02/04/2019 06:20
Đến với làng Chờ là đến một nơi mà cảnh quan và cuộc sống, sinh hoạt của con người diễn ra trong không khí thanh bình, phảng phất nét hoang sơ, với những mái nhà sàn của đồng bào Gia Rai dưới bạt ngàn cây xanh hòa quyện. Ở đây du khách sẽ được tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên, đắm mình trong không khi lễ hội mang đậm nét văn hóa của đồng bào Gia Rai, hít thở không khí trong lành, sống chậm lại một chút, tạm quên đi cuộc sống bận rộn với những mưu sinh thường ngày chốn “phồn hoa, đô hội”…
Năm 1995, để đảm bảo cho việc khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Ya Ly, người dân làng Chờ phải di dời về nơi ở mới. Thể theo nguyện vọng của người dân, bến Đợi chính là bến nước được chính quyền địa phương chọn để người dân làng Chờ làm nơi ở mới (và vẫn lấy tên làng cũ làm tên của làng tái định cư- làng Chờ).
|
Sở dĩ người dân làng Chờ chọn bến nước nói trên (bến Đợi) làm nơi định cư mới là vì bến nước có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa và sinh hoạt của người dân nơi đây.
Khi chọn đất để lập làng, điều đầu tiên đồng bào nghĩ đến là nguồn nước. Nguồn nước phải dồi dào, trong lành và phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho cả làng. Theo quan niệm, nguồn nước ấy không chỉ tắm gội cho con người được thanh sạch mà nó còn “tắm gội” cho hồn làng được tinh khiết, có như thế thần linh mới giúp dân làng mùa màng được tươi tốt, tránh được ốm đau bệnh tật.
Theo một số chuyên gia nghiên cứu, ở một phương diện nào đó, nguồn nước (giọt nước, bến nước) đồng nghĩa với làng. Người Tây Nguyên nói làng là những người cùng uống chung một nguồn nước. Xa làng là xa nguồn nước, nhớ làng là nhớ nguồn nước… Giọt nước (hoặc bến nước) của cộng đồng làng không những là nơi người dân lấy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình mà còn nơi họ gặp gỡ giao lưu. Và, cũng chính nơi đây, tình yêu của không ít lứa đôi cũng “đơm hoa, kết trái”. Nguồn nước cũng là nơi rửa sạch bụi bẩn của tự nhiên, thanh lọc tâm hồn con người, trả con người lại cho sự tinh khiết của tình làng…
Lần đến bến Đợi đầu tiên của tôi, sau 3 năm kể từ khi lòng hồ Ya Ly tích nước và tổ máy số 1, số 2 đã đi vào hoạt động; Nhà máy Thủy điện Ya Ly phát điện, hòa vào điện lưới quốc gia. Đó là chuyến đi bắt đầu từ đầu cầu Kroong (thành phố Kon Tum) xuôi dòng Sê San đến tham quan Nhà máy thủy điện Ya Ly bằng đường sông. Trên đường về, chúng tôi ghé bến Đợi của làng Chờ.
Cũng giống như các làng cư trú ven lòng hồ thủy điện Ya Ly, những căn nhà tái định cư được xây dựng bằng vật liệu bê tông, cốt thép, gạch, ngói… nhưng giữ nguyên kiến trúc nhà sàn truyền thống. Người dân làng Chờ đã chuyển đổi một phần diện tích lúa rẫy sang trồng cao su, bời lời. Diện tích đất bán ngập được người dân sử dụng để trồng các loại cây ngắn ngày như mì, bắp, lúa, đậu đỗ… phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Con đường dẫn chúng ta xuống bến nước làng Chờ xuôi theo triền dốc thoai thoải chạy dài theo bãi cát mịn màng. Nước lăn tăn như bạc vụn; chỉ cần một làn gió nhẹ thổi giữa mùa hè chúng ta được tận hưởng cái mát lạnh xoa nhẹ lên da thịt, thật là thú vị. Đứng bên này nhìn sang bờ bên kia có thể thấy rất rõ những ô, nào mì, khoai lang, biền bắp xanh rờn và xa hơn là những vườn cây cao su vươn cao...
Già A Nhíu, làng Chờ nói: Trước đây, núi non cách trở, nhưng giờ có con đường thuỷ của lòng hồ Ya Ly việc đi làm rẫy, làm nương, đến việc chở bắp, chở mì, chở cà phê về và phân bón, máy tưới… đều thuận tiện hơn. Trong làng nhiều nhà đã sắm được thuyền để phục vụ đi lại, chở nông sản.
