28/08/2023 13:01
Trong không khí chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, vào những ngày cuối tháng 8, đi dưới cơn mưa tầm tã, tôi tìm về vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông. Tới đây, trong cuộc trò chuyện với cán bộ huyện, xã, tôi biết được câu chuyện, việc làm đầy nghĩa của đồng bào dân tộc nơi đây. Đó là cứ vào dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 và các ngày lễ, tết, người dân, các hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên ở các xã trong huyện lại cùng nhau đến tận nhà, ra tận vườn làm cỏ, dọn vệ sinh, đào hố rác và lên rừng kiếm củi tặng cho các hộ gia đình chính sách, có công với cách mạng. Việc làm đầy ý nghĩa này, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam.
|
Theo chân Chủ tịch UBND xã Đăk Hà Dương Đăng Khoa, chúng tôi tìm về thôn Mô Pah, đây là thôn có nhiều đối tượng chính sách nhất xã, với 17 trường hợp. Vừa đi, ông Khoa vừa cho biết: Toàn xã hiện có 22 hộ gia đình chính sách và một Mẹ Việt Nam anh hùng Y Tría. Hàng năm, vào dịp 27/7, các ngày lễ tết, xã đều tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Ngoài ra, xã vận động các hội đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên ngoài việc giúp đỡ các gia đình chính sách có công với cách mạng về vật chất, tinh thần còn huy động các hội viên đến dọn dẹp vệ sinh, đào hố rác, nhà tiêu, làm cỏ cây trồng, vườn nhà và lên rừng lấy củi giúp các hộ gia đình chính sách trên địa bàn. Đây là việc làm thường xuyên, hàng năm đã có từ lâu của người Xơ Đăng ở đây.
Hộ bà Y Duk (64 tuổi, ở thôn Mô Pah, xã Đăk Hà) là hộ đối tượng chính sách, có chồng là bệnh binh (đã mất), hiện bà Y Duk đang sống với người con út. Tuổi đã già, sức đã yếu nên bà không thể lên rừng kiếm củi về phục vụ sinh hoạt. Nhiều năm nay, bà không phải lo lên rừng lấy củi nữa mà đã được hội viên phụ nữ trong thôn mang tặng. Năm nay, bà Y Duk được hội viên phụ nữ thôn Mô Pah tặng 4 bó củi, với khối lượng khoảng 2 tạ. Số củi này, một mình bà có thể dùng trong hơn 3 tháng.
|
Bên những bó củi nghĩa tình này, bà Y Duk bày tỏ niềm vui: Tôi cám ơn chị em phụ nữ thôn rất nhiều. Nếu không có chị em phụ nữ tặng củi thì tôi không biết lấy củi đâu để đun nấu, sưởi ấm vào những ngày mưa lạnh, bởi, tôi già rồi, không thể lên rừng lấy củi được nữa. Nhờ có củi của phụ nữ thôn tặng, trong vài tháng tới tôi không phải lo thiếu củi nữa.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Y Hình- Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đăk Hà cho biết: Vào dịp những ngày lễ, tết, để bày tỏ lòng biết ơn các gia đình chính sách, các thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng, chúng tôi huy động hội viên phụ nữ tại các thôn ngoài việc đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ, tặng quà thì cùng nhau vào rừng lấy củi để tặng các gia đình chính sách ở các thôn. Không chỉ vậy, hàng ngày, các chi hội ở các thôn cũng thường xuyên thăm hỏi các gia đình chính sách để xem họ thiếu thốn gì thì huy động chị em phụ nữ và các mạnh thường quân ủng hộ, giúp đỡ.
“Để có được những bó củi tặng các hộ chính sách, chị em phụ nữ phải vào tận rừng sâu để lấy rồi bó lại thành từng bó gùi về tặng từng hộ ”- chị Y Hình cho biết.
Rời Đăk Hà, chúng tôi đển với xã Đăk Na- xã vùng sâu khó khăn nhất và là một trong những địa phương có nhiều đối tượng chính sách nhất huyện Tu Mơ Rông. Điều trân trọng là dù cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng bà con đồng bào nơi đây luôn đoàn kết, sống có nghĩa có tình, có trước, có sau. Đặc biệt, đối với những hộ gia đình có công với cách mạng, đồng bào nơi đây luôn trân trọng và bày tỏ lòng biết ơn bằng những việc làm cụ thể như đến thăm hỏi, tặng quà, động viên, giúp đỡ vệ sinh nhà cửa, vườn cây và tặng củi.
Ông A Dũng- Phó Chủ tịch xã Đăk Na cho biết: Toàn xã có 107 đối tượng chính sách. Hàng năm, vào dịp lễ, tết, ngoài việc chính quyền địa phương đến thăm hỏi, tặng quà thì các hội, đoàn thể và nhân dân trong xã cũng đến từng hộ gia đình giúp dọn dẹp nhà cửa, vườn cây, đào hố rác và lên rừng lấy củi tặng cho các gia đình. Đây là việc làm truyền thống hàng năm, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của bà con đối với các gia đình chính sách. Qua đó, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha ông, với những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
|
Ông A Pía (83 tuổi, bệnh binh, thôn Đăk Riếp 1, xã Đăk Na) vui mừng: Tôi già rồi, không đi rừng lấy củi được, vừa rồi, được các cháu thanh niên mang tặng 6 bó củi tôi vui lắm. Số củi này có thể dùng được đến tết. Tôi không biết nói gì, cám ơn các cháu nhiều lắm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, Tu Mơ Rông là vùng căn cứ cách mạng với tỷ lệ người đồng bào Xơ Đăng chiếm 95%. Huyện có 9/11 xã anh hùng. Từ xưa đến nay, công tác chăm lo cho người có công, hộ gia đình chính sách trên địa bàn được huyện triển khai xuyên suốt, xem đây là việc ưu tiên, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc đền ơn, đáp nghĩa. Ngoài các dịp lễ và các chế độ thăm, tặng quà thông thường, huyện khuyến khích các xã chọn những cách đền ơn, tri ân bổ sung cho các hộ gia đình chính sách như tặng củi, làm cỏ, đào hố rác, vệ sinh nhà cửa.
“Đây là cách tri ân thiết thực vì phần lớn hộ gia đình chính sách, hộ có công đều đã già, đi lại khó khăn, sức khỏe yếu, không thể thường xuyên lên rẫy để lấy củi, làm cỏ vườn cây. Thực hiện theo lời kêu gọi này, cứ dịp lễ 27/7, và các ngày lễ, tết, các tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ các xã đã lặn lội lên rẫy kiếm củi, đi làm cỏ vườn, đào hố rác để phụ giúp cho hàng nghìn hộ gia đình chính sách. Thông qua cách tặng quà và việc làm thiết thực này, mong muốn các hộ gia đình chính sách, người có công có thêm điều kiện để sinh hoạt, sản xuất. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục vận động duy trì việc làm ý nghĩa, nhân văn này”- ông Mạnh cho hay.
Việc tặng củi, giá trị không lớn nhưng điều đó thể hiện tình cảm và lòng biết ơn với những gia đình người có công với cách mạng. Đặc biệt, bó củi rất thiết thực với bà con đồng bào DTTS. Bởi, từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Xơ Đăng vẫn giữ nếp sống trong ngôi nhà sàn, ở một góc gian nhà, luôn có bếp củi để đun nấu, sinh hoạt và sưởi ấm khi mùa đông giá rét. Vì thế “bó củi nghĩa tình” càng ý nghĩa và thiết thực với bà con đồng bào DTTS, đặc biệt là đối với các hộ gia đình chính sách đã già yếu, không thể đi lấy củi được.
Hiện nay, toàn huyện Tu Mơ Rông có 461 đối tượng là Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, thương bệnh binh và 145 trường hợp hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ. Hàng năm, những đối tượng này được huyện luôn chăm lo, thăm hỏi, tặng quà và thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước.
Phúc Nguyên