Tục ăn những hạt lúa giống cuối cùng trong năm của người Ba Na ở làng Kon Brap zu

16/10/2017 18:18

​Hàng năm, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch, vào thời điểm lúa trổ bông, bà con đồng bào Ba Na ở làng Kon Brap Zu (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) lại tổ chức Tết Ét Đoong để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống dân làng no đủ. Trong ngày Tết Ét Đoong, đồng bào Ba Na nơi đây tổ chức ăn những hạt lúa giống cuối cùng trong năm để chuẩn bị đón những hạt lúa mới từ rẫy về…

Bí thư chi bộ, già làng A Jring Đeng gọi điện mời chúng tôi về làng đón Tết Ét Đoong cùng với dân làng. Già căn dặn, ngày Tết dù diễn ra cả ngày nhưng để hiểu biết được nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người Ba Na nơi đây phải đến từ sớm, bởi từ 6 đến 7 giờ sáng, nhà nhà nơi đây đã thực hiện nghi lễ cúng và ăn những hạt giống lúa cuối cùng trong năm.

Là đảng viên mẫu mực, từng làm cán bộ lãnh đạo xã, khi về nghỉ hưu tại địa phương, già A Jring Đeng được dân làng tín nhiệm bầu chọn làm già làng. Với trách nhiệm của mình, già A Jring Đeng luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con dân làng gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Già làng A Jring chuẩn bị con dúi để cúng Tết Ét Đoang

 

5 giờ sáng, từ thành phố Kon Tum chúng tôi ngược quốc lộ 24 về làng Kon Brap Zu để kịp chứng kiến lễ cúng và ăn những hạt lúa giống cuối cùng trong năm của gia đình già làng A Jring Đeng.

Căn nhà của già làng A Jring Đeng thường ngày chỉ có hai vợ chồng già nhưng ngày Tết Ét Đoong thì con, cháu tập trung về rất đông đủ.

Vừa chuẩn bị cho lễ cúng tại gia đình, già A Jring Đeng vừa giải thích: Trước khi dân làng tụ tập tại nhà rông của làng để tổ chức Tết Ét Đoong, thì tại mỗi gia đình đều phải tổ chức lễ cúng và ăn những hạt lúa giống cuối cùng trong năm tại gia đình. Bởi, đồng bào Ba Na quan niệm, sau khi hạt lúa giống được gia chủ xin phép thần lúa cho mang ra khỏi kho lúa để lên rẫy trỉa (khoảng thời điểm tháng 4), nếu còn dư sẽ không được phép mang về nhà mà phải để ở chòi rẫy phòng khi phải trồng trỉa lại vì bị chim, chuột phá hoặc gặp thời tiết không thuận. Đến thời điểm lúa rẫy trổ bông (chắc chắn cây lúa sẽ cho hạt), bà con mới được mang những hạt lúa giống còn lại về để tổ chức Tết Ét Đoong. Ý nghĩa của việc ăn những hạt lúa giống cuối cùng trong năm là để tiễn cái cũ, cầu mong vụ mới cây lúa sẽ trĩu bông, mang lại thóc lúa đầy bồ...

Để tổ chức Tết Ét Đoong, từ trước đó cả vài tháng, các gia đình đồng bào Ba Na ở làng Kon Brap Zu đã lo đi rừng tìm con dúi về treo gác bếp. Mỗi gia đình phải chuẩn bị ít nhất 2 con dúi, một con để cúng tại gia đình, sau đó chia cho con cháu cùng ăn với cơm được nấu từ những hạt lúa giống cuối cùng trong năm; con còn lại được mang lên nhà rông để già làng tổ chức lễ cúng.

Già A Jring Đeng cho biết thêm, sở dĩ trong Tết Ét Đoong, người Ba Na nơi đây không tổ chức giết thịt con heo, con bò, con gà để cúng Giàng mà chỉ cúng con dúi vì đây là con vật rất linh hoạt, dễ ăn (ăn tạp), lại có thể sinh trưởng và phát triển được 4 mùa trong năm. Già A Jring Đeng bảo, nghe người già trong làng ngày trước kể lại, xưa kia, người Ba Na nơi đây cũng đã chọn con rắn làm vật hiến sinh nhưng rồi mùa màng bấp bênh lắm, có năm được mùa thóc lúa đầy bồ nhưng có năm thì nạn đói hoành hành. Nghĩ con vật hiến sinh không phù hợp nên dân làng cùng bàn bạc và thống nhất đổi con vật hiến tế là con dúi và kết quả lúa trên nương rẫy luôn trĩu bông nên mới duy trì đến ngày nay…

Hộ gia đình làng Kon Brap Zu cúng cầu mong cây lúa trổ bông đều, chắc hạt để không bị đói nghèo

 

Để tổ chức lễ cúng và ăn những hạt lúa giống cuối cùng trong năm, bà Y  Xek - vợ của già làng A Jring Đeng cùng các con, cháu gái đã phải thức dậy từ rất sớm để giã những hạt lúa giống cuối cùng nấu cơm. Già A Jring Đeng cùng con, cháu trai thì lấy những con dúi trên gác bếp xuống; chọn 1 con để chế biến thành một số món để cúng Giàng tại gia đình; con còn lại thì trang trí thật đẹp để mang lên nhà rông góp vào cùng cộng đồng làng cúng Giàng theo tập tục.

