13/10/2019 06:02
Gọi về một thuở tên làng
Có lẽ, với người dân các thôn 5, 6, 7 (xã Đoàn Kết) và những người gắn bó lâu năm với Kon Tum vẫn quen gọi vùng đất nằm ở phía Tây Nam của thành phố Kon Tum - nơi có cánh đồng lúa rộng nhất thành phố trải dài sát bên dòng Đăk Bla là xứ Tân Điền.
Tân Điền chỉ cách trung tâm thành phố Kon Tum chừng mười phút chạy xe mô tô, nhưng cái xứ ấy bình yên đến lạ thường và dường như mãi “chẳng chịu lên phố”.
Lâu rồi, do guồng công việc cơ quan và gia đình cuốn hút, tôi chưa có dịp trở lại Tân Điền để được hít hà cái “mùi quê” của những cánh đồng lúa trải dài mênh mông, được ngắm cảnh quê cho “no con mắt”, để nhìn những ngọn khói bếp mỏng tang bay lên từ những mái nhà… - một thói quen mà thỉnh thoảng tạo ra cho mình của thời còn trẻ chưa lập gia đình. Nỗi nhớ xứ Tân Điền đến nao lòng.
Một ngày đầu tháng 10, tôi quyết định “xài trọn một ngày” cho Tân Điền mà không một chút đắn đo, nghĩ suy. Nắng vừa lên, tôi “phi lên con ngựa sắt” trực chỉ về hướng Tân Điền. Một cảm giác mới lạ, thoải mái, miên man như “phủ đầy châu thân” lan tỏa. Tôi cảm nhận được những gió heo may thổi nhẹ mang theo mùi thơm của hương lúa xen lẫn chút ngai ngái của đất ruộng trong buổi sớm mai thanh bình, yên ả. Qua cánh đồng, thấp thoáng phía xa là làng Tân Điền với ngôi nhà cấp 4 xung quanh được bao bọc bởi những rặng dừa và khóm tre. Lạ thật, lần nào qua đây tôi cũng bị “níu chân” bởi nét thanh bình của làng quê, nó khác xa sự ồn ào, hối hả của phố thị.
Những người già nơi đây vẫn thường kể cho con cháu về một thuở khai đất, lập làng để “lớp chúng nó biết mà tự hào về thế hệ cha ông đi trước”.
|
Gia đình ông Trịnh Công Thắng ở thôn 5 rời miền quê Bình Định lên vùng đất Tân Điền lập nghiệp, sinh sống từ những năm đầu của thế kỷ trước, đến ông là đời thứ 2. Ông Thắng được nghe cha mẹ kể lại rằng: Từ hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cư dân miền xuôi từ dưới Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định lên Kon Tum làm ăn, sinh sống cư ngụ tại làng Tân Hương (thuộc phường Thống Nhất ngày nay) phát hiện vùng đồng đất có tên là Hà Gặt (cũng có khi gọi là Hà Ghẹt) - nơi có vị trí đẹp, bằng phẳng có thể cải tạo để lập làng, mưu sinh. “Nói thì nói vậy, nhưng lúc bấy giờ, cánh đồng Hà Gặt chỉ là một đồng cỏ hoang dại. Mùa nắng, ngoài những vùng trũng sình lầy cỏ xanh quanh năm, còn lại thì cỏ khô héo, đất nứt nẻ. Nhưng về mùa mưa nước ngập trắng đồng, chim cá sinh sôi phát triển nhiều vô kể. Điều kiện thiên nhiên ưu đãi rất dồi dào, cùng với sự thích hợp cho việc canh tác lúa nước nên một số người từ làng Tân Hương đã cùng nhau sang đây khai khẩn và lập chòi cư ngụ, từng bước lập ấp, lập làng” - ông Trịnh Công Thắng thủng thẳng kể.
Thế nhưng, cái tên làng Tân Điền thì mãi đến những năm 1950 mới ra đời, địa giới hành chính thuộc xã Phương Hòa (nay là phường Nguyễn Trãi và xã Đoàn Kết). Và, người dân cũng gọi cánh đồng Hà Gặt theo tên gọi của làng là Tân Điền. Thời bấy giờ dân cư khá thưa thớt, họ làm nhà rộng khắp các khu vực trong làng Tân Điền, trải từ cánh đồng Hà Gặt vào đến tận Dốc Xã Cảnh (giáp xã Ia Chim).
Về tên gọi Tân Điền, nghe các cụ cao niên ở đây giải thích rằng: Ngày trước, những người đầu tiên đi khai khẩn vùng đất Tân Điền đều là người dân từ làng Tân Hương cho nên khi lập làng họ lấy chữ “Tân” đứng đầu để nhớ đến làng gốc, còn chữ Điền chính là chỉ vùng đất có cánh đồng rộng lớn.
Tôi miên man suy nghĩ, Tân Điền sẽ hiện lên hấp dẫn, ấn tượng hơn rất nhiều qua góc quay từ flycam, vì nó rõ mồn một một vùng đất bằng phẳng bao quanh khu dân cư toàn là đồng ruộng. Từ nhà ra ruộng thật gần, chỉ mấy bước chân. Thế mới thấy, người xưa đặt tên vùng đất này Tân Điền chẳng sai một tý nào.
Trải qua một quá trình dài phát triển, người dân Tân Điền từ khắp các miền quê lên đây định cư luôn chung sống thân thiện, giúp đỡ lẫn nhau, đúng như cái tên gọi của xã bây giờ là “Đoàn kết”.
Xanh ngát Tân Điền
Tôi nhớ có lần vào thăm gia đình ông Lê Việt Hùng quê ở huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) - Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi thành phố Kon Tum ở thôn 5 (xã Đoàn Kết). Căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa khuôn viên xanh mát rượi khiến cho những ai đang sống ở trong phố phải thèm.
Dẫn tôi tham quan khu vườn đủ loại cây trái, bên cạnh là mấy cái ao cá, ông Hùng kể: Hồi sau giải phóng năm 1975, tôi có cơ hội để định cư ngoài phố, nhưng vì yêu, vì mến cái bình yên, trù phú của vùng đất Tân Điền mà quyết định đưa vợ con “dạt” sang đây. Mãi đến bây giờ, tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận về lựa chọn của mình, bởi phố phường thuận tiện thật, nhưng cũng chẳng đánh đổi sự thanh bình, thư thái riêng có nơi đây. Phố với làng bây giờ càng gần, vì đường sá đẹp hơn, phố cũng mở rộng hơn, chỉ cần băng qua cái cánh đồng Tân Điền là ra đến phố. “Thế nhưng, cô xem, chỉ một khoảng cách nhỏ vậy mà mọi thứ khác hẳn, ở đây bình dị, thân thương đúng kiểu quê, chất quê. Có lẽ cũng vì thế mà nhiều người ở trong này ra phố làm việc nhưng không chuyển nhà đi” - ông Hùng chia sẻ.
Vẫn nguyên giọng quê “xứ nẫu”, ông Đặng Khương (ở thôn 6) bảo: Chẳng biết có phải tôi và những người dân nơi đây “bảo thủ” hay “chậm tiến” mà rất gắn bó với đồng ruộng và cây lúa. Từ người già đến trẻ đều yêu từng tấc đất, bám lấy đất vì với chúng tôi đất là ruột già, máu thịt, là cội nguồn, tinh huyết của cha ông. Đất không phụ công người, mỗi năm 2 vụ lúa mang về nguồn thu nhập ổn định cho mỗi gia đình.
|
Về làm lúa có lẽ khó có nơi đâu ở vùng ven thành phố Kon Tum “qua mặt” được dân Tân Điền. Một phần vì nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho đất đai màu mỡ, tích trữ nhiều phù sa; nhưng phần lớn là vì người dân có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác lúa giỏi tích lũy qua từ nhiều đời. Hàng năm, các cánh đồng lúa trên địa bàn xã Đoàn Kết cho năng suất bình quân từ 75 - 80 tạ/ha để bù đắp, đáp lại nghĩa tình của những con người không bao giờ rời bỏ ruộng đồng như ông Khương.
Không chỉ chuyên canh cây lúa, người dân nơi đây còn trồng cả mía và cà phê. Chỉ vài bữa nữa người dân Tân Điền sẽ thu hoạch vụ lúa mùa - đây là vụ chính trong năm, sau đó sẽ hái cà phê rồi chặt mía; lại quay sang làm đất, gieo vụ vụ Xuân... Công việc nhà nông cứ thế quay vòng bất tận.
Riêng khoản cây trái thì quanh năm bốn mùa nhà nhà đều có thu. Trong vườn nhà nào cũng trồng dăm bụi chuối, bên hông nhà mươi cây dừa, đằng sau thì ổi, mít, chôm chôm…
Mùa nối mùa, đó là cách mà các gia đình ở Tân Điền làm để không bao giờ lo mất mùa, lo thất thu nhằm đảm bảo cho cuộc sống ổn định.
Nhờ đa dạng cây trồng mà thu nhập bình quân đầu người ở đây khá cao, khoảng 35 triệu đồng/người (năm 2018).
Trưa, tôi trở ra từ làng Tân Điền.
Vừa đến phố, nghe những tiếng còi xe vội vã, tôi ngó lên mấy ngôi nhà cao tầng bỗng thấy thương tha thiết vẻ yên bình và màu xanh như ở xứ miệt vườn - Tân Điền. Màu xanh ấy được gìn giữ, bảo vệ bằng chính bàn tay của từng cư dân qua nhiều thế hệ.
Tên làng Tân Điền giờ không còn trong giao dịch hành chính, nhưng nó vẫn vẹn nguyên trong tâm thức của mỗi người dân ở xã Đoàn Kết. Cho dù ở thôn 5, thôn 6 hay thôn 7 thì với người dân Tân Điền tình cảm là thứ vẫn không gì thay đổi. Họ bảo ban, giúp đỡ nhau xây dựng làng xóm, tạo dựng một miền quê nông thôn mới trù phú ngay bên rìa phố.
Thiên Hương