Thuyền độc mộc ở Kon Ktu

12/06/2018 07:03

​Đến làng du lịch Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), du khách không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp của mái nhà rông cao vút, những nếp nhà sàn cổ kính của người Ba Na, mà còn được thực hiện chuyến trải nghiệm thú vị, lênh đênh trên sông nước cùng những chiếc thuyền độc mộc do chính bàn tay tài hoa của người dân nơi đây đục đẽo, để thưởng ngoạn cảnh đẹp của dòng Đăk Bla. Đó nhất định sẽ là chuyến đi để lại nhiều cảm xúc trong lòng du khách…

Làng Kon Ktu nằm dọc sông Đăk Bla. Một buổi chiều muộn, tôi theo cha con già A Banh ra bến sông của làng và cùng thực hiện chuyến xuôi thuyền độc mộc về phía con nước chảy xiết đoạn ở cuối làng để đánh bắt cá kơ nông (một loại cá đặc sản nổi tiếng nơi đây thường sinh sống ở vùng nước chảy xiết).

Già A Banh bảo với tôi, chiếc thuyền độc mộc này mới được già tích góp tiền mua gỗ đóng được, có sức chứa khoảng 5-6 người, dùng để phục vụ cho việc đánh bắt cá và khách du lịch khi có nhu cầu thưởng ngoạn cảnh đẹp trên dòng Đăk Bla.

Cha con ông A Banh đi thuyền độc mộc đánh cá trên sông Đăk Bla

 

Vừa khua mái chèo băng băng xuôi dòng nước, già A Banh vừa kể, ngày trước, thuyền độc mộc là phương tiện đi lại chính của bà con dân làng nơi đây nên phần lớn các gia đình đều sắm từ một đến hai chiếc. Chiều về, thuyền độc mộc qua lại trên khúc sông này rất nhộn nhịp, có người đi lên nương rẫy về, có người đi đánh bắt cá; có người vận chuyển, trao đổi hàng hóa nông sản... Bây giờ, đường sá đi lại thuận lợi hơn, thuyền độc mộc không còn được sử dụng nhiều nữa, nhưng với một số gia đình trong làng vẫn còn giữ truyền thống làm thuyền độc mộc để bán (theo đơn đặt hàng của khách), để làm phương tiện đi lại đánh bắt cá trên dòng Đăk Bla hoặc để kinh doanh du lịch.

Gia đình già A Banh ngày trước nổi tiếng với nghề làm thuyền độc mộc ở làng Kon Ktu. Từ nhỏ, già  A Banh đã được cha mình truyền nghề. Để có thể học nghề, già A Banh phải theo cha vào rừng kiếm rất nhiều cây gỗ tạp về thử nghiệm. Qua sự kiên trì thực hiện, với rất chiếc thuyền độc mộc con con do chính bàn tay già A Banh đục đẽo được làm ra nhưng lại bị cha chỉ ra những sai sót và bắt làm lại, cuối cùng già cũng được cha mình công nhận đã thuần thục tay nghề.

Già A Banh cho biết, để làm thuyền độc mộc, người thợ trước đây rất kỹ lưỡng trong việc chọn loại gỗ để đóng thuyền. Gỗ được chọn đóng thuyền phải là những cây gỗ lớn, đặc biệt có khả năng chịu nước và không bị mối mọt như sao, sao cát, dâu, rơ man… Công việc đục đẽo thuyền độc mộc đều được thực hiện ngay ở trong rừng, sau khi cây gỗ được đốn hạ.

Để làm ra một chiếc thuyền độc mộc phải trải qua nhiều công đoạn tạo hình, tạo dáng cho chiếc thuyền nhưng khó nhất là kỹ thuật đục đẽo để tạo dáng phần đầu và phần đuôi thuyền, vì nếu không khéo cây gỗ rất dễ bị nứt. Thuyền làm xong sẽ được bà con dùng dây rừng cột lại và kéo ra bờ sông thả trôi theo dòng nước về tới làng…

Thuyền độc mộc có nhiều kích cỡ khác nhau nhưng phổ biến nhất là thuyền có chiều dài chừng 5m, chiều rộng lòng thuyền chừng 0,5m. Những chiếc thuyền độc mộc tuy cùng một kích cỡ, loại gỗ nhưng có bền, có lướt sóng êm hay không còn phụ thuộc vào bàn tay khéo léo của người chế tác ra nó, đó là bí quyết nghề nghiệp mà không phải ai cũng làm được - già A Banh nói.

Từ ngày có cầu treo Kon Klor bắc qua sông Đăk Bla, rồi những con đường đất được hình thành nối ra các khu sản xuất, bà con trong vùng ít còn sử dụng thuyền độc mộc. Tuy nhiên, do nổi tiếng với tài nghệ làm thuyền độc mộc ở làng Kon Ktu nên già A Banh vẫn được bà con ở nhiều làng ven sông ở thành phố Kon Tum thuộc các xã Đăk Rơ Wa, xã Ngọc Bay, Kroong… tìm đến đặt hàng.

Già A Banh cho biết, bây giờ Nhà nước cấm khai thác gỗ trong rừng nên muốn đóng thuyền bà con phải đi mua gỗ. Nếu muốn đóng thuyền độc mộc loại lớn thì giá thành phải chừng 20-25 triệu đồng, loại nhỏ từ 10-15 triệu đồng (tùy vào loại gỗ). Tuy giá thành rất cao, nhưng vì nghề nghiệp mưu sinh hoặc vì nhu cầu sử dụng để làm phương tiện đi lại, có nơi 4-5 hộ gia đình lại chung nhau để đặt đóng một chiếc thuyền.

