“Cà phê ghi-ta” và những điều thú vị

03/10/2016 09:00

Gần đây, tại thành phố Kon Tum xuất hiện nhiều quán “cà phê ghi-ta”. Với không gian ấm cúng, cà phê ghi-ta đang cuốn hút nhiều người bởi nơi đây đã giúp họ thỏa mãn phần nào niềm đam mê ca hát…

“Cây văn nghệ” có duyên với nhiều giải thưởng  

Sáng cuối tuần, chưa biết cà phê ở đâu, tôi được một người bạn giới thiệu vào quán cà phê Hạ Trắng của cô Thục Trinh trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Chu Trinh (thành phố Kon Tum).

Tôi biết cô Thục Trinh từ lâu bởi cô nổi tiếng với nghề chế biến đặc sản chuối sấy ở vùng đất Kon Tum nhưng “cà phê ghi-ta” thì thú thật hơi bất ngờ.

Cô Trinh phiêu cùng những tình khúc mà mình yêu thích tại quán cà phê ghi-ta của gia đình. Ảnh: S.C

 

Người phụ nữ 62 tuổi này cho biết, vốn có chất giọng “trời phú” lại đam mê ca hát nên hơn 1 năm nay, được sự giúp sức của người thân, bạn bè đã quyết định đầu tư không gian cà phê ghi-ta để kết nối những người yêu nhạc thỏa mãn niềm đam mê ca hát của mình.

Sau khi mang nước trà và thức uống cho mấy vị khách, cô Trinh bước lên “sân khấu” mở màn chương trình “hát cho nhau nghe”. Đam mê dòng nhạc xưa với những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy…, cô Trinh đã chọn bản nhạc “Chiều buông sương vắng” của Trương Phương Huy để tặng mọi người.

Sau khúc dạo đầu của tiếng đàn ghi-ta do anh Minh - nhạc công phục vụ tại quán cà phê phụ diễn, cô Trinh cất cao giọng hát ngân vang, trong trẻo, mang đậm chất opera “Chiều mưa tắt nắng, bóng chim nghiêng cánh về đâu…” làm mê hoặc lòng người.

Vẫn biết rằng rất khó để khen, chê giọng hát của một ai đó nếu mình không có chuyên môn nhất định về âm nhạc nhưng quả thật, với cô Trinh phải công nhận rằng cô có một chất giọng rất đẹp. Nhiều người mê dòng nhạc opera thường đến đây nghe cô Trinh hát, có khi một buổi sáng cô “trình diễn” đến 3-4 tình khúc theo yêu cầu của “khán giả” đam mê giọng hát của cô.

Cô Trinh cho biết, nhờ có được chất giọng nên thời trẻ cô là một “cây văn nghệ” của trường, ở khu dân cư. Còn nhớ, năm 1976, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cô được gia đình cho vào Thành phố Hồ Chí Minh để đi học, tá túc tại nhà người bà con ở huyện Hóc Môn; nhờ tích cực với phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương, cô được chọn đại diện cho huyện Hóc Môn tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng cấp thành phố.

Lần đó, cô Trinh đã chinh phục được ban giám khảo và giành được Huy chương Bạc tại Hội thi với ca khúc “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”.

Khi trở thành sinh viên của Trường Cao đẳng sư phạm Đăk Lăk, cô cũng là giọng ca xuất sắc của nhà trường, tham gia nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ của học sinh, sinh viên và lần nào cũng đạt thành tích cao.

Gần đây, thông qua Hội Người cao tuổi yêu thơ-nhạc, cô Trinh tiếp tục giành được giải Nhì đơn ca tại Liên hoan ca khúc cách mạng tỉnh Kon Tum năm 2016 do Sở VH-TT&DL tỉnh Kon Tum có tổ chức tại huyện Đăk Hà với ca khúc “Hoa bằng lăng Trường Sơn” của Trương Phương Huy.

Và mới đây nhất, cô tiếp tục dành được giải Nhất đơn ca tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng lần thứ 21 năm 2016 do thành phố Kon Tum tổ chức với một ca khúc hát về Măng Đen “Tình yêu gửi lại” của Nguyễn Trung Hiếu.

“Nhạc sĩ tình khúc”

Một lần nọ đến quán cà phê ghi-ta của cô Trinh, tôi bất chợt nghe một vị khách hát về những bản tình khúc sâu lắng cũng của Trương Phương Huy.

Nghe tên tác phẩm rất lạ mà tác giả lại thấy quen quen nên tôi lấy làm tò mò. Cô Trinh giới thiệu, Trương Phương Huy là khách ruột ở quán cà phê ghi-ta của cô. Ông đàn ghi-ta cực chất, hát cũng rất hay và điều thán phục hơn nữa đó là ông còn tự sáng tác gần 200 ca khúc, tình khúc… rất sâu lắng, trong số đó gần đây có nhiều ca khúc được người yêu nhạc ở Kon Tum biết đến và yêu thích.

