19/11/2017 15:53
“Nhìn các em thấy thương quá...”
Ngôi nhà lợp tôn nằm bên đường bê tông, nhìn ra dòng suối Đăk Song hôm nay có khách. Vợ chồng chủ nhà- cô giáo Đinh Thị Hường và thầy giáo Lê Xuân Vĩnh cứ áy náy mãi bởi chuyện để khách phải ngồi trên chiếu trải giữa nhà. “Các anh tính, vợ chồng dành dụm mãi mới mua được miếng đất, cất ngôi nhà nhỏ, nên đồ đạc còn đơn sơ lắm”- cô Hường nhỏ nhẹ.
|
Mọi người cười xòa. Thế rồi, trong tiếng suối Đăk Song chảy rì rầm vọng về lúc xa lúc gần, Hường và Vĩnh đã kể cho chúng tôi nghe về những ngày gian khó, vất vả đã qua, kể từ khi xung phong vào vùng đất giàu truyền thống cách mạng này “gieo chữ”. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, Hường xung phong vào dạy học tại xã Xốp (huyện Đăk Glei).
Ngày em về nhận nhiệm vụ đúng vào lúc bão số 9 ập đến. Mưa bão mịt mù, đường sá bị hư hỏng nặng. Để đến trường dạy học, mọi người phải bỏ xe, đi bộ vượt núi, băng qua những rẫy mì, rẫy bắp - Hường nhớ lại kỷ niệm khó quên của mình.
Thầy Vĩnh đỡ lời vợ: Do cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhiều gia đình ở xã Xốp vẫn quan niệm “con chữ không làm no được cái bụng như làm ruộng, làm rẫy”, nên học sinh vắng học, nghỉ học như... cơm bữa, có thời điểm, tỷ lệ học sinh đến trường chưa đầy 70%. Để duy trì sỹ số, không kể ngày hay đêm, giáo viên của trường phải bám làng, bám hộ, phối hợp với già làng, trưởng thôn vận động gia đình cho các cháu đến trường. Không thể tính được chúng em đã đi bao đêm, vượt bao suối, bao đồi mới có được tỷ lệ duy trì sỹ số học sinh gần 100% như hiện nay, nói như già A Cố (già làng Xốp Dùi) “mồ hôi cô giáo nhiều hơn sương đêm trên ngọn Xi Mon sau làng”...
Nhưng cũng có những học trò nghèo kiên trì vượt khó để tới lớp- cô Hường chia sẻ thêm - các em đi bộ 3 - 4 km đường rừng tới trường. Mùa Đông giá rét, có những em chỉ có 2 cái áo để mặc, vừa ngồi trong lớp vừa run. Nhìn học trò của mình như vậy, em đã không cầm nổi nước mắt vì thương học trò quá.
Càng thấu hiểu những khó khăn của người dân nơi đây, các cô giáo càng yêu nghề, yêu trẻ hơn. Có người từng hỏi, dạy học ở vùng sâu gần 10 năm rồi, sao không xin về vùng thuận lợi, cô giáo Hường bày tỏ: Chọn nghề làm giáo viên do yêu nghề, được nhìn thấy các em học sinh tới trường mỗi ngày là món quà tinh thần lớn nhất của giáo viên vùng sâu, là nguồn động viên để mọi người tiếp tục “giữ lửa”.
Ngoài giờ lên lớp truyền dạy kiến thức cho các em, các thầy cô giáo còn tìm cách giúp đỡ học sinh của mình. Em nào thiếu quyển vở, cây bút, cái cặp, thậm chí là đôi dép, bộ quần áo..., các thầy cô đều cố gắng gom góp hoặc vận động hỗ trợ. Mỗi lần ra huyện, mỗi lần đến nhà bạn bè, các cô đều quyên góp sách vở, quần áo cũ mang về cho học sinh.
Rồi từ những ngày bám lớp, đêm bám làng, những chuyến đi “xin” ấy, chúng em bén duyên, làm đám cưới và quyết định bám trụ lại vùng đất heo hút nhưng giàu tình nghĩa này - Hường ngượng nghịu nói.
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương
Gần cuối buổi trò chuyện, tôi để ý thấy một cô gái nhỏ nhắn khẽ khàng đi vào, giống như sợ bước chân của mình làm đứt mạch câu chuyện. Thầy Ngô Hữu Quốc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Xốp thì thầm giới thiệu: Giống như cô Hường, cô Mơ đây cũng đã gắn bó với sự nghiệp trồng người ở Xốp nhiều năm, và cũng đã lập gia đình, nhà ở sát bên cạnh.
Thầy Quốc nói vui: Nhắc đến mới nhớ, nhà báo đang có dịp “khai thác” về những tình yêu đẹp nhất ở Xốp đấy nhé. Vĩnh cười cười, nhìn sang vợ, khuôn mặt Hường ửng đỏ trong ánh mắt tình cảm của chồng. “Đó, thấy chưa”- thầy Quốc kêu lên.
Bấm đốt ngón tay, thầy Quốc phấn khởi khoe: Toàn trường hiện có 5 cô giáo xây dựng gia đình và quyết định gắn bó lâu dài với xã Xốp. Đó là các cặp cô Đinh Thị Hường - thầy Lê Xuân Vĩnh, cô Hoàng Thị Nguyên - thầy Hoàng Văn Phụng, cô Võ Thị Kiểu - anh Phạm Văn Thắng (công nhân), cô Đinh Thị Tâm - anh Nguyễn Văn Tình (cán bộ địa chính xã), cô Võ Thị Mơ - anh Trần Văn Tiềm (thợ sửa chữa xe máy). Đúng là tình yêu làm đất lạ hóa quê hương...
|
Câu chuyện rẽ sang chủ đề “đời sống” lúc nào không hay. Cô Mơ vẫn ngồi bẽn lẽn như thế, gò má đỏ ửng như mới nhấp chút rượu: Chồng em phải ra huyện lấy hàng rồi, tiếc quá, nếu anh ấy ở nhà sẽ kể được nhiều hơn, mọi người vẫn khen anh ấy hoạt ngôn đấy.
Mơ rủ rỉ: Ngày vào xã Xốp nhận công tác, nhìn rừng núi âm u, nhà cửa lác đác bên sườn núi; trường lớp xuống cấp, dụng cụ dạy học thiếu thốn, số học sinh thường xuyên bỏ học khá nhiều, em cũng thấy nản. Nhưng cứ nhìn thấy những đôi mắt đen sáng lên khi viết được một chữ hay làm xong một phép tính lại thấy thương, thấy gắn bó với nghề, rồi tự động viên mình “ai cũng chọn nơi đô thị thì nơi khó khăn hẻo lánh này ai sẽ tới mang chữ cho các em”. Thế là lại động viên nhau vượt mọi khó khăn để dạy học...
Còn chuyện tình cảm ấy mà, khó nói lắm anh ơi. Có duyên gặp gỡ, đồng cảm, chia sẻ với nhau những khó khăn, và nhất là cùng có ý nghĩ sẽ gắn bó lâu dài với vùng đất này - Mơ ngượng ngùng - Để anh Vĩnh, chị Hường nói đi. Vợ chồng cùng nghề, dù sao cũng có nhiều chuyện để kể hơn.
Theo thầy Quốc, ngày mới lập gia đình, đời sống của các cặp vợ chồng trẻ gặp nhiều khó khăn; gia đình nội, ngoại đều ở xa nên không giúp được gì cho họ. Cưới nhau xong, họ vào ở tập thể, hoặc tìm thuê nhà của bà con trong làng. Dần dần, tiết kiệm tiền lương, vay mượn tiền anh em, bè bạn và ngân hàng để mua đất, dựng nhà.
Trong những gia đình giáo viên ở xã Xốp, khó khăn nhất vẫn là gia đình cô Kiểu. Anh Thắng (chồng cô Kiểu) là công nhân của Công ty CP Tài nguyên Môi trường Dương Phúc. Công việc của anh Thắng phải thường xuyên xa nhà, vài ba tháng mới về thăm nhà được một lần, mọi công việc gia đình, con cái đều dồn lên đôi vai gầy của cô Kiểu. Ấy vậy mà cấm có thấy cô ấy than vãn, kêu khổ bao giờ - thầy Quốc khen.
Câu chuyện cứ kéo dài mãi đến quá trưa. Mấy cháu bé ùa vào, thấy khách lạ vòng tay chào hỏi rồi ríu rít vây quanh bố mẹ. Vĩnh ôm con nhỏ vào lòng đầy yêu thương: “Trái ngọt” của chúng em đây anh ạ. Vợ chồng em có 2 cháu, cháu Lê Đinh Bảo Trân 5 tuổi và Lê Đinh Thảo Linh 3 tuổi; vợ chồng Kiểu - Thắng có 1 cháu tên Phạm Võ Tuấn Kiệt, năm nay 1 tuổi; vợ chồng Mơ - Tiềm cũng có 1 cháu, năm nay 3 tuổi, tên Trần Thảo Ni. Cũng may, các cháu chịu ăn chịu chơi, ít đau ốm...
Căn nhà bỗng chốc rộn rã tiếng cười, tiếng hát của trẻ thơ. Nhìn Hường âu yếm dỗ dành con gái thứ 2 và thỉnh thoảng ý nhị nhìn chồng - ý muốn nói sao chuyện gì cũng kể tuốt tuột ra thế - tôi thật sự cảm nhận được hạnh phúc đơn sơ nhưng vô cùng lớn lao mà gia đình nhỏ này đang nâng niu, vun đắp...
Rời ngôi nhà nhỏ lợp tôn, tôi chạy xe trên con đường bê tông phẳng phiu mà trong tâm trí vẫn đọng mãi câu chuyện về chuyện nghề, chuyện đời của những cô giáo trẻ. Bên đường, suối Đăk Song vẫn hát mãi bản tình ca nơi núi rừng. Và tôi biết, dù rời xã Xốp, tôi sẽ miên man nhớ mãi nụ cười tươi rói của đôi vợ chồng trẻ Vĩnh - Hường. Từ tình yêu nghề, thương trò, họ đã gắn bó cuộc đời với nhau, viết nên bản tình ca bên dòng Đăk Song chảy miệt mài...
Thành Hưng