Mỗi lần có người đặt hàng, già A Banh lại gọi những người già trong làng biết làm nghề cùng tham gia đục đẽo thuyền, vừa để giữ nghề, vừa giúp cho bà con có thêm thu nhập.

Theo thống kê của thôn trưởng A Nun cũng là con trai của già A Banh, ở làng Kon Ktu hiện nay có khoảng chục người đàn ông lớn tuổi biết đẽo thuyền độc mộc; số thợ trẻ thì chỉ được vài người. Nhờ được cha chỉ dạy nên bây giờ anh A Nun cũng có thể đẽo được thuyền độc mộc.

Thống kê về số lượng thuyền độc mộc ở làng Kon Ktu, thôn trưởng A Nun nhẩm tính, hiện tại có khoảng chục chiếc, chủ yếu là các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng. Ngoài cha anh, còn có hộ gia đình ông A Ben, A Gưch, A Chun, Pjan… Mỗi gia đình có từ một đến hai chiếc thuyền độc mộc.

Nghe con trai nhắc đến du lịch cộng đồng, gương mặt già A Banh “sáng lên niềm vui”: Cũng nhờ phát triển loại hình du lịch này mà thuyền độc mộc ở làng Kon Ktu này mới có cơ hội được duy trì đến hôm nay.

Già A Banh cho biết, khách du lịch đến Kon Ktu chủ yếu là khách nước ngoài hoặc các bạn trẻ thích tham gia các tour du lịch khám phá. Sau những giờ cuốc bộ rong ruổi khắp làng để tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của người Ba Na nơi đây hoặc leo núi thư giãn, nhiều du khách yêu vẻ đẹp thiên nhiên đã không ngần ngại chi ra từ 200.000-300.000 đồng thuê bà con chèo thuyền độc mộc lênh đênh cả giờ đồng hồ để chiêm ngưỡng cảnh đẹp của dòng Đăk Bla thơ mộng lúc chiều tà…

Tại đây, du khách có thể thỏa sức chụp ảnh hoàng hôn buông xuống trên dòng Đăk Bla với sông núi hữu tình; hoặc ghé thăm những bãi bắp, nương khoai của bà con trồng dọc các bãi bồi ven sông, khung cảnh thật nên thơ, thanh bình, yên ả. Mọi mệt nhọc, trăn trở về cuộc sống mưu sinh của con người như tan biến đi trước cảnh đẹp nơi đây, một “năng lượng mới” như được hấp thu để rồi sau chuyến đi họ lại lao vào công việc thường nhật… Và, chính trên chuyến du ngoạn cùng cha con già A Banh này, bản thân tôi cũng đã cảm nhận được điều đó.  

Tầm 30 phút, chiếc thuyền độc mộc của cha con già A Banh đã xuôi từ đầu làng đến cuối làng Kon Ktu. Mẻ lưới đầu tiên đã có mấy con cá kơ nông mắc bẫy. Già A Banh thúc giục con trai đánh thêm vài mẻ nữa để kịp trở về làng trước khi trời ập tối. Mẻ lưới thứ hai, rồi đến thứ ba tiếp tục được kéo lên, nhìn thấy thêm nhiều con cá kơ nông nhảy đành đạch, già A Banh hối con trai lên thuyền để trở về làng.

Cơn gió về chiều thổi mạnh khiến chiếc thuyền độc mộc của già A Banh lướt sóng càng nhanh hơn. Xa xa có mấy chiếc thuyền độc mộc của bà con trong vùng cũng đang kéo những mẻ lưới cuối cùng trong ngày. Một ngày bận rộn mưu sinh của người dân làng Kon Ktu tạm khép lại.  

Chiều muộn, trên bến sông của làng Kon Ktu, lũ trẻ con vẫn còn nô đùa. Nhìn thấy già A Banh xách xâu cá kơ nông, lũ trẻ xúm xít chạy theo ông.

Cách đấy không xa, một người đàn ông trạc ngoài 50 tuổi đang lúi húi sửa lại chiếc thuyền độc mộc. Họ nói với nhau mấy câu bằng tiếng Ba Na hình như là thăm hỏi.

Ông A Chun sửa lại thuyền độc mộc của gia đình để phục vụ khách du lịch

 

Già A Banh quay lại bảo với chúng tôi: Đó là A Chun - người ở làng Kon Ktu này đấy! Thuyền độc mộc của gia đình ông ấy đóng cũng được 7-8 năm nay rồi. Ông ấy đang sửa lại để sắp tới đón khách du lịch.

Hy vọng loại hình du lịch cộng đồng này sẽ ngày càng phát triển và hình ảnh về những chiếc thuyền độc mộc sẽ còn được lưu giữ mãi ở Kon Ktu trong chính hoạt động hàng ngày của người dân nơi đây.

Với tôi, sau chuyến trải nghiệm này sẽ có thêm một địa chỉ nữa để tự hào giới thiệu cùng bạn bè khi đến với Kon Tum.

Du khách đến với Kon Tum không chỉ để tham quan các di tích lịch sử văn hóa, thưởng ngoạn “danh lam thắng cảnh” mà hãy dành thời gian đến với làng du lịch Kon Ktu và lênh đênh trên những chiếc thuyền độc mộc trên dòng sông Đăk Bla thơ mộng vào lúc chiều tà để ngắm nhìn sông nước hữu tình nơi đây. Chuyến đi nhất định sẽ để lại những ấn tượng khó quên trong lòng du khách.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác