Ấm lòng nơi chân núi Ngọc Linh

11/10/2021 13:07

Tôi thấy nhói lòng khi nghe thống kê Trường Tiểu học Mường Hoong (xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei) có 12 em học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ và 32 em học sinh không có cha hoặc mẹ. Nhưng lại cảm thấy ấm lòng khi biết được các em vẫn từng ngày vượt khó tiếp tục giấc mơ con chữ nhờ sự quan tâm của thầy cô, người thân và chính quyền địa phương.

Chuyện về cô bé 10 tuổi tự lập

Đón chúng tôi tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Glei, thầy Phạm Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Hoong cùng đoàn tiếp tục vượt qua bao cánh rừng, đoạn lầy, khúc cua tay áo và những đoạn dốc trơn trượt  để đến được điểm trường chính.

Từ lúc gặp thầy Tuấn, nghe thầy tâm sự về những đứa trẻ Xơ Đăng không cha, mẹ, các câu hỏi về cuộc sống hiện tại và tương lai các em cứ chập chờn mãi trong đầu tôi. Và những băn khoăn từng bước được giải đáp khi tôi gặp các em.

Y Quynh (10 tuổi) – cô học trò lớp 5B, trong bộ quần áo sạch sẽ, tươm tất đang chăm chú nghe thầy giáo giảng bài được tôi tiếp cận. Dáng người nhỏ nhắn, da ngăm ngăm, đôi mắt đen lay láy, Y Quynh nhìn tôi với điệu bộ ngượng ngùng. Qua vài phút hỏi chuyện, em mạnh dạn giao tiếp và kể về chuyện tự lập của mình.

Được nhà trường hỗ trợ, chính quyền địa phương giúp đỡ, Y Quynh có đầy đủ quần áo, sách vở để đến trường. Ảnh: V.T

 

Cha Y Quynh mất vào năm 2018 do bệnh viêm gan, còn người mẹ là chỗ dựa duy nhất để em tiếp tục học hành. Ấy vậy mà, hai năm sau, mẹ cũng rời xa Y Quynh, bỏ lại em cùng một người chị và anh trai.

Chị Y Quynh 18 tuổi, đang theo học tại Trường PTDTNT Tu Mơ Rông, dăm bữa, nửa tháng mới về thăm em một lần. Còn anh trai thì nghỉ học từ nhỏ, đang làm công nhân xây dựng dưới thành phố Kon Tum. Do công việc, số lần người anh về thăm Y Quynh cũng đếm trên đầu ngón tay.

Những ngày đầu khi người mẹ qua đời, anh, chị chỉ ở với em vài hôm rồi cũng xa nhà. Cô học trò nhỏ phải tự mình vun vén, lo toan mọi thứ trong nhà. Nắm bắt được hoàn cảnh của Y Quynh, nhà trường phân công thầy cô giáo thay phiên nhau đến chăm cô học trò nhỏ và động viên em tiếp tục đến trường.

Y Quynh kể: Các cô rất thương em, thường mua thức ăn, gạo cho em nấu cơm. Các cô, thầy còn sửa nhà cho em, tặng gà cho em nuôi lấy trứng, tặng quần áo, sách vở cho em đi học... Bây giờ, em quen rồi nên tự nấu ăn và lo cho bản thân mình. Món ăn em yêu thích và hay ăn nhất là mì tôm trộn với cơm. Món này chế biến rất dễ, lại ít tốn kém.

Tan giờ học, tôi tìm đến nhà em Y Quynh ở thôn Đăk Bể, cách điểm trường tầm 1km. Trong ngôi nhà vách ván, mái ngói cũ kỹ, nền láng xi măng lâu ngày bị bong tróc, ngoài những tấm ảnh về cha, mẹ, thì chiếc nồi cơm điện do nhà trường tặng có lẽ là đồ vật có giá trị nhất. Y Quynh bố trí đồ đạc rất gọn gàng, có góc học tập riêng, chỗ ngủ xoay quanh bếp lửa để em sưởi ấm vào những ngày rét lạnh, chỗ treo quần áo đặt cách xa bếp và dưới mái hiên nhà là nơi lót ổ cho gà đẻ.  

 Đều đặn mỗi ngày, sau giờ học, em lại trở về nhà tự nấu cơm và giặt giũ quần áo. Tối đến, em ôn bài. Những đêm trời mưa, khí lạnh tràn vào nhà; những lúc nước mưa tạt qua vách ván hay dột trên mái ngói, em lại nhớ đến vòng tay mẹ ôm vào lòng, hình ảnh người cha căng áo mưa trên nóc màn lúc nửa đêm. 

Mất cha, mẹ, những chỗ dột, những khe hở nơi vách ván ấy, em dựa vào tình yêu thương của các thầy cô Trường Tiểu học Mường Hoong sửa chữa.

9 tuổi tự lo mình, chăm em

Cũng có hoàn cảnh đáng thương như Y Quynh, 2 anh em A Khuất (học lớp 4) và A Khảo (học lớp 2) phải chịu những cú sốc lớn về tình thần khi cả mẹ và cha lần lượt qua đời.

Thời gian đầu khi cha mẹ mới mất, hai anh em tự chăm sóc nhau. Nhà A Khảo và A Khuất nằm ở thôn Ngọc Nang. Từng ngày trôi qua, hai anh em vẫn miệt mài đến trường, rồi lặng lẽ trở về nhà, nhưng không còn hơi ấm từ bếp lửa ửng hồng do ba mẹ nhen nhóm, không còn những bữa cơm ấm cúng rộn ràng tiếng cười nói của ba mẹ. Thay vào đó là những lời dặn dò, sự tận tụy của thầy cô bám làng “gieo” chữ, hỗ trợ hai em từng bữa cơm và hướng dẫn cách nấu các món ăn.

Anh em A Khuất tiếp thu rất nhanh, chỉ vài hôm cô thầy hướng dẫn là có thể rành rọt việc nấu nướng. Các món hai anh em thường ăn chỉ quanh quẩn bên những con cá khô cùng với ít rau do các em tự đi hái về làm canh.

Gia đình tuy nghèo, chị Y Phương vẫn nhận nuôi hai anh em A Khuất, A Khảo ăn học. Ảnh: V.T

 

Mẹ A Khuất và A Khảo mất vào tháng 7/2019, còn người cha mất vào tháng 4/2020. Chính vì chuyện người chồng chết cách người vợ chưa tròn 1 năm, nên người dân trong làng gọi là “chết xấu” – quan niệm lạc hậu của bà con nơi đây.

Theo quy định của dân làng, nhà nào xảy ra “chết xấu” phải phá bỏ hoặc di dời. Vậy là sau 3 tháng tự lập, hai anh em phải tạm biệt căn nhà gắn bó bao năm và chuyển đến nhà cậu mợ để ở. Nhà cậu mợ A Khuất có hai người con gái, gia đình không khá giả. Nhưng với tình yêu thương vô bờ, vợ chồng cậu mợ đã dang rộng vòng tay đón anh em A Khuất, A Khảo về nuôi.

Chúng tôi đến tìm nhà cậu mợ A Khuất ở thôn Ngọc Nang. Trong căn nhà sàn tầm 25m2, 4 đứa trẻ hồn nhiên nô đùa. Tôi bật cười khi nhìn thấy mái tóc của hai cậu bé bị xẻo mất phần tóc mái bởi người “thợ” đặc biệt. Khi hỏi thăm về người “thợ”, hai anh em đều chỉ tay vào chị Y Thúy – con gái đầu của cậu, mợ.

Chị Y Phương – mợ hai cháu tâm sự: A Khuất và A Khảo rất ngoan. 2 cháu và 2 đứa con tôi chơi với nhau rất thân thiết, thương yêu nhau như chị em ruột thịt. Nhà tôi tuy nghèo, nhưng vẫn lo được cho hai cháu ăn học. Có cơm ăn cơm, có rau ăn rau, hai đứa nó rất dễ nuôi, không bao giờ đòi hỏi. Tối đến, nhóm bếp lửa lên là cả nhà đều ấm.  Mỗi ngày, tôi dặn dò hai cháu đi học đều đặn, không được nghỉ học. Nhà tôi cách điểm trường vài trăm mét, những hôm trời mưa, tôi lấy những chiếc bao cũ cắt làm áo mưa cho các cháu che đến trường.

Khi được hỏi về ước mơ, A Khuất mạnh dạn nói muốn trở thành một chiến sĩ công an, còn cậu em A Khảo thì cười ngượng ngùng, núp sau vai anh cả.

Hai anh em A Khuất, A Khảo cùng nhau học bài. Ảnh: V.T

 

Thầy Phó Hiệu trưởng Phạm Anh Tuấn tâm sự: Ngoài 3 em Y Quynh, A Khuất, A Khảo, trường còn 9 em mồ côi cả cha lẫn mẹ và đang được người thân, họ hàng chăm sóc. Tất cả các em đều được hưởng chế độ mồ côi. Để các em yên tâm đi học, nhà trường luôn tạo điều kiện giúp đỡ các em về quần áo, dụng cụ học tập và cắt cử giáo viên hỏi thăm, động viên để nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ. Riêng em Y Quynh, A Khuất và A Khảo, mỗi tháng nhà trường còn hỗ trợ cho các em 200.000 đồng nhằm động viên các em vươn lên trong học tập.

Ông Lê Bá Thế - Chủ tịch UBND xã Mường Hoong cho biết: Trong thời gian tới, xã dự kiến sẽ xây một căn nhà “Đại đoàn kết” từ nguồn hỗ trợ của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh, với diện tích khoảng 50m2, tổng kinh phí là 80 triệu đồng cho hai em A Khuất và A Khảo. Còn với em Y Quynh, xã vẫn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà hàng tháng để động viên em. Đối với trường hợp những em mồ côi trên địa bàn, xã phối hợp với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh luôn sẵn sàng đưa các em về chăm sóc, nếu như các em không có nơi nương tựa.

Chiều tà, tôi rời trường khi mây mù bảng lảng thoắt ẩn thoắt hiện vây kín làng, xã. Trong lòng ngổn ngang bao chuyện về các em mồ côi cha, mẹ. Chợt nhớ lại những niềm mong ước chân thật, đáng yêu của các em và cảm thấy ấm lòng bởi các em được các thầy cô giáo, người thân và chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho các em được tiếp bước đến trường.

Văn Tùng

Chuyên mục khác