23/12/2018 06:37
Gửi yêu thương vào từng suất ăn
Cứ 6h sáng các ngày trong tuần, quán bánh mì, cơm từ thiện 5.000 đồng ở địa chỉ 337 Bà Triệu, thành phố Kon Tum lại nhộn nhịp.
Trong không gian nhỏ, mỗi người được phân công một việc: nhặt rau, củ; lau dọn bàn ghế, chén bát; chuẩn bị gia vị; vo gạo nấu cơm… Vì là việc thiện nên ai nấy đều rất hồ hởi, phấn khởi, cố gắng làm thật sạch sẽ, chu đáo.
Tất bật với công việc, một lúc công việc xong đâu đấy, chị Trương Thị Nhung - Trưởng nhóm từ thiện An Lạc Thiện Tâm mới có thời gian chuyện trò cùng chúng tôi.
|
Chị Nhung bảo, từ trước đến nay, nhóm vẫn làm các hoạt động thiện nguyện: đặt tủ bánh mì, quần áo từ thiện; thăm hỏi, động viên, chia sẻ các gia đình khó khăn… Trong quá trình đi thiện nguyện, thấy nhiều mảnh đời khó khăn, có thu nhập thấp, ăn uống kham khổ nên bản thân tôi đã nghĩ ra ý tưởng mở một quán bánh mì, cơm từ thiện để giúp mọi người có hoàn cảnh khó khăn.
Ý nghĩ của chị Nhung đã nhanh chóng được các thành viên trong nhóm ủng hộ. Giữa tháng 11/2018, được 1 nhà hảo tâm (thành viên mới trong nhóm) hỗ trợ, giúp đỡ cho mượn mặt bằng, quán cơm, bánh mì từ thiện 5.000 đồng đã được khai trương.
Từ nguồn đóng góp của các thành viên trong nhóm, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, cộng thêm nguồn quỹ từ việc thu gom ve chai (nhóm từ thiện An Lạc Thiện Tâm thường xuyên đi thu gom ve chai bán gây quỹ để tổ chức các hoạt động thiện nguyện), các thành viên bắt đầu lên kế hoạch thực hiện.
Theo đó, từ thứ Hai đến Chủ nhật, nhóm tổ chức bán bánh mì thịt với giá 5.000 đồng/ổ. Riêng ngày thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, nhóm tổ chức bán cơm với giá 5.000 đồng để giúp những người khó khăn, cơ nhỡ, khuyết tật…
Dù đã 66 tuổi nhưng bà Hồ Thị Xuân Hương rất nhiệt tình góp sức, hỗ trợ các thành viên trong nhóm từ thiện. Không chỉ có mặt trong ngày bán cơm (vào thứ Bảy, Chủ nhật), hằng ngày, bà Hương cũng là một trong những thành viên chính đảm nhiệm trông coi, bán bánh mì từ thiện 5.000 đồng tại quán.
“Mỗi ngày tôi tranh thủ dậy thật sớm, chuẩn bị các nguyên vật liệu để phục vụ cho các thực khách. Được góp công, giúp nhiều người khó khăn có được những ổ bánh mì ngon lót dạ, tôi thật sự rất vui, quên hết mệt nhọc” - bà Hương cười hiền.
Không riêng bà Hương, bước sang tuổi 72 nhưng ngày nào, bà Trương Thị Thanh cũng có mặt thật sớm để chung tay cùng các thành viên trong nhóm hoàn thành các suất ăn phục vụ cho người nghèo.
“Được cùng phụ giúp mọi người làm việc thiện, tôi vui lắm! Tôi chỉ mong chút sức già của mình góp phần đem lại niềm vui cho những người khó khăn” - bà Thanh chia sẻ.
Gửi gắm yêu thương vào từng suất ăn nên từ khâu chuẩn bị đến chế biến… đều được các thành viên trong nhóm từ thiện làm chu đáo, cẩn thận như phục vụ cho chính người thân yêu trong gia đình mình.
“Không lấy các thực phẩm trôi nổi, mà nhóm luôn tìm đặt mua rau, củ từ các hộ sản xuất rau an toàn tại tổ 4 phường Thắng Lợi và nguồn thịt tươi sạch ở tận xã Đăk Cấm, xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum) để chế biến các món ăn. Tiêu chí của chúng tôi là phục vụ cho mọi người có được bữa cơm không chỉ đầy đủ, ngon mà còn đảm bảo an toàn. Mỗi suất ăn được chúng tôi gởi yêu thương, chăm chút, chế biến cẩn thận, kỹ lưỡng” - chị Nhung chia sẻ.
Ấm áp những nụ cười
Quán bánh mì, cơm từ thiện 5.000 đồng dù được mở chưa đầy 1 tháng nhưng đến nay đã trở thành điểm hội ngộ quen thuộc của nhiều người khuyết tật, người nghèo, thu nhập thấp.
Từ lúc quán mở ra đến nay, trưa thứ Bảy, Chủ nhật nào vợ chồng anh P và chị H cũng ghé đến ăn, nghỉ ngơi rồi tiếp tục đi bán vé số.
Anh P bộc bạch: Nhà ở xa, lại tật nguyền, nhiều lúc mải mê bán vé số, hai vợ chồng không kịp về nhà nấu ăn. Do bán vé số không lời được bao nhiêu nên mỗi bữa trưa, vợ chồng không dám ra hàng quán bên ngoài ăn mà thường để bụng đói. Từ lúc có quán cơm từ thiện, vợ chồng tôi luôn được ăn no, ăn ngon; mỗi lần ghé quán cảm giác rất ấm áp.
Không riêng vợ chồng anh P, quán cơm trở thành điểm đến của nhiều người lang thang, cơ nhỡ. Vì lượng khách đông nên từ 100 suất cơm mỗi ngày, nhóm đã tăng lên khoảng 200 suất. Thế nhưng, nhiều lúc chưa đầy 12h trưa là quán đã hết sạch cơm.
“Nói là quán cơm 5.000 đồng nhưng thực chất, với nhiều người khó khăn, khuyết tật hay tâm thần… chúng tôi không lấy tiền. Chúng tôi muốn họ có một bữa ăn ngon, no để tiếp tục lao động” - chị Nhung chia sẻ.
|
Chị Nhung cho biết thêm, ngoài những người khuyết tật, khó khăn, nhiều người bình thường cũng ghé vào quán cơm để ăn ủng hộ. Việc tốt nhanh chóng được lan tỏa nên nhóm từ thiện cũng đã nhận được sự sẻ chia từ nhiều mạnh thường quân, đó cũng chính là động lực để nhóm tiếp tục với công việc nhỏ nhưng đầy ý nghĩa.
11h trưa thứ Bảy, quán cơm, bánh mỳ từ thiện 5.000 đồng đông nghịt người. Các thành viên trong nhóm từ thiện niềm nở, phục vụ chu đáo, tận tình tất cả các “thượng đế”.
Trên bàn, mọi người vừa ăn vừa cười nói, chia sẻ những câu chuyện thường nhật, cuộc sống cơ cực trước mắt với bộn bề lo toan, gánh nặng cơm áo, gạo tiền phút chốc như vụt qua.
Những suất cơm biết chia sẻ, giúp mọi người sát lại gần nhau hơn; giúp họ có thêm niềm tin, động lực tiếp tục phấn đấu vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bình An