Chắp cánh cho những ước mơ

03/04/2024 13:08

Dù cuộc sống chưa thực sự khá giả nhưng với tấm lòng, trách nhiệm và tình thương yêu vô bờ bến, nhiều năm qua, tập thể giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (xã Diên Bình, huyện Đăk Tô) đã nhận đỡ đầu hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em vượt khó vươn lên trong học tập.

Nâng bước trò nghèo

Trường THCS Nguyễn Du hiện có 19 lớp với 645 học sinh, trong đó có 314 học sinh là người đồng bào DTTS, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Số học sinh này chủ yếu tại 2 thôn đặc biệt khó khăn là Đăk Kang Pêng và Kon Hring. Cũng bởi vậy mà học sinh tại 2 thôn luôn là đối tượng được thầy cô giáo trong nhà trường quan tâm đặc biệt. Thấu hiểu hoàn cảnh của các em, nhiều năm qua, hơn 40 thầy cô giáo trong trường luôn tìm cách hỗ trợ giúp đỡ các em bằng nhiều chương trình và đặc biệt, họ đã tự nguyện nhận đỡ đầu những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi thầy cô nhận giúp đỡ từ 1-2 học sinh. 

Tặng quà cho học sinh nghèo. Ảnh: H.N

 

Năm 2018, xã Diên Bình đạt chuẩn nông thôn mới, vì thế các chế độ chính sách dành cho học sinh người DTTS cũng thay đổi. Các em không còn được hỗ trợ bữa ăn bán trú và cũng không còn được hưởng một số chế độ hỗ trợ khác. Trong khi đó xã có 2 thôn đồng bào DTTS là Kon Hring và Đăk Kang Pêng cách xa trung tâm trường chính. Từ thôn Kon Hring đến trường dài hơn 5km; còn từ thôn Đăk Kang Pêng đến trường dài hơn 7km. Do điều kiện đi lại khó khăn nên việc duy trì sĩ số không đảm bảo, chất lượng học tập của các em sa sút.

Trước thực tế đó, chi bộ, ban giám hiệu nhà trường đã họp bàn tìm cách khắc phục nhằm duy trì sĩ số, giúp học sinh nghèo đến trường. Giải pháp được chi bộ nhà trường đưa ra phát động là xây dựng mô hình “mẹ đỡ đầu”, kêu gọi đảng viên trong nhà trường tiên phong đi trước, nhận đỡ đầu giúp đỡ các học sinh nghèo bằng khả năng của mình nhận đỡ đầu từ 1-2 em có hoàn cảnh khó khăn. 

Chia sẻ điều này, cô giáo Hoàng Thị Thanh Hải- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhận thấy các em học sinh ở 2 thôn Kon Hring và Đăk Kang Pêng còn nhiều khó khăn vất vả đến trường, thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, chi bộ nhà trường đã phát động ngay trong chi bộ tiên phong thực hiện mỗi đảng viên đã nhận đỡ đầu 1-2 học sinh nghèo khó khăn nhằm giúp đỡ, sẻ chia để học sinh vươn lên và tích cực học tập. Hình thức hỗ trợ bằng nhiều cách như mua quần áo, dụng cụ học tập, mua bảo hiểm y tế, xe đạp cho học sinh. Sự phát động đó đã được các đảng viên trong chi bộ đồng tình hưởng ứng ủng hộ.

Vận động tặng xe đạp cho học sinh nghèo. Ảnh: H.N

 

“Sau khi phát động trong chi bộ, nhà trường đã mở rộng ra toàn trường và đều nhận được sự đồng tình ủng hộ của các thầy cô giáo. Do đó, chỉ tính trong giai đoạn 2022-2024, 35 giáo viên nhà trường đã và đang đỡ đầu cho 50 em ở 2 làng Kon Hring và Đăk Kang Pêng”- cô Hải chia sẻ.

Cô Phạm Thị Bích Hương- Phó hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn nhà trường nhớ lại, thời gian đầu những giáo viên của trường tự bỏ tiền túi để nấu ăn cho học sinh tại trường. Thế nhưng, đồng lương của giáo viên cũng hạn hẹp, nấu ăn cho các em cũng chỉ giải quyết được ngày 1 ngày 2. Tuy nhiên, nhận thấy học sinh ở làng Kon Hring và Đăk Kang Pêng chủ yếu có hoàn cảnh khó khăn, lại xa trường nên nuốn giải quyết triệt để vấn đề thì cần rút ngắn quãng đường hoặc thời gian di chuyển của các em. Bởi vậy, cùng với hỗ trợ nhu yếu phẩm, nhiều giáo viên nhà trường đã tìm mua xe đạp cũ còn sử dụng được để tặng các em.

