu vào: Chất lượng tốt, không sử dụng hóa chất trong quá trình trồng. “Hiện nay, công ty có nhiều “mối” đặt đơn hàng với số lượng lớn, đều đặn nhưng mình từ chối, vì hiện nay, nguồn nguyên liệu thu vào chưa ổn định vì đa số bà con trồng sâm chưa biết cách làm đất, chăm sóc cũng như thu hoạch sớm khiến chất lượng chưa đảm bảo”- Đạt phân tích.

Nhận thấy Ngọc Linh - với khí hậu khác biệt, nguồn nước trong lành và đặc biệt đất sạch (chưa sử dụng hóa chất), Đạt cùng với nhiều người Xơ Đăng ở xã Ngọc Linh chung tay, phát triển hợp tác xã để tạo vùng nguyên liệu sâm dây.

Đầu tư máy móc hiện đại để làm nên các sản phẩm chất lượng. Ảnh: HT

 

Xưởng làm các sản phẩm từ sâm dây của Đạt dần được đầu tư với nhiều thiết bị, máy móc hiện đại. Cùng với đó, đội ngũ nhân công cũng đảm bảo về trình độ kỹ thuật. Vừa qua, Hồng đẳng sâm Vinnate của công ty TNHH Vinnate được bình chọn là 1 trong 15 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Đạt nói, mình không bỏ phố về rừng mà chỉ là đang trên chuyến hành trình kể những câu chuyện về nông sản, thảo dược và thiên nhiên từ các sản phẩm thảo dược thiên nhiên. Không dừng lại với sâm, Đạt có hướng sẽ phát triển việc nuôi ong tự nhiên, phát triển các sản phẩm thảo dược tại Kon Tum.

Nhiều ngày làm việc, trò chuyện với Đạt, tôi ấn tượng với bản lĩnh, cách suy nghĩ và tính quyết đoán, kiên trì của Đạt. “Có thể làm được, có thể không nhưng không bỏ cuộc”- đó là ý chí lớn, là bí kíp trên hành trình khởi nghiệp để hướng đến sự thành công của chàng trai trẻ.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác