Ảm đạm mùa cà phê năm nay

26/12/2018 06:51

​Mùa thu hoạch cà phê năm nay không tấp nập người mua, kẻ bán như mọi khi. Đây là niên vụ cà phê thất bát, vừa mất mùa vừa mất giá. Không khí mùa vụ ảm đạm, phần lớn người lao động và các doanh nghiệp cà phê đang trữ hàng và chờ giá lên. Thị trường cà phê đang cơn “nóng lạnh” như bấy lâu nay mà người trồng và người kinh doanh cà phê đành phải chịu...

1. Mùa thu hoạch cà phê, đất trời Tây Nguyên cuồn cuộn gió cuốn. Các vườn cà phê ở các xã Hà Mòn, Đăk Mar, Ngọc Wang, thị trấn Đăk Hà (Đăk Hà)... mới ngày nào còn đỏ mọng quả, đón những đoàn người lao động từ các các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... lên thu hái thì nay phần lớn trụi quả, trơ cành.

Khi tôi tìm hiểu về mùa vụ cà phê năm nay, chị Nguyễn Thị Điểm (thôn 5, xã Hà Mòn) - chủ nhân của 2ha cà phê, mở giọng buồn buồn trút “bầu tâm sự”: Năm nay cà phê mất mùa, gia đình em bỏ bao nhiêu công sức và vốn liếng đầu tư, nhưng năng suất cà phê thu được chỉ đạt 13 tấn quả tươi/ha. Đây là vườn cà phê cũ, gia đình mua lại của một người dân trong vùng với mong muốn đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất, kiếm thêm thu nhập, nâng cao đời sống, nhưng kết quả thu được không như mong muốn. Với năng suất cà phê thu được và với giá cả như hiện nay, mùa cà phê này, gia đình thu không đủ chi.

Năng suất bình quân của cà phê phải đạt từ 15 tấn quả tươi/ha trở lên người trồng mới có lãi

 

“Chuyên canh cà phê, năng suất bình quân phải đạt từ 15 tấn quả tươi/ha trở lên mới có lãi. Dưới mức này, người trồng lỗ vốn đầu tư chăm sóc và thuê người hái quả” - chị Điểm thật lòng.

Ngay cả những vườn cà phê của Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung chuyên sản xuất cà phê theo mô hình hữu cơ, an toàn, mọi năm năng suất bình quân đạt 21-25 tấn quả tươi/ha (tương ứng 4-5 tấn nhân/ha), thậm chí có vườn đạt năng suất 27-28 tấn quả tươi/ha (gần 7 tấn nhân/ha), nhưng năm nay cũng bị mất mùa thê thảm. Năng suất cà phê của Hợp tác xã giảm 20-30% so với vụ mùa năm ngoái, có vườn cà phê đạt dưới 15 tấn tươi/ha. Nguyên nhân là do năm nay mưa nhiều, cà phê rụng quả, vì vậy năng suất thấp.  

Ông Nguyễn Tri Sáu - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung phân trần với chúng tôi: Trong khi cà phê mất mùa, giá hạt cà phê giảm, nhưng công lao động hái cà phê không giảm. Năm ngoái, giá nhân công hái cà phê với mức 70-80 nghìn đồng/tạ quả thì năm nay lên 80-90 nghìn đồng/tạ quả. Các chi phí đều tăng lên, nhưng thu nhập của người trồng cà phê giảm đi. Mùa cà phê ảm đạm, làm cho người trồng cà phê nản lòng.

“Đó là cái lẽ thường tình của câu chuyện nhà nông”- ông Nguyễn Tri Sáu chốt lại một câu đầy “chát đắng”, cảm thông với những khó khăn của người nông dân xưa nay.

“Gỡ gạc lại cho Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung là ở khâu chế biến và tiêu thụ cà phê rang xay. Sản lượng cà phê rang xay của hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ tăng 25-30% so với mọi năm. Đặc biệt, năm nay, Hợp tác xã cho ra mắt cà phê hoà tan. Sản phẩm cà phê của hợp tác xã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh và được khách hàng đánh giá cao”-ông Nguyễn Tri Sáu chia sẻ.

Đến những vườn cà phê của các công nhân chuyên canh cà phê ở thị trấn Đăk Hà, chúng tôi nhận thấy ở các vườn cà phê không nhộn nhịp như mọi khi.

Chị Đỗ Thị Thương (công nhân Đội 5, Công ty TNHH MTV Cà phê 731) trải lòng: 1,8ha cà phê nhận khoán em vừa thu hoạch xong, nay gia đình bước vào dọn vườn, tỉa cành. Vườn cà phê gia đình em trên 30 năm tuổi, năng suất cà phê năm nay đạt 17 tấn quả tươi/ha. So với giá thành sản xuất, mùa thu hoạch cà phê năm nay, gia đình không lỗ cà phê, nhưng lãi không được nhiều, chỉ bỏ công làm lãi. Tuy nhiên, có một số vườn cà phê của công nhân khác cây quá già cỗi, năng suất cà phê giảm 10-15% so với năm ngoái và thu được dưới mức giá thành sản xuất.

“Ở những vườn này, cần phải tái canh cà phê. Bây giờ có những giống cà phê lai đa dòng của Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên (trước là Viện Nghiên cứu Cà phê Eakmat) cho năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt. Đầu tư tái canh bằng những giống mới, năng suất cà phê của công nhân sẽ tăng lên”-chị Thương bộc bạch.

Ông Nguyễn Trọng Kết (công nhân Đội 3, Công ty TNHH MTV Cà phê 731) có thâm niên chuyên canh cà phê cho biết: Mặc dù cây cà phê công nhân của Công ty TNHH MTV Cà phê 731 giữ được năng suất tương đối ổn định so với các đơn vị khác, nhưng năm nay cũng bị giảm. Năng suất cà phê của gia đình tôi chỉ đạt 15-16 tấn tươi/ha. Trừ hết chi phí đầu tư, gia đình tuy không bị lỗ, nhưng lãi không đáng là bao. May mà còn giữ được vốn, có nhiều người chuyên canh cà phê trong vùng năng suất thấp, lỗ vốn.

2. Gọi điện hỏi thăm tình hình thu hoạch cà phê ở một số công ty chuyên canh cà phê khác trên địa bàn huyện Đăk Hà, chúng tôi nghe các vị giám đốc than vãn: mùa cà phê năm nay ảm đạm, năng suất cà phê giảm đến 20-30% so với năm ngoái.

Thực tế nhiều năm tìm hiểu tình hình thu hoạch cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà, chúng tôi được biết các vườn cà phê của Công ty TNHH MTV Cà phê 731 thường giữ được năng suất ổn định hơn các vườn cà phê của các công ty khác là do khu vực đất đai thuận lợi, địa hình chắn gió và kỹ thuật chăm sóc của người công nhân cao hơn.  

Chế biến cà phê thông qua bọc vải trùm để hạn chế gây ô nhiễm môi trường

 

Không phủ nhận vấn đề này và trao đổi quanh chuyện mùa vụ, ông Phạm Văn Sớm - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 731 cho biết, năng suất cà phê năm nay của công ty đạt 3,3 tấn cà phê nhân/ha, giảm 10% so với vụ mùa năm trước. Tuy nhiên, với năng suất này, công ty vượt 16% so kế hoạch. Ở các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp, công ty tái canh 24,5ha cà phê và đang thực hiện kế hoạch tái canh cà phê theo lộ trình.  

Về giá cả, ông Sớm cho biết, vào đầu vụ giá cà phê nhân trên thị trường 37,10 triệu đồng/tấn nhân thì nay chỉ còn 33,8 triệu đồng/tấn. Khắc phục cà phê mất mùa và hạ giá, Công ty TNHH MTV Cà phê 731 tập trung vào xây dựng thương hiệu, chế biến cà phê nhân để tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động. Toàn bộ sản lượng cà phê của công ty được công nhân nhập đưa vào xay xát, chế biến cà phê nhân. Cà phê sau khi nhập xong, công nhân muốn bán lúc nào thì chốt giá vào thời điểm đó. Người lao động được quyền quyết định trên sản phẩm của mình.

Đến các điểm chế biến cà phê của Công ty TNHH MTV Cà phê 731 tại các sân phơi lớn, chúng tôi biết các điểm cà phê đang mở hết công suất. Công nhân làm việc không ngừng tay.

Anh Ngô Văn Hà-chuyên vận chuyển cà phê vào khu chế biến cà phê bộc bạch: Em tham gia vận chuyển cà phê quả khô để chế biến cà phê nhân được hơn 1 tháng rồi. Dự kiến việc vận chuyển và chế biến cà phê nhân khoảng 1,5-2 tháng nữa là hoàn thành. Cà phê nhân qua chế biến tăng thêm giá trị nhiều lần so với cà phê quả vỏ khô chưa chế biến.

Bàn về chủ trương của Công ty TNHH MTV Cà phê 731, chị Đỗ Thị Thương cho rằng, việc công ty cho nhập cà phê tươi để chế biến cà phê nhân và được quyền tự quyết định thời điểm chốt giá bán là phù hợp với nguyện vọng của công nhân. Gia đình chị cũng như các công nhân đều nhập hết cà phê tươi cho công ty. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm nộp về công ty, công nhân chưa chốt giá mà còn trông chờ giá cà phê lên.

Trông chờ là vậy, nhưng người công nhân và các doanh nghiệp ở huyện Đăk Hà nói riêng và Tây Nguyên nói chung không ai có thể đoán định được trong thời gian đến cà phê nhân sẽ lên giá hay sẽ tiếp tục hạ giá, bởi sự “nóng lạnh” của thị trường cà phê phụ thuộc vào sản lượng cà phê và các nhà tư bản lớn chuyên kinh doanh và chế biến cà phê thế giới.   

Câu chuyện mùa vụ và giá cả cà phê có lẽ nói hoài không hết!

Bài và ảnh: Văn Nhiên 

Chuyên mục khác