15/09/2019 06:01
Từ bao đời nay, người Gia Rai ở làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) luôn quan niệm rằng, âm thanh phát ra từ trống mang sức mạnh siêu nhiên, là vũ khí để xua đuổi ma quỷ hay những hiện tượng tự nhiên mà trước đây người dân chưa hiểu được và cho rằng đó là điềm gở (như nhật thực hoặc nguyệt thực…). Người Gia Rai xem trống là vật thiêng mang yếu tố tín ngưỡng tâm linh nên họ rất quý trọng, giữ gìn trống và cất giữ ở nơi trang trọng nhất trong nhà.
Trống của người Gia Rai ở làng Chốt có 2 loại, trống To có chiều dài thân trống (tang trống) hơn 60cm, đường kính mặt trống hơn 40cm và trống Nhỏ có chiều dài thân trống hơn 40cm, đường kính mặt trống hơn 20cm. Mặt trống được làm từ da trâu hoặc da bò. Thân trống được làm từ thân cây bò ma, đây là loại cây to, thân mềm, không bị mối mọt và nứt.
|
Để bắt tay vào làm trống, công đoạn đầu tiên là người thợ sẽ chuẩn bị da để làm mặt trống. Mỗi chiếc trống được làm từ da của 1 con trâu hoặc 1 con bò. Da được cắt từ phần cổ xuống 4 chân, góc giữa bụng. Sau khi lọc thành một mảng lớn, phần da này được căng đều cố định 4 góc phơi nắng trong khoảng 2 tháng.
Trống của người Gia Rai có điểm khác biệt so với trống của người Kinh, đó là thân trống không phải được ghép từ nhiều thanh gỗ dài và cong lại với nhau mà là một khối thống nhất lấy từ thân cây được đục rỗng ruột.
Việc đẽo đục thân trống cần nhiều thời gian và tỉ mỉ. Đầu tiên là đẽo gọt phần ngoài cho đều láng, sau đó đục rỗng ruột cho đến khi phần thân trống chỉ còn dày không quá 2cm và cuối cùng là đục hoa văn (giống như hoa văn trên thổ cẩm của người Gia Rai) lên mặt ngoài của thân trống. Tất cả các công đoạn này đến sự tỉ mỉ và kinh nghiệm của những người thợ lão luyện mới làm được phần thân trống đảm bảo kỹ thuật trong quá trình chế tác. Đây là công đoạn hết sức quan trọng để tạo ra một chiếc trống như ý bảo đảm cả về mặt kỹ thuật và mỹ thuật.
|
Chuẩn bị làm mặt trống, miếng da sẽ được đem ngâm trong nước 1 đến 2 đêm cho mềm dẻo. Để bọc da, người thợ khoan nhiều lỗ theo vòng tròn xung quanh thân trống, mỗi lỗ cách nhau 1 ngón tay, sau đó đặt miếng da lên trên, căng đều, dùng chốt đinh được làm từ gốc tre già đóng lại.
Khi 2 mặt trống ráp xong, người thợ lấy vỏ cây tơ nung đập dập, ngâm nước, lấy chất nhựa đen bôi lên, dùng tay xoa đều theo hình xoắn ốc để tạo độ bền chắc cho mặt trống.
Khi các công đoạn hoàn thành, người thợ thử âm thanh và điều chỉnh tiếng bằng cách khoét một lỗ nhỏ ở giữa mặt trống để thoát âm. Người thợ cũng thử đánh trống vài tiếng để mọi người trong làng nghe và đánh giá về kỹ thuật làm trống của mình.
Thông thường, để làm được 1 chiếc trống Nhỏ, người thợ cần khoảng 5 ngày và trống Lớn cần hơn 1 tuần. Khi làm xong trống, người thợ làm lễ cúng tế, vật hiến sinh là 1 con heo, 1 con dê và 1 ghè rượu. Máu từ tim của 2 con vật được hòa chung trong 1 bát rượu, thoa đều lên 2 mặt trống. Gan của 2 con vật được cắt thành những miếng nhỏ đặt lên quai của ghè rượu. Sau đó, người thợ khấn “cầu mong được khỏe mạnh, không ốm đau, trống được sử dụng lâu và có âm vang tốt”. Nghi lễ hoàn tất, bà con họ hàng sẽ cùng uống rượu, chung vui với người thợ.
Hiện nay ở làng Chốt, người thợ làm trống giỏi nhất là ông A Toại (79 tuổi), ông học làm trống từ cha của mình và gắn bó với nghề được hơn 50 năm nay. Ông A Toại cho biết, ngày xưa, trống được xem là hàng hóa, trống càng lớn giá trị càng cao, có thể đổi được vật nuôi cùng nhiều vật dụng khác. Do vậy, gia đình nào trong làng có trống đều được xem là gia đình giàu có và được quý trọng.
|
Ông A Toại chia sẻ, trống rất được coi trọng nên các gia đình đều cất trống ở góc nhà, đây cũng là nơi để tiếp khách. Khi trống đã đặt ở nơi cố định, việc di chuyển trống ra khỏi nhà là điều cấm kỵ. Vì vậy, trước khi đem trống đi bán, ông phải cúng 1 con gà và 1 ghè rượu. Việc làm trống để bán giúp ông có thêm thu nhập cho gia đình, đồng thời đây cũng là cách để ông A Toại chiêu dụ con cháu chịu khó bỏ thời gian học nghề do ông truyền lại.
Anh A Huynh - nghệ nhân ưu tú về nhạc cụ dân tộc ở làng Chốt cho hay, hàng năm, trống được người trong làng sử dụng ở nhiều lễ hội như: Đâm trâu, bỏ mả, mừng lúa mới… Trống do nam giới sử dụng, đánh cùng với chiêng. Khi biểu diễn, trống To được 2 người vác trên vai, người thứ 3 đi bên cạnh vừa múa dùi vừa đánh trống theo nhịp rất nhanh; còn trống Nhỏ được 1 người đeo trên cổ, vừa lắc lư người vừa dùng 2 bàn tay vỗ theo nhịp chậm.
“Ngoài là nhạc cụ truyền thống, trống còn được xem là công cụ để báo hiệu điều không hay đang xảy ra với một gia đình nào đó trong làng. Khi tiếng trống vang lên theo nhịp chậm, buồn, đồng nghĩa với việc trong làng vừa có người qua đời”, anh A Huynh nói.
Đức Thành