Ông Trương Phương Huy - người sáng tác hàng trăm ca khúc, tình khúc trữ tình, sâu lắng. Ảnh: S.C

 

Ông Trương Phương Huy tên thật là Trương Huy Quý hiện ở thôn 3, xã Đăk Cấm (thành phố Kon Tum). Ông Trương Phương Huy là người rất thích đàn ghi - ta. Thuở nhỏ, ông may mắn có đến 7 năm theo học âm nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông bắt đầu sáng tác nhạc từ sau giải phóng nhưng nhiều nhất là từ năm 2002 đến nay. Dòng nhạc ông theo đuổi mang âm hưởng opera (được ông phối âm nên giai điệu có phần đỡ khô cứng và trữ tình hơn).

Ông Trương Phương Huy thường lấy những câu chuyện đời thực của mình, của bạn bè làm chất liệu cho ra đời những ca khúc, tình khúc đầy chất thơ, chất trữ tình.

Người yêu nhạc của Trương Phương Huy gần như đều có chung nhận xét: Các bài hát do ông sáng tác mang âm hưởng dòng nhạc thính phòng nên đòi hỏi người thể hiện ca khúc cũng phải có "chất giọng đặc biệt trời phú" và ít nhiều phải am hiểu về nhạc lý mới có thể truyền tải hết cảm xúc sâu lắng trong từng ca từ, giai điệu bài hát…

Gần đây, ông thường lui tới các quán cà phê ghi-ta, thấy ai có chất giọng phù hợp với dòng nhạc của mình thì mang tác phẩm ra để cho họ thử nghiệm và mọi người cùng thưởng thức.

Đặc biệt, Trương Phương Huy có nhiều tác phẩm âm nhạc viết về Tây Nguyên, về Kon Tum như “Hoa bằng lăng Trường Sơn” (được cô Thục Trinh biểu diễn tại Liên hoan ca khúc cách mạng tỉnh Kon Tum năm 2016 do Sở VH-TT&DL tỉnh Kon Tum có tổ chức và đã đạt giải Nhì), “Chiều cỏ biếc”, “Măng Đen ngày trở lại”, “Chiều bên rừng”, “Kon Tum vào mưa”… được nhiều người yêu thích và đón nhận.

Góc âm nhạc thư giãn

Cô Thục Trinh cho biết, vì yêu dòng nhạc xưa với phong cách trữ tình, sâu lắng nên khách hàng hay lui tới quán cà phê ghi-ta của cô chủ yếu là những vị khách ở lứa tuổi tầm 50 tuổi trở lên; lâu lâu mới có vài vị khách U30, U40.

Biểu diễn âm nhạc tại quán cà phê ghi-ta trên đường Trần Hưng Đạo. Ảnh: S.C

 

Ông Thịnh – một khách hàng quen thuộc với quán cô Thục Trinh vốn là một thầy giáo đã nghỉ hưu nhiều năm nay. Cô Trinh kể, ông Thịnh có “máu văn nghệ” nhưng thoạt đầu đến đây còn e ngại lắm nên chủ yếu là để nghe người ta đàn, hát. Dần dần ông mới mạnh dạn “hát cho nhau nghe”.

Với phong thái lãng tử, ông Thịnh bước lên sân khấu dạo một khúc hòa tấu ghi-ta mở màn rồi cất lên giọng hát. Ông say sưa “phiêu” trong từng giai điệu của bài hát mà mình yêu thích. Không chỉ hát, ông còn chủ động mời mọi người cùng giao lưu hát cho nhau nghe và có thể đệm đàn cho họ hát…

Ông Thịnh chia sẻ, hơn một năm nay – từ ngày xuất hiện quán cà phê ghi-ta này, gần như lúc nào rảnh rỗi ông cũng đều đến đây để được cùng mấy người bạn đã nghỉ hưu vừa nhâm nhi ly cà phê vừa đệm ghi-ta đàn, hát cốt là để thư giãn, để thỏa niềm đam mê ca hát của mình.

Dù đã 80 tuổi nhưng ông Nghĩa vẫn trẻ trung. Ông cho biết, vì niềm đam mê ca hát nên ông thường xuyên đến cà phê ghi-ta để được giao lưu, kết nối với những người bạn yêu nhạc. Cà phê ghi-ta giúp ông có thể tìm thấy một góc yên tĩnh để thư giãn, để suy tư, để hoài niệm…

Đa sắc màu hơn là không gian cà phê ghi-ta Hoàng Vy (85 Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum). Quán cà phê nhỏ nhắn này của chị Thương Huyền (1977) lúc nào cũng có khách ghé đến.

Chị Thương Huyền cho biết, mặc dù mới mở quán được hơn 4 tháng nay, nhưng mô hình cà phê ghi-ta đã thu hút nhiều người dân Kon Tum, trung niên có, lớp người trẻ có; họ đến đây để hát cho nhau nghe, để được sống trong không gian âm nhạc mà mình yêu thích. Ngày đắt khách, quán cà phê của chị cũng thu hút 50-60 người, những tối cuối tuần gần như quán không còn chỗ ngồi…

Cùng với “cà phê sách”, “cà phê sạch”, “cà phê chậm”,… “cà phê ghi - ta” cũng góp thêm một sắc thái riêng để giới thiệu đến nhiều người, nhiều du khách về thú thưởng thức cà phê của người dân Kon Tum.

Tú Quyên

Chuyên mục khác