09/12/2019 13:05
Đứng dưới tán cà phê cành lá sum sê, quả chín khô teo tóp, nhăn nheo, chị Đỗ Thị Miền (công nhân Đội 3, Công ty TNHH MTV Cà phê 704) quay lại nhìn tôi dò hỏi. Để tạo thiện cảm, tôi nở nụ cười và khen vườn cây cà phê năm nay đang mùa thu hoạch nhưng cành lá vẫn còn xanh, không xơ xác như mọi năm.
“Cà phê năm nay được mùa không chị?” - tôi thân tình hỏi. “Muốn thối cả ruột mà anh còn hỏi!” - giọng chị Miền chùng xuống.
“Sao vậy chị?” - tôi lại hỏi. Chị Miền đứng thẳng người lên, nhìn tôi dấm dẳng: Cà phê năm nay mất mùa, mất giá. Thu hoạch cà phê, bán không đủ trả chi phí đầu tư. Lỗ nặng! Nhà vừa mới hái 1,1ha cà phê nhận khoán của Công ty TNHH MTV Cà phê 704, chỉ thu được 10 tấn quả tươi. Trong khi đó, giá cà phê hiện tại chỉ 6.800 đồng/kg (quả tươi), giảm 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chi phí đầu tư, tiền thuê nhân công hái lại không giảm. Tính ra, với 1ha cà phê, gia đình tôi lỗ hơn 40 triệu đồng.
“Mùa năm nay cà phê “đắng” lắm chú ơi! May mà gia đình còn có 1ha cà phê riêng, trồng năm 1995, năng suất đạt 17 - 18 tấn/ha nên gỡ gạc lại phần nào thua lỗ, không thì không biết sẽ như thế nào” - chị Miền thở dài.
Nhìn đôi mắt, tôi thấy chị Miền dường như rưng rưng. Tôi lặng người, cảm ơn chị Miền đã chia sẻ thông tin, rồi đến thăm một khu vườn cà phê khác. Chủ vườn cà phê này là chị Phạm Thị Loan (công nhân Đội 3, Công ty TNHH MTV Cà phê 704).
Vườn cà phê của gia đình chị Loan xanh tốt, quả mọng, có khá đông người đang thu hái. Mỗi người mỗi việc, người hái, người cho quả vào bao, người chất lên xe... Không một tiếng cười. Khuôn mặt ai cũng nhễ nhại mồ hôi, rám nắng.
Cà phê mất mùa, chủ nhà không vui, người lao động cũng kiệm lời.
Nghe anh Trần Quốc Toản - Đội trưởng Đội 3 giới thiệu có nhà báo đến thăm, chị Phạm Thị Loan mới dừng tay hái cà phê.
|
Trao đổi với chúng tôi, chị Loan than: Cà phê năm nay đến mùa thu hoạch vẫn còn xanh tốt, nhưng mất mùa lắm. Nhà em nhận khoán 1,1ha cà phê già cỗi (trồng cách đây hơn 30 năm của Công ty - PV), năng suất 12 tấn quả tươi/ha. Với giá cà phê như hiện nay, trừ chi phí đầu tư, gia đình lỗ gần 30 triệu đồng/ha. Nếu không có vườn cà phê riêng của gia đình đang trong giai đoạn kinh doanh, năng suất cao hơn bù lại, không biết cuộc sống của gia đình sẽ khó khăn đến mức nào.
Trước tình hình cà phê mất mùa, mất giá, chị Loan bày tỏ mong muốn Công ty TNHH MTV Cà phê 704 giảm sản lượng giao khoán. Tuy nhiên, tôi biết đây là điều rất khó, bởi sản lượng giao khoán là chi phí tối thiểu (phần cứng), đòi hỏi người lao động phải có nghĩa vụ nộp theo quy định.
Nghe chị Loan than cà phê mất mùa, mất giá, tiền thuê hái cà phê tăng, A Ken (người xã Đăk Ui) - hái cà phê thuê nhíu mày. Chị Loan đi rồi, A Ken lẩm bẩm: Ở vùng chuyên canh cà phê huyện Đăk Hà năm nay, ông chủ, bà chủ vườn nào cũng than…
“Giá thuê hái bây giờ là 80 nghìn đồng/tạ quả tươi, chỉ tăng hơn năm trước 5 nghìn đồng/tạ. Cái phần tăng này chỉ đủ bù lại cho người lao động hái tốn nhiều thời gian hơn (do cà phê mất mùa, ít quả, hái lâu hơn - PV), chứ thu nhập người hái không tăng so với mọi năm. Bình quân mỗi công hái, tôi chỉ kiếm được khoảng 280 - 300 nghìn đồng” - A Ken giãi bày.
Y Mít - người xã Đăk Ui, hái cà phê ở kế bên nói chen vào: A Ken hái nhanh mới được vậy đó. Mình hái mỗi ngày chỉ được 2,5 - 3 tạ quả tươi. Với giá công hái 80 nghìn đồng/tạ, mình chỉ kiếm được 200 - 250 nghìn đồng/ngày công lao động.
Nghe công nhân và người hái cà phê thuê kêu ca, Trần Quốc Toản cũng lặng người. Cùng là người lao động, nên ông hiểu tâm lý công nhân, tâm lý người làm thuê.
“Cây cà phê thường năm được mùa, năm mất mùa. Hy vọng sang năm tới sẽ được mùa, công nhân bớt khổ. Trách trời thì có được gì? Thu hoạch xong, công nhân cố gắng chăm sóc cho tốt, ông trời sẽ bù lại!” - Toản động viên công nhân và cũng tự an ủi chính mình.
Theo ông Nguyễn Văn Bể - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 704, năm nay, năng suất cà phê của Công ty bình quân ước đạt khoảng 13 tấn quả tươi/ha, giảm 15 - 20% so với năm trước. Nguyên nhân do mùa mưa năm 2018, mưa tập trung tháng 6, 7, 8 và kết thúc mùa mưa sớm (giữa tháng 9) dẫn đến vườn cây đuối sức sau vụ thu hoạch, tỷ lệ ra hoa thấp, ít quả.
Tuy nhiên, ông Bể cũng chỉ ra rằng, vẫn còn có những khu vực vườn cây cà phê của Công ty tuổi đời còn trẻ nằm trên địa bàn xã Đăk Long (huyện Đăk Glei) năng suất bình quân đạt 15 tấn quả tươi/ha. Cá biệt có những hộ công nhân ở Đội 8 (xã Đăk Long) như Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thị Thuỳ... đạt năng suất 20 - 25 tấn quả cà phê tươi/ha.
Trăn trở với người lao động, ông Bể cho biết Công ty thực hiện chủ trương và tạo điều kiện cho người lao động xay xát, chế biến cà phê nhân để giúp họ tăng thêm thu nhập.
Đồng thời để vườn cà phê phát huy hiệu quả kinh tế, Công ty triển khai kế hoạch và tạo điều kiện cho người lao động đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất vườn cây và duy trì sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ Certified (Chương trình chứng nhận cà phê toàn cầu, bảo đảm sản xuất bền vững); tái canh ở vườn cà phê già cỗi bằng giống mới có năng suất cao hơn.
Đón làn gió lạnh se se, nhìn vườn cây sau vụ thu hoạch năm nay cành lá sum sê, ông Bể dự báo sang năm năng suất sẽ khả quan hơn.
Chia sẻ với người chuyên canh cà phê, tôi hy vọng mùa cà phê năm 2020 không còn vị “đắng”.
Văn Nhiên