17/03/2020 13:03
Đánh đu với tử thần
Được nghe nhiều huyền thoại cổ xưa hay các câu chuyện kỳ bí của bà con trong vùng kể về Chư Mom Ray, tôi mong muốn được chinh phục, khám phá đỉnh Chư Mom Ray. Và lời đề nghị tham gia khám phá Chư Mom Ray của tôi được Ban giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tạo điều kiện.
Để đảm bảo sức khỏe lên đỉnh Chư Mom Ray, tôi dành nhiều thời gian rèn luyện thể lực. Tháng ba, mùa hoa gạo nở, mùa con ong lấy mật, tôi quyết định lên đường. Ban giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cử hai anh Nguyễn Bá Nam và Lê Trọng Tấn - là những cán bộ, nhân viên có sức khỏe, kinh nghiệm - cùng tôi chinh phục Chư Mom Ray.
Sau khi được các chuyên gia đi rừng tư vấn, tôi tự trang bị cho mình lương khô, mì tôm, nước uống, giày bộ đội leo núi. Không theo tuyến đường cũ từ xã Sa Nhơn đi lên, đoàn chúng tôi chọn hướng khởi hành từ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật cảnh (Vườn Quốc gia Chư Mom Ray) vào thác Khỉ và cứ thể ngược lên đỉnh.
Khám phá đỉnh Chư Mom Ray theo hướng này, tôi được chiêm ngưỡng thác, đi đường gần hơn, nhưng phải đối mặt với dốc núi đá dựng đứng, nguy hiểm và tốn khá nhiều sức lực.
Từ thác Khỉ bám đá và cây rừng, đoàn cứ thế ngược núi. Chào đón chúng tôi ngay trước đầu thác Khỉ là những chú chim rừng đua nhau ca hót, loài chim mỏ vẹt mổ trái cây rừng, tung hứng thả rơi lộp bộp trên đầu khách.
Háo hức đi, nhưng mới leo núi hơn 100 mét, tôi phải dùng gậy trợ lực vì dốc dựng đứng. Đi thêm một đoạn nữa, tôi bắt đầu há miệng thở dốc, mồ hôi mồ kê ướt đẫm hết áo quần. Ngồi nghỉ trên phiến đá, tự trấn tĩnh mình không thể bỏ cuộc, tôi lại gọi các bạn lên đường. Bám vào độ nghiêng của núi, tôi dùng sức bật từ cánh tay và thế chân leo từng nấc một. Không dám nghĩ nhiều, trong đầu tôi chỉ có hai từ: Phải lên! Phải lên!
Đang dồn sức leo lên, anh Lê Trọng Tấn đi trước la lên một tiếng: Đá! Nghe tiếng đá rơi lách cách, tôi kịp nghiêng người sang một bên. Một hòn đá to từ trên rơi xuống đúng chỗ tôi vừa lấy chân ra. Đi độ hơn 20 mét nữa, lại một hòn đá khác nữa lăn. Rất may, hòn đá không rơi xuống chỗ tôi đang đeo bám mà chếch sang một hướng khác.
Sợ đá lăn không tránh kịp, sau khi nghỉ ngơi lấy lại sức, các anh gợi ý để tôi đi trước. Vừa bám đá, bụi cây leo được độ 70 mét, tôi ghì chân và làm một hòn đá to rơi xuống. Nguyễn Bá Nam tinh mắt nhìn thấy đá lăn xuống và kịp né người. Đi được 100 mét nữa, tôi lại trượt chân, đánh đu người dưới gốc cây bụi. Đầu mũi giày trượt dốc núi, sỏi đá rơi rào rào, nhưng rất may đá rơi không đụng ai. Nhìn lại, tôi thấy bụi cây sắp bật gốc. Nghĩ dại, nếu cây bật gốc khi tay kia chưa kịp bám vào đá, không biết điều gì sẽ xảy ra. Thêm một phen hú hồn!
Càng lên, tôi càng mệt, cứ đi độ khoảng 100 mét lại phải ngồi nghỉ. Không biết bao lần, tôi làm đá lăn hay gặp phải đá lăn. Có lúc quá mệt, sợ không đủ sức leo lên, tôi có ý nghĩ xuống núi. Nhưng vì lòng tự trọng, tôi không cho phép mình làm điều đó.
Giữa lúc đang tận cùng của sự mệt mỏi, tôi nhớ ra mình có đem theo chai mật ong rừng từng ngâm sâm Ngọc Linh bỏ trong túi xách. Sâm Ngọc Linh thì tôi lấy ra hết gửi về cho mẹ ở quê, chỉ còn mật ong rừng có ngấm sâm. Rất may khi kiểm tra lại trong chai, còn sót một lát sâm nhỏ bằng đầu đũa, mỏng dính, tôi ngậm sâm và mời các bạn đường cùng nhấm mật ong rừng.
Trong lúc tưởng mình không đủ sức leo núi nữa, nhấm tý mật ong vào, người tôi không còn mệt như trước. Kể từ đó, chúng tôi leo núi nhanh hơn, ít phải nghỉ ngơi dọc đường hơn. Khoảng 14 giờ chiều, chúng tôi lên độ cao khoảng 1.200 mét. Lấy lương khô ra ăn, nghỉ ngơi ít phút, chúng tôi lại tiếp tục hành trình.
Đi một quãng đường nữa, từ rừng rậm cây gỗ lớn, chúng tôi gặp một khu rừng cây đỗ quyên nằm chênh vênh trên vách núi đá lở. Từ vách núi nhìn xuống, tôi rùng mình vì độ sâu hut hút ở khu núi lở. Đi dọc theo vách núi này, chúng tôi bám theo một dây thừng từ một đoàn khám phá hồi năm trước để lại để vượt qua vách núi cheo leo, tiếp tục lên đỉnh.
|
Sương mù “khóa” núi và gặp bao kỳ thú
Khi ngoái đầu nhìn lại rừng cây đỗ quyên, chúng tôi thấy có nhiều cây e ấp những nụ hoa. Đây đó bên vách núi lác đác một vài bông hoa trắng muốt, điểm tím ở gần cuống hoa và thoang thoảng hương thơm. Rừng cây đỗ quyên thấp lùn hiện ra dưới ánh chiều, đẹp như một câu chuyện cổ tích.
Có điều kỳ lạ, khi đến gần đỉnh núi, không ai hiểu vì sao có một vạt rừng cây bật gốc, rễ khô nằm chỏng chơ tự lúc nào. Quan sát xung quanh, không ai thấy dấu hiệu nào về bão tố, lốc xoáy hay một loài thú rừng to lớn nào đó làm cây bật gốc rễ.
Tiếp tục luồn rừng lên núi, khoảng độ 16 giờ 30 phút, chúng tôi reo hò vì lên đến đỉnh. Trên đỉnh núi, cây rừng chỉ cao to bằng bắp chân, bắp đùi trở lại. Trên thân cây ở khu vực Tây Nam bám đầy rong rêu. Dưới mặt đất và trên không lòng thòng nhiều dây leo to như những con trăn, con rắn. Trên mặt đất lớp thực bì từ lá, cành cây khô mục tích tụ lâu năm dày, chúng tôi đi như đi trên nệm. Rừng yên ắng, khí hậu trong lành, bao mệt mỏi khi leo núi đều tan biến, nhường chỗ cho cảm giác êm dịu, thư thái kỳ lạ.
Trong lúc dạo quanh núi, nhìn lên bầu trời qua vòm lá, tôi gặp một con chim hồng hoàng bay lượn. Chim mỏ to màu vàng, sải cánh dài bằng cả sải tay người. Chim hồng hoàng bay, tiếng vỗ cánh nghe như tiếng cánh quạt. Qua ánh chiều tà, chim bay in bóng một khoảng không rộng lớn.
Theo lời anh Đào Xuân Thủy – Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, chim hồng hoàng hay còn gọi là phượng hoàng đất, ăn trái cây và các loài động vật nhỏ. Đây là loài chim quý hiếm, sinh sống ở núi cao, rừng rậm. Ai săn bắt, sát hại chim hồng hoàng, chiếu theo các quy định pháp luật hiện hành sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quan sát đỉnh núi, chúng tôi thấy nhiều lô cốt Mỹ - Ngụy ngày xưa còn lại, hoang phế. Các lô cốt đều bị sập, chỉ còn lại một số cột gỗ dầu. Quanh các cột gỗ dầu cũng bám đầy rong rêu. Ngày trước, Mỹ - Ngụy dùng máy bay thả lính và các công cụ cần thiết xây dựng các lô cốt này để chiếm lĩnh độ cao.
Chiều tối, chúng tôi nhặt củi khô, đốt lửa sưởi ấm gần các lô cốt. Đêm Chư Mom Ray khá yên tĩnh, chỉ có tiếng gió xào xạc trên ngọn cây. Càng về khua, trời càng lạnh. Tôi mặc áo lạnh, trùm chăn quấn người trong võng, nhưng sương xuống vẫn rét run người. Liên tục trở mình, nghe bên ngoài tiếng chim non kêu chiêm chiếp, thi thoảng vọng lại tiếng của chim mẹ. Có lẽ trời lạnh, chim con kêu, chim mẹ lấy thân sưởi ấm chim non.
Sáng ra, đỉnh Chư Mom Ray chìm trong sương mù. Sương mù tầng tầng, lớp lớp từ ngoài tràn vào trong rừng qua các tầng lá. Đứng sát bìa rừng, nhìn ra ngoài chỉ một màu trắng xóa. Sương mù dày đặc, gặp các tầng lá cây rơi xuống lộp độp như mưa. Hơi nước chảy theo lớp lá thành dòng, ướt đẫm.
Dạo quanh khắp đỉnh núi, chúng tôi tìm mãi nhưng vẫn không thấy chỗ nào ánh sáng mặt trời lọt vào rừng. Sương mù “khóa” chúng tôi trong rừng. Đợi đến gần 9 giờ sáng nhưng sương vẫn không tan, chúng tôi quyết định tìm lại đường xuống núi.
Đường về, người đi ít tốn sức hơn vì xuống dốc. Tuy nhiên, đường đi cũng khá nguy hiểm vì đá rơi liên tục. Cuối cùng, chúng tôi về Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật cảnh an toàn lúc hơn 16 giờ chiều.
Thay lời kết
Chuyến chinh phục đỉnh Chư Mom Ray để cho tôi những ấn tượng khó quên. Trước hết, có thể nói rằng, chinh phục đỉnh Chư Mom Ray là một tour du lịch mạo hiểm và lý thú, tuy nhiên không phải ai cũng đi được. Vì vậy, nếu sau này tỉnh cho phép đưa vào khai thác, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray phối hợp các công ty lữ hành mở tour du lịch chinh phục đỉnh Chư Mom Ray phải kiểm tra độ tuổi, sức khỏe cho hành khách kỹ càng, bảo đảm các điều kiện an toàn mới cho đi. Và nếu được, nên khảo sát một lối đi khác ít nguy hiểm hơn.
Thứ hai, nếu sau này tỉnh cho phép mở tour du lịch chinh phục đỉnh Chư Mom Ray, cần phải cân nhắc cụ thể, và có sự tham vấn của các chuyên gia, về số lượng người tham gia, tháng nào trong năm được mở, trong một tháng mở bao nhiêu chuyến đi là phù hợp... Vì nếu mở tự do và khai thác tour du lịch này dày quá, chúng ta sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh của các loài động, thực vật quý hiếm.
Văn Nhiên