Bà Y Xek cẩn thận mang chiếc nồi đất cất rất kỹ trong góc nhà ra để chuẩn bị nấu cơm từ những hạt lúa giống cuối cùng trong năm. Bà bảo với chúng tôi, nấu cơm để cúng trong ngày Tết Ét Đoong ở góc độ gia đình phải nấu bằng chiếc nồi riêng và không ai được tự ý đụng vào để không thất kính với Giàng.

Khi cơm và những món từ thịt con dúi đã chế biến xong, già làng A Jring Đeng lấy những tấm lá chuối đã chuẩn bị sẵn từ chiều hôm trước trải ra ở đầu nhà sàn - nơi cất giữ con dao, cái rựa rồi xới cơm trắng, thịt dúi lên. Xong đâu đấy, già bắt đầu khấn Giàng và báo tin cho thần lúa, thần sông, thần núi về chứng giám, phù hộ cho các thành viên trong gia đình may mắn, có được sức khỏe, ruộng nương phát triển tốt, cây lúa trổ bông đều, chắc hạt để xua đi cái đói, cái nghèo.

Sau khi cúng xong, già A Jring Đeng bắt đầu chia cơm và thịt dúi cho tất cả các thành viên trong gia đình. Mọi người cùng ngồi ăn và trò chuyện vui vẻ cho đến khi ăn hết những hạt cơm nấu từ những hạt lúa giống còn lại trong năm.

Chị Y Khách – con gái của già làng A Jring Đeng cho biết, mặc dù đã đi lấy chồng ở thị trấn Đăk Rờ Ve (huyện Kon Rẫy) nhưng năm nào vợ chồng chị cũng sắp xếp về nhà bố mẹ ăn những hạt gạo lúa giống cuối cùng trong năm và ăn Tết Ét Đoong để cầu mong Giàng phù hộ sức khỏe, ruộng rẫy tốt tươi, thóc lúa đầy bồ.

Già A Jring Đeng cho biết, cuộc sống bây giờ tuy có nhiều đổi khác, bên cạnh diện tích lúa rẫy (30 ha), bà con cũng đã phát triển diện tích lúa nước (12 ha); nhiều hộ gia đình đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… nhưng những gì thuộc về phong tục truyền thống thì già vẫn khuyên bà con phải bảo tồn và phát huy nhằm nhắc nhở con cháu phải biết nhớ về ông bà tổ tiên của mình.

Chờ đến 11 giờ trưa để ra nhà rông làm lễ cúng Tết Ét Đoong dưới góc độ cộng đồng làng, già A Jring Đeng mời chúng tôi vào nhà vít ghè rượu cần. Ngồi trên gian nhà sàn ấm cúng, hơi men rượu cần nồng nàn, già A Jring Đeng khoe với chúng tôi: Từ lâu lắm rồi, làng Kon Brap Zu (175 hộ) không còn cái đói. Với nhiều chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ, bà con dân làng không còn độc canh cây lúa hay cây mì mà đã phát triển được 20 ha cà phê nên tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 34%. Bà con cũng đã góp công góp sức để cùng với Nhà nước bê tông hóa nhiều tuyến đường nội thôn nhằm chung tay xây dựng nông thôn mới. Một số lễ hội và bản sắc văn hóa truyền thống luôn được bà con đồng bào Ba Na nơi đây gìn giữ và phát huy…

Đã đến giờ báo hiệu cho dân làng tập trung để làm lễ cúng, già A Jring Đeng vội vàng lên nhà rông để đánh mấy tiếng cồng chiêng báo hiệu. Đứng ở nhà rông của làng Kon Brap Zu, phóng tầm mắt nhìn lên phía triền đồi bao quanh làng, nhìn những vạt lúa rẫy xanh rì đang trổ bông đong đưa trong gió tỏa mùi thơm dịu nhẹ, trông nét mặt của già A Jring Đeng vô cùng phấn khởi bởi như già đã đoán định được một vụ mùa sắp tới sẽ bội thu…

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác