Chợ bò Ngọc Bay

26/09/2019 13:03

3 năm gần đây, một số hộ dân ở làng Đăk Lếch, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum mua bò giống về vỗ béo, rồi hình thành “thôn chợ bò” ven Tỉnh lộ 673 bán cho người mua với nhiều nhu cầu khác nhau. Không nhộn nhịp như phố phường bán buôn, nhưng “chợ bò Ngọc Bay” mang nét giản dị, bình yên của một làng quê.

Chúng tôi đến khu chợ bò Ngọc Bay vào một buổi sáng giữa tháng 9. Thời điểm này đang vào cuối mùa mưa, nhưng khu chợ này vẫn có người mua, kẻ bán. Điều đặc biệt trong việc mua bán ở khu chợ bò Ngọc Bay là, mỗi nhà mua bán bò đều có chuồng bò và trong đó không chỉ có một vài con bò mà là hàng chục con. Đó cũng chính là “gian hàng” để người mua, nhìn ngắm, tha hồ chọn những con bò mình ưng ý và phù hợp túi tiền, nhu cầu sử dụng. Mỗi gian hàng có ít nhất 10 con bò, nhiều thì lên đến 25 con. Có gian hàng biệt lập, có gian hàng nằm bên hông nhà trên. Hầu hết gian hàng bò được bố trí gần mặt tiền Tỉnh lộ 673 và luôn được vệ sinh sạch sẽ. Rõ ràng việc bán buôn bò ở đây có quy mô và hoạt động đi vào nề nếp, vì vậy không ít người đã tìm đến “chợ bò Ngọc Bay” như là một địa chỉ tin cậy trong trao đổi mua bán.

Ông Nguyễn Thanh Bình, một người có gian hàng bò ở đây, chia sẻ: Chúng tôi đầu tư cho “gian hàng bò” từ 300 triệu đến 500 triệu đồng. Những năm đầu, tôi thấy đa số những người đến đây mua bò đều từ tiền vay mượn của ngân hàng, nhưng chừng hai năm trở lại đây thì ngược lại, phần nhiều là từ tiền lãi bán bò để mua thêm cho lớn đàn. Có người được đền bù đất đai, hoa màu từ các dự án; có người được cha mẹ phân chia gia sản, khi tách hộ, lập vườn… Có người mua bò về vỗ cho béo bán lại kiếm lời; cũng có người mua bò về để kéo xe. Vì vậy, việc mua bò gầy đàn, phát triển chăn nuôi đang hình thành trong tư duy của người dân địa phương và khoảng thu nhập từ chăn nuôi bò góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều hộ gia đình khấm khá lên cũng nhờ phát triển đàn bò của gia đình.

Khu chợ bò này “thuận mua, vừa bán”. Họ chào bán đủ giá, từ 10 triệu đồng đến 27 triệu đồng/con. Người mua giá tiền cỡ nào cũng có bò đáp ứng. Mỗi lần họ đưa bò nhập chuồng từ 20 đến 30 con. Khoảng chừng nửa tháng thì các “gian hàng” chỉ còn lại 4 đến 5 con.

Khách mua tìm hiểu giá bò tại "gian hàng" của bà Nhung. Ảnh: DL 

Anh A Tứ - cán bộ phụ trách địa chính và nông lâm xã Ngọc Bay cho biết: Phần lớn đàn bò đưa về đây bán buôn là bò lai Sind, lai Thái, lai Zêbu tai to, dáng cao, đậm, mẫu mã đẹp, đủ màu như mốc lam, đen đỏ, có con thì sừng vạp (sừng cong), có con sừng gốc tre (sừng to)... Những người đến chọn bò ai cũng nhìn nhận cái lợi của việc nuôi bò lai. Nhiều người đã nuôi đến 4 con, cứ mỗi lần bán ra một cặp bò thịt, họ trích ra khoản tiền lãi chừng 10 triệu đến 15 triệu đồng để chi tiêu, sau đó lại đến chợ bò này mua lại một cặp khác để giữ đàn. Đàn bò xã Ngọc Bay vẫn giữ ổn định hàng năm khoảng 2.000 con. Hầu hết các hộ nuôi bò đã xây dựng được chuồng trại để nuôi nhốt bò, hạn chế tình trạng chăn thả rông như trước đây.

Cũng theo anh A Tứ, việc nuôi vỗ béo bò hiện nay ở xã Ngọc Bay thuận lợi, vì người nuôi có thể trồng cỏ voi. Hàng ngày, người nuôi chỉ bỏ ra khoảng 1 giờ là cắt đầy xe bò. Vùng đất bán ngập lòng hồ ở đây từ sườn đồi đến cạnh các bờ suối, bờ sông đều trồng cỏ voi và cỏ lên xanh tươi tốt. Đối với người dân vùng quê như anh, thì nuôi bò là nguồn thu nhập chính, có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.

Theo anh A Tứ chúng tôi đến “gian hàng” bà Nguyễn Thị Nhung. Gian hàng bà Nhung có 18 con bò. Bà cho biết, thời điểm người mua bò mạnh nhất là đầu mùa mưa. Khoảng chừng một tuần là bán sạch chuồng. Tuy nhiên, để có bò bán hàng ngày, gia đình bà phải có người lo đầu vào (đi mua bò về từ các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên). Vì vậy, nhà bà cả chồng con, dâu rể đều dồn sức hết vào gian hàng bò; người lo cỏ, lo rơm; người đi mua bò; người thì trực tại chuồng bán…

Bà Phạm Thị Thúy ở xã Sa Bình (Sa Thầy) cùng chồng ghé lại “gian hàng” bà Nhung dự định mua cặp nghé đực về nuôi vỗ béo. Bà Thúy cho biết: Trước đây, tôi nuôi vỗ béo bò cỏ thì nuôi đến đâu, bò mướt lông đến đó, nhưng trọng lượng nhỏ, lãi thấp; còn bò lai thì bộ xương to, nuôi đúng sức cao 2m trở lên mới bung đùi, đổ thịt có thể bán được hơn 40 triệu đồng, lãi gần 20 triệu đồng/con.

Không hề ngoa khi nói khu “chợ bò Ngọc Bay” như một “sàn giao dịch bò” độc nhất vô nhị của thành phố Kon Tum. Bởi ở nơi đây mua bán nhộn nhịp với rất nhiều bò đủ tất cả, từ bò nghé (con bê), bò vỗ béo, đến bò thịt đều có; người có nhu cầu cứ đến “chợ bò Ngọc Bay” tha hồ mà lựa chọn. Người đi chợ bò cũng học hỏi rất nhiều kinh nghiệm khi lựa chọn mua bò giống, cách nuôi bò chuyên thịt, kéo xe hay phương pháp vỗ béo bò, hoặc học hỏi kinh nghiệm mua bán, chọn giống, trao đổi cách chăn nuôi, tham khảo giá cả thị trường…

Theo quan sát của phóng viên, các gian hàng bò được chào bán tại xã Ngọc Bay đều có đóng dấu qua kiểm dịch vùng. Các gian hàng này đều do tư nhân đầu tư nên việc kiểm soát dịch bệnh được người có gian hàng đặc biệt quan tâm, họ thuê cán bộ thú y theo dõi dịch bệnh hàng ngày. Vì từ khu chợ này, bò được mua đi bán lại cho người dân trong vùng và đến các huyện Sa Thầy, Đăk Tô, nếu xảy ra dịch bệnh xem như “tiêu” cả đàn và mất cả thương hiệu.

Khách hàng tham khảo giống bò. Ảnh: DL 

Dù mới mở, nhưng chợ bò Ngọc Bay nhận được phản hồi tích cực từ phía chính quyền và người dân. Bà Phạm Thi Thúy Diễm - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Bay cho biết: Chợ bò Ngọc Bay hình thành có ý nghĩa trong việc khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi, mở rộng diện tích trồng cỏ. Quan trọng hơn là giúp người dân Ngọc Bay biết giao thương, nắm vững giá cả thị trường trong việc mua, bán bò để không bị thương lái ép giá. Cùng với đó, người dân còn dành nhiều diện tích để trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn nên không còn phụ thuộc nhiều vào đồng cỏ tự nhiên như lúc trước, giảm hẳn tình trạng bò bị thiếu đói, giúp người dân ở đây giảm nghèo bền vững và từng bước vươn lên làm giàu từ chăn nuôi.

Tham quan một vòng khu vực chợ bò Ngọc Bay, trong tôi xen lẫn những ký ức tuổi thơ của một vùng quê kiểng yên bình nơi tôi lớn lên là một niềm vui đang dâng trào bởi những đổi thay của vùng đất Ngọc Bay sẽ bắt đầu từ những việc tưởng chừng rất đơn sơ và bình dị này, đó là tư duy làm ăn mới của người dân đang thành hình trong từng nếp nghĩ, cách làm. Hy vọng rằng mai này tại những “gian hàng bò” đơn sơ này là một khu chợ đàng hoàng đúng nghĩa với tiêu chí nông thôn mới, hòa với nhịp sống hiện đại nhưng đầy nét giản dị, thật thà của đồng bào nơi đây, đem lại sức sống mới no ấm, trù phú cho vùng đất bán ngập lòng hồ này.

Để hướng người dân ở vùng sâu vùng xa nuôi bò lai, chúng tôi thường đưa họ đến chợ bò này tìm hiểu và thấy được các tác động tích cực của khu chợ bò này. Địa phương chúng tôi luôn giúp các chủ “gian hàng” ở đây về  những thông tin cần thiết, giúp các hộ dân về thủ tục pháp lý để chuyện làm ăn của họ được thuận lợi và phát triển - A Tứ nói. 

Dương Lê

Chuyên mục khác