Ngay cả vào giai đoạn cao điểm của mùa khô, khi mà mực nước lòng hồ thủy điện xuống đến mức thấp nhất, thì bến thuyền đầu làng Chờ vẫn duy trì được độ sâu từ 4- 5m nước. Nơi đây nguyên là một thung lũng nhỏ, khi ngăn dòng thủy điện Ya Ly hình thành một lòng hồ rộng chừng gần trăm héc ta, được kết nối liên thông đường thủy đến thành phố Kon Tum, huyện Ia H’Drai và huyện Ia Grai tỉnh Gia Lai. Tuyến đường thủy này uốn lượn dưới chân các dãy đồi được phủ xanh bởi bạt ngàn cao su, cà phê ngút ngát. Thi thoảng gặp những vách núi cao trầm mặc, in bóng lung linh xuống mặt hồ.
Lòng hồ Ya Ly cũng là nơi thiên nhiên hào phóng ban tặng cho người dân “nguồn cá vô tận” chẳng những đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại chỗ mà còn là khoản thu nhập kha khá cho người dân hai bên lòng hồ từ chính việc đánh bắt cá nơi đây, nhất là vào mùa nước dâng. Người dân dựa vào lòng hồ để kiếm thực phẩm, đánh bắt cá về ăn, trao đổi, mang ra chợ bán. Dòng sông sinh ra bao nghề nuôi sống con người. Con người nương theo dòng sông tự nhiên mà tồn tại.
|
Anh A Tây, người dân làng Chờ cho biết: Đặc biệt lòng hồ này phong phú là cá chép, rô phi, thát lát và cá trắng… giúp cho người dân quanh vùng có thêm nghề mưu sinh bằng giăng lưới, cắm câu khi nông nhàn.
Nếu đã một lần được thưởng thức món cá sông nấu măng chua của người dân làng Chờ, thêm vài quả ớt tím cay nồng, có lẽ ít ai quên được hương vị đặc trưng, quyện vào vị giác hơn bất cứ sơn hào hải vị nào từng nếm trải ở trên đời.
Ngoài điều làm nên sự khác biệt của làng Chờ, đồng bào dân tộc Gia Rai ở làng Chờ luôn có ý thức giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vì vậy, về với làng Chờ, du khách sẽ được đắm mình trong không khí văn hóa, lễ hội còn “mang đậm bản sắc nguyên sơ” của đồng bào Gia Rai- đây chính là điều mà những khách du lịch thích khám phá văn hóa của các tộc người không thể bỏ qua trong hành trình du ngoạn của mình khi đến với mảnh đất Sa Thầy. Một số lễ hội truyền thống vẫn được duy trì như lễ Pơ thi, lễ mừng nhà rông mới, lễ mừng lúa mới… Các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như cồng chiêng, múa xoang, hát giao duyên,…vẫn được những người lớn tuổi trong làng gìn giữ, trao truyền cho con cháu. Nhiều nghệ nhân trong làng vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm, nhưng chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu trong gia đình.
Đến với làng Chờ, du khách sẽ được tham gia vào các lễ hội truyền thống của người dân Gia Rai, hòa mình vào giai điệu cồng chiêng, say đắm trong vòng xoang sơn nữ và ngất ngây với men rượu cần sóng sánh. Được ngao du trên mặt nước lòng hồ, hít thở không khí trong lành và ngắm nhìn phong cảnh sơn thủy hữu tình. Đặc biệt là trải nghiệm dưới những mái nhà sàn, lên nương rẫy hoặc lênh đênh trên những chiếc thuyền đánh cá đêm, thưởng thức những món ăn dân dã…
Xây dựng làng Chờ trở thành một điểm đến du lịch đã được xác định trong Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn đến năm 2025” của huyện Sa Thầy. Theo đó, huyện chủ trương kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng bến cho các tàu thuyền du lịch tại làng Chờ; kết nối liên thông với các tour du lịch đường thủy của tỉnh và khu vực; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng, dịch vụ như bến phà, nhà nghỉ dưỡng, nhà hàng thủy tạ, cửa hàng bán đồ lưu niệm,…
Dựa vào lòng hồ thủy điện Ya Ly để sinh sống, người dân làng Chờ đang tạo dựng cho mình một nét văn hóa đẹp từ bến nước và đang “đợi” được đánh thức tiềm năng du lịch.
Bài và ảnh: DƯƠNG LÊ