“Phong trào tặng xe đạp cho trò nghèo dần được nhân rộng, giáo viên trong trường cũng kêu gọi thêm các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn chung tay hỗ trợ học sinh. Đến nay, sau nhiều năm phát động, công đoàn nhà trường đã kêu gọi, vận động và hỗ trợ hơn 100 chiếc xe cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cũng từ đây, sĩ số học sinh được đảm bảo, chất lượng học tập cũng vì thế mà được nâng cao”- cô Hương cho hay.

Cô giáo như mẹ hiền

Qua quá trình nhận đỡ đầu những học sinh nghèo, nhiều việc làm đầy nghĩa tình của thầy cô giáo ở Trường THCS Nguyễn Du triển khai giúp đỡ. Nhiều học sinh nghèo, khó khăn, thường xuyên nghỉ học, thậm chí đã bỏ học nhưng nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của “người mẹ thứ 2” đã quay lại trường, vượt qua hoàn cảnh tiếp tục đến trường nuôi mơ ước cho tương lai.

Đơn cử trong 2 em học sinh đang được cô Phạm Thị Thu Thảo đỡ đầu. Từ ngày bố mất, Y Như đã bị bệnh mắc bệnh tâm lý. Nhiều đêm thức trắng không ngủ được nên dần dần sức khỏe của Như cũng yếu đi, mái tóc trên đầu cô bé cứ thế rụng thành từng mảng. Chỉ vài tuần sau cái chết của cha, đỉnh đầu của Y Như trụi lủi như người hói. Dù vậy, Y Như vẫn đến lớp với chiếc mũ trên luôn ở trên đầu kể cả trong lớp. Sau một thời gian, bị các bạn phát hiện, trêu đùa, Y Như buồn, tủi thân và thường xuyên nghỉ học. 

Thầy cô giáo nhận đỡ đầu, giúp đỡ học sinh nghèo. Ảnh: H.N

 

Nhìn thấy mái tóc của học trò đã biến mất, xót xa cho cô bé tội nghiệp, cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Thu Thảo thường xuyên đến bên an ủi, tâm sự. Biết hoàn cảnh của Y Như, cô Thảo đã xin phép gia đình đưa Y Như đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám bệnh. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định Y Như mắc căn bệnh tâm lý khiến tóc cứ tự rụng dần. Các bác sĩ cũng đã kê đơn thuốc để Y Như về nhà điều trị. Mọi chi phí khám chữa bệnh của Y Như đều do cô Thảo chi trả. Đến nay sau một thời gian điều trị, mái tóc của Y Như đã có dấu hiệu mọc lại. Nhìn những sợi tóc đang dài ra từng ngày, Y Như càng thêm biết ơn cô giáo.

“Từ ngày bố mất, một mình mẹ phải gồng gánh nuôi em và em gái. Biết được hoàn cảnh của em, cô Thảo cùng nhà trường thường xuyên giúp đỡ. Vào đầu năm học em được cô mua tặng quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Có nhiều hôm cô đến chơi, thấy mẹ con em ăn cơm với cá khô, cô lại rút tiền cho mẹ em đi chợ. Trước những việc làm của cô Thảo và nhà trường, em chẳng biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành và hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của thầy cô”- Y Như xúc động nói.

Không chỉ mình Y Như, nhiều năm qua, có nhiều hoàn cảnh gia đình khó khăn như Y Luyến (học sinh lớp 6)… đã được các thầy cô giáo ở Trường THCS Nguyễn Du nhận đỡ đầu, chăm sóc như người mẹ hiền thứ hai của các em. Cũng nhờ sự tận tình trách nhiệm ấy, đã có hàng chục em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục đến trường, tích cực học tập.

“Trường có gần một nửa học sinh là người DTTS, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bởi vậy mà các giáo viên trong trường thường hay bảo nhau giúp được gì cho các em thì giúp. Nếu ngoài khả năng thì cùng nhau kêu gọi, vận động các nguồn khác để hỗ trợ các em. Đây cũng là một phần trách nhiệm của những thầy cô giáo”- cô Hoàng Thị Thanh Hải chia sẻ.

Thầy Nguyễn Văn Hùng -Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô cho hay: Mô hình “mẹ đỡ đầu”, đã được một số đơn vị trên địa bàn huyện triển khai. Nhưng Trường THCS Nguyễn Du là một trong những đơn vị tiêu biểu, thực hiện tốt mô hình này. Phòng GD&ĐT nhận thấy mô hình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cần nhân rộng, lan tỏa, giúp học sinh có điều kiện đến lớp nhằm chắp cánh cho những ước mơ tươi sáng hơn.

Hà Nam

Chuyên mục khác