14/02/2018 10:51
Trắng đêm canh hoa về
Gần tết, công việc nhàn rỗi, anh A En (thôn 6, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) cùng những thanh niên khác trong làng xuống thành phố Kon Tum bốc vác cây cảnh kiếm thêm thu nhập.
Ngày 17 tháng Chạp, nhóm của anh may mắn được người quen gọi bốc hơn 100 chậu quất xuống xe. Xe tải cao, anh En cùng 3 người khác phải chia thành 2 nhóm, nhóm trên xe và nhóm dưới xe rồi dùng tấm ván lót, từ từ đưa cây cảnh xuống.
Người chỉ tầm 50kg nhưng chậu quất nặng đến 60 - 70kg, anh En và các thành viên phải ghì tay bám vào chậu thật chặt, gồng sức kéo ra rồi trì người lại để chậu quất trượt nhẹ trên tấm ván và “hạ đất” an toàn. Gió thổi mạnh, rét thấu tận xương tủy thế nhưng mồ hôi mồ kê ướt đẫm những chiếc áo cộc tay.
Uống vội ngụm nước, anh En nói hụt hơi: Làm công việc này đòi hỏi phải khỏe để ghì, để khiêng. Mấy hôm đầu đi làm, tối về cả người ê ẩm, ăn cơm không nổi.
Bốc vác cây cảnh là công việc thời vụ của anh En khoảng 2 - 3 năm nay. Đến “vụ”, mỗi ngày, 5h sáng, anh và các anh em trong thôn lại rủ nhau đi làm đến tối mịt mới về.
“Có hôm chúng tôi ngủ lại ở chợ hoa canh xe về để bốc vác. Năm nào cũng vậy, phải làm đến 29 tết nhóm mình mới về” – anh En bộc bạch.
Tại Chợ hoa Kon Tum, rất nhiều nhóm ngồi chờ để bốc hoa. Anh Trần Văn Đạt ở thôn K’Tu 2, xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum) cho biết, nhóm anh gồm 10 người ra chợ túc trực chở hoa từ mấy ngày nay.
“Tất cả các thành viên đều chung 1 đội đi làm thợ hồ. Cách đây mấy năm, gần tết, cả đội nảy ra ý định đi bốc vác, chở hoa cây cảnh để kiếm thêm tiền. Và ý định đó được thực hiện, duy trì cho đến nay” – anh Đạt cho hay.
Năm đầu tiên, cả đội huy động xe máy trong nhóm, góp tiền mua cộ, cáng chở hoa. Vật dụng chuẩn bị đầy đủ, cả đội chia nhau ra chợ hoa để hỏi việc.
“Ngoài các “mối” quen, để kiếm thêm các “mối” khác, chúng tôi dán khoảng 20 tờ rơi kèm số điện thoại ở chợ hoa để ai cần bốc hoa, chở hoa thì gọi” – anh Đạt cho biết.
Thông thường, từ 20 tháng Chạp, chợ hoa mới hoạt động nhộn nhịp, nhưng từ giữa tháng Chạp, cả nhóm đã túc trực để đợi xe chở hoa đến. Anh Đạt giải thích: Mình phải có mặt, túc trực, ai gọi đâu mình nhiệt tình làm đó, vừa làm vừa “kiếm mối” cho năm sau.
|
Mấy ngày đầu, khi chợ hoa chưa hoạt động mạnh, cả nhóm chấp nhận việc cả ngày không ai gọi. “25- 26 Tết, hoa về liên tục, người mua hoa đông, chúng tôi phải trắng đêm làm. Buồn ngủ, cả nhóm ngủ vật vờ bên vệ đường rồi khi có việc thì tiếp tục làm” – anh A Quân ở thôn 4, xã Đăk Cấm, thành viên trong đội bộc bạch.
Mang tết về nhà
17 năm nay, cứ giáp tết, khi việc làm thợ xây rảnh rỗi, ông Phạm Văn Duy ở phường Trường Chinh lại chạy xe ra chợ hoa để chở hoa, cây cảnh. Không đi theo nhóm, chỉ với chiếc xe cọc cạch và cáng chở được cột chặt, ai gọi, ông lại có mặt.
Nhiều năm làm, ông Duy đã quen với những khó khăn của công việc. “Đêm 28, 29 tết, chợ hoa rất đông, mình phải ghì tay lái, rà chân đi từ từ, cẩn thận để đảm bảo an toàn cho bản thân và cây cảnh. Nếu mà bể chậu hay hư cây cảnh, tiền làm cả mùa không đủ đền” – ông Duy chia sẻ.
Ông Duy cho biết, nghề này tuy áp lực, vất vả, nặng nhọc nhưng giúp ông “hái ra tiền” để lo cho gia đình.
“Cận tết, chạy chở hoa cả ngày đến thâu đêm, quên ăn, quên uống. Có năm chợ hoa đắt khách, làm 10 ngày tôi kiếm được gần chục triệu đồng. Nhờ công việc này tôi có thêm tiền để lo cho những chi phí trong 3 ngày tết” – ông Duy nói.
Không chỉ chạy chở hoa, cây cảnh trong thành phố, theo nhu cầu khách hàng, nhóm anh Đạt còn chở đến tận Măng Đen, Kon Plông, Sa Thầy…
“Chạy xa, gió quật ngược, rất khó chở, mình phải đi chậm để bảo vệ cây cảnh. Tết, nhiều người uống rượu bia, lái xe lạng lách, chở cây cảnh đi cũng nguy hiểm lắm, hôm nào về đến nhà lại thở phào nhẹ nhõm” – anh Đạt chia sẻ.
Những ngày tết, chạy cả ngày lẫn đêm, dù rất mệt mỏi nhưng tinh thần ai nấy đều sẵn sàng, chỉ cần có người gọi, cả nhóm anh Đạt đều bắt tay vào công việc.
Quệt vội những giọt mồ hôi, anh Đạt nói rằng, một ngày làm tất bật, cả nhóm cũng kiếm được vài triệu, chia đều ra, mỗi người cũng được vài trăm ngàn đồng. Số tiền kiếm được, các anh đưa vợ để mua đồ mới cho con cũng như sắm sửa các vật dụng đón tết.
Làm nhiệt tình, nhiều lúc những người chở được chủ hoa, cây cảnh biếu hoa về chưng tết. “Có năm được cho 8 chậu hoa, chúng tôi góp tiền, mua thêm 2 chậu nữa để thành viên nào cũng có hoa, cây cảnh chưng tết. Làm vất vả nhưng được chở hoa về nhà, thấy vợ con phấn khởi, đầm ấm, chúng tôi vui mừng đến không diễn tả được” – anh Trần Văn Phong, thành viên trong nhóm nói.
Làm trầy da, còng lưng nhưng anh En rất vui, phấn khởi. Chỉ cần có người gọi, anh En sẵn sàng làm thâu đêm. “Làm mệt nhưng mỗi ngày kiếm được 300 – 500 ngàn đồng, gấp 2, gấp 3 lần công ngày thường. Mình gắng kiếm tiền rồi tranh thủ chở vợ đi chợ hoa, mua đồ mới cho con đón tết” – anh En cười hiền.
|
Giao thừa, khi mọi người quây quần, nô nức cùng gia đình xem pháo hoa thì những người chở cây cảnh vẫn lấm lem, rong ruổi trên khắp các tuyến đường. Sáng mồng Một, đường vãn người, họ mới tất tả chạy về với vợ con.
“Mồng Một nào tôi cũng xông đất trong vòng tay mừng rỡ của vợ con. Đón giao thừa ngoài đường nhưng gia đình có cái tết đầm ấm vậy là hạnh phúc rồi” – anh Đạt chia sẻ.
Đêm. Sương giăng kín lối. Những người chở cây cảnh tranh thủ chợp mắt bên vệ đường. Nghe tiếng gọi, họ bật dậy, xách xe, cột hoa, cây cảnh, rong ruổi chở tết về cho mọi nhà…
Bài, ảnh